Tin tức – Sự kiện

“Dự giờ” những tiết học phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu

07 Tháng Mười Một 2015

“Dự giờ” những tiết học phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Ngay từ bây giờ, hãy đặt câu hỏi các vị khách mời để được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học và cộng đồng dân cư...
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại gần 1 trong 5 ổ bão lớn của thế giới. Bão lũ xảy ra thường xuyên ở nhiều vùng trong cả nước, gây thiệt hại cả về người và của cải vật chất. Trong đó, ngành giáo dục phải gánh chịu những tác hại không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động dạy và học của học sinh và giáo viên. 

Thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện, cụ thể hóa Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 và một số đề án, chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu của Chính phủ. 

Bộ cũng đã ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020” và “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2015”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường quan hệ hợp tác với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam. Kết quả hợp tác đã từng bước đưa công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực giáo dục chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đảm bảo mục tiêu bền vững và chiến lược. 

Bộ cũng thành lập Nhóm điều phối về quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu trong ngành giáo dục. Đến nay, Nhóm điều phối đã thu hút sự tham gia của trên 20 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.

Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đến cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên (chiếm 25% dân số Việt Nam), từng bước xây dựng hệ thống trường học an toàn. Đây cũng chính là sự khẳng định cam kết và chủ động thực hiện trách nhiệm trong việc thực thi Luật Phòng, chống thiên tai của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nắm bắt được nhu cầu mong muốn trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác truyền thông, giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong các hoạt động chính khóa và  ngoại khóa của nhà trường, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Những tiết học ấm nắng, dịu mưa” vào 9h sáng thứ Sáu (ngày 6/11/2015) với sự tham gia của các vị khách mời:

1. Thầy Mạnh Hồng Hải - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và cô Nguyễn Thanh Thảo - Phó Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT Quảng Ninh;

2. Cô Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Thụy, Long Biên;

3. Thầy Nguyễn Xuân Năng - Tổ trưởng tổ Địa lý, Trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh;

4. Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học, Địa lý: Mai Phương Linh; Nguyễn Ngọc Minh Hải - Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh).

Buổi giao lưu trực tuyến là cầu nối góp phần tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư trong cả nước, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến
Xin hỏi dấu ấn về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục Quảng Ninh năm 2015 là gì? 

trankhietlan@...

Thầy Mạnh Hồng Hải và cô Nguyễn Thanh Thảo:

 

Năm 2015, dấu ấn về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục Quảng Ninh là "chủ động - kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ".

Thầy Mạnh Hồng Hải;

 Cô Nguyễn Thanh Thảo.

Sau những hậu quả nặng nề do trận mưa lũ lịch sử gây ra, với sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của Trung ương, tỉnh, Bộ GD&ĐT, sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, toàn ngành GDĐT đã vào cuộc kịp thời, quyết liệt trong việc khắc phục hậu quả để lại của mưa lũ. 

Sở GD&ĐT đã gấp rút triển khai hỗ trợ cho học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lớn, đảm bảo các điều kiện cho hoạt động giáo dục để tất cả các trường trên toàn tỉnh Quảng Ninh cùng với cả nước đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới.

Chị Linh ơi, em biết chị là học sinh giỏi quốc gia, lại là lớp trưởng nữa nên chắc chắn sẽ giúp được em. Em sẽ tham gia cuộc thi hùng biện của trường với chủ đề về giảm nhẹ và phòng ngừa rủi ro thiên tai trong tuần tới. Hiện em đang lên ý tưởng cho bài hùng biện của mình, nhưng cũng muốn tìm kiếm những hình ảnh minh họa để làm sinh động thêm cho bài hùng biện nữa. Chị thấy ý tưởng này có được không ạ? Nhân tiện, chị gợi ý giúp để em có một bài hùng biện thực sự thuyết phục nhé. Em cảm ơn chị.

Đình Minh - Bạch Thông, Bắc Kạn

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Mình thấy ý tưởng này của bạn rất hay đấy!

Mình nghĩ, nếu bài hùng biện về thiên tai bạn nên bắt đầu từ những hậu quả - nguyên nhân - giải pháp giảm nhẹ và phòng ngừa các thiên tai ở Việt Nam nói chung và địa phương bạn nói riêng.

Bạn nên sưu tầm những hình ảnh cụ thể từ chính địa phương mình. Nếu có điều kiện, bạn nên nhờ sự hỗ trợ của các hiệu ứng khác như âm thanh, hình ảnh, hoạt cảnh,...

