Nội san

Để sinh viên Sư phạm Âm nhạc học tốt hơn môn Ký - Xướng âm

06 Tháng Ba 2015

PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai

 

 

Đối với hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Ký - Xướng âm là một trong những môn học khó. Vậy để học tốt được Ký - Xướng âm, cần ở người học điều kiện gì?

Trước câu hỏi này, có người sẽ trả lời ngay: phải có năng khiếu. Điều đó là đương nhiên bởi không có năng khiếu sao có thể học được Ký - Xướng âm chứ chưa nói tới học tốt. Đối với sinh viên có năng khiếu tốt, việc học tập Ký - Xướng âm dường như dễ dàng, thuận lợi trong khi những sinh viên yếu năng khiếu thì việc học môn này rất chật vật. Với họ, Ký - Xướng âm trở thành nỗi ám ảnh đến mức lo sợ trong cả giờ học lẫn trong các kỳ thi.

Tuy nhiên, năng khiếu là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Còn phải có hai yếu tố nữa, đó là sự chăm chỉ và phương pháp học tập khoa học. Từ thực tế nhiều năm dạy môn Ký-Xướng âm, tôi nhận thấy một số sinh viên ỷ vào việc có năng khiếu tốt, ngay từ lần đọc bài mới đầu tiên đã đúng cao độ, trường độ từ 80% đến 90% nên ngoài giờ trên lớp gần như các em không cần học lại bài. Chính lối học chủ quan đó đã dẫn đến hậu quả sinh viên gần như không bao giờ hoàn thành tốt trọn vẹn một bài xướng âm.. Các em này có thể đọc đúng cao độ và trường độ nhưng không trôi chảy hoặc ngắt hơi, ngắt ý không đúng chỗ, hoặc thiếu tình cảm, thiếu tinh tế....

Tôi cũng muốn nói với các sinh viên năng khiếu không tốt đừng quá lo lắng và bi quan. Trong ba điều kiện: năng khiếu, sự chăm chỉ và phương pháp học tập khoa học thì các sinh viên này thiếu đi yếu tố quan trọng là năng khiếu nhưng vẫn còn hai yếu tố để có thể không học kém môn Ký-Xướng âm. Cũng trong thực tế nhiều năm dạy học, tôi thấy nhiều sinh viên năng khiếu chỉ ở mức khá nhưng do có phương pháp học hợp lý và chăm chỉ đã đạt kết quả tốt hơn hẳn những sinh viên năng khiếu tốt nhưng không chăm học. Không ít sinh viên năng khiếu yếu nhưng nhờ chăm chỉ và có phương pháp học tập thích hợp đã đạt được yêu cầu cần thiết của môn Ký-Xướng âm.

Như vậy, với môn Ký-Xướng âm, dù năng khiếu ở mức độ nào: tốt, khá hay dưới trung bình đều cần đến sự chăm chỉ và phương pháp học tập khoa học.

Đối với sinh viên có năng khiếu, sự chăm chỉ rất cần thiết bởi thời gian không bao giờ là thừa với bất kỳ công việc nào. Nếu đã đọc được đúng cao độ, trường độ bài xướng âm thì ở mức cao hơn là đọc trôi chảy, trôi chảy cũng chưa được mà phải ngắt đúng ý, đúng hơi; thể hiện đúng tính chất của nhịp, phách; sắc thái, tình cảm… Những sinh viên nào được giảng viên khen đọc xướng âm như hát là có quyền tự hào về khả năng xướng âm của mình. Để làm được như vậy, chắc chắn phải đọc ít nhất vài lần một bài xướng âm. Đó là còn chưa kể đến nên học thuộc bài xướng âm như thuộc bài hát và khi đọc xướng âm cần tìm hiểu về cách xây dựng của giai điệu, hòa thanh, cấu trúc… phân tích cách phát triển của tác giả vì sao hay, vì sao hợp lý cũng như vì sao chưa hay, chưa hấp dẫn.

