Nội san

Giá trị văn hóa đặc trưng của hoa văn trên đồ vải của người H’Mông ở Lào Cai

23 Tháng Bảy 2015

ThS. Nguyễn Thị Minh Ngọc

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Đồng bào H’Mông có một kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian độc đáo, đậm sắc thái dân tộc và những yếu tố phổ quát trong cộng đồng ngôn ngữ, xa hơn nữa là cả những yếu tố văn hoá khu vực. Đó là các loại hình dân ca, thơ ca, các truyện truyền miệng, các thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Trong nghệ thuật tạo hình có tranh cắt giấy, các mô típ tạo hình trên đồ dệt, đan lát, điêu khắc...

Trong kho tàng văn hoá của các dân tộc Việt Nam, sản phẩm dệt của người H’Mông có một giá trị lớn. Sản phẩm dệt có nhiều loại (y phục, chăn, khăn quấn đầu, giầy...) nhưng dệt vải để tạo ra các loại y phục và đồ dùng khác trong đời sống cá nhân, gia đình cũng như cộng đồng có một vai trò lớn, không thể thiếu trong tiến trình lịch sử và văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Nghề dệt, sản phẩm dệt ra đời và phát triển không chỉ thoả mãn nhu cầu sử dụng mà còn để thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ và các nhu cầu tín ngưỡng khác của các tộc người nói chung và của người H’Mông nói riêng.

Phát hiện ra tín hiệu hoa văn trên vải của người H’Mông không thể là việc làm giản đơn. Đó là quá trình tiếp cận lâu dài, tiếp cận đúng hướng, tìm đến đúng nghĩa của các tín hiệu hoa văn. Hoa văn, trước hết đó là một biểu hiện của quan niệm thẩm mỹ, thông qua các bố cục mô típ, màu sắc, kỹ thuật... mặt khác trong đời sống cổ truyền của các dân tộc nó còn phản ánh những khía cạnh tâm lý, xã hội khác, như tín ngưỡng chứa đựng bên trong các hình vẽ, các màu sắc, các phong cách bố cục hoa văn ấy là bản sắc văn hoá dân tộc, là tiến trình phát triển của lịch sử văn hoá, văn hoá và sự giao thoa văn hoá của các tộc người. Nói tóm lại: hoa văn được dệt trên vải là sự bảo tồn nền văn hoá của các dân tộc.

Nghiên cứu thông tin hoa văn với việc giải mã và phân tích các tín hiệu ẩn dấu trong đó là hết sức khó khăn, phức tạp. Thực chất, việc phân loại, giải nghĩa chỉ là căn cứ vào ý kiến quần chúng, trên cơ sở đó đem so sánh, đối chiếu với những sự vật có liên quan để đưa ra những giả định. Vì vậy không  thể tránh khỏi tính ước lệ, chủ quan của người cung cấp tư liệu và bản thân người sưu tầm, dẫn đến nội dung và ý nghĩa của hoa văn chưa lột tả hết được. Trên cơ sở những vấn đề đã thu lượm và phân tích trên, tác giả rút ra một số nhận xét sau:

1. Hoa văn phản ánh đặc trưng đời sống của người H’Mông

Các sinh hoạt văn hóa truyền thống bám rất chắc vào cuộc sống cộng đồng, nó được sinh ra từ một yêu cầu cụ thể của đời thường, hòa lẫn với đời thường, trở thành một yếu tố của cuộc sống. Chiếc váy của người H’Mông không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, là vật để che thân mà chiếc váy còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ. Váy được trang trí đẹp còn là thước đo tài năng của phụ nữ H’Mông. Vẻ đẹp của váy, một tác phẩm văn hóa vừa gắn chặt nhu cầu của đời thường với nhu cầu thẩm mỹ. Các hoa văn, họa tiết trên trang phục của người H’Mông thiên về màu sắc. Đó là sự phối kết hợp giữa các màu nóng, với màu đỏ là trung tâm tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng. Không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn của người H’Mông là sự phối màu cũng như đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết (in sáp ong) tạo cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người H’Mông thật độc đáo và khác biệt so với một số các dân tộc khác.

