Nội san

Truyền dạy nghệ thuật hát Then

07 Tháng Mười 2014

                                                Nguyễn Văn Tân

               

Nghệ thuật Hát Then của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn có một quá trình phát triển lâu dài, gắn bó mật thiết với cuộc sống lao động, sản xuất, đấu tranh dựng nước và giữ nước đang ngày một hoàn thiện về nghệ thuật, có phong cách và bản sắc riêng. Từ nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước ta đánh giá cao loại hình nghệ thuật này và coi đó là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quí báu trong kho tàng văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam cần phải được giữ gìn, kế thừa và phát huy.  

Thực tế hiện nay cho thấy, việc truyền dạy Hát Then trong tỉnh Lạng Sơn đã và đang diễn ra với nhiều hình thức khác nhau như truyền dạy trong các câu lạc bộ, các Phòng văn hóa, Trung tâm văn hóa, các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp,…Đối tượng, mục tiêu và chương trình dạy khác nhau, phương pháp dạy cũng chưa có sự thống nhất chặt chẽ.

Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn được thành lập năm 1985 với nhiệm vụ là đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn hoá thông tin cho tỉnh. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Trường đã không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành cơ sở giáo dục có uy tín, chất lượng, được các cấp lãnh đạo trong tỉnh đánh giá cao.

Đối với công tác đào tạo, trong những năm qua, nhà trường luôn chú trọng đưa các bộ môn nghệ thuật đặc thù của địa phương vào giảng dạy nhằm bảo tồn, phát huy các giá văn hóa truyền thống mà cha ông đã để lại, đặc biệt là bộ môn Hát Then.

Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, môn học này còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: Chương trình đào tạo chưa phù hợp; tài liệu, giáo trình thiếu; cơ sở vật chất nghèo nàn; phương pháp giảng dạy thì tùy tiện, chưa phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của học sinh,… Vì vậy, tác giả bài viết xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng truyền dạy Hát Then tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn.

1. Đổi mới chương trình chi tiết môn học

Chương trình chi tiết môn học chính là tài liệu do giáo viên biên soạn trước khi lên lớp, xây dựng trên cơ sở của chuẩn đầu ra ngành học, môn học. Chương trình môn học phải thể hiện đầy đủ các vấn đề như: Thông tin môn học; mục tiêu môn học; tóm tắt nội dung môn học; học liệu; hình thức tổ chức dạy học; chính sách đối với môn học; phương pháp, hình thức kiểm tra – đánh giá kết quả học tập; tài liệu tham khảo;… Xây dựng chương trình chi tiết môn học nhằm đáp ứng việc đổi mới phương pháp dạy – học, kiểm tra – đánh giá, đồng thời đẩy mạnh khâu tự học, tự nghiên cứu, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của người học.

            Việc đổi mới chương trình chi tiết môn học là việc làm cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế của chương trình đào tạo Hát Then trong những năm qua.

            2. Đổi mới phương pháp truyền dạy

Giờ học trên lớp đối với mỗi học sinh là rất quan trọng, nó góp phần lớn vào chất lượng đào tạo. Do đó, để nâng cao chất lượng đào tạo thì chúng ta không thể không nâng cao chất lượng giờ dạy trên lớp.

Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu đào tạo con người có khả năng tư duy, năng động, sáng tạo, thích ứng với thực tiễn thì việc “Đổi mới phương pháp truyền dạy” là điều tất yếu đối với môn Hát Then.

Đổi mới phương pháp dạy hát

             Thứ nhất, giáo viên giới thiệu cho học sinh biết về đặc điểm, tính chất, xuất xứ, nội dung,... của tác phẩm.

            Thứ hai, giáo viên đàn và hát mẫu: Trước khi học hát, giáo viên đàn và hát mẫu cho học sinh nghe toàn bộ bài hát (hoặc cho xem, nghe băng, đĩa) tạo sự hứng thú,  đồng thời học sinh hình dung ra tác phẩm sẽ được học.

