Nội san

Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy Thanh nhạc cho sinh viên hệ đại học Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

28 Tháng Bảy 2014

Nguyễn Chí Công

 

Nâng cao chất lượng giảng dạy là một trong những yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu mà đất nước và xã hội đặt ra trong thời kỳ đổi mới. Để nâng cao chất lượng dạy học, vấn đề quan trọng là cần phải nâng cao trình độ giảng viên. Mỗi giảng viên cần phải không ngừng học tập, trau dồi nhiều hơn cả về kiến thức, hiểu biết cũng như về chuyên môn bằng cấp để việc giảng dạy trở nên dễ dàng, khoa học và đem lại hiệu quả cao. Giảng viên cần phải có tinh thần cầu tiến, tìm hiểu, học hỏi những phương pháp, cách thức mới, những tri thức mới cả trong lý thuyết lẫn thực hành.

Đối với giảng viên thanh nhạc, việc nâng cao trình độ chuyên môn là yêu cầu quan trọng và thường xuyên. Không chỉ về thực hành thanh nhạc mà còn là kiến thức lý luận phục vụ cho việc giảng dạy. Việc giảng dạy lý thuyết cần phải kết hợp song song với thực hành, bên cạnh việc luyện thanh (chuyên ngành) thì còn cần quan tâm đến nội dung phương pháp sư phạm của giảng viên vì đó là những phương pháp sẽ được sinh viên áp dụng đối với nghề nghiệp của mình sau này.

Thanh nhạc là một môn nghệ thuật mang nhiều nét đặc thù. Chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy bộ môn này, giảng viên cũng cần có những phương pháp dạy riêng biệt; đó là phải kết hợp kỹ thuật cơ bản thanh nhạc . Đây là cơ sở khoa học cho việc giảng dạy, đồng thời cần phải sử dụng tư duy trừu tượng thì mới hướng người học đạt đến tính nghệ thuật của âm nhạc. Điều này đòi hỏi người giảng viên cần phải thường xuyên tìm tòi, nâng cao kiến thức, trình độ cũng như khả năng phân tích,cảm thụ, sáng tạo trong giảng dạy.

Ngoài rèn luyện về thanh nhạc, giảng viên còn cần phải trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ, phong phú, đa dạng về lý luận âm nhạc, thiết kế và biên soạn giáo án, kỹ năng đệm đàn Piano, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm… Chính những kiến thức và kỹ năng này sẽ giúp cho giảng viên thiết kế bài giảng hợp lý, khoa học và mang lại hiệu quả cao cho nhiều đối tượng sinh viên khác nhau, với mỗi sinh viên sẽ được giảng viên định hướng để phát huy được ưu điểm, mang lại chất lượng đào tạo cao.

Giảng dạy Thanh nhạc không thể nóng vội, mong chờ kết quả xuất hiện ngay lập tức mà nó phải là một quá trình lâu dài, thẩm thấu. Chính vì vậy, giảng viên giảng dạy thanh nhạc cần phải có tính kiên nhẫn, không vội vàng, có như vậy thì mới mang lại kết quả cao. Những nguyên tắc chung trong giảng dạy thanh nhạc phải luôn luôn được duy trì ở tất cả các đối tượng sinh viên và trong mọi hoàn cảnh. Chỉ khi kiên nhẫn, bình tĩnh thực hiện các nguyên tắc này trong giảng dạy thanh nhạc thì mới có thể mang lại hiệu quả cao.

 

Ảnh: Một giờ học thanh nhạc ( Nguồn: sưu tầm)

 

 Nghiên cứu khoa học là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong công việc của giảng viên bởi qua đó, giảng viên có thể định hướng cho sinh viên học tập và nghiên cứu theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu của nền âm nhạc , đồng thời khuyến khích và hướng dẫn sinh viên tiến hành các nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của bản thân.

Hàng năm, cần phải tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy của các giảng viên bằng các hình thức khác nhau như dự giờ, thường xuyên góp ý về giáo án, phương pháp giảng dạy… Các giảng viên cần hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm cả về chuyên môn âm nhạc và kỹ năng giảng dạy âm nhạc. Bên cạnh đó, giảng viên phải được tham gia đầy đủ vào các chương trình tập huấn nâng cao chất lượng chuyên môn do Bộ Giáo dục đào tạo phối hợp với Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức. Một phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên là thu nhận những ý kiến đóng góp của ngay chính sinh viên đối với giờ giảng. Chính những ý kiến đóng góp của sinh viên là những bài học kinh nghiệm mà mỗi giảng viên cần phải rút ra sau những bài giảng của mình. Và chỉ khi tiếp nhận những góp ý đó một cách cởi mở và cầu tiến thì chất lượng bài giảng của giảng viên mới ngày càng nâng cao được.

Khoa Thanh nhạc của trường ĐHSPNTTW đã được quan tâm từ những ngày đầu thành lập nhà trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho khoa hiện nay đó là ngày càng cần phải đồng bộ hóa chất lượng giảng dạy của giảng viên cả về chuyên môn và bằng cấp, đặc biệt là đối với trình độ Tiến sỹ. Mặc dù số lượng giảng viên khá đông nhưng vẫn thiếu những chuyên gia về các lĩnh vực chuyên sâu của thanh nhạc. Chính vì vậy, một số giờ học vẫn phải mời các giảng viên cao cấp từ bên ngoài. Hiện nay nhà trường vẫn đang tiếp tục chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để tham gia vào các khóa đào tạo cao cấp, nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy.

