Nội san

Nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc tại trường đại học Sài Gòn

06 Tháng Mười 2014

 

Nguyễn Việt Cường

 

Ca hát là môn nghệ thuật vô cùng phong phú nhưng cũng rất phức tạp. Có được một giọng hát tự nhiên tốt chưa đủ. Muốn trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp thì phải học tập, rèn luyện. Một trong những vấn đề quan trọng đó là việc học tập kĩ thuật Thanh nhạc. Đây là quá trình rèn luyện không thể thiếu nhằm phát triển giọng hát, nắm vững những kĩ thuật cơ bản, làm chủ được giọng hát của mình.

       Được thành lập ngày 25/04/2007, Đại học Sài Gòn (ĐHSG) là cơ sở giáo dục Đại học công lập trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh và chịu sự quản lý Nhà nước về Giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. ĐHSG là trường đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực, đào tạo từ trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và sau Đại học.

      Khoa Nghệ thuật Trường ĐHSG được thành lập ngày 01/10/2010 với nhiệm vụ đào tạo hai chuyên ngành là Sư phạm âm nhạc và Thanh nhạc.Tiền thân của khoa Nghệ thuật trường Đại học Sài Gòn là khoa Âm nhạc - Mỹ thuật trường Cao đẳng Sư phạm Tp. HCM.

 Thực trạng dạy và học Thanh nhạc tại khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sài Gòn

      Sinh viên trường Đại học Sài Gòn số đông là các cư dân từ các tỉnh miền Trung (từ Huế trở vào) cho đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đại đa số các em lại chưa được học thanh nhạc bài bản hay chỉ mới được làm quen với thanh nhạc thông qua các phong trào ca hát tại địa phương, hoặc tham gia các chương trình ca hát do các Đài Truyền hình, Phát thanh tổ chức. Vì thế, trình độ đầu vào của các em cũng rất đa dạng: có em đã tốt nghiệp Trung cấp Nhạc viện nhưng không thích hát nhạc thính phòng, có em bản năng hát dân ca rất hay và thích hát dòng nhạc âm hưởng dân ca, có em chuyên hát nhạc nhẹ hoặc chưa từng tiếp xúc với các ca khúc thính phòng, hoặc đơn giản có em chỉ thích hát nhạc nhẹ... Do vậy, sinh viên Thanh nhạc Đại học Sài Gòn có những nét đặc thù không giống như những sinh viên của các trường nhạc chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện Tp. HCM…

      Nét đặc thù nổi bật nhất của sinh viên ở đây là đặc điểm riêng về ngôn ngữ và tính chất vùng miền của các em. Ngôn ngữ vốn là một phạm trù rộng lớn, bao gồm nhiều ngành học như: Ngữ âm học, âm vị học, ngữ pháp học, tu từ học... Ở đây tôi chỉ đề cập nội dung cơ bản nhất hợp thành ngôn ngữ tiếng Việt, đó là tiếng nói - tức sự phát âm và thanh điệu của tiếng Việt. Do tính chất đặc thù về vùng miền của các em mà cách phát âm có rất nhiều nét khác nhau mà các giáo viên dạy thanh nhạc cần phải nghiên cứu và tìm hiểu kĩ.

      Từ khi mở chuyên ngành đào Thanh nhạc hệ Đai học, khoa Nghệ thuật trường ĐHSG đã áp dụng các giáo trình giảng dạy Thanh nhạc của Nhạc viện Tp.HCM và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào chương trình giảng dạy. Sau thời gian hai năm giảng dạy, đã xuất hiện một số khó khăn như: Kĩ thuật phát âm của sinh viên và giáo viên (do đặc thù phương ngữ miền Tây Nam Bộ), cách thức chọn bài luyện thanh cho sinh viên, cách chọn bài hát phù hợp cho từng đối tượng sinh viên…, thậm chí việc sắp xếp, phân chia giáo viên giảng dạy Thanh nhạc cho sinh viên cũng có nhiều vấn đề bất cập.

