Nội san

Cách thức sắp ngón, tạo tiếng đàn đẹp và cảm thụ âm nhạc trong diễn tấu đàn Guitar

16 Tháng Mười 2015

ThS. Nguyễn Thúy Anh

Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

 

Có thể nói rằng trong diễn tấu đàn Guitar cách sắp ngón, tạo tiếng đàn đẹp và cảm thụ âm nhạc là những yếu tố mà hầu hết các em học sinh - sinh viên (HSSV) không để tâm tới hay coi đó là những yếu tố “mờ nhạt”, không cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế đó là hai yếu tố mang ý nghĩa quan trọng. Nếu như sắp ngón mang tính quyết định trong giai đoạn đầu luyện tập tác phẩm thì kỹ thuật tạo tiếng đàn đẹp và cảm thụ âm nhạc (ÂN) là kết quả cần đạt tới của giai đoạn hoàn thiện. Do đó, giáo viên (GV) cần có sự phân tích và hướng dẫn các em cách thức thực hiện hai vấn đề trên.

  1. Sắp ngón

Cách sắp ngón hợp lý khiến quá trình “vỡ bài” được rút ngắn, cách thức di chuyển cũng như độ “với” của mỗi thế bấm trở nên dễ dàng hơn. Việc sắp ngón là một vấn đề cần lưu ý và phức tạp của đàn Guitar. Khác với các nhạc cụ đàn phím, mỗi nốt nhạc có thể được chơi ở nhiều vị trí trên cần đàn. Chẳng hạn, đối với nốt Đô ở quãng 8 thứ nhất, trên đàn Piano chỉ có duy nhất một vị trí, do đó người chơi có thể dễ dàng xác định được vị trí nốt nhạc trên đàn nhưng trên đàn Guitar nốt Đô này xuất hiện ở 4 vị trí khác nhau (trên dây 2, dây 3, dây 4 và dây 5). Vậy để xác định nốt nhạc được chơi ở vị trí nào là tuỳ vào sự lựa chọn của người chơi, mỗi người có một thế bấm khác nhau. Do đó, GV cần hướng dẫn các em những thế bấm phù hợp, cách sắp ngón hợp lý dựa theo những lôgíc và kinh nghiệm như sau:

- Ưu tiên lựa chọn vị trí nốt nhạc dễ bấm, thông thường và không quá xa so với “độ với” của ngón bấm.

- Xác định màu sắc của âm thanh cần chơi mang tính chất gì? Sáng sủa, rõ ràng hay êm ái ngân nga? Dựa vào đặc điểm của nhạc cụ dây có thể thấy rằng tuy cùng cao độ nhưng nốt ấn luôn mang âm sắc ấm và vang hơn nốt được gẩy buông. Ngoài ra, để làm phong phú màu sắc người chơi còn có thể sử dụng kỹ thuật rung, lắc cổ tay khi ấn, kéo hay trượt làm thay đổi âm sắc. Do đó, âm dây buông còn gọi là “âm chết, âm đơn” vì chỉ được vang lên bằng một âm sắc duy nhất (sáng sủa, mạch lạc, tươi tắn), không có sự biến đổi âm sắc được như các âm ấn. Cũng về sự thay đổi và phong phú của màu sắc, nếu lắng nghe ta dễ nhận thấy giữa các nốt cùng cao độ, nốt nhạc được bấm ở càng xa cần đàn và lên các dây trên (cao xuống trầm) thì âm sắc sẽ càng ấm và có độ vang hơn. Nắm được quy luật trên, các em sẽ có sự lựa chọn vị trí bấm sao cho phù hợp với sắc thái của bản nhạc. Vì thế, các em nên chọn các âm buông chạy giai điệu những bài tiền chiến, hành khúc để diễn tả sự mạch lạc, khí thế; các tác phẩm Tây Nguyên, dân tộc - diễn tả sức sống mạnh mẽ. Với những bản nhạc mang tính lãng mạn (romantic), nhẹ nhàng, trữ tình hay chậm rãi... thì các em nên hạn chế sử dụng các âm buông và thay bằng việc chọn những âm ấn ở vị trí các dây trên.

