Nội san

Một số biện pháp nâng cao chất lượng thực tập sư phạm cho sinh viên hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

29 Tháng Bảy 2014

                                                                                    Nguyễn Bảo Châu

 

Thực tập sư  phạm (TTSP) là khâu thực tập nghề rất quan trọng trong quá trình đào tạo giáo viên. Đây được coi là điều kiện cần thiết để hình thành khuynh hướng nghề nghiệp sư phạm, hình thành nhân cách và kỹ năng nghề nghiệp của người giáo viên trong tương lai. Tổ chức tốt thực tập sư phạm là cơ sở quan trọng để bổ sung, củng cố, khắc sâu và mở rộng những tri thức lý luận chuyên môn, nghiệp vụ đã được học trong trường sư phạm; đồng thời trong quá trình thực tập sư phạm cũng sẽ hình thành, trau dồi những kỹ năng nghề nghiệp cho các giáo sinh, là cơ sở để họ thực hiện tốt các nhiệm vụ và thích ứng nhanh trong môi trường công tác sau này.

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã không ngừng phát triển lớn mạnh về đội ngũ, cơ sở vật chất và quy mô đào tạo. Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn, tậm huyết với nghề. Đặc biệt, trong những năm qua, chất lượng tay nghề của các lớp sinh viên ra trường đã được các cơ sở giáo dục và xã hội tin tưởng, khẳng định. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội của thời kỳ hội nhập toàn diện, đời sống xã hội và dân trí không ngừng được nâng cao đã và đang đặt ra những vấn đề thách thức không nhỏ cho công tác đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm nói chung và Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói riêng; nhất là việc triển khai hoạt động hướng dẫn và đánh giá kết quả thực hành, thực tập của sinh viên trong những năm gần đây đang còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc đánh giá đúng thực trang công tác TTSP sẽ là cơ sở để đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thực tập cho sinh viên của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

            Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã và đang triển khai tổ chức cho sinh viên đi thực tập theo hình thức gửi thẳng xuống các trường phổ thông và bước đầu đã thu được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, việc để cho sinh viên tự liên hệ địa điểm thực tập đòi hỏi các em phải trực tiếp về các trường phổ thông, tự làm quen và tự nỗ lực đi tìm địa điểm phù hợp; phát huy được khả năng tự lập và sáng tạo của từng sinh viên.

            Tuy nhiên, việc cho sinh viên đăng ký theo nguyện vọng cũng tồn tại một số bất cập như: nhiều sinh viên không biết cần phải liên hệ với trường nào; một số sinh viên sau khi có quyết định đi thực tập, vì nhiều lí do, trường phổ thông không đồng ý tiếp nhận; thiếu sự giám sát chặt chẽ, có một bộ phận không nhỏ sinh viên không đi thực tập hoặc thực tập rất ít, từ đó dẫn đến việc đánh giá kết quả thực tập của sinh viên chưa đúng thực tế; năng lực của giáo viên hướng dẫn ở trường phổ thông chưa được đảm bảo, chưa có nhiều kinh nghiệm. Một số sinh viên vẫn chưa ý thức được vai trò của TTSP và chưa xác định được rõ ràng những nội dung cần phải làm trong suốt quá trình thực tập. Nhiều giảng viên vẫn còn đứng ngoài cuộc trong việc rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên.

            Nội dung các môn học như Tâm lý, Giáo dục học vẫn chủ yếu là trình bày lý thuyết, còn những môn như Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, Phương pháp dạy học Âm nhạc thì thời gian để cho sinh viên luyện tập vẫn chưa nhiều. Một bộ phận không ít sinh viên âm nhạc bị học lệch: biết đàn thì hát không hay hoặc hát hay nhưng lại đàn yếu. Quỹ thời gian dành cho cả hai đợt thực tập chưa hợp lý, chưa phù hợp và tương xứng với yêu cầu và nội dung của toàn đợt TTSP.