      Kĩ thuật phát âm của sinh viên và giáo viên ngành Thanh nhạc là một khó khăn lớn trong việc giảng dạy Thanh nhạc tại khoa Nghệ thuật Trường ĐHSG. Do nét đặc thù của sinh viên ngành Thanh nhạc Trường ĐHSG là đại đa số các em phát âm theo ngôn ngữ địa phương (nói giọng miền Tây Nam Bộ), vì thế, phát âm sai chính tả rất nhiều, chủ yếu là sai lỗi về dấu (hỏi với ngã), một số phụ âm đầu và một số phụ âm cuối chữ. Trong khi ấy, giáo viên dạy hát cho các em lại là giáo viên nói giọng miền Bắc (không phát âm được giọng miền Nam). Đặc biệt, với các bài hát dân ca miền Nam hay các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, các giáo viên nói giọng Bắc lại không phát âm được phương ngữ của miền Nam, trong khi sinh viên lại hát rất tốt các thể loại nhạc này…

      Về cách chọn bài luyện thanh cho sinh viên, các giáo viên còn tùy tiện chọn lựa bài cho các em mà không theo một quy chuẩn thống nhất nào. Do sinh viên Thanh nhạc ĐHSG đa số chưa qua trường lớp đào Thanh nhạc chuyên nghiệp nào, nên khi chọn bài luyện thanh cho các em, các giáo viên cũng rất khó khăn trong việc tìm bài tập phù hợp cho từng sinh viên; trong khi khoa Nghệ thuật chỉ sử dụng giáo trình luyện thanh của hai tác giả Vaccaj và Concone. Vì vậy, mới nảy sinh hiện tượng chọn lựa bài luyện thanh tùy tiện, làm hạn chế khả năng phát triển giọng hát của sinh viên.

      Ngoài ra, sinh viên Thanh nhạc Trường ĐHSG đa số thích hát nhạc nhẹ (vì dễ kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp và học đỡ vất vả hơn so với học nhạc thính phòng). Hơn nữa, thị trường ca nhạc tại các tình miền Nam nói chung – Tp. HCM nói riêng, đa số có xu hướng thích nghe thể loại nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Đây là một điểm thuận lợi cho các sinh viên khu vực phía Nam, nhưng lại là trở ngại lớn cho giáo viên dạy Thanh nhạc nói giọng Bắc. Ngoài ra, các khúc thính phòng - truyền thống cách mạng trong mặt bằng sân khấu ca nhạc tại Tp. HCM cũng không có nhiều điểm tổ chức biểu diễn, nên cũng là một thiệt thòi cho sinh viên có khả năng và muốn theo dòng nhạc này.

      Bên cạnh đó, việc chọn bài luyện thanh cho từng đối tượng sinh viên cũng có một vài hạn chế . Trong khi các em thích luyện thanh những bài tập có tiết tấu phức tạp hoặc tiết tấu nhanh (phù hợp với xu hướng nhạc trẻ hiện nay tại Tp.HCM như Rock, Rap, Dance, Jazz …) thì giáo trình chưa có những bài luyện thanh đáp ứng những thể loại đó.

      Từ những tồn tại đó, chúng tôi thấy cần phải tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hệ Đại học Thanh nhạc cho Trường ĐHSG .

 Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Thanh nhạc tại trường Đại học Sài Gòn

        Để nâng cao chất lượng đào tạo, việc thay đổi phương pháp giảng dạy, giáo trình giảng dạy để phù hợp với trình độ của học sinh Thanh nhạc khoa Nghệ thuật là một việc làm cấp thiết. Ở đây chúng tôi chỉ bàn đến phương pháp dạy luyện thanh. Khi nói đến kĩ thuật trong nghệ thuật ca hát, người ta thường nói đến các kĩ thuật cơ bản như: Hát liền giọng, hát âm nảy, hát lướt nhanh, hát to dần, hát nhỏ dần…

   Thứ nhất là kĩ thuật hát liền giọng (cantilena): Là cách hát liền tiếng, đều đặn từ âm nọ sang âm kia, tạo nên những câu hát không ngắt quãng. Đây là kĩ thuật hát cơ bản được sử dụng thường xuyên trong các tác phẩm thanh nhạc. Cũng giống như trong các tác phẩm khí nhạc, khi muốn diễn một câu nhạc liên kết, người ta dùng chữ legato hoặc dấu nối. Song, ở đây, ngoài ý nghĩa hát giai điệu liên kết, còn có một yêu cầu khác nữa là yêu cầu âm thanh phải thanh thoát và trong sáng. Như vậy, hát liền giọng là cách hát đáp ứng tính chất mềm mại của giai điệu với âm thanh có chất lượng tốt.