- Ngoài yếu tố về sắc thái, khi sắp xếp ngón ấn học sinh cũng cần phải lưu ý về tính lôgíc của thế tay, dựa vào thế tay trước và sau cùng những nốt liên quan trong thế bấm mà quyết định. Thông thường đối với những tác phẩm có mức độ kỹ thuật trung bình, việc di chuyển thế bấm không quá phức tạp hay nhảy xa một cách đột ngột. Còn đối với những tác phẩm có trình độ kỹ thuật cao hơn, việc di chuyển xa một cách đột ngột là điều dễ thấy. Đối với những tác phẩm này, cần chú ý tìm và sử dụng một ngón bấm của thế tay trước làm trụ cho việc di chuyển sang thế tay sau, hoặc sử dụng để trượt kéo đạt tốc độ. Cơ sở lý thuyết của việc di chuyển này được thể hiện ở như sau: việc di chuyển từ thế bấm này sang thế bấm khác trên đàn được thiết lập bởi nhiều điểm trên cần đàn. Xét những điểm nằm trên cùng một dây (những nốt nhạc nằm trên cùng một dây), theo toán học ta nhận thấy rằng: quãng đường di chuyển giữa hai điểm là ngắn nhất khi di chuyển và nối chúng bằng một đường thẳng. Vậy trên cùng một dây, cùng sử dụng ngón ấn, cách nhanh nhất để đạt được tốc độ di chuyển là trượt và kéo ngón bấm đó đến vị trí cần thiết lập thế tay. Như vậy, cả thế tay được di chuyển dễ dàng hơn dựa trên sự di chuyển của một ngón thay vì nhảy ngón từ vị trí này đến vị trí khác của nhiều ngón. Còn đối với những thế bấm không có tính liên quan hay kế thừa ngón bấm nào thì khi ấn ngoài những ngón cần giữ để đảm bảo độ ngân của nốt nhạc người chơi nhanh chóng nhấc các ngón bấm ra một cách dứt khoát và đồng đều để tránh trường hợp xuất hiện những tạp âm không cần thiết có trong quá trình di chuyển.

2. Tạo tiếng đàn đẹp

Tạo tiếng đàn đẹp là một trong những mục tiêu hướng tới của bất kỳ người chơi đàn nào. Làm thế nào để tạo được tiếng đàn đẹp? Bài viết hi vọng sẽ cung cấp cho các em một trong những cách thức tạo tiếng đàn đẹp mang tính cơ bản.

Trong kỹ thuật chơi đàn Guitar, bàn tay phải tạo hiệu ứng tiếng đàn, nếu bàn tay được sử dụng một cách hợp lý thì sẽ tạo được một tiếng đàn đẹp. Cách đặt và hình dáng móng tay quyết định 80% chất lượng tiếng đàn. Hướng đặt bàn tay có hai hướng cơ bản: 1. vuông góc với dây đàn, 2. chéo sang bên phải tạo với dây đàn một góc khoảng 135 độ (xét trên mặt phẳng chứa 6 dây đàn). Trên thế giới hiện nay, có ba kiểu dáng móng cơ bản: vát sang bên phải, vát sang bên trái và vuông; dựa vào chiều dài các ngón tay, cánh tay và cách đặt tay mà người chơi có sự chọn lựa tư thế cầm đàn và kiểu dáng móng gẩy. Để phù hợp với những điều kiện ở trên, người Á Đông thường sử dụng kiểu dáng móng gẩy vát sang bên phải và đặt tay chéo tạo với dây đàn một góc 135 độ. Theo lý thuyết vật lý về lực, các ngón gẩy sẽ đạt được lực gẩy tối đa nếu hướng gẩy là hướng về phía cổ tay (do cơ tay thẳng từ cánh tay, cổ tay và bàn tay) do đó, khi đặt bàn tay như vậy đầu tiếp xúc của ngón gẩy với dây đàn cũng phải là hướng chéo. Nhưng khi gẩy dễ bị trượt trên dây hay tạo ra tiếng va giữa móng và dây đàn (tạp âm) do đó, khi gẩy chúng ta cần phải chia ra làm hai động tác như sau:

