Nội san

Dạy phân môn học hát cho học sinh trường THCS Tân Hội

04 Tháng Hai 2015

                                                                                 Trần Thị Hồng Xuyến

 

Trong mọi thời đại, giáo dục đều hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách con người, bao gồm  đức, trí, thể, mỹ. Do đó, việc giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh không chỉ là nhiệm vụ của các môn văn hóa truyền thống như Toán, Văn, mà môn Âm  nhạc cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Trong chương trình âm nhạc trung học, học hát là một hoạt động chiếm thời lượng nhiều nhất nhằm phát triển năng lực nhận thức, phát triển năng lực âm nhạc và giáo dục tình cảm đạo đức cho học sinh.  

Ở trường THCS Tân Hội, hầu hết học sinh đang trong độ tuổi vị thành niên, tâm sinh lý có sự phát triển và diễn biến phức tạp, khác với học sinh ở bậc tiểu học. Do vậy, việc giúp học sinh cảm thụ, tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, không gượng ép, phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của các em là điều vô cùng quan trọng.

1. Trường THCS Tân Hội trong không gian văn hóa huyện Đan Phượng

Giáo dục là một trong những thành tố cấu thành nên một nền văn hóa. Trong không gian của huyện Đan Phượng, công tác giáo dục của trường THCS Tân Hội chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa ở đây.

Đan Phượng có nền văn hóa nghệ thuật dân gian rất giàu có và đặc sắc, là một trong những cái nôi sinh ra nghệ thuật hát Ca trù và hát Chèo tàu. Trong không gian văn hóa của huyện, bên cạnh văn hóa nghệ thuật dân gian thì lễ hội, tín ngưỡng tâm linh có tác động không nhỏ tới việc giáo dục học sinh. Đó chính là cái phông để bồi dưỡng cho các em về ý thức xây dựng và bảo tồn nền văn hóa truyền thống, đồng thời cũng góp phần định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho học sinh.

Trường THCS Tân Hội được thành lập từ năm 1975, thuộc địa bàn xã Tân Hội huyện Đan Phượng. Nhìn chung so với nhiều trường khác trên địa bàn thì cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn khá nhiều. Hầu hết học sinh của trường đều xuất thân trong gia đình nông nghiệp. Đội ngũ giáo viên của trường 100% tốt nghiệp từ bậc Cao đẳng trở lên, trình độ chuyên môn vững, giàu kinh nghiệm giảng dạy.

Những năm gần đây, với mục tiêu đô thị hóa của chính quyền huyện, trường THCS Tân Hội được mở rộng giao lưu phát triển giáo dục với các trường học khác trên địa bàn huyện và các khu vực lân cận.

2. Thực trạng dạy phân môn học hát tại trường Trung học cơ sở Tân Hội 

Từ lớp 6 đến lớp 9, học sinh bước vào lứa tuổi thiếu niên. So với học sinh tiểu học, vốn tích lũy về âm nhạc của các em đã nhiều hơn, được tiếp thu âm nhạc từ nhiều luồng thông tin nên việc cảm thụ âm nhạc đã có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, ở trường THCS Tân Hội, chất lượng giảng dạy phân môn học hát của các giáo viên chưa đạt hiệu quả cao.

 

Ảnh: Một giờ học hát của học sinh THCS (Nguồn: St)

 

Có thể nói, nguyên nhân của vấn đề này phần lớn là do sự thay đổi về tâm sinh lý của các em khi đang trong giai đoạn “quá độ” từ trẻ em thành người lớn. Tuy nhiên, còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến việc dạy và học Âm nhạc tại trường chưa hiệu quả. Hầu hết các tiết học hát, giáo viên đều đặt vấn đề vào bài bằng cách giới thiệu tác giả, tác phẩm, gây nhàm chán cho học sinh. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu bài được thực hiện qua loa, dẫn đến học sinh không được củng cố về kiến thức nhạc lý. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên ít cho học sinh gõ đệm, làm cho học sinh không nắm chắc được tiết tấu của bài hát. Việc kết hợp giữa hát với các vận động phụ họa hay các hình thức hát ít được sử dụng. Công nghệ thông tin không được đưa vào các bài giảng thường xuyên nên sự hứng thú học tập của học sinh bị giảm đáng kể. Mặt khác, giáo viên chưa nắm  được đặc điểm tâm lý và khả năng ca hát của học sinh, phương pháp giảng dạy của giáo viên còn lặp đi lặp lại, chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Trước thực trạng đó, việc nâng cao hiệu quả giảng dạy phân môn học hát là vô cùng cần thiết, cần phải tìm ra những biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề nêu trên.

3. Những giải pháp cụ thể cho việc dạy hát

Một là, cải thiện mối quan hệ Dạy - Học  giữa thầy và trò

Trong sự nghiệp giáo dục, mối quan hệ giữa thầy và trò luôn mật thiết. Vai trò của người thầy là dạy và nhiệm vụ của trò là học. Cần phải nhận thức được rằng mối quan hệ giữa thầy và trò là mối quan hệ giữa chủ thể - chủ thể. Với vị trí quan trọng của phân môn, tính tích cực của học sinh trong học hát cần được xác định cụ thể thông qua các hoạt động của thầy và trò, trong đó người thầy là người trực tiếp quyết định các mối quan hệ này.