      Đa số người mới học hát, tiếng hát hay bị rời rạc, không đều đặn và không thanh thoát do không nắm vững được cách hát liền giọng. Đây là một yêu cầu kĩ thuật khó, không thể nắm vững ngay được trong một thời gian ngắn mà phụ thuộc vào sự tiến bộ chung về kĩ thuật của quá trình học tập lâu dài.

      Hát liền giọng đòi hỏi phải đáp ứng hai điều kiện: Một là luyện tập cho cơ quan phát âm hoạt động đúng và phù hợp, nghĩa là giọng hát có được những tính chất thiết yếu như vang khỏe, tròn, đều đặn với một hơi thở sâu và tiết kiệm. Hai là phải biết hát liên kết giai điệu. Muốn giải quyết được vấn đề này, ban đầu nên tập những bài có giai điệu đơn giản, sau đó đến những bài phức tạp hơn, rồi đến những bài có giai điệu ổn định, mềm mại. Tập hát những hợp âm, những quãng khác nhau, cố gắng sao cho âm thanh không thay đổi tính chất, nghĩa là giữ cho âm thanh ở một vị trí thống nhất.

 

Ảnh:  Một giờ học luyện thanh của sinh viên âm nhạc( Nguồn: St)

 

Thứ hai là kỹ thuật hát lướt nhanh (passage): Là cách hát những giai điệu linh hoạt, gọn gàng, rõ ràng, tốc độ nhanh, thể hiện tình cảm tươi vui, rộn ràng được viết ở tốc độ nhanh linh hoạt. Bất cứ giọng hát nào cũng có thể hát lướt nhanh và cần tập kĩ thuật hát lướt nhanh này. Kỹ thuật hát lướt nhanh thuận lợi cho các giọng cao và nhẹ nhàng hơn là những giọng trầm. Tập phát triển kĩ thuật hát lướt nhanh chủ yếu bằng những bài tập mẫu âm. Các bài tập mẫu âm luyện nhanh đi từ dễ đến khó, từ ít nốt đến nhiều nốt ở tốc độ nhanh. Thời gian đầu, nên tập với tốc độ vừa phải. Khi đã thuộc giai điệu và phát âm được linh hoạt thì mới tăng dần tốc độ. Tập hát nhanh giúp cho giọng hát phát triển tốt, nhẹ nhàng và linh hoạt, biết tiết kiệm hơi thở và hát được những câu nhạc dài hơn. Ngoài ra, nó còn là biện pháp khắc phục tật hát giọng cổ.  

      Kĩ thuật hát lướt nhanh còn giúp phát triển âm khu cao của giọng. Chúng ta biết rằng hát những nốt cao ở tốc độ chậm tương đối khó vì dễ gây ra những căng thẳng không cần thiết cho giọng hát. Nhưng nếu hát nhanh, âm thanh sẽ lướt nhanh cùng hơi thở tạo điều kiện hát lên cao dễ hơn. Khi hát lướt nhanh cần chú ý hít hơi thở sâu và nhanh (vì hít hơi chậm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và làm âm thanh dễ bị nặng nề). Khi đẩy hơi phải nhẹ nhàng, liên tục, không nên tống hơi đột ngột. Khi bật âm thanh phải nhẹ nhàng, dứt khoát. Phải luôn chú ý đến sự chuẩn xác của cao độ, không nên hát một cách hời hợt, lướt qua hoặc bỏ nốt mà phải rõ ràng chính xác từng nốt một cho dù hát với tốc độ nhanh.

   Thứ ba là kĩ thuật hát âm nảy (staccato): Là cách hát để diễn tả tình cảm rộn ràng, tươi vui, hoặc tiếng cười, tiếng chim hót… Trong kỹ thuật thanh nhạc, cách hát âm nảy còn tạo điều kiện cho phát triển tốt giọng hát. Chẳng hạn âm nảy làm cho thanh đới và bộ phận truyền âm dần hoạt động linh hoạt; với cách bật âm thanh (attacca) nhẹ nhàng, gọn tiếng sẽ tạo thói quen bật âm thanh đúng khi hát liền giọng. Tập âm nảy còn tạo điều kiện cho việc phát triển âm khu của giọng hát; âm nảy còn sửa được những tật hát sai lệch về âm sắc như hát sâu, gằn cổ.