- Đặt đầu ngón tay vào dây cần gẩy theo hướng chéo với dây như vị trí đặt bàn tay và tiếp xúc với dây là phần thịt đầu ngón tay (bắt chéo đến đỉnh giữa ngón tay gẩy). Trước khi gẩy, ngón gẩy nhấn một chút để giữ dây đàn và không tạo ra sự va chạm giữa móng và dây đàn nhờ phần đầu ngón giữ lại.

- Gẩy dây hướng về phía cổ tay bằng lực gẩy của cả ngón gẩy, không chỉ bằng lực của đầu ngón tay.

Ngoài ra, như đã nêu ở trên, để tạo ra được tiếng đàn hiệu quả cũng phụ thuộc vào việc tìm vị trí ấn và gẩy nốt nhạc sao cho phù hợp với sắc thái và đường nét giai điệu của bài. Khi ấn nên để các ngón ấn ở giữa hay lùi sang bên phải phím đàn một chút tuy nhiên, tránh ấn quá gần ngăn đàn. Có như vậy, nốt nhạc sẽ được vang lên với âm sắc đầy đặn hơn, không tạo cảm giác “non âm”. Để phù hợp với từng bài, các em nên chú ý tới sự khác biệt âm sắc giữa âm dây buông và âm ấn như đã nêu ở phần trên. Hơn nữa, để thể hiện tính đồng âm sắc hay làm rõ sự sắp xếp có quy luật của giai điệu khi xử lý tác phẩm các em nên chọn lựa tuyến giai điệu hoặc là các âm buông hoặc là các âm ấn.

  1. Cảm xúc âm nhạc và cảm thụ tác phẩm

Có thể thấy đây là một đòi hỏi tất yếu đối với bất kỳ ai theo con đường âm nhạc, tác phẩm sẽ chỉ là tác phẩm, là vật chất không có sức sống nếu không có nghệ sỹ thể hiện; tác phẩm đến được với công chúng, được “sống dậy” và sáng tạo thêm một lần nữa bởi nghệ sỹ thể hiện. Dù là tác phẩm đơn giản hay tác phẩm phức tạp đến đâu đều cần đến sự thể hiện của sắc thái và cảm xúc âm nhạc. Nó giúp cho tác phẩm âm nhạc đến được với công chúng. Để có được cảm xúc âm nhạc, người chơi phải cảm thụ được tác phẩm, rõ ràng đây là hai yếu tố không thể tách rời. Nhưng điều đó cũng cần phải có sự tập luyện, có thời gian để tạo dựng thói quen và nâng cao cảm thụ. Do đó, ngay từ những giai đoạn đầu chúng ta cần luyện tập cho học sinh cách cảm thụ tác phẩm, tạo dựng thói quen chơi tác phẩm một cách có cảm xúc. Để có được những cảm xúc âm nhạc và cảm thụ tác phẩm tốt, đầu tiên các em cần tạo cho mình thói quen nghe nhạc, tập hiểu và nghe các tác phẩm âm nhạc kinh điển được biết đến. Song song với việc nghe nhạc, giáo viên sẽ hỗ trợ và giảng dạy cho các em các kiến thức về tác giả, tác phẩm. Thông qua sự hiểu biết về thời đại, về phong cách và bút pháp sáng tác của các nhạc sỹ mà các em phần nào nắm được nội dung, đặc điểm âm nhạc của tác phẩm. Qua đó, các em sẽ hiểu được cách xử lý tác phẩm, cảm xúc được thể hiện rõ nét hơn. Những tác phẩm thời kỳ cổ điển, sắc thái được tuân thủ và ghi chú đầy đủ trong bài nên việc biểu hiện sắc thái được định hình hơn, nhưng đối với những tác phẩm thời kỳ cuối cổ điển trở về sau (từ cuối thế kỷ XVIII) âm nhạc có sự biến hoá về sắc thái, nhịp điệu cũng như những ý tưởng sáng tạo. Do đó, để thể hiện đúng phong cách thời đại và phong cách cá nhân không chỉ phụ thuộc vào việc tuân thủ thực hiện các ghi chú đã được ghi trong bài mà các em còn cần nắm rõ được phong cách sáng tác của các tác giả để có thể nắm được cách thức thể hiện. Ví dụ: âm nhạc thời kỳ Barốc (thế kỷ XVI- XVII) không chú trọng quá nhiều đến sắc thái, chủ yếu chú ý đến kỹ thuật đôi bàn tay. Do đó, khi chơi những tác phẩm của J.S.Bach, Frescobaldi, D.Scarlatti... cần phải chơi đúng tiết tấu nhịp điệu, kỹ thuật và cách trill chính xác - đó là những yếu tố đã khiến tác phẩm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.