            Thứ ba, hướng dẫn đọc lời ca: Đối với những bài Then cổ hoặc bài sử dụng tiếng dân tộc Tày, Nùng, giáo viên hướng dẫn học sinh đọc lời ca trước khi tập hát nhằm tránh tình trạng phát âm sai, hát sai nghĩa của câu, của từ, đồng thời giải đáp một số câu, từ khó đọc, khó phát âm (nếu có).

            Thứ tư, hướng dẫn tập hát: Giáo viên dạy hát từng câu ngắn, kết thúc câu thứ nhất dạy tiếp câu thứ hai sau đó yêu cầu học sinh hát lại cả hai câu và cứ như vậy dạy đến hết bài. Những từ khó phát âm như: Sli, slí coóc, slam slai, slườn, Sloong, Slườn, slằng, bjoóc đeng, phjông, giáo viên cho học sinh đọc chậm, đọc nhiều lần.

Ngoài ra, giáo viên cần phối bè cho một số câu, đoạn trong bài hát để làm phong phú màu sắc giai điệu, hòa âm, đồng thời tránh sự nhàm chán kiểu lối hát đơn điệu.

Đổi mới phương pháp dạy đàn

Khi biểu diễn, Hát Then thường có các tư thế như: Đứng, ngồi trên ghế, ngồi chiếu.

Với tư thế đứng thì bầu đàn áp vào người, hai chân rộng bằng vai, thân hình thẳng đứng, mặt hướng về phía trước.

Với tư thế ngồi trên ghế (ghế có chiều cao khoảng 45 – 50 cm): Hai chân khép, chếch với cơ thể khoảng 45o, bầu đàn để trên đùi phải, lưng thẳng, mặt hướng phía trước.

Với tư thế ngồi chiếu (hoặc trên thảm): Hai chân xếp chéo vào nhau, bầu đàn để trên đùi phải, lưng thẳng, mặt hướng phía trước.

Trong tất cả các tư thế chơi đàn, cần đàn để chếch với người một góc khoảng 45o. Ngón cái (ngón 1) tay trái đỡ cần đàn, các ngón 2,3,4,5 dùng để bấm. Tay phải cầm ở chỗ tiếp giáp giữa bầu đàn và cần đàn, ngón cái để phía trên, các ngón 3,4,5 đỡ phía dưới, ngón 2 dùng để gẩy hoặc búng.

Hướng dẫn học sinh xác định vị trí nốt nhạc trên từng dây đàn (dây giữa, dây hậu, dây tiền). Đặc biệt cần chú ý xác định vị trí nốt nhạc trên dây hậu khi lên dây quãng 4 hoặc quãng 5.

Hướng dẫn học sinh khi đệm cho Hát Then. Ngoài yếu tố đi giai điệu, đi hòa âm, giữ nhịp, Tính tẩu còn đóng vai trò như một giọng hát thứ hai bổ trợ cho giọng hát của người diễn xướng, hạn chế của cây đàn này là âm thanh không ngân dài được. Chính vì vậy, khi đệm cho hát những chỗ giai điệu ngân dài, Tính tẩu vẫn phải đi liên tục.

Trong quá trình đệm hát, thông thường có ba cách đệm:

Một là, đệm dây buông theo nhịp hát. Đây là cách đệm đơn giản nhất, thường sử dụng cho học sinh mới học. Khi đệm, ngón trỏ của tay phải búng đều ba dây vào các phách mạnh để giữ nhịp. Cách đệm này chỉ phù hợp với một vài ô nhịp hoặc những câu nhạc ngắn trong bài.

Hai lài, điểm nốt theo giai điệu. Đây là cách đệm được sử dụng phổ biến nhất. Trong cách đệm này, Tính tẩu giữ vai trò điểm nốt theo giai điệu kết hợp với đệm theo phách trong bài.

Ba là, cách đệm hợp âm ở phách mạnh. Với cách đệm này, tay trái bấm các nốt trong hợp âm và chuyển theo giai điệu lời ca, các hợp âm được đặt ở đầu mỗi ô nhịp.

