Tin tức

Con dê trong tranh Tết

19 Tháng Hai 2015
Tranh dân gian Đông Hồ Bịt mắt bắt dê.

Dê là một trong 12 con giáp đã được người Á Ðông sắp xếp theo triết lý, tín ngưỡng và được coi là một biểu tượng trong văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới.

Ở Việt Nam, từ lâu đời, trong nghệ thuật tạo hình cũng đã xuất hiện nhiều tác phẩm về dê, nhất là các dòng tranh dân gian: Ðông Hồ (Bắc Ninh), Huế, Hàng Trống (Hà Nội). Khác với nghệ thuật tạo hình phương Tây, tranh dân gian Việt Nam phần lớn chú trọng vào kỹ thuật miêu tả thần thái, thế đứng, tính cách đặc thù của con dê bằng chất liệu vẽ tranh chế tác từ lá cây, muội đèn với các nguyên liệu tự nhiên đơn giản. Người Việt Nam miêu tả con dê với nhiều ẩn ý thâm thúy, dí dỏm "Lấy đó mà chạnh lòng đây" bằng những mảng màu đường nét khắc gỗ, có khuôn định sẵn chủ yếu ở tranh Ðông Hồ (Bắc Ninh) và tranh dân gian Huế. Hình tượng con dê mang tính xã hội sâu sắc, thể hiện rõ tính phê phán tiêu cực, hài hước của con người trong cuộc sống. Nghệ nhân vẽ tranh miêu tả con dê đứng trên mỏm đá cao chót vót với thế uy nghi, bộ râu xồm, canh chừng lãnh thổ, giám sát đàn dê cái không bị phía ngoài xâm hại, xem ra rất thực, nhưng qua nét vẽ của nghệ nhân dân gian thì ở đó chứa đựng một hàm ý ích kỷ, tham lam, khoác lác, háo sắc, "coi trời bằng vung" đối với đồng loại. Song nhìn kỹ lại mới thấy thực chất vẫn là con dê nhút nhát, luồn lách vụng trộm, hẹp hòi nhũng nhiễu mà thôi. Những bức tranh vẽ theo cốt truyện ngụ ngôn "Hai con dê trên một chiếc cầu độc mộc" phê phán lối sống cá nhân, không nhường nhịn nhau, biến bạn thành đối thủ, quyết đấu rồi cả hai cùng rơi xuống vực thẳm.

Với một cách diễn đạt hình tượng, thông qua mảng màu, đường nét và bố cục chặt chẽ, nghệ nhân làng nghề vẽ tranh dân gian Việt Nam đã phản ảnh một cách sinh động, dí dỏm, sâu sắc về những con người "tham thì thâm", "anh hùng rơm" vị kỷ mà quên đi cách sống hòa hợp láng giềng của mình để chuốc lấy sự bi đát đáng để người đời lên án. Nhiều người còn nhớ những bức tranh Ðông Hồ miêu tả cảnh bịt mắt bắt dê, một bức tranh có màu sắc trong sáng, ngôn ngữ hội họa dân gian rõ ràng về cách thức biểu đạt với cấu trúc, bố cục của tranh tuy đơn giản về cách diễn tả chuyển động của nhân vật người và dê trong tranh rất thực nhưng ý tứ lại thâm sâu đến kỳ lạ. Bức tranh bịt mắt bắt dê mô tả hai thanh niên một nam, một nữ đang đuổi bắt một con dê, tuy chỉ qua sự thể hiện bằng những đường nét nhưng người xem cảm thấy có tiếng hô đuổi bắt ồn ào, tiếng chân chạy của con người dồn dập, lúc nhanh, lúc chậm, nhưng con dê vẫn thong thả lẩn tránh, thỉnh thoảng quay đầu nhìn lại, xem chừng rất coi thường, bất cần. Bức tranh thể hiện sự hài hước, châm biếm và thu hút người mua trong dịp Tết Nguyên đán, chuẩn bị đón Xuân của người Việt từ nông thôn cho đến thành thị. Sở dĩ như vậy, bởi con dê biểu tượng cho sự phồn thịnh, sinh sôi nảy nở.

Ngắm tranh dân gian "Bịt mắt bắt dê", với ngôn từ hóm hỉnh, bình dị của người nông dân Việt Nam, nhặt khoan cũng là chuyện vui trong ngày Xuân, ngày Tết, nhất là ở làng quê, xóm phố, bản làng Việt Nam từ bao đời nay và nó đã vượt khỏi tính lễ giáo về quan niệm nam nữ phong kiến, một ý tứ của tranh rất sâu lắng để người đời suy ngẫm. Vào khoảng thập kỷ 20-50 ở thế kỷ 20, nhiều nơi trong nước ta đã xuất hiện những tranh độc bản, mỗi người vẽ một kiểu bằng tay, vịnh mấy câu thơ nói về "dê" của Hồ Xuân Hương viết trên tranh: Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa. Những bức tranh dân gian ấy tuy không phổ biến rộng rãi trong xã hội mà người xem tranh cũng ngẫm ra ngay nghệ nhân ấy, nhà thơ ấy nói gì về đàn ông háo sắc, tham lam. Thế mới biết dân gian Việt Nam rất giỏi về việc khai thác góc độ tiêu cực của con người trong xã hội một cách khá tinh tế để sáng tạo nghệ thuật có sức truyền cảm sâu sắc, thông qua hình tượng một con vật để phê phán những kẻ có dục vọng bất minh thông qua nét vẽ trong tranh.

Ngày nay, những họa sĩ biếm họa tiếp tục phát huy tính hài hước, dí dỏm và thâm ý phê phán của các nghệ nhân tranh dân gian về những đặc tính xấu của con dê để làm đề tài chống tiêu cực. Những bức tranh "dê cụ" nạt nộ dân, nịnh hót, lừa đảo, dê cái làm khách mồi chài dự án, luồn lách chức vị cho người thân,... đã thành một dòng "tranh dê chống tiêu cực". Xem ra năm Ất Mùi này, con dê vẫn là đề tài hấp dẫn của văn học- nghệ thuật, nhất là trong hội họa.

Theo nhandan.org.vn