Là một giáo viên, bản thân tôi được biết, có không ít giáo viên vẫn nghĩ, biến đổi khí hậu chỉ diễn ra ở những vùng rất xa xôi, không phải ở Việt Nam. Chính vì vậy, sự hiểu biết chưa biến thành thái độ, hành vi sống thân thiện với môi trường. Giáo viên chưa “thông” thì làm sao học sinh hiểu thấu. Điều này có tồn tại ở trường của chị không? Trường có biện pháp nào để động viên, khuyến khích các giáo viên, ví dụ viết các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm liên quan đến vấn đề này?

Dương Hải Tâm - Kinh Môn, Hải Dương

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

Ở trường chúng tôi mọi người đều nhận thức sâu sắc được rằng, biến đổi khí hậu xảy ra trên toàn cầu và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu.

Chính vì thế mà công tác tuyên truyền và bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên được nhà trường đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Chúng tôi khuyến khích giáo viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Giáo dục bảo vệ môi trường. Nhà trường cũng đã khen thưởng cho những giáo viên đoạt giải.

Phát động đến 100% giáo viên, học sinh tham gia hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất.

Chào thầy trò cô Ngọc. Chúng tôi đang chuẩn bị cho một giờ ngoại khóa đặc biệt chủ đề giảm nhẹ rủi ro thiên tai, có sự tham gia dự giờ của đại diện phòng GD&ĐT. Cả thầy và trò đều có ý tưởng sẽ tổ chức một cuộc thi nhỏ, tổ chức các trò chơi hoặc thực hiện một tiểu phẩm ngắn nhưng hiện còn băn khoăn giữa những ý tưởng này. Nhân có chương trình giao lưu cùng chủ đề, hy vọng nhận được sự gợi ý thêm của thầy trò Trường THPT chuyên Hạ Long. Các thầy cô chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng, kinh nghiệm hay hơn giáo viên miền núi chúng tôi.

Nguyễn Thị Hoàng - Giáo viên (Yên Bái)

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Chúng mình đã tổ chức chương trình ngoại khóa về biến đổi khí hậu, bao gồm: Tổ chức thi đấu giữa các đội, các tiết mục tiểu phẩm, văn nghệ, và giao lưu với khán giả. Nếu điều kiện cho phép, các bạn nên tổ chức lồng ghép các hình thức càng đa dạng càng thú vị, thu hút đông đảo của học sinh.

Một lần tổ chức diễn tập về kỹ năng phòng chống cháy nổ, tôi quan sát các học sinh khi gặp tình huống thật, rất dễ hoảng loạn và không thể nhớ mình cần làm gì, mặc dù trước đó, giáo viên đã giảng rất kỹ. Là hiệu trưởng một trường tiểu học, chị Hồng có cách nào để học sinh của mình thực sự vững tâm lý trước các tình huống thảm họa chứ không phải chỉ thuần là thuộc lý thuyết?

muaavu77@...

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

Cần xác định cho học sinh hỏa hoạn, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ nơi đâu và có nhiều tình huống khác nhau. Việc học sinh hoảng loạn khi gặp tình huống thực tế là điều dễ hiểu.

Vì vậy, theo tôi trong các buổi tập huấn và diễn tập, nên để cho học sinh tham gia vào các tình huống giả định có thể xảy ra trong thực tế. Việc này giúp các em được cọ sát với thực tiến. Từ đó có thêm những kỹ xử lý tình huống.

Luôn luôn nhắc học sinh hết sức bình tĩnh trong mọi tình huống để có được những cách xử lý hợp lý nhất.

Chào thầy Năng, chúng tôi cũng là giáo viên Địa lý và đang bắt tay xây dựng chuyên đề "Lồng ghép giáo dục kiến thức phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai vào trường học" . Nhân dịp này, mong được nghe chia sẻ của thầy Năng để chúng tôi xây dựng tốt chuyên đề này, trong đó có việc lựa chọn bài giảng và các phương pháp giảng dạy phù hợp. Nếu thầy có thể giới thiệu nguồn tài liệu để tham khảo cho chuyên đề này thì càng tốt ạ?

Nguyễn Thị Lan Anh - Bình Chánh, TP HCM

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

 

"Nên xây dựng chuyên đề dạy học mang tính liên môn để vừa góp phần giảm tải nội dung dạy học vừa đổi mới hình thức phương pháp dạy học đồng thời hiệu quả của việc giáo dục sẽ cao hơn" - Thầy Nguyễn Xuân Năng  

Chào bạn! Rất vui khi được chia sẻ cùng bạn về kinh nghiệm xây dựng chuyên đề dạy học "Lồng ghép giáo dục kiến thức phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai vào trường học" .

Để thiết kế xây dựng chuyên đề dạy học bạn cần rà soát chương trình bộ môn, để lựa chọn chủ đề dạy học thích hợp với trường và địa phương của bạn. 