Bốn là, kết hợp giữa ba cách đệm trên.

Với phương pháp cũ thì các nghệ nhân mới chú ý cách đệm thứ nhất (cách đệm này vừa dễ, không tốn thời gian), cách đệm như vậy gây sự nhàm chán, không tạo hứng thú cho người học. Vì vậy, việc áp dụng cả ba phương pháp đệm dây buông, đệm nốt theo giai điệu, đệm hợp âm nhằm tạo sự mới mẻ, khai thác chức năng của nhạc cụ này đồng thời phát huy năng lực cũng như khả năng sáng tạo của học sinh.

 

Ảnh: Một giờ học Hát Then

 

3. Tăng cường đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất

            Đối với các cơ sở giáo dục, để chất lượng đào tạo được đảm bảo, phát triển bền vững, ngoài các yếu tố cơ bản như: Chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng của các chương trình đào tạo, chất lượng của học sinh đầu vào (tuyển sinh), chất lượng của yếu tố quản lý,… thì yếu tố cơ sở vật chất đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, cơ sở hạ tầng (các phòng học), cơ sở vật chất, trang thiết bị cần được nâng cấp, cải tiến như sau:

            Cải tiến các phòng học đảm bảo cách âm, không gian thoáng, đủ ánh sáng học tập.

Đánh giá, kiểm tra thực tế, lập kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho từng năm học; bổ sung các trang thiết bị cần thiết như: Hệ thống máy chiếu, vi tính có kết nối mạng Internet; hệ thống loa đài, tăng âm, ánh sáng, các loại nhạc cụ (Tính tẩu, xóc nhạc,…); sưu tầm các loại băng, đĩa âm nhạc hát Then các vùng miền.

Khai thác và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Nhà trường cần thành lập Ban quản lý tài sản - thiết bị, có đầy đủ hồ sơ, sổ sách thống kê, kiểm tra tài sản định kỳ hàng quý, hàng năm. Bên cạnh đó, nhà trường nên giao trách nhiệm quản lý, sử dụng và bảo quản tài sản cho từng đơn vị; hằng tháng kiểm tra, báo cáo, sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời.

4. Bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên

Luật giáo dục (điều 15 chương 1) nêu rõ: "Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nêu gương tốt cho người học. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, có chính sách bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện nhiệm vụ của mình…". Nghị quyết hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII chỉ rõ: "Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh. Giáo viên phải đủ đức, đủ tài". Để phát triển toàn diện học sinh, thầy cô giáo là lực lượng trực tiếp thực hiện chương trình giáo dục. Chất lượng giáo dục của nhà trường phần lớn do đội ngũ giáo viên quyết định. Do đó việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển nhà trường.

Trong những năm qua, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn tâm huyết với nghề, thương yêu học sinh và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Song, để đáp ứng tốt sự phát triển của xã hội, đặc biệt sự phát triển của khoa học – công nghệ, người giáo viên ngoài ba yếu tố cơ bản: Phẩm chất đạo đức - Tư tưởng chính trị - Kiến thức và kĩ năng sư phạm còn phải không ngừng học tập, bồi dưỡng, cập nhật thông tin, tri thức mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng truyền dạy nghệ thuật hát Then nói riêng, nâng cao chất lượng giáo dục trong trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn nói chung thì việc bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố không thể thiếu được.

5. Đưa nội dung Hát Then vào hoạt động âm nhạc ngoại khóa

Song song với chương trình học chính khóa, hoạt động ngoại khóa vô cùng quan trọng, tạo cho môn Hát Then đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho thầy và trò thể hiện những năng lực, sự sáng tạo của mình và bổ sung thêm kiến thức đã được trang bị trong chương trình chính khóa, đặc biệt để học sinh thực hiện tốt việc "học đi đôi với hành", "lý luận gắn với thực tiễn"./.