Nội san

Như một giấc mơ

24 Tháng Bảy 2015

GS.TSKH. Phạm Lê Hòa

Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Ngày 26 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập trường ĐHSP Nghệ thuật TW trên cơ sở nâng cấp Trường CĐSP Nhạc – Họa TW. Điều đó thể hiện sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với vai trò quan trọng của Giáo dục nghệ thuật trong cuộc sống đối với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của nhiều thế hệ cán bộ - giảng viên làm công tác giáo dục nghệ thuật Việt Nam. Nhưng đó cũng thực sự là một thách thức lớn/trách nhiệm lớn đối với tập thể cán bộ, giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

Trong gần 10 năm vừa qua, cả Trường ĐHSP Nghệ thuật TW thực sự là một xã hội học tập với đầy đủ ý nghĩa cần có của thuật ngữ này. Tất cả các giảng viên có thể học tập đều đã cố gắng hết sức để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Đảng ủy – Ban giám hiệu luôn quán triệt nguyên tắc “Chất lượng đào tạo là sự khẳng định thương hiệu của trường” và “Thy có giỏi thì mới hy vọng có trò giỏi”.

Giáo dục nghệ thuật là một lĩnh vực mang tính đặc thù cao so với các loại hình giáo dục khác. Giáo dục nghệ thuật là khái niệm đã xuất hiện từ lâu trong diễn trình xã hội loài người. Song cho đến hôm nay, để hiểu được đầy đủ khái niệm giáo dục nghệ thuật vẫn không phải là điều đơn giản, ngay cả những người đã nhiều năm làm công tác nghệ thuật cũng không phải đã hiểu đúng (hay cố tình hiểu sai) nội hàm của khái niệm này. Thậm chí có những người còn cho rằng giáo dục nghệ thuât không nằm trong số những thành tố cấu thành khái niệm nghệ thuật!. Trong khi chính giáo dục nghệ thuật là thành tố quyết định sự tiếp nối/tồn vong của nghệ thuật qua nhiều thế hệ/thời đại cho đến ngày hôm nay. Nhìn lại diễn trình lịch sử loài người: Mỗi người nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng luôn không chỉ là người khẳng định những giá trị của nghệ thuật ở thời đại của mình, mà còn luôn là những người thày thực sự góp phần lưu truyền lại các giá trị của nghệ thuật cho thế hệ tiếp theo. Chính sự lưu giữ đó đã góp phần khẳng định những nhân tố mang tính bản sắc đối với sự tồn tại một dân tộc/quốc gia trước thế giới trong một thời kỳ mang tính hội nhập cao như hiện nay.

Từ một trường Cao đẳng trước đây chỉ đào tạo giáo viên hai ngành nghệ thuật là Sư phạm âm nhạc và Sư phạm mỹ thuật, năm 2006 Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tuyển sinh Khóa 1 với 2 ngành ĐHSP Âm nhạc và ĐHSP Mỹ thuật. Năm 2012, sau khi có 2 khóa tốt nghiệp ĐH chính quy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW chính thức được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc. Năm 2013 tiếp theo nhà trường được Bộ GD&ĐT giao tiếp nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Quản lý văn hóa. Và cho đến ngày 30 tháng 1 năm 2015 vừa qua, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW lại được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành “Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc”.  Đây là những bước tiến nhanh, vững chắc trên tất cả các phương diện theo đòi hỏi của công tác đào tạo, khẳng định vị thế/sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ - giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong khối các trường nghệ thuật Việt Nam.