Theo tôi, bạn nên xây dựng chuyên đề dạy học mang tính liên môn để vừa góp phần giảm tải nội dung dạy học vừa đổi mới hình thức phương pháp dạy học đồng thời hiệu quả của việc giáo dục sẽ cao hơn. 

Bạn có thể tham khảo thêm trong tài liệu tập huấn về dạy học tích hợp liên môn mà Bộ GD&ĐT đã tổ chức thực hiện.

Hồi 7 tuổi, trong một lần tắm ao em đã suýt bị đuối nước, từ đó em sợ nước vô cùng. Bây giờ, chỉ cần nhìn các bạn nhảy xuống nước tắm là tim em đã đập mạnh, chân tay run hết lên rồi. Nhưng cũng chính vì vậy mà em thêm một lần nữa "chết hụt" sau đợt ngập lụt ở Quảng Ninh vừa rồi. Sau lần đó, em tự nhủ phải học bơi nhưng từ quyết tâm đến thực hiện sao khó quá. Em vẫn cảm thấy sợ nước lắm. Cô Ngọc và anh chị cho em xin lời khuyên với!

Mai Thanh Huyền - Vân Đồn, Quảng Ninh

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Chào bạn!

Bạn nên nhờ sự hướng dẫn của những người có chuyên môn, kinh nghiệm về bơi. Khi tự học sẽ khó biết bơi, và nếu biết bơi cũng dễ sai kỹ thuật.

Đặc biệt, bạn nên tập trong các bể bơi có sự theo dõi, giám sát của người lớn,...

Cuối cùng, bạn phải vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để thành công.

Tôi muốn hỏi Sở GD&ĐT Quảng Ninh có những giúp đỡ, hỗ trợ gì không nếu giáo viên xây dựng được nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu về đề tài phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu?

nguyenminhuyen80@...

Thầy Mạnh Hồng Hải và cô Nguyễn Thanh Thảo:

Chào bạn, Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm khuyến khích và có sự hỗ trợ về kinh phí và nhân lực từ các đơn vị chuyên ngành đối với các cá nhân, tập thể có mong muốn nghiên cứu và đóng góp về nội dung này. 

 

Các bạn ở trường trung tâm huyện em đang triển khai một ý tưởng rất thú vị, đó là tự thâm nhập thực tế để viết tin bài về những vấn đề chúng em đang rất trăn trở, như mong muốn được học bơi, cảnh báo bạn bè không nên chủ quan vào mỗi mùa mưa lũ, cảnh bản nạn chặt phá rừng... Bản tin của các bạn có tên rất dễ thương là "bản tin xanh". Chúng em cũng rất muốn làm được như các bạn ấy, có điều để làm được cần có kinh phí, đặc biệt là nhân lực, rồi ý tưởng nữa, sao cho khác đi chút chút. Không biết anh chị thấy ý tưởng này như thế nào? Có thể giúp em vài lời khuyên được để hực hiện ý tưởng này được không?

phongviennhi@...

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Chào bạn!

Đây là một ý tưởng rất hay, bạn có thể xin tư vấn và hỗ trợ từ đoàn trường.

Mình nghĩ, Ban Chấp hành Đoàn trường sẽ có hướng dẫn cụ thể từ việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Ví dụ: Nếu có chương trình, Ban Chấp hành Đoàn trường mình sẽ hỗ trợ học sinh về nội dung, ý tưởng tổ chức như làm các clip, hướng dẫn viết bài, vẽ tranh,.. Thông qua đó, học sinh có thể thực hiện được ý tưởng của mình dễ dàng hơn.

Thầy Năng có thể  qua chương trình chia sẻ giúp những phần nào trong nội dung chương trình Địa lý ở THPT thích hợp để tích hợp với kiến thức phòng chống, giảm nhẹ thiên tai không ạ? Xin cảm ơn?

Vũ Tuyết Vy - Bảo Lộc, Lâm Đồng

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Chào bạn! Rất vui được giao lưu với một đồng nghiệp dạy môn Địa lý.

Trong chương trình giáo dục môn Địa lý cấp THPT hiện hành có nhiều khả năng để giáo dục tích hợp phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể thực hiện nhiều phương thức tích hợp khác nhau như: tích hợp toàn phần, tích hợp bộ phận và hình thức liên hệ. 

Trong chương trình Địa lý lớp 10, 11, 12 có khá nhiều bài có thể thực hiện việc tích hợp như: Bài 14, 15, các bài về các vùng của chương trình lớp 12. Bạn có thể tham khảo các địa chỉ tích hợp ở các tài liệu tập huấn về phòng chống giảm thiên tai và biến đổi khí hậu mà Bộ GD&ĐT đã thực hiện.

