Nội san

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động văn hóa - thể thao của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

14 Tháng Mười 2015

                                                                                             Lê Ngọc Chiến

 

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vị trí của hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao đối với thế hệ trẻ, xem đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vì vậy, các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao, nhất là trong những năm gần đây ngày càng phong phú, nội dung sâu sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp thanh niên, sinh viên...

Hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao trong các trường đại học, cao đẳng... là một mặt giáo dục quan trọng không thể thiếu được trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, góp phần thực hiện mục tiêu: nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương luôn chú trọng tới hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao của sinh viên cũng như tới công tác quản lý các loại hình hoạt động này.

Với tính chất là trường đào tạo ra các sinh viên chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, các sinh viên luôn được nhà trường tạo điều kiện để phát huy năng lực, sở trường của mình qua các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của trường. Trường đã xây dựng được riêng một tạp chí về văn hóa văn nghệ: Tạp chí giáo dục nghệ thuật. Đây là nơi giao lưu, chia sẻ những quan điểm nghiên cứu khoa học, chia sẻ sự sáng tạo của mình. Về các hoạt động thể dục thể thao, Trường đã thành lập các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ bóng bàn, Dance Sport... tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn, góp phần tạo không khí phấn khởi, đoàn kết trong toàn trừờng. Ban lãnh đạo nhà trường đã tạo điều kiện cho sinh viên cũng như cán bộ công nhân viên nhà trường giao lưu thể thao với các trường trên địa bàn để tăng cường thêm mối quan hệ gắn kết, khẳng định được sức mạnh nội lực của Trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Theo khảo sát của tác giả, thì hầu hết các sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có nhu cầu tham gia các hoạt động văn hoá nghệ thuật trong trường (chiếm 93,5%). Số không có nhu cầu chiếm rất ít chỉ 6,5%. Điều đó cho thấy được vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động văn hóa nghệ thuật đối với sinh viên nhất là sinh viên đang theo học các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật của trường (như bảng 1):

Bảng 1. Nhu cầu tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật của sinh viên

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

TT

Đối tượng

Có nhu cầu

Không có nhu cầu

Số lượng

%

Số lượng

%

1

Nam

90

45

10

5

2

Nữ

97

48,5

3

1,5

Tổng

187

93,5

13

6,5

 

Đồng thời, cũng qua khảo sát của tác giả cho thấy, hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn liền với việc học tập các bộ môn chuyên ngành vẫn chiếm được số đông sinh viên tham gia, có tới 84,5% số người được hỏi hứng thú và lựa chọn. Tạp chí Giáo dục nghệ thuật của trường chiếm 70,5% sự lựa chọn của sinh viên. Ngoài ra, sinh viên cũng rất hứng thú đối với các hoạt động văn nghệ quần chúng, giao lưu văn nghệ. Đây cũng là thế mạnh của sinh viên trong trường, khi họ vốn xuất phát từ các bộ môn năng khiếu, văn hóa - nghệ thuật của trường. Nhà trường đã dần tạo được sân chơi bổ ích cho sinh viên, là nơi giao lưu văn hóa, chia sẻ, xây dựng nền văn hóa chung cho nhà trường, hướng sinh viên trường tới được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống (như bảng 2):

Bảng 2. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được sinh viên

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương lựa chọn

TT

Hoạt động nghệ thuật

Nam

Nữ

Tổng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

1

Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật của trường

55

27,5

86

43

70,5

2

Diễn đàn văn hóa văn nghệ

35

17,5

44

22

39,5

3

Văn nghệ quần chúng

63

31,5

71

35,5

67

4

Các bộ môn nghệ thuật chuyên ngành

77

38,5

92

46

84,5

5

Các loại hình văn hóa khác

14

7

20

10

17

 

Về công tác quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao của sinh viên, nhà trường đã tổ chức các diễn đàn văn hóa văn nghệ theo định kỳ và theo chủ điểm kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của ngành, của sinh viên và của trường. Tạp chí sinh hoạt định kỳ của trường được đông đảo sinh viên đón nhận đọc, góp ý, và cũng tham gia vào sáng tác, chia sẻ những kinh nghiệm về học tập cũng như cuộc sống. Các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các khoa, bộ môn trong trường đã tăng thêm tình đoàn kết, giao lưu học hỏi, gắn kết giữa các sinh viên.