            Ngoài ra, công tác chủ nhiệm cũng là một trong những nội dung công việc mà giáo sinh âm nhạc gặp phải rất nhiều khó khăn. Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan như các giáo trình còn mang nặng tính lý thuyết, chưa nêu được một hệ thống các kỹ năng cần thiết cho hoạt động giáo dục trong công tác chủ nhiệm, chưa có đầy đủ tài liệu hướng dẫn chi tiết, công tác thực tập còn bị thả nổi, thiếu tính kế hoạch, hệ thống…

            Khảo sát về thực trạng công tác TTSP của sinh viên sư phạm âm nhạc, chúng tôi nhận thấy: Phần lớn sinh viên cho rằng, sau đợt thực tập, các kỹ năng giảng dạy, tổ chức lớp… đều được nâng cao. Sinh viên đều có thái độ tích cực, đúng đắn đối với nghề dạy học của mình. Tuy nhiên, vẫn có một số bộ phận sinh viên chưa ý thức được vai trò và tầm quan trọng của thực tập. Khi giáo viên hướng dẫn giao việc thì vẫn còn thái độ trốn tránh, đùn đẩy. Nhiều em chưa chấp hành đúng nội quy, quy định của trường phổ thông; tác phong, ăn mặc thiếu nghiêm túc.

            Điểm TTSP của sinh viên sư phạm âm nhạc trong những năm gần đây khá cao. Điều này cho thấy, các sinh viên trong diện khá giỏi đã thực sự đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong hoạt động thực tập giảng dạy. Tuy nhiên bên cạnh nhiều trường hợp rất xứng đáng thì với số sinh viên thuộc các nhóm còn lại, những điểm số đó liệu đã thực sự đánh giá đúng chất lượng, hay một phần không nhỏ, đó là sự khuyến khích động viên của trường phổ thông. Đây là một thực trạng đã diễn ra trong nhiều kỳ TTSP.

            Trong các kỹ năng sư phạm, thì kỹ năng soạn giáo án được đánh giá là quan trọng nhất, vì đây chính là nền tảng, là cơ sở để giáo viên thực hiện những bước lên lớp linh hoạt, chủ động và sáng tạo. Thực tế cho thấy các phương pháp dạy học âm nhạc mà sinh viên sử dụng vẫn mang tính truyền thống, chủ yếu là các phương pháp thuyết trình, thực hành luyện tập, vấn đáp. Các em vẫn bị lệ thuộc quá nhiều vào SGK, chưa biết mở rộng thêm những kiến thức bên ngoài; chưa biết áp dụng các phương tiện dạy học hiện đại như máy vi tính, đĩa CD, DVD, máy chiếu (projector), phần mềm PowerPoint…., đồng thời chưa biết sử dụng các hoạt động tương tác hoặc các trò chơi âm nhạc trong giờ học. Điều này sẽ khiến cho chất lượng giờ học hiệu quả thấp, không gây được hứng thú cũng như óc sáng tạo, tích cực hoạt động của học sinh.

 

Ảnh: Một giờ học âm nhạc ở trường phổ thông ( Nguồn: sưu tầm)

 

Ngoài ra, kỹ năng thực hành âm nhạc, cụ thể là kỹ năng đệm đàn cũng là kỹ năng cần thiết đối với sinh viên sư phạm âm nhạc. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào có khả năng đánh đàn tốt cũng có khả năng đệm đàn giỏi. Điều này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đệm đàn là không chỉ đòi hỏi phải có những kỹ thuật đánh đàn cơ bản mà còn phải thường xuyên tìm tòi, sáng tạo trong cách thể hiện. Trong khi đó, thời lượng thực hành còn ít, mỗi sinh viên chỉ được 0,5 tiết/tuần; một số giảng viên vẫn áp dụng phương pháp dạy học truyền tay, thầy cho sẵn phần đệm, vòng hòa thanh, nhạc dạo..., điều này hạn chế tính sáng tạo và chủ động của sinh viên. Có những trường hợp, giảng viên đã hướng dẫn các âm hình tiết tấu đặc trưng cho từng loại nhịp, nhưng sinh viên vẫn không biết áp dụng các tiết tấu đó trong từng đoạn của bài hát như thế nào.

Từ những thực trạng trên, chúng tôi đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thực tập cho sinh viên sư phạm âm nhạc, trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

  Với các bộ môn chuyên ngành, c th là môn Thanh nhạc và Nhạc cụ, ngoài các phương pháp dạy học truyền thống, giảng viên có thể thay đổi về hình thức truyền thụ kiến thức như: phối hợp giữa cá nhân và tập thể, hạn chế phương pháp làm mẫu mà nên yêu cầu khả năng sáng tạo của sinh viên. Dù là nội dung đòi hỏi tính sáng tạo cao, nhưng đệm đàn vẫn có những quy tắc nhất định. Vì vậy, giảng viên cần nhấn mạnh để sinh viên ghi nhớ các bước đệm đàn cơ bản như: xác định giọng của bài hát, phân tích bài hát (cấu trúc, cách tiến hành giai điệu, hình tượng Âm nhạc, âm hình tiết tấu chủ đạo), đặt hợp âm, chọn điệu và âm hình đệm phù hợp với tiết tấu, viết đoạn dạo và kết.