 

 

Ảnh: Duo Agostino hòa tấu cùng các giảng viên và sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Khi luyện tập các em nên tìm kiếm đường nét giai điệu của tác phẩm, phân biệt với phần phụ, phần đệm (được thể hiện rõ ràng hơn trong các tác phẩm viết theo hình thức chủ điệu). Như vậy các em bước đầu tìm hiểu tác phẩm, có sự nghiên cứu và tập trung nhất định vào bản nhạc. Ngay bản thân đường nét giai điệu cũng thể hiện một phần sắc thái, chẳng hạn như thông thường khi bắt gặp trong bản nhạc có tuyến giai điệu đi lên theo thứ tự và có quy luật, thông thường sắc thái xử lý là từ nhỏ đến to, tốc độ từ chậm đến nhanh dần. Còn đối với tuyến giai điệu ngược lại, đi xuống và có quy luật nên chơi nhỏ dần và chậm lại. Hay như đối với những câu nhạc có tính chất nối, bắc cầu thường được xử lý tốc độ bắt đầu từ chậm đến tăng dần và đạt cực điểm tại cao trào, sau đó giảm dần và chậm lại để bắt vào câu kế tiếp hay đoạn nhạc kế tiếp. Dù có kí hiệu âm nhạc hay không nhưng thông thường sau những đoạn chạy nhạc tự do (adlibitum) thường phải bắt đầu diễn tấu trở lại nhịp ban đầu (a Tempo) để tạo cao trào, tính hấp dẫn và liên kết của tác phẩm giữa các đoạn nhạc với nhau.

Như vậy, với những phân tích ở trên đây tác giả hy vọng phần nào mang lại cho học sinh sinh viên thấy được sự quan trọng cũng như hiểu được cách thức sắp ngón, tạo tiếng đàn đẹp và cảm thụ âm nhạc trong diễn tấu đàn Guitar. Từ đó tập cho bản thân những thói quen cẩn thận, những kỹ năng cần thiết trong việc “vỡ” và hoàn thiện tác phẩm để trở thành những nghệ sỹ trình diễn đàn Guitar nghiêm túc và chân chính trong nghệ thuật.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Hà (2007), Vấn đề giảng dạy các tác phẩm cho đàn Guitar Việt Nam cho học sinh bậc trung cấp dài hạn, Nhạc viện Hà Nội

2. Thanh Nguyên, Tự học Guitar theo phương pháp mới đơn giản - dễ hiểu, tập 1, 2, NXB Phương Đông

3. Nguyễn Hải Thoại, Giới thiệu cây đàn Guitar, Giáo trình Trung cấp, Nhạc viện Hà Nội

4. Yamaha Music Foundation, Classic Guitar Course 1a, 1b