Về mặt kỹ thuật, mỹ thuật trong các khâu dệt vải và tạo hoa văn trên vải hay các sản phẩm từ vải, người H’Mông đã biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nền nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt.

Những thành quả ấy tưởng chừng như một công việc đời thường được thực hiện vào những ngày nông nhàn yên tĩnh. Song, sự yên tĩnh ấy lại chính là một hoạt động sôi nổi mang đầy đủ tính chất của nghệ thuật. Tính sôi nổi trong sự lặng lẽ ấy là một đặc trưng của hầu hết các cư dân miền núi, khi mà nền kinh tế còn manh mún, bao trùm hết thảy là nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, khi mà các vấn đề khác chưa trở thành quan trọng trong cuộc sống. Trong đó, nghề dệt vải, thêu thùa được coi là nghề phụ, do phụ nữ đảm nhận. Và vì thế, sự phân công và phân hạng công việc cũng là một đặc trưng của xã hội ấy.

Nếu loại trừ mảng nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng thì hầu hết các mô típ hoa văn đều hướng vào đời sống thực và hướng vào thiên nhiên. Giữa thiên nhiên và con người được nghệ thuật phản ánh ở đây là một sự hòa đồng, gắn bó không thể tách rời. Ta có thể nhận rõ các mô típ hoa lá, động vật được trang trí trên đồ dệt đều là loại có thực và hữu ích cho con người. Điều đó, phần nào các thể loại hoa văn đã tự giải thích về nguồn gốc hay lý do mà chúng thể hiện trên các sản phẩm. Mặt khác, hoa văn với tư cách là một loại hình nghệ thuật, nó phản ánh những tâm tư tình cảm của người thợ dệt. Ngoài sự thể hiện tài năng của mỗi người thợ dệt khác nhau thì cũng là biểu hiện của nếp nghĩ, suy tư của họ. Những người già bao giờ cũng có phong cách quy phạm, cứng nhắc, còn các thiếu nữ thể hiện một cách uyển chuyển hơn, tự do, phóng khoáng hơn.

Hoa văn ngoài biểu hiện tâm tư tình cảm thì đối với các cô gái còn là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và phẩm hạnh. Vẻ đẹp của người vợ tương lai được quan niệm là cô gái có mái tóc xanh mượt như lông chim câu, hai tay thon và mập để cầm nổi cái cuốc, và đặc biệt phải khéo léo như trôn con ốc khi thêu thùa. Người giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Trước khi đi làm dâu, cô gái được mẹ tặng cho bộ váy áo, như của hồi môn. Khi về nhà chồng, cô gái phải chuẩn bị bộ váy áo đẹp tặng mẹ đẻ và mẹ chồng. Váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ. Vì thế, đối với thiếu nữ, việc học hỏi thêu thùa là một bổn phận: phải lo cho cái mặc cho gia đình. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, phụ nữ Hmông vẫn tiếp tục thêu in nhiều mẫu hoa văn, lo cho chồng con mặc đẹp.

Người vợ trở thành người mẹ lại có nghĩa vụ dạy bảo con gái học thêu thùa. Đồng thời con gái lại được mẹ chồng, đôi khi cả các chị dâu nhiệt tình dạy thêu thùa, in sáp ong. Cô học thêm được nhiều mẫu thêu, in hoa văn mới của cộng đồng “giao” mới. Vừa kế thừa nghệ thuật thêu thùa của gia đình mẹ đẻ, cô dâu lại tiếp thu nghệ thuật trang trí hoa văn của gia đình, dòng họ  nhà chồng. Nghệ thuật in thêu hoa văn tiếp tục phát triển. Trở về già, họ còn lo thêm bộ váy, áo đẹp để mặc khi về với tổ tiên. Cứ vậy với chu kỳ đời người phụ nữ, nghệ thuật trang trí hoa văn như tín hiệu văn hóa được bảo lưu, trao truyền nhiều thế hệ, bản sắc văn hóa tộc người luôn được phát triển liên tục. Dòng đời người phụ nữ H’Mông trôi qua, dòng hoa văn cứ chảy mãi theo bàn tay tài năng của họ.