Phương pháp chính sử dụng trong các môn thực hành vẫn là thực hành luyện tập. Các bài tập thực hành của sinh viên cần được lặp đi lặp lại nhiều lần để hình thành các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết; phương pháp luyện tập từ thấp đến cao, dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp. Bên cạnh việc học những tác phẩm cổ điển, giảng viên cũng cần tăng cường hơn nữa cho sinh viên kỹ năng tự đệm và hát những ca khúc đơn giản, phổ biến hay những ca khúc trong SGK Âm nhạc THCS. Nếu có thể, hàng kỳ hoặc hàng năm tổ chức cho sinh viên được biểu diễn để thực hành khả năng biểu cảm và trình diễn tác phẩm.

Cần nhận thức đúng đắn việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên là phải thường xuyên rèn luyện. Phải làm cho sinh viên có ý thức rèn luyện toàn diện. Đây là điều kiện tốt cho sinh viên rèn luyện tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo. Giáo viên bộ môn Phương pháp dạy học Âm nhạc và Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm phải nắm chắc chương trình và thực tế dạy học ở phổ thông để có sự giúp đỡ sinh viên thật tốt từ khâu soạn bài đến quy trình giảng dạy trên lớp. Khuyến khích sinh viên tập giảng theo nhóm, theo tổ càng nhiều càng tốt. Tăng thời lượng cho học phần tập giảng. Qua đó có cơi hội khắc phục, sửa chữa, rút kinh nghiệm trước khi thực tập tại các trường phổ thông.

            Giảng viên bộ môn Phương pháp dạy học Âm nhạc cần hướng dẫn cho sinh viên cách phối hợp linh hoạt các phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại, tạo điều kiện cho các em được thường xuyên luyện tập, phát huy khả năng sáng tạo và kỹ năng sư phạm. Hoạt động này sẽ giúp sinh viên có thêm sự tự tin khi đi thực tập, kích thích được sự hứng thú của học sinh và khiến giờ học thêm sinh động.

            Bên cạnh viện rèn luyện kỹ năng ở các bộ môn trong chương trình chính khóa, cần phải đưa hoạt động nghiệp vụ sư phạm vào chương trình hoạt động ngoại khóa; tăng cường các hoạt động ngoại khóa chính là kích thích sự hứng thú học tập, rèn luyện khả năng tư duy, sáng tạo cho sinh viên. Các hoạt động này cần phải được tổ chức thường xuyên, liên tục và có chiều sâu.

            Các Tổ bộ môn, Khoa chủ động  phối kết hợp với Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trong các hoạt động kỷ niệm, thường xuyên tổ chức Hội thi nghiệp vụ sư phạm để sinh viên có nhiều cơ hội trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là một hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với công tác đào tạo nói chung và công tác đào tạo giáo viên Âm nhạc nói riêng. Thông qua hội thi, sinh viên sẽ có ý thức rèn luyện nghiêm túc hơn và thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Trên cơ sở đó, các em có kế hoạch luyện tập để củng cố và phát triển những kỹ năng đã có, sửa chữa và khắc phục những điểm còn hạn chế.

            Ngoài ra, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên của Trường cũng cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, dã ngoại tạo điều kiện cho sinh viên được tích cực chủ động giao tiếp, làm tăng sự tự tin, xóa bỏ mặc cảm, rụt rè trong sinh hoạt nói chung và trong việc giải quyết các tình huống sư phạm nói riêng.

Có thể nói, việc thường xuyên và định kỳ cải tiến nội dung, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức, cách đánh giá chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc nói chung và đặc biệt là những nội dung, yêu cầu, cách thức đánh giá kết quả thực hành thực tập của sinh viên là khâu tất yếu để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và tay nghề sư phạm. Nếu được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả, công tác TTSP sẽ có tác dụng rất lớn trong việc bổ sung kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, giúp hình thành, xây đắp tình cảm nghề nghiệp cho sinh viên, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm âm nhạc đáp ứng yêu cầu thực tiễn của giáo dục và xã hội./.