Hai là, đổi mới cách dạy học

Hiện nay, với xu hướng đổi mới giáo dục, vai trò của người giáo viên vô cùng quan trọng bởi giáo viên chính là người định hướng, khuyến khích, giúp học sinh tự khám phá tri thức. Với vai trò đó, trước hết, giáo viên phải giải phóng cho học sinh trong quan hệ thầy - trò với phương châm “Tất cả vì học sinh thân yêu” hay “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm”. Cần chú ý phát triển ở người học tính tích cực, sáng tạo, phát huy hứng thú, động cơ và tinh thần của học sinh. Mặt khác, giáo viên cần phải nâng cao nghiệp vụ sư phạm, biết sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, làm phong phú bài giảng, giúp học sinh có động lực phát huy tri giác trong học tập.

Trong khuôn khổ của việc dạy phân môn học hát, dưới đây, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp đổi mới trong tiến trình dạy học.

Thứ nhất là cách đặt vấn đề vào bài mới theo các phương pháp như thuyết trình, tạo tình huống hoặc kết hợp dùng các phương tiện trực quan để diễn tả nội dung bài hát, qua đó tạo không khí sôi nổi giúp học sinh vào bài mới hiệu quả.

Thứ hai là đổi mới phương pháp tìm hiểu bài và nghe hát mẫu nhằm giúp học sinh hiểu nội dung bài hát, nắm được cấu trúc, làm quen với giai điệu và có cảm nhận ban đầu về bài hát.

Thứ ba là đổi mới quy trình luyện tập, trong đó tập trung vào các bước dạy hát từng câu, hát cả bài hoàn chỉnh và luyện tập củng cố bài hát.

Thứ tư là chú trọng đến việc rèn luyện kỹ ca hát, bảo đảm những nguyên tắc, kỹ năng cơ bản và đưa ra phương pháp rèn luyện hợp lý, hiệu quả, giúp học sinh học tốt phân môn.

Thứ năm là rèn luyện kỹ năng gõ đệm, hướng dẫn học sinh gõ đệm theo các cách cơ bản nhất như gõ đệm theo phách, theo nhịp và theo tiết tấu. Việc này nhằm rèn luyện cho học sinh nắm chắc nhịp phách khi thể hiện ca khúc.

Thứ sáu là hướng dẫn thực hành biểu diễn sau khi học hoàn thiện bài hát, giúp các em tự tin, có khả năng trình diễn tác phẩm trước đám đông.

Thứ bảy là đầu tư trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy

Để đạt được mục tiêu giáo dục hiệu quả nhất, cần phải đầu tư và sử dụng thiết bị dạy học một cách hợp lý. Cơ sở vật chất của trường THCS Tân Hội vẫn nghèo nàn, trang thiết bị phục vụ môn Âm nhạc còn nhiều thiếu thốn. Để khắc phục tình trạng trên, nhà trường cần có phương hướng đầu tư đúng mức về trang thiết bị, phục vụ bộ môn Âm nhạc theo chuẩn kiến thức kỹ năng.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là một việc làm hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy học và từng bước đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại hoá. Giáo viên có thể sử dụng một số phần mềm phục vụ công tác giảng dạy như Powerpoint - một phương tiện để trình chiếu hay phần mềm soạn nhạc Encore. Đối với phân môn học hát, sử dụng Powerpoint và Encore rất thuận tiện cho giáo viên khi soạn giảng và tiến hành dạy học. Giáo viên có thể đưa thêm những thông tin cần truyền đạt để củng cố kiến thức cho học sinh, làm phong phú bài giảng, phát huy cao độ tính sáng tạo của giáo viên  và tính tích cực của học sinh.  

Thứ tám là tổ chức các hoạt động âm nhạc ngoại khóa bổ trợ cho phân môn học hát

Hoạt động ngoại khóa góp phần tích cực giúp học sinh ôn luyện, củng cố những kiến thức, kỹ năng đã học trong chương trình, rèn luyện sự chủ động, tự tin, bạo dạn hơn trước đám đông trong sinh hoạt tập thể.

Ở trường THCS Tân Hội, các hoạt động ngoại khóa chưa được tổ chức một cách có hệ thống, chưa trở thành một hình thức hoạt động thường xuyên. Bởi vậy, giáo viên âm nhạc cần phát huy năng lực, tham mưu cho Ban giám hiệu,  đề xuất tổ chức sinh hoạt ngoại khóa theo các hình thức như: tổ chức hát múa tập thể, các nhóm đội văn nghệ, thành lập các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các cuộc thi hát. Các hoạt động này vừa tạo được sân chơi cho học sinh, vừa giúp các em thích ca hát, yêu âm nhạc.

4. Đổi mới thiết kế bài giảng và đưa vào thực nghiệm

Chúng tôi đã thiết kế hai bài giảng mẫu áp dụng các biện pháp đổi mới và đưa vào thực nghiệm tại khối 6 và 8 ở trường THCS Tân Hội. Quá trình thực nghiệm đã diễn ra đúng với kế hoạch, đúng đối tượng; quy trình tiến hành bài giảng bám sát thiết kế bài giảng mẫu, sử dụng nhóm phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên và tính tự giác tích cực của học sinh.

Thực tế đã chứng minh, hoạt động ca hát có vị trí quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến con người bằng tác động của âm nhạc và lời ca. Nó khơi dậy ở học sinh những cảm xúc hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, bản chất của nó là thông qua luyện tập giúp học sinh có tinh thần sảng khoái và tạo cho các em có những ước mơ tươi đẹp. Bởi vậy, trong giáo dục Âm nhạc, phải làm sao để học sinh yêu ca hát là điều vô cùng cần thiết./.