Như vậy, về giá trị tinh thần, nghệ thuật tạo hình dân gian mà tiêu biểu nhất là nghệ thuật tạo hình dân gian trên trang phục của phụ nữ Hmông, phản ánh bản chất tốt bụng, hiếu khách, trung thực, thẳng thắn, bản lĩnh, vừa mạnh mẽ, vừa giàu tình cảm; phóng khoáng, vô tư chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên trên vùng cao. Không chỉ vậy, nghệ thuật tạo hình trên trang phục thổ cẩm đã thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ Hmông. Nó đã phản ánh được những giá trị văn hoá, giá trị thẩm mỹ, góp phần tạo thêm sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hoá, tinh thần của người Hmông nói chung và đồng bào H’Mông ở Lào Cai.

2. Hoa văn gắn liền với triết lý cộng đồng

            Từ giá trị căn bản là bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, người H’Mông luôn đề cao giá trị cố kết cộng đồng. Trong ý thức cộng đồng, người H’Mông có nét đặc thù là đề cao cộng đồng huyết thống (gia đình, dòng họ) hơn cộng đồng láng giềng. Đặc điểm này phản ánh đậm nét trong các hoa văn trên trang phục. Hoa văn con sên biểu hiện của tình thâm, sự thịnh vượng cho gia đình. Hình xoắn đối ngược của nó hay hai con sên cho sự phát triển và hòa hợp giữa hai dòng họ. Viên kim cương, hình vuông ý chỉ bàn thờ ông bà trong nhà cho sự bảo vệ của tổ tiên trước con cháu. Hoa văn lưỡi câu cầu chúc cho cô gái lấy được chồng tốt.

Các sinh hoạt văn hóa truyền thống bám rất chắc vào cuộc sống cộng đồng, nó được sinh ra từ một yêu cầu cụ thể của đời thường, hòa lẫn với đời thường, trở thành một yếu tố của cuộc sống. Một số hoa văn tiêu biểu đặc trưng cho mối quan hệ giữa đời sống vật chất và tinh thần như hoa văn con hổ, con rồng biểu hiện cho quyền lực. Ở vùng cao nương bí, nương dưa với những hoa dưa, hoa bí luôn là hình ảnh quen thuộc của người H’Mông, nhà nào cũng trồng dưa, trồng bí. Quả bí, bầu là hình tượng sản sinh ra dân tộc, các dòng họ. Quả bí còn sinh ra các dũng sĩ tài ba trong truyện cổ tích thần kỳ của người H’Mông. Do đó hoa dưa, cây bí đã đi vào dân ca, vào nghệ thuật trang trí, là mẫu hoa văn được các cô gái trẻ ưu thích trang trí nhiều nhất trong gấu váy và hai tấm vải che váy. Qua thực tiễn lao động sản xuất, bằng sự quan sát tinh tế, người phụ nữ H’Mông đã khái quát hóa những hình ảnh quen thuộc thành những hình tượng nghệ thuật giàu thẩm mỹ.

Thông qua các mối liên hệ với nhau, các sản phẩm dệt còn là một yếu tố liên kết khối cộng đồng. Hoa văn trang trí chính là tín hiệu để biểu đạt tâm tư mà người ta dễ cảm nhận, dễ gần gũi và hòa đồng. Và rồi khi những tín hiệu đó là tài sản chung thì nó sẽ trở thành biểu tượng của cộng đồng. Mặt khác, hoa văn còn là tín hiệu để thể hiện mối quan hệ rộng lớn giữa các tộc người khác nhau. Đó là các yếu tố vay mượn sao chép.

Ngoài ra trong phong cách trang trí và tính quy phạm của các loại hoa văn với màu sắc của nó cũng thể hiện những phong tục trong cộng đồng. Hoa văn con rết biểu hiện được mọi người kính trọng và tài chữa bệnh. Hoa văn hình tam giác, cái răng, vảy cá, hàng rào giúp lưu giữ linh hồn tốt, xua đuổi tà ma. Hoa văn ngôi sao tám cánh biểu tượng của bát tinh cát tường. Cùng nhiều hoa văn chỉ vũ trụ, mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian mong ước trời an vật thịnh, mùa màng bội thu. Mũ trẻ nhỏ H’Mông hoa ở Mường Khương, ở đỉnh đầu có thêu hình mào gà trống, theo quan niệm của người H’Mông gà trống là một biểu tượng của vị thần cửa - chống ma ác vào nhà, bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ. Những quả bông đỏ trên mũ, những sợ tua nhiều màu sắc tượng trưng cho cầu vồng ngăn thần rắn, ngăn những ma ở thế giới nước.

3. Hoa văn phản ánh lịch sử tộc người

            Người H’Mông có lịch sử đấu tranh bảo tồn dân tộc rất oanh liệt. Từ thời cổ đại, người H’Mông đã có nhà nước riêng, có nền văn minh khá cao, sau bị người Hán bành trướng, xua đuổi lên phía Tây, từ đồng bằng lên núi cao, di cư về phía Nam, cộng đồng bị phân tán, cư trú tại nhiều quốc gia (Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam . . .). Người H’Mông vừa tự hào về một quá khứ huy hoàng, vừa xót xa luyến tiếc về một thời oanh liệt đã qua. Do đó người H’Mông luôn có khát vọng bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, khát vọng này phản ánh đậm nét trong văn hóa và trở thành một giá trị.

            Người H’Mông rất coi trọng danh dự, ngoan cường đấu tranh để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc. Trong truyện cổ H’Mông, dân ca H’Mông phản ánh khá sâu sắc giá trị ngoan cường bảo vệ cộng đồng. Người H’Mông ở Lào Cai có khá nhiều truyền thuyết kể về tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc như “Núi Vạ Ký”, truyện “Viên ngọc ước”, truyện “Cổng trời”, truyện vì sao người H’Mông đến Mù Vản (Bắc Hà, Lào Cai). Chính những điều này được thể hiện vào các hoa văn trang phục. Trên tấm váy của phụ nữ H’Mông Hoa có ba băng dải ngang hoa văn phản ánh 3 vùng đất cư trú trong quá trình thiên di trong lịch sử người H’Mông. Dải hoa văn bên trên biểu tượng dòng sông Hoàng Hà, dải giữa là sông Trường Giang, dải phía dưới là núi rừng phương Nam. Khát vọng bảo vệ sinh tồn của dân tộc còn phản ánh trong tín ngưỡng và nghi lễ dân gian, ngay khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc nhắm mặt xuôi tay. Trong tang lễ, người H’Mông có điệu khèn tiến quân và đội hình đuổi giặc chạy quanh nhà . .

4. Hoa văn phản ánh giá trị giao thoa văn hóa tộc người

Hoa văn và sản phẩm dệt dưới góc độ văn hóa học, nó mang nhiều ý nghĩa, bao quát tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội và thể hiện mối giao lưu văn hóa.

Trong quá trình lao động sáng tạo, con người luôn luôn tìm đến cái mới, cái lạ để học hỏi trao đổi kinh nghiệm cũng như trao đổi sản phẩm. Nghề dệt vải cũng như vậy, những người thợ luôn luôn tìm cách học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, mua bán trao đổi sản phẩm lẫn nhau. Bằng việc tiếp xúc trao đổi ấy cũng chính là quá trình giao lưu học hỏi về lĩnh vực văn hóa. Văn hóa ở đây thể hiện qua lời ăn tiếng nói, qua xã giao, ứng xử, cả những kinh nghiệm lao động sản xuất nữa. Thông qua đó, người hiểu biết nhiều truyền cho người hiểu biết ít, văn hóa vùng cao giao thoa với văn hóa vùng thấp, người miền xuôi hòa với người miền ngược, các dân tộc thêm hiểu biết về nhau, thông cảm với nhau, học tập lẫn nhau về lời ăn tiếng nói, về ứng xử, kinh nghiệm sản xuất, về quan hệ gia đình về lối sống văn hóa, phong tục tập quán… Và dần dần sự hòa đồng gắn bó ấy sẽ thu hẹp về vật chất và đời sống tinh thần, thậm chí làm biến đổi cả một số đặc trưng văn hóa lẫn nhau.

Xét riêng về lĩnh vực dệt vải, vấn đề giao lưu văn hóa thể hiện rõ trên các mặt như các loại công cụ dệt, kỹ thuật và chu trình dệt, quy cách sản phẩm và trang trí hoa văn. Về trang trí hoa văn, nếu không kể các yếu tố trùng hợp ngẫu nhiên thì cũng có rất nhiều mô típ trang trí giống nhau. Các sản phẩm dệt, thêu sau khi ra đời được sử dụng rộng rãi trong nhiều công việc khác nhau, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu đời sống. Bên cạnh đó, nó còn được sử dụng để trao đổi tình cảm giữa những đôi trai gái yêu nhau. Họ trao cho nhau những chiếc khăn thêu, những chiếc túi, những mảnh vải hoa với những hình dạng trang trí mang nhiều ý nghĩa thể hiện tình yêu đôi lứa. Lúc đó, tặng phẩm là chức năng cho sự giao lưu và mối liên kết bền chặt như một lời thề ước nguyện. Từ những vật vô tri bỗng có tâm hồn, có ngôn ngữ, có tình cảm, nó thay mặt chủ nhân để nói những lời yêu thương, hẹn ước… tất cả những vấn đề đó tựu chung lại là sự thể hiện về ý nghĩa giao lưu văn hóa.

Trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm của lịch sử, người H’Mông đã phát triển theo chiều hướng riêng của mình, tạo nên một nền văn hóa khác biệt, trong đó vừa có sự kế thừa truyền thống vừa tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhờ đó, văn hóa H’Mông là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam, vừa là bộ phận của nền văn hóa Đông Nam Á.

Chính sự hiểu biết sâu sắc đó giúp chúng ta tự hào về bề dày truyền thống văn hóa. Qua tìm hiểu hoa văn trên trang phục, góp phần điểm xuyết thêm cho bức tranh 54 dân tộc anh em thêm rực rỡ, trọn vẹn của tổng thể hài hòa “bản sắc văn hóa Việt”.

                              Tài liệu tham khảo

1. Bộ Văn hóa - Thông tin (2005), Triển lãm trang phục và hoa văn thổ cẩm các dân tộc Việt Nam, Hà Nội.

2. Viện Dân tộc học (2005), Người Hmông ở Việt Nam, Nxb Thông tấn, Hà Nội.

3. Nguyễn Khoa Điềm (1994), Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc- Văn hóa một chặng đường, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

4. Hoàng Thị Mong, Ma Thị Tiên (1994), Trang trí dân tộc thiểu số,  Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

5. Lê Ngọc Thắng - Lâm Bá Nam (1990), Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

6. Cư Hòa Vần - Hoàng Nam (1994), Dân tộc Hmông ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

7. Trần Hữu Sơn (1996), Văn hóa Hmông, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

8. Vương Duy Quang (2005), Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.  

9. Ngô Đức Thịnh (2000), Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.