Chúc bạn thành công trong việc giáo dục phòng chống thiên tai của môn học mình và tại địa phương mình!

Ngoài môn Tự nhiên - Xã hội, trường tiểu học Gia Thụy còn có những biện pháp nào tích hợp các nội dung phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà trường có quan tâm đến việc bồi dưỡng giáo viên liên quan đến nội dung này không và hình thức bồi dưỡng cụ thể như thế nào?

Huỳnh Thu Vân - Phú Nhuận, TP HCM

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

Việc bồi dưỡng giáo viên kiến thức về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu là việc làm thường xuyên của nhà trường.

Qua nhiều các chuyên đề, để giúp giáo viên có thêm kiến thức và phương pháp truyền đạt cho học sinh bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Ví dụ: - Những buổi học tập về phòng cháy, chữa cháy, từ lý thuyết đến thực hành cách sử dụng thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

- Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần của các tổ, căn cứ vào đối tượng học sinh của các khối lớp, các giáo viên đưa ra sự thống nhất về nội dung tuyên truyền cho phù hợp với lứa tuổi của học sinh.

- 100% máy tính của nhà trường được kết nối mạng, nhằm giúp giáo viên khai thác thông tin ở trên mạng để bổ sung kiến thức về phòng chống thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu để đưa vào bài giảng hàng ngày.

Mới đây, chúng em được tham gia một buổi diễn tập với nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai do dự án Plan tổ chức. Khi đó, các cô chú đưa ra tình huống đang học trên lớp thì đột ngột mưa to, gió lớn kéo đến nước từ sông suối dâng cao có nguy cơ tràn vào lớp học. Thú thực, lúc đó, cả lớp chúng em lúng túng lắm. Có bạn chọn phương án chạy vào ... nhà vệ sinh; bạn thì nói sẽ chạy về nhà dù trường học ở trên vùng đất cao hơn khu dân cư. Xin được hỏi cô Ngọc và hai anh, chị, nếu trong trường hợp đó, cô và anh chị sẽ làm gì ạ?

Nguyễn Thu Hoa - học sinh, Quảng Bình

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Chào bạn!

Trong tình huống của bạn, đầu tiên, chúng ta nên bình tĩnh, phân tích, phán đoán và có thể liên lạc với các thầy cô, người thân,...

Theo chúng mình, trường học sẽ là nơi an toàn nhất trong tình huống này vì trường của bạn cao hơn khu dân cư.

Lợi thế vị trí địa lý ở gần biển, có danh thắng di sản văn hóa thế giới có tạo thuận lợi gì cho công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường học ở Quảng Ninh không, thưa ông?

Đoàn Học Hải - Cần Thơ

Thầy Mạnh Hồng Hải và cô Nguyễn Thanh Thảo:

 

"Việc giáo dục bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới có tác động tích cực đến việc giáo dục  nhận thức của mỗi người dân trong đó có các học sinh tỉnh Quảng Ninh về hoạt động của con người với biến đổi khí hậu" -thầy Mạnh Hồng Hải 
Chào bạn, người dân Quảng Ninh tự hào với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và ý thức được vai trò của sự phát triển bền vững đối với kinh tế xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Học sinh Quảng Ninh luôn chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường học. 

Do vị trí giáp biển, mỗi năm có khoảng 3-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp nên việc phòng chống, ứng phó với thiên tai luôn được chính quyền và nhân dân chủ động xây dựng các phương án phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ. 

Bên cạnh đó, với giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo của Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã và đang nhận được nhiều sự tư vấn từ các cơ quan chuyên môn, các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế trong việc bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường,…

Việc giáo dục bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới có tác động tích cực đến việc giáo dục  nhận thức của mỗi người dân trong đó có các học sinh về hoạt động của con người với biến đổi khí hậu, từ đó có hành động đúng góp phần phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tôi thấy hiện nay học sinh chưa thực sự hứng thú với các nội dung giáo dục lồng ghép. Không biết ý kiến của người trong cuộc là cô Ngọc và hai em học sinh như thế nào? Riêng với các em học sinh, tôi cũng rất muốn hỏi: Các em mong chờ gì từ giáo viên với những hoạt động giáo dục có nội dung về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai?

Đoàn Văn Phương - Đức Thọ, Hà Tĩnh

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Cô Bích Ngọc: Chào bạn!

Học sinh trường mình lại rất hứng thú với những bài giảng của giáo viên khi lồng ghép các nội dung về phòng chống thiên tai. Chúng tôi luôn có kế hoạch lồng ghép các nội dung về phòng chống thiên tai trong cả chương trình học từ đầu năm và từng bài giảng cụ thể.