      Khi hát âm nảy, chú ý buông lỏng hàm dưới, không chúm môi lại. Môi trên hơi nhếch lên để hở hàm răng trên như khi cười, càng lên cao càng mở rộng miệng. Vị trí âm thanh phải nông như phát ra từ chân răng hàm trên, hơi thở nén liên tục và đẩy nhẹ nhàng, không bật hơi ra theo từng nốt nhạc, mà cố gắng giữ cho bụng tương đối ổn định và mềm mại. Âm thanh nhẹ nhàng, gọn tiếng, linh hoạt rõ ràng từng âm một, không nên hát to, âm thanh sẽ nặng nề.

   Thứ tư là kỹ thuật hát sắc thái to, nhỏ: Là một cách để thể hiện tình cảm của bài hát, tình cảm ấy được thể hiện qua sắc thái to, nhỏ, mạnh, yếu của một nốt nhạc hay cả câu nhạc. Người ta dùng những ký hiệu sau đây để diễn tả sắc thái của bài hát: mạnh, to (forte); yếu, nhỏ (piano); từ nhỏ tới to, to dần (crescendo); từ to tới nhỏ, nhỏ dần (decrescendo). Kỹ thuật hát sắc thái đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện tình cảm của tác phẩm thanh nhạc. Khi hát to dần phải chú ý đến hơi thở sâu, đẩy hơi thở đều đặn, liên tục. Cùng lúc ấy miệng phải mở rộng phía trong bằng cách nhấc hàm ếch mềm và buông lỏng hàm dưới. Còn đối với cách hát nhỏ dần phải chú ý đến nén hơi thở, vì nếu buông lỏng hởi thở âm thanh sẽ bị gãy khúc. Khi hát nhỏ, miệng cũng phải giữ độ mở cần thiết để âm thanh khi vuốt nhỏ không bị nghẹt, không bị gãy.

      Ngoài ra, còn một số kĩ thuật khác như kĩ thuật hơi thở, vị trí âm thanh, khẩu hình, kĩ thuật nhả chữ, rời tiếng, kĩ thuật luyến láy, kĩ thuật luyến ngắt (portamento), kĩ thuật ngân rung (trill)…

      Ngoài việc tốt các kĩ thuật cơ bản trên đây, việc hát rõ lời tiếng Việt cũng là một kĩ thuật rất cần thiết cho sinh viên Thanh nhạc, bởi vì khi hát các ca khúc Việt Nam, người ca sĩ bắt buộc phải hát ngôn ngữ Việt chuẩn (giọng Hà Nội) cho dù ca sĩ đó là người thuộc địa phương nào (trừ các tác phẩm mà tác giả muốn sử dụng ngôn ngữ địa phương).

      Ca hát là môn nghệ thuật vô cùng phong phú nhưng cũng rất phức tạp. Có được một giọng hát tự nhiên tốt chưa đủ. Muốn trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp phải học tập, rèn luyện cẩn thận. Một trong những vấn đề quan trọng đó là việc học tập kĩ thuật Thanh nhạc. Đây là quá trình rèn luyện không thể thiếu nhằm phát triển giọng hát, nắm vững những kĩ thuật cơ bản, làm chủ được giọng hát của mình. Không được xem thường việc học tập kĩ thuật này, bằng lòng với những điều kiện tự nhiên sẵn có. Như vậy, sẽ hạn chế sự phát triển của giọng hát, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng hỏng giọng hát.

      Tuy nhiên, việc học tập kĩ thuật không phải là nhiệm vụ duy nhất. Kĩ thuật thanh nhạc nói chung chỉ là phương tiện biểu hiện nội dung tình cảm của tác phẩm. Ngày nay, để xây dựng một nền nghệ thuật ca hát mới, phù hợp với những yêu cầu của thời đại, chúng ta tiếp thu những kinh nghiệm có cơ sở khoa học của nền nghệ thuật ca hát các nước trên thế giới. Nhưng không phải tiếp thu toàn bộ, mà là tiếp thu có chọn lọc để áp dụng vào cách hát của người Việt sao cho phù hợp với đặc điểm về ngôn ngữ, tập quán, tâm lí, tình cảm của dân tộc mình. Kĩ thuật vững vàng phải gắn liền với việc xử lí ngôn ngữ khéo léo và có màu sắc dân tộc. Có như vậy, phương pháp mới thực sự là phương pháp khoa học./.