Trong học tập Ký-Xướng âm, phương pháp có một vai trò rất quan trọng. Nếu cho rằng môn này ít cần đến tư duy phân tích, so sánh, tổng hợp… thì hoàn toàn sai lầm. Tư duy phân tích, so sánh, tổng hợp… giúp người học có phương pháp học tập tốt và sẽ nhanh tiến bộ. Qua kinh nghiệm dạy học tôi rút ra một điều, nếu để sinh viên/người học đọc theo nhau (một dạng vỡ bài tập thể), sinh viên đọc sai chỗ nào thì giáo viên đọc mẫu chỗ đó (theo kiểu truyền tai) mà không cần phải phân tích cách đọc như thế nào, phương pháp ra sao thì sau một thời gian thật dài sinh viên cũng có thể đọc được xướng âm song đó là điều tối kỵ của dạy học môn này bởi sẽ dẫn tới nhiều hậu quả. Chính bản thân tôi năm đầu tiên khi bắt đầu học xướng âm đã mắc phải điều đó. Tôi không được hướng dẫn phương pháp đọc, cả tập thể nhóm cùng vỡ bài mới, tôi đọc theo kiểu truyền tai qua các bạn đã biết xướng âm trước khi vào học, bắt chước đọc lại như một con vẹt và kết quả hết một học kỳ tôi không tự mình đọc được bài mới. Sau này tôi mới thấm thía phương pháp học quan trọng như thế nào. Nếu có phương pháp khoa học, người học sẽ tự đọc được bài xướng âm trong khoảng thời gian ngắn và các em hiểu được sâu sắc bản chất của việc đọc xướng âm, qua đó hiểu thêm các kiến thức âm nhạc và quan trọng hơn, sinh viên sau này có phương pháp để có thể dạy lại người khác. Mặt khác, khi hiểu cách đọc xướng âm như thế nào thì mới có thể ghi âm được vì quy trình của ghi âm dựa vào sự phân tích cách thực hiện của xướng âm. Đơn cử như với đọc xướng âm, để thực hiện đọc giọng trưởng, người học phải xác định đúng quãng 3 từ âm chủ (bậc I) đến bậc III là quãng 3 trưởng. Đây là điểm then chốt, nếu đọc nhầm sang quãng 3 thứ thì có thể sẽ làm cả bài sang giọng thứ. Muốn làm đúng, sinh viên phải đọc để phân biệt, so sánh được màu sắc của quãng 3 trưởng với 3 thứ. Ngược lại, khi ghi âm, nhận biết được màu sắc quãng 3 từ bậc I đến bậc III là quãng 3 trưởng hay 3 thứ thì sẽ là điểm mấu chốt để xác định bài viết ở giọng trưởng hay giọng thứ. Tất cả các quy trình đó không chỉ bằng sự cảm nhận mà phải có cả sự phân tích bằng lý trí.

Môn Ký-Xướng âm có hai nội dung: xướng âm và ghi âm. Thông thường, với người học thì ghi âm là phần khó hơn xướng âm. Nhiều sinh viên ĐHSP Âm nhạc xướng âm khá nhưng ghi âm không tốt, chỉ ở mức trung bình hoặc thậm chí dưới trung bình. Vì vậy, sinh viên ĐHSP Âm nhạc thường có tâm lý sợ sệt, lo lắng khi học ghi âm. Trong một số bài viết, tôi đã bàn về phương pháp đọc xướng âm, trong bài này, tôi muốn gợi ý một vài phương pháp tự học ghi âm cho sinh viên ĐHSP Âm nhạc. Học ghi âm cần có người đàn, vì thế sinh viên gặp khá nhiều khó khăn trong việc tự học ghi âm ngoài giờ lên lớp, phải nhờ bạn khác đàn cho mình nghe. Nhiều sinh viên không biết phải tự học ghi âm như thế nào.

Để học tốt ghi âm, giảng viên cần cung cấp cho sinh viên phương pháp tự học ngoài giờ lên lớp. Cụ thể như:

- Tự ghi âm dựa vào bài hát mà sinh viên đã thuộc. Sinh viên hát giai điệu theo từng câu (ngắn hay dài tuỳ thuộc vào khả năng ghi của từng người) rồi lấy giấy bút ghi lại theo trí nhớ giai điệu hát. Cần luyện tập từ dễ đến khó. Đầu tiên nên lấy ca khúc thiếu nhi ngắn và đơn giản để tự ghi, sau đó nâng cao dần bằng các bài khó hơn. Đây là biện pháp rất hữu hiệu cho tự học ghi âm mà không cần có người đánh đàn.

- Nghe nhạc qua băng đĩa để học ghi (giai điệu, công năng hòa âm, ghi các bè…). Nên chọn ghi ca khúc một bè trước, khi nào có khả năng tốt thì nghe ghi bài hát nhiều bè hơn, sau đó có thể nghe ghi tác phẩm có phần đệm. Cách học này khó hơn nhưng giúp phát triển khả năng nghe ghi rất tốt. Đầu tiên có thể chỉ ghi được loại nhịp, màu sắc điệu thức, giọng của bài. Tiếp theo, sinh viên có thể ghi giai điệu bè chính (với âm nhạc có bè), nghe công năng hòa âm phần đệm rồi tiếp đến là nghe các bè của phần đệm…

- Cần luôn luôn có ý thức ghi âm bất cứ lúc nào khi nghe nhạc. Chẳng hạn đang ngồi chơi thấy bài hát vang lên cũng nên nghe đoán công năng và nhận biết màu hòa âm của phần đệm; khi đi nghe hòa nhạc cũng chú ý đoán biết nhịp, giọng điệu của bản nhạc...

- Một biện pháp quan trọng để học tốt ghi âm là phải học tốt xướng âm. Trừ trường hợp ngoại lệ xảy ra trong thực tế là có sinh viên do chất giọng chênh phô không đọc đúng xướng âm nhưng vẫn có khả năng nghe được và ghi âm được thì đa phần chỉ có các sinh viên đọc tốt xướng âm mới ghi âm tốt, xướng âm tồi thì ghi âm cũng tồi.

Tóm lại, trong chương trình đào tạo ngành sư phạm Âm nhạc, Ký-Xướng âm là môn học quan trọng. Đây là môn học khó đòi hỏi sinh viên phải có năng khiếu, chăm chỉ rèn luyện và phải có phương pháp học tập khoa học mới có đạt được kết quả tốt.      

 

Hà Nội, ngày 02.12.2014