Tuy nhiên, để học sinh thực sự hứng thú phải có sự đầu tư và tâm huyết của giáo viên. Chính mỗi thầy cô phải "say mê" về những nội dung mình muốn truyền đạt đến học sinh.

Nhóm học sinh: Chúng em chào thầy!

Đối với học sinh chúng em, mong muốn lớn nhất là được trực tiếp tiếp thu kiến thức thực tế, không chỉ là những bài học trong sách, vở. Rất may mắn là các thầy cô trường em luôn có những chương trình trải nghiệm thực tế cho học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập của chúng em.

Tôi thấy hoạt động Tết trồng cây được tổ chức mỗi dịp đầu năm có ý nghĩa rất tốt giáo dục học sinh ý thức yêu cây xanh, bảo vệ môi trường. Nhưng dường như, việc này diễn ra trong các nhà trường vẫn còn rất hình thức. Chị Hồng suy nghĩ như thế nào về điều này. Và sự kiện Tết trồng cây được tổ chức tại Trường tiểu học Gia Thụy như thế nào để phát huy được ý nghĩa thực sự?

vuongphan64@...

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

Hoạt động Tết trồng cây có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên việc thực hiện Tết trồng cây cũng cần phù hợp với lứa tuổi của học sinh tiểu học.

Theo kinh nghiệm ở trường tôi, trồng những cây lớn không phù hợp với học sinh tiểu học nên chúng tôi tổ chức cho các con trồng cây tại công trình măng non đã giao các lớp: Những bồn cây, những chậu hoa.

Bên cạnh đó, hàng ngày các con tưới, nhổ cỏ, tỉa cành để công trình luôn xanh tươi và đẹp mắt.

Thông qua những việc làm trên chúng tôi giáo dục cho các con về ý nghĩa của Tết trồng cây. Từ đó giúp học sinh hình thành ý thức bảo vệ cảnh quan sư phạm nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

Ở các trường chuyên thường chú trọng, ưu tiên thành lập các câu lạc bộ về học tập hơn. Mình thấy những kiến thức về giảm nhẹ rủi ro thiên tai vô cùng quan trọng nhưng hình như rất ít trường học có câu lạc bộ về nội dung này. Liệu hai bạn có ý định sẽ lập ra một câu lạc bộ như vậy ở trường THPT chuyên Hạ Long hay không?

Nguyễn Minh Phượng - Đoan Hùng, Phú Thọ

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

 

Cô trò trường THPT chuyên Hạ Long say sưa chia sẻ các kinh nghiệm với bạn đọc 

Chào bạn!

Thực ra, trường mình đã có rất nhiều các CLB về học tập, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, những CLB về phòng chống thiên tai trong trường học đã có như CLB Thiên văn, CLB về biến đổi khí hậu,...

Các CLB thường xuyên tuyên truyền với các hình thức hấp dẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh như: Đổi rác lấy quà, nhảy Flashmob về môi trường, biểu diễn thời trang, diễn hoạt cảnh,...

Theo thầy Năng, hình thức thích hợp nhất cho các học sinh THPT tiếp cận với các nội dung về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai là gì, ngoài các kiến thức lồng ghép trong bài học Địa lý, Giáo dục công dân…?

Nguyễn Minh Huệ - Ân Thi, Hưng Yên

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Thật khó để nói hình thức nào là thích hợp nhất. Với mỗi hình thức khác nhau sẽ có tính phù hợp khác nhau với từng đối tượng học sinh, khả năng của giáo viên và tình hình thực tế của địa phương. 

 

Hiện nay có hai hình thức tổ chức dạy học tích hợp chính là thông qua các bài học trên lớp của các môn học, các cấp học và các hoạt động ngoài lớp học như tham quan, ngoại khóa, các bài học dự án, các cuộc thi; các phong trào ủng hộ từ thiện, chia sẻ khó khăn với những nơi xảy ra thiên tai...

 

Hy vọng với điều kiện của trường bạn, bạn sẽ lựa chọn cho mình hình thức thích hợp dễ thực hiện và đạt hiệu quả tốt nhất.

Em là học sinh ở Tây Nguyên, từng trực tiếp chứng kiến cảnh cháy rừng khủng khiếp. Vừa rồi, nhà trường phát động cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống thực tiễn, em nghĩ ngay đến việc sử dụng tình huống cháy rừng vào bài thi của mình. Em rất mong được anh chị gợi ý thêm để em hoàn thành được bài thi này ạ?

chrolove@...

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Chào bạn!

Cháy rừng ở Tây Nguyên là một vấn đề lớn.  Bạn có thể vận dụng môn Địa lý ở phần khí hậu, Sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường, thiên tai và cac biện pháp phòng chống, bạn có thể tham khảo thêm phần cuối của Địa lý lớp 10 có phần vấn đề môi trường của các nước đang phát triển...Những phần này sẽ giải thích vì sao Tây Nguyên khô hạn...