Công tác quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật của sinh viên được nhà trường tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, như: thông qua việc tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật; thông qua việc tổ chức các buổi tham quan, triển lãm; thông qua việc tổ chức câu lạc bộ...

Trong những năm qua, có thể kể đến một số hoạt động thu hút được đông đảo sinh viên tham gia như: chương trình giao lưu nghệ thuật với các nhạc sĩ nhạc sĩ Phú Quang; nhạc sĩ Phạm Tuyên với chủ đề Nhạc sĩ Phạm Tuyên và những ca khúc đi cùng năm tháng; nhạc sĩ Văn Dung với chủ đề Xuân, Hạ, Thu, Đông; hoạt động của các câu lạc bộ theo sở thích. Hiện tại, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có ba câu lạc bộ đang hoạt động khá tốt là: câu lạc bộ Hiphop, câu lạc bộ guitar và câu lạc bộ MC.... Các chương trình này đã tạo cơ hội cho sinh viên nhà trường được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong học tập âm nhạc.

 

Ảnh: Giao lưu CLB Ghi ta và nhóm MC của sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (Nguồn: Tác giả)

 

Về công tác quản lý hoạt động thể dục thể thao, nhà trường đã tổ chức nhiều hình thức hoạt động TDTT trường học phù hợp với điều kiện sức khỏe và đặc thù học tập của sinh viên. Các hình thức thường được áp dụng trong các trường đại học hiện nay như: tập luyện theo các câu lạc bộ thể thao do đoàn thanh niên tổ chức, tập luyện câu lạc bộ theo sở thích... Ở trường ta hiện nay có các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: Câu lạc bộ bóng đá, câu lạc bộ bóng bàn, câu lạc bộ võ thuật, lớp khiêu vũ...

          Nhằm tăng cường quản lý và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học tập và rèn luyện của sinh viên, những năm qua Nhà trường đã đầu tư sửa chữa khu Ký túc xá và khuôn viên sân chơi thể dục thể thao nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt của sinh viên nội trú...Thành lập đội tự quản Ký túc xá với 15 đoàn viên, thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ chuyên trách hoạt động 24/24h, nhằm phát huy tính tự quản, tự rèn trong HSSV trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trong Ký túc xá.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao cũng còn nhiều bất cập, như: vai trò của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên chưa thực sự nổi bật; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động còn chưa đa dạng, phong phú, nên chưa lôi cuốn được đông đảo các sinh viên tham gia; các loại hình hoạt động câu lạc bộ còn tự phát, hoạt động chưa hiệu quả… Do vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao cho cán bộ, giáo viên và sinh viên trong trường. Trước hết cần làm cho cán bộ, giáo viên, sinh viên nhận thức một cách đúng đắn mục tiêu giáo dục nói chung và mục tiêu giáo dục của nhà trường về việc rèn luyện sinh viên toàn diện. Tổ chức nhiều hình thức hoạt động khác nhau như tổ chức hoặc kết hợp với các buổi sinh hoạt chính trị, nghe thời sự, học nghị quyết, họp hội đồng giáo dục, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm quản lí, tổ chức ngoại khoá các chuyên đề về văn hoá giáo dục, đạo đức, pháp luật, các hoạt động thể thao trường học. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội tuyên truyền vận động mọi lực lượng tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật - TDTT. Từ đó, tác động đến tâm lý, nhận thức của cán bộ, giáo viên sinh viên về vai trò, nhiệm vụ, chức năng của hoạt động văn hóa nghệ thuật -TDTT trong việc giáo dục toàn diện nhân cách sinh viên Việt Nam.

Hai là, tiếp tục củng cố, hoàn thiện các thiết chế, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao trong nhà trường. Trong đó, coi trọng việc cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, tạo hành lang pháp lý để công tác quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật  được tiến hành đồng bộ, nhất là trong việc học tập của các sinh viên chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật của trường đang đào tạo. Qua đó, đảm bảo vừa phát huy được tính sáng tạo, tính nghệ thuật của các sinh viên vừa giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và phát huy vai trò của các Đoàn thể chính trị đối với hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao trường học.