Tuy là những bước đi đầu tiên của đào tạo sau đại học (SĐH), nhưng đào tạo SĐH tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong thời gian qua đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận: sự nghiêm túc/chính quy, luôn bám sát các quy định của Nhà nước và Bộ GD&ĐT về đào tạo SĐH, linh hoạt và sáng tạo. Nhà trường cũng đã tập hợp được đội ngũ những nhà giáo dục nghệ thuật thực sự có tài năng/uy tín/nhiệt tình lao động nghệ thuật cho sự nghiêp đào tạo như: GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, GS.NSND. Nguyễn Trung Kiên, GS.TS. Nguyễn Xuân Kính, GS.TS. Lê Hồng Lý, GS.TS. Lê Ngọc Canh, GS.TSKH. Phạm Lê Hòa, PGS.TS. Thụy Loan, PGS.TS. Vũ Nhật Thăng, PGS. Hoàng Dương, PGS.TS. Vũ Hướng, PGS.TS. Phúc Linh, PGS.TS. Thế Tuân, PGS.TS. Vũ Tự Lân, PGS.TS. Bình Định, PGS.TS. Trọng Ánh, TS. Ngô Nam, Ths.NSND. Quang Thọ, Ths.NSƯT Mai Tuyết, TS. Bích Vân, TS. Trần Ngọc Lan, TS. Đào Trọng Tuyên, TS. La Thương v.v.... Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường cũng là một thế mạnh mà không phải trường đào tạo nghệ thuật nào ở Việt Nam cũng có thể có được với nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được đào tạo một cách chính quy tại các cơ sở giáo dục nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ vậy Trường đã thu hút được số lượng thí sinh dự thi đông đảo và khẳng định được uy tín qua chất lượng đào tạo của Nhà trường. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo cũng bộc lộ những vấn đề cần được lưu ý để làm cho công tác đào tạo sau đại học (SĐH) có được kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Trước hết, đội ngũ giảng viên còn chưa đồng đều về chất lượng, còn có sự khác biệt về phương diện chuyên môn khi tiến hành công tác giảng dạy. Một số giảng viên lần đầu tiên tham gia đào tạo SĐH do đó còn chưa có kinh nghiệm trong cách đánh giá/góp ý xây dựng Đề cương luân văn và Luận văn: chưa thực sự góp ý để học viên phát huy cao nhất tính chủ động/năng lực của người học mà nhiều khi đó là ý kiến chủ quan cho một từ những hướng đi có thể để triển khai luận văn. Vấn đề này cũng hiện hữu tại tất cả các cơ sở đào tạo SĐH khác, đã được từng bước rút kinh nghiệm và đạt được những thành công bước đầu tạo niềm tin cho học viên trong quá trình học tập, hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Chính những bài học thực tiễn của đào tạo cao học là cơ sở quan trọng/kinh nghiệm cho việc bước vào đào tạo trình độ tiến sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc trong thời gian tới.

Tình trạng chung của nhiều cơ sở giáo dục Đại học và SĐH Việt Nam là chất lượng đào tạo chưa mang tính thực tiễn cao, đào tạo SĐH ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW cũng vậy. Việc giảng dạy một số chuyên đề cần phải chú ý sao cho học viên khi học xong có thể nắm vững được các kiến thức cần có, có khả năng thực hành được như mục tiêu đề ra của chuyên đề. Môn Phương pháp luận Nghiên cứu khoa học là một thí dụ. Nhiều học viên đã hoàn thành chuyên đề này nhưng còn rất lúng túng trong cách thực hiện một Đề cương nghiên cứu khoa học. Mặc dù khi học viên được coi là học xong môn học này đã nhận được sự đánh giá “đạt” của giảng viên. Vậy vấn đề là ở người dạy/người học hay cách đánh giá/kiểm tra khi hoàn thành môn học? Qua tìm hiểu tôi cho rằng vấn đề cần được xem xét cả ở hai phương diện giảng viên/cách dạy và người học/cách học. Rõ ràng ở đây người dạy, trong nhiều trường hợp, cũng không thật hiểu rõ đối tượng là những thầy giáo - nghệ sĩ vốn mang tính đặc thù cao về phương thức tư duy so với người học của một số ngành khoa học khác. Còn người học phần lớn lần đầu tiên tiếp cận với phương pháp nghiên cứu khoa học/lần đầu tiên thực sự làm công tác nghiên cứu khoa học, do đó cũng còn nhiều bỡ ngỡ về phương diện nhận thức/phương pháp tiếp cận kiến thức. Bên cạnh đó, cũng còn có thể do đây có sự nể nang trong bệnh thành tích của công tác đào tạo vốn là căn bệnh dường như không có thuốc chữa của giáo dục đại học Việt Nam nhiều năm qua. Đây không là vấn đề chỉ của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, mặc dầu chúng tôi đã có ý kiến chỉ đạo trực tiếp để chống lại hiện tượng này. Thời gian qua cũng có không ít giảng viên rất nghiêm túc, đòi hỏi đúng quá trình/kết quả học tập và bài thi hết môn của học viên. Cách làm này đã nhận được sự ủng hộ cao của Lãnh đạo Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và của phần đông học viên. Việc một số học viên không hoàn thành/trả thi thành công chuyên đề ngay lần thi thứ nhất cũng là chuyện bình thường của các cơ sở đào tạo SĐH. Tôi cho rằng số học viên đầu ra phải luôn ít hơn số học viên đầu vào và chỉ những học viên hoàn thành được đầy đủ các yêu cầu của quá trình đào tạo mới xứng đáng nhận tấm bằng thạc sĩ. Chúng tôi đang nghiên cứu hoàn thiện quy trình để việc đánh giá các học viên chính xác hơn, góp phần hữu hiệu trong việc khẳng định thương hiệu/uy tín đào tạo SĐH của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