Môn Sinh học có phần Sinh quyển và bảo vệ môi trường, Sinh lý thực vật, ...

Ngoài ra, bạn còn có thể áp dụng môn Giáo dục công dân về những bài học về ý thức của con người, luật bảo vệ môi trường,...

Ngoài ra, bạn có thể học hỏi thêm kinh nghiệm của trường mình là các lớp sẽ tổ chức đi trải nghiệm thực tế để hiểu rằng những kiến thức mình học được sẽ ứng dụng như thế nào với cuộc sống.

Bạn cũng có thể trực tiếp gặp những cô giáo bộ môn Địa lý, Sinh học, GDCD để tìm được sự tư vấn tốt nhất.

Theo chị, nếu nói về giáo dục chủ đề môi trường, biến đổi khí hậu, nên đưa những nội dung kiến thức cụ thể nào để phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh tiểu học?

ttnhungyen12@...

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

Theo tôi nên giáo dục học sinh bảo vệ môi trường xung quanh nơi các con học tập và sinh sống.

Giáo dục học sinh giữ gìn bảo vệ, trồng và chăm sóc cây xanh, tạo không khí trong lành, xanh - sạch - đẹp.

Hướng dẫn học sinh chăm sóc sức khỏe cá nhân khi thời tiết thay đổi.

Nên giúp học sinh có những kỹ năng về phòng chống thiên tai do biến đổi khí hậu. Đó là những kỹ năng mà tôi đã nói ở phần trên.

Tôi muốn hỏi sau trận lũ lịch sử vừa rồi, nhận thức về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu của thầy trò Quảng Ninh có gì khác trước không, thưa ông Mạnh Hồng Hải? Phải chăng cứ phải gánh chịu hậu quả, phải trân mình chịu đựng những tác động của thiên tai, khí hậu thì con người mới "rục rịch" về nhận thức?

Đỗ Văn Khê - 42 tuổi, Đà Nẵng

Thầy Mạnh Hồng Hải và cô Nguyễn Thanh Thảo:

 

Để có những chia sẻ sâu sát, hiệu quả đến bạn đọc, cô Nguyễn Thanh Thảo và thầy Mạnh Hồng Hải đã bàn bạc nội dung trả lời rất kỹ 

Chào bạn, sau trận lũ lịch sử kéo dài từ 25/7 - 3/8/2015, hơn ai hết mỗi người dân Quảng Ninh trong đó có thầy và trò ở các nhà trường vùng mưa lũ (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn,..) càng nhận thức đầy đủ hơn về tác hại của thiên tai.

Mặc dù đã có những kế hoạch phòng chống và triển khai các lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ nhưng do tính chất "lịch sử" của trận mưa lũ (lớn nhất trong vòng 50 năm qua) nên trong công tác phòng, chống, Quảng Ninh đã phải đối mặt với những tình huống ngoài dự tính; gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Chúng tôi nghĩ, đây cũng là một bài học lớn không chỉ riêng cho Quảng Ninh mà cho tất cả các địa phương khác trong cả nước về việc xây dựng kế hoạch; tuyên truyền để người dân nhận thức, trang bị các kỹ năng để ứng phó với những bất thường của thời tiết.

Thú thực là học sinh của tôi ở thành phố, quen ăn ngon mặc đẹp mà chẳng mấy khi phải trải qua khó khăn do thiên tai. Bởi vậy, dù đã đầu tư vào bài dạy nhưng tôi cảm thấy chưa thực sự lay động được các em. Không biết nếu là thầy Năng, thầy sẽ có phương pháp nào với đối tượng học sinh như của tôi?

Đỗ Bích Vân - giáo viên, Hải Phòng

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Theo tôi với mỗi đối tượng học sinh ở các vùng, miền khác nhau sẽ có những khó khăn khác nhau trong việc giáo dục tích hợp phòng chống thiên tai. 

Để các em học sinh hứng thú đến nội dung này đòi hỏi chúng ta khi thiết kế bài giảng cần chú ý đến việc đổi mới hình thức, phương pháp và kĩ thuật dạy học. 

Đồng thời khai thác hiệu quả các vấn đề thực tiễn của địa phương, liên hệ trực tiếp với các vấn đề trực tiếp của các đô thị sẽ tạo ra hứng thú đối với học sinh, những vấn đề hàng ngày các em gặp phải sẽ lay động được các em và đòi hỏi các em phải có những hành động phù hợp.