Nâng cao đồng đều chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng là một yêu cầu cấp thiết của Khoa và Nhà trường.

            Về trình độ chuyên môn của giảng viên: Mỗi giảng viên cần phải đạt được những yêu cầu đặt ra về bằng cấp, tuy nhiên đó chỉ mới là điều kiện cần. Đối với ngành đặc thù là sư phạm âm nhạc thì chất lượng thực hành các bài giảng, nhiệm vụ giảng dạy, vị trí và khả năng chuyên môn sâu là những điều kiện quan trọng. Bởi vì giảng viên âm nhạc bên cạnh việc hiểu biết về lý thuyết thông qua bằng cấp thì việc thực hành giảng dạy mới thực sự bộc lộ năng lực và khả năng của mỗi người. Muốn nâng cao trình độ chuyên môn của mỗi giảng viên thì không có cách nào khác là cá nhân mỗi giảng viên cần phải tự rèn luyện về cả kiến thức lẫn thực hành. Kết hợp hai nhiệm vụ song song là giảng dạy và nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho mỗi người tự nâng cao chất lượng giảng dạy của bản thân mình.

Khoa cũng cần có những hoạt động nhằm thực hiện việc giám sát, thẩm định chất lượng giảng dạy của các giảng viên thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Trong đó có một kênh thông tin quan trọng là ghi nhận, thăm dò những ý kiến, phản hồi của sinh viên đối với bài giảng của các giảng viên về cả về chuyên môn âm nhạc, phương pháp sư phạm và đạo đức ý thức kỷ luật trong quá trình giảng dạy. Phương pháp này sẽ giúp các giảng viên có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy phù hợp với sinh viên.

Về cơ cấu tổ chức, số lượng giảng viên của Khoa đã đảm bảo được yêu cầu chất lượng đào tạo, đủ về số lượng tính theo tỉ lệ số sinh viên, số lượng giảng viên cho mỗi chuyên ngành, tổ bộ môn đã đủ đáp ứng mục tiêu đào tạo. Hiện nay, vấn đề đặt ra đó chính là tỉ lệ số chuyên gia có kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên môn còn chưa cao. Một số môn chuyên sâu vẫn còn phải mời giảng viên bên ngoài tham gia giảng dạy. Khoa cũng cần tính đến tỉ lệ nam – nữ, độ tuổi để sắp xếp bố trí công việc cũng như tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ cho các cán bộ giảng dạy.

Hiện nay, Nhà trường vẫn tiếp tục coi nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy lên hàng đầu, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã và đang có những chương trình, chính sách cũng như kinh phí hỗ trợ cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên. Đội ngũ cán bộ của Khoa, đặc biệt là với bộ môn Thanh nhạc nhiều những giảng viên trẻ, có năng lực và khả năng phát triển cao, chính vì vậy  quan tâm đến bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các cán bộ trẻ, trở thành những chuyên gia, những giảng viên chính sau này là điều hoàn toàn đúng đắn.

Đối với mỗi giảng viên thì cần phải đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi chung của xã hội về đạo đức, phẩm chất của nhà giáo; đó là phải có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm với công việc và với sinh viên về chuyên môn giảng dạy, cần phải gần gũi, quan tâm và yêu thương sinh viên. Có như vậy, mới hiểu được những nguyện vọng, mục đích học tập của sinh viên để từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy đúng đắn và hợp lý nhất. Đối với giảng viên thanh nhạc cần đặc biệt có lòng yêu nghề và tính kiên trì với công việc giảng dạy. Bởi giảng dạy thanh nhạc không thể thấy ngay hiệu quả trong ngày một ngày hai mà phải trải qua một quá trình lâu dài, gian khổ.

Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là yêu cầu thường xuyên, bắt buộc đối với giảng viên, không riêng đối với giảng viên thanh nhạc. Tuy nhiên, khác với các môn khoa học khác có thể dễ dàng tiếp cận các tài liệu mới, cập nhật và hiện đại thì đối với âm nhạc việc này không phải là dễ. Nguồn tài liệu phong phú lại thường được viết bằng tiếng nước ngoài, do đó nâng cao trình độ ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên thanh nhạc. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên thanh nhạc thì cần phải làm song song cả hai việc, đó là nghiên cứu khoa học về lý thuyết, kiến thức; đồng thời bản thân cũng tự trau dồi, rèn luyện bằng thực hành. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng giảng dạy cả về lý thuyết lẫn thực hành cho sinh viên.

      Giảng viên thanh nhạc cũng cần phải sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, thiết kế bài giảng theo hướng dạy - học tích cực, coi người học là trọng tâm, chủ thể của quá trình giảng dạy. Đây là yêu cầu đòi hỏi người giảng viên cần nỗ lực không ngừng để cải thiện chất lượng phương pháp giảng dạy qua từng bài học, từng chương học.

       Tóm lại, trong mỗi nhà trường, chất lượng đào tạo là thước đo giá trị, là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển. Chất lượng đào tạo chính là cơ sở để xác định uy tín, “ thương hiệu” của một cơ sỏ đào tạo, là niềm tin của người sử dụng “ sản phẩm” được đào tạo và là động lực của người học. Vì vậy, để chất lượng giảng dạy thanh nhạc của trường ĐHSPNTTW ngày càng tăng lên, thì việc nâng cao trình độ giảng viên là yêu cầu cấp thiết và bắt buộc. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, người giảng viên cần phải luôn chú trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân mình cả về lý thuyết và thực hành âm nhạc ./.