Học viên SĐH của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là một vấn đề cũng cần phải được đặc biệt chú ý bởi sự đa dạng về chuẩn kiến thức cũng như ý thức học tập. Mặc dầu nhà trường, theo Quy chế đào tạo SĐH, đã tổ chức các lớp chuyển đổi/bổ sung kiến thức cho các đối tượng học viên nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng học viên là không đồng đều và vì vậy tôi cho rằng ứng xử logic đối với hiện tượng này là một vấn đề không đơn giản. Mặc dầu chúng tôi cũng biết rằng: đối với một cơ sở đào tạo nghệ thuật việc cùng học một lớp nhưng người này về chuyên môn xứng đáng là thày người kia là chuyện bình thường. Nhưng một số không nhỏ học viên cao học vẫn tạo cảm giác cho giảng viên: đây là những người đến tham gia khóa học không phải vì cần được trang bị kiến thức/nâng cao trình độ chuyên môn chuyên môn, mà cần tấm bằng để tiến thân hoặc vì một mục ích ngoài chuyên môn nào đó. Chính tác giả bài viết này cũng đã khuyên hơn một học viên không nên tiếp tục theo học cao học mà nên chọn một con đường đi khác mang lại sự tự tin vốn là điều cốt lõi cần có của mỗi con người trong cuộc sống luôn đầy thử thách. Có thể nói học viên là vấn đề cần được nghiên cứu sâu để có những giải pháp phù hợp cho công tác đào tạo SĐH tại không chỉ Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

Ngày 30 tháng 6 vừa qua, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW chính thức tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc. Chúng tôi coi đây thực sự là một thách thức lớn cho công tác đào tạo SĐH bởi đây là sự kiện lần đầu tiên có không chỉ trong lịch sử nhà trường, mà là của lịch sử Việt Nam. Chương trình đào tạo, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường đã được Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội, Bộ giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn. Chúng ta cũng có thuận lợi là đội ngũ cán bộ - giảng viên nhà trường có kinh nghiệm đã nhiều năm tham gia công tác quản lý/đào tạo SĐH (kể cả trình độ tiến sĩ) ở nhiều cơ sở đào tạo SĐH khác của Việt Nam, đã tham gia nhiều Hội đồng chấm Luận án tiến sĩ cấp nhà nước.

Đào tạo SĐH vốn chưa bao giờ là đơn giản đối với một cơ sở đào tạo, nhất là trong một thời đại đầy biến động/nhiều thách thức như hiện nay. Chính vì vậy, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW luôn phải cập nhật những kiến thức/tri thức mới nhất, cần thiết nhất cho việc khẳng định chất lượng đào tạo. Và chúng luôn ý thức: Phải làm việc một cách nghiêm túc nhất/đầy lòng tự trọng nhất/khoa học nhất mới hy vọng được vào tương lai của đào tạo SĐH tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW như slogan của trường “ĐOÀN KẾT – TỰ TRỌNG – SÁNG TẠO – PHÁT TRIỂN”.