Ví dụ ở các đô thị, vấn đề ngập lụt, tình trạng thiếu nước sạch, tình trạng nắng nóng kéo dài và những bất thường thiên nhiên khác,…

Để giảng dạy nội dung phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu hiệu quả, bắt buộc phải cho các em thực hành chứ nếu chỉ dạy lý thuyết chung chung thì các em sẽ mau chóng quên ngay. Khi gặp tình huống thật, học sinh rất dễ hoảng loạn và không thể nhớ mình cần làm gì. Tôi đang cố nghĩ là không biết giáo viên ở trường Tiểu học Gia Thụy làm cách nào để có thể cho các học sinh thực hành nội dung này? Rất mong nhận được câu trả lời từ cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng.

Hà Trần – 50 tuổi, thành phố Hải Phòng

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

Dạy học sinh về phòng chống thiên tai thường được lồng ghép trong các tiết học khác và tiết hoạt động tập thể.

Trong các tiết học đó, chúng tôi thường xây dựng những tình huống giả định để học sinh tìm cách xử lý. 

Ví dụ: Dạy học sinh ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn ngay tại lớp học hoặc nơi ở của mình thì các con phải làm những việc gì:

Thứ nhất, tìm cửa thoát hiểm mà khói chưa lan đến.

Thứ hai, sử dụng khăn ướt để che miệng tránh nhiễm khói độc. hoặc làm ướt quần áo, trùm chăn ướt để tránh bị bỏng..

Khi khói đã vào nhà thì cúi thấp người để di chuyển tránh hít phải khói độc.

Học giỏi, lại là lớp trưởng, chắc hai bạn từng tham gia tổ chức những hoạt động ngoại khóa liên quan đến vấn đề phòng chống rủi ro thiên tai. Mình vừa được tín nhiệm làm bí thư đoàn, cũng muốn  tổ chức một hoạt động gì đó có ý nghĩa và thu hút được đông đảo các bạn học sinh tham gia. Nội dung về những kỹ năng ứng phó với thiên tai quả thực rất hấp dẫn, nhưng mình chưa nghĩ ra được hình thức nào phù hợp. Rất mong nhận được sự gợi ý từ hai bạn.

Bùi Minh Ngân - Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

 

Các bạn nam lớp mình còn mặc... váy để vở kịch tuyên truyền phòng, chống biến đổi khí hậu thêm hấp dẫn đấy! 
Cảm ơn bạn đã quan tâm và dành lời khen cho chúng mình!

Về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động:

Chúng mình cần xin ý kiến chi đạo của các thầy cô giáo chủ nhiệm, các thầy cô bộ môn để xin tư vấn tổ chức trong lớp và định hướng nội dung cụ thể, chi tiết hơn.

Sau đó,  bạn nên tập trung các bạn cán sự trong lớp, xác định rõ mục đích của buổi sinh hoạt, hình thức tổ chức do việc tuyên truyền đã có nhiều nhưng chưa thực sự thu hút các bạn. Vì vậy,  chúng ta có thể xây dựng một số cách tiếp cận mới mẻ hơn như: Các tiểu phẩm, các game show về chủ đề đó, các hoạt động văn nghệ, các cuộc thi vẽ tranh, ảnh về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, mình đã tổ chức cho các bạn những vở kịch hài hước, gần gũi với học sinh chúng mình. (Thậm chí, các bạn nam lớp mình còn anh dũng... mặc váy để vở kịch thêm phần hấp dẫn). 

Nội dung vở kịch sẽ lồng ghép được cả về những nguyên nhân, hậu quả, cách phòng chống thiên tai,....

Mình nghĩ đó là cách hiệu quả nhất thu hút đông đảo học sinh tham gia và "nhớ" lâu hơn.

Tôi thấy môn Địa lý hiện nay phải tích hợp khá nhiều nội dung, nào là vấn đề bảo vệ môi trường, dân số, năng lượng, kỹ năng sống, rồi cả phòng chống biến đổi khí hậu. Là một giáo viên trẻ, nhiều khi tôi thấy lúng túng, không biết nên lồng ghép nội dung nào vào bài nào và với lượng kiến thức ra sao cho phù hợp, tránh quá tải và vẫn đảm bảo được nội dung kiến thức cần truyền đạt? 

cuonghuuvu@...

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Hiện nay việc giáo dục tích hợp đang được thực hiện ở hầu hết các môn học, với môn Địa lí khả năng để tích hợp các nội dung về bảo vệ môi trường, dân số, năng lượng, kĩ năng sống, biến đổi khí hậu,... là phù hợp do kiến thức của môn học Địa lí bao gồm các vấn đề về tự nhiên, kinh tế- xã hội.

Việc thực hiện tích hợp các nội dung qua môn học Địa lí đã có nhiều tài liệu tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các nội dung tập huấn đã đề cập đến quy trình, phương pháp, địa chỉ, mức độ tích hợp.