Đảng ủy và ban lãnh đạo nhà trường cần xác định công tác quản lý hoạt động Văn hóa nghệ thuật - TDTT là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, không thể tách rời cùng các công tác chuyên môn khác. Để làm được điều đó, phải phát huy mạnh mẽ chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng chính trị, tư tưởng, xây dựng môi trường văn hóa cho sinh viên phong phú, lành mạnh, làm cái nôi để bồi dưỡng nhân cách sinh viên. Kết hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua lớn của Đảng, Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT với sự tham gia của sinh viên trường, tạo mối quan hệ và các buổi giao lưu cho sinh viên trường với các trường đại học khác.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao. Trong đó, cần chú trọng tới việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà trường đối với hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao trường học; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất...

 

Ảnh: Khai mạc thi đấu thể thao khối sinh viên nhân dịp kỷ niệm 44 năm sự nghiệp đào tạo giáo viên nghệ thuật và 8 năm ngày Thủ tường Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (Nguồn: Websibe Trường ĐHSP Nghệ thuật TW)

 

Năm là, tăng cường công tác tổ chức, kiểm tra đánh giá và thi đua khen thưởng. Một trong những giải pháp rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa nghệ thuật của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là những nhóm giải pháp về tổ chức. Nhóm giải pháp tổ chức ở đây chính là từ những nhà tổ chức những hoạt động này mà cụ thể là Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường với sự tham gia của các khoa phòng và sinh viên tích cực. Họ phải có đầu óc tổ chức, phương pháp tuyên truyền vận động sinh viên tham gia các hoạt động này một cách tự nguyện hết mình chứ không phải là gượng ép hay câu lệ, qua loa, chạy theo phong trào thành tích cho xong. Điều này đòi hỏi ban lãnh đạo phải xây dựng được chương trình hoạt động sinh hoạt cụ thể cho hoạt động văn hóa nghệ thuật - TDTT, tổ chức theo dõi, quản lý, có đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động, thực sự coi đây là một hoạt động quan trọng song song cùng việc cung cấp những kiến thức chuyên ngành cho sinh viên. Nhà trường cần có sự sắp xếp cân đối giữa giáo dục thể chất và việc trang bị những tri thức khoa học chuyên ngành cho sinh viên, trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản để phát triển thể chất, tinh thần, tri thức, góp phần hoàn thiện năng lực tư duy và năng lực sáng tạo của sinh viên.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.       Bạch Thị Lan Anh (2009), Tìm hiểu hoạt động giải trí của sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Đề tài nghiên cứu cấp trường năm 2009 .

2.        Hoàng Trần Doãn (2006), Nhu cầu điện ảnh của sinh viên một vài kết quả nghiên cứu”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 6.

3.       Vũ Thị Hạnh (2009), Hành vi văn hóa trong giao tiếp của sinh viên ở trường đại học hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 6.

4.       Nguyễn Chí  Hòa (2000), Nghiên cứu một số biện pháp xã hội hóa thể dục thể thao trong học viện hậu cần quân đội (luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục).

5.       Bùi Thanh Huyền (1998), Một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của sinh viên trong ký túc xá Cao đẳng Sư phạm Long An.

6.        Kỷ yếu 40 năm (2010), Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương, 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

7.       Đào Đăng Phượng (2010), Xây dựng nếp sống văn hóa ký túc xá sinh viên trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Đề tài cấp Bộ.

8.        Nguyễn Đức Thành (2012), Xây dựng nội dung và hình thức tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa của sinh viên ở một số trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh (Luận án Tiến sĩ Giáo dục học).

9.       Lê Cao Thắng (2007), Xây dựng nếp sống văn hoá trong sinh viên, Tạp chí  Văn hóa nghệ thuật, số 4.

10.     Từ hứng thú đến tài năng (1985), Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.

11.     Nguyễn Bích Vân (2010), Rèn luyện bản lĩnh biểu diễn cho học sinh, sinh viên nhạc cụ cổ điển phương Tây (Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật Âm nhạc.)

12.    Website Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.