Chúc bạn thành công khi dạy học tích hợp các nội dung!

Trường tôi vừa tổ chức ngày hội với rất nhiều hoạt động hướng tới nội dung bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu như triển lãm tranh của học sinh chủ đề môi trường; thi làm các vật dụng bằng vật liệu tái chế; thi trả lời hỏi đáp với các câu hỏi về biến đổi khí hậu… thực tế, học sinh tham gia rất hào hứng và học được nhiều điều bổ ích.

Tuy nhiên, những hoạt động như trên phải chuẩn bị rất vất vả nên không thể làm thường xuyên. Mong Trường tiểu học Gia Thụy chia sẻ những cách giáo dục ngoại khóa cho các em đơn giản mà hiệu quả về chủ đề này?

levan.tg@...

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

 

Cô Nguyễn Thị Hồng chia sẻ nhiều kinh nghiệm tổ chức hoạt động ngoại khóa lồng ghép tuyên truyền phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu cho học sinh của trường Tiểu học Gia Thụy

Chủ đề bảo vệ môi trường là chủ đề lớn của mỗi năm học. Công tác tuyên truyền để triển khai thực hiện bảo vệ môi trường ở trường tôi được thực hiện thường xuyên với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và không quá cồng kềnh vất vả. 

Chẳng hạn như, tổ chức cho học sinh tham gia vẽ tranh và trưng bày tranh là hoạt động thường xuyên trong các tiết tăng cường mỹ thuật. Học sinh được thoả sức sáng tạo nhằm tuyên truyền cổ động và bày tỏ ước mơ về một môi trường sống lành mạnh an toàn và với thông điệp chung tay bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, có thể tổ chức tuyên truyền dưới dạng kịch, tiểu phẩm, biểu diễn thời trang, văn nghệ… . Các hoạt động này giao cho các lớp trực tuần được tự chọn để biểu diễn trong giờ chào cờ thứ Hai hàng tuần.

Bên cạnh đó, hàng ngày, công tác tổng vệ sinh cũng được nhà trường thực hiện tốt. Việc trồng và chăm sóc công trình măng non của lớp được học sinh hưởng ứng tích cực. Trường học chúng tôi trong nhiều năm qua luôn đảm bảo sáng - xanh - sạch -đẹp - an toàn.

Thú thực mỗi lần phải thiết kế bài dạy tích hợp, em rất lo lắng và lúng túng; với nội dung phòng chống, giảm nhẹ thiên tai cũng vậy. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên em thường bối rối không biết nên bổ sung vào mục tiêu bài học những yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ như thế nào? Chuẩn bị đồ dùng dạy học cần bổ dung cho nội dung tích hợp ra sao cho hiệu quả? Mức độ tích hợp ra sao để không gây nặng nề, quá tải? Rất mong nhận được ý kiến góp ý từ phía các thầy cô trong chương trình?

huonggiangnguyen@...

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa các môn học đã tích hợp nhiều tri thức để thực hiện mục tiêu về giáo dục phòng chống thiên tai, song không thể đầy đủ và phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh. 

Vì vậy, trong quá trình dạy học, giáo viên nên nghiên cứu để tích hợp các nội dung một cách cụ thể cho từng môn học và phù hợp với từng đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau. 

Như vậy, việc giáo dục tích hợp sẽ mang lại hiệu quả cao và phù hợp nhất. Khi thiết kế bài dạy, ngoài việc dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng giáo viên nên chú ý khai thác những vấn đề thực tiễn và cụ thể nhất của địa phương mình. 

Đồng thời, khi thiết kế bài học, tùy theo điều kiện mà sử dụng các thiết bị dạy học phù hợp nhất. Các hoạt động cũng cần chú ý đến tính phù hợp đến khả năng của học sinh và thời gian học tập của giờ học.

Mình nghĩ rằng, sau trận mưa lũ, ngật lụt lớn ở Quảng Ninh tháng 7 vừa qua, chắc nội dung về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai sẽ được các thầy cô giáo lồng ghép nhiều trong các bài học. Là một học sinh giỏi, các bạn có bao giờ nghĩ mình sẽ là những tuyên truyền viên tích cực về vấn đề này, chuyển tải những nội dung được học từ thầy cô cũng như vấn đề mình tự tìm hiểu trong sách vở, internet... đến với những người thân trong gia đình cũng như trong cộng đồng dân cư?

saoxanh99@...

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Không chỉ riêng chúng mình mà tất cả học sinh trường THPT Chuyên Hạ Long đều có ý thức tuyên truyền cho gia đình và cộng đồng xã hội. 

Bên cạnh những kiến thức mà thầy cô truyền đạt, chúng mình cũng tìm hiểu thêm trên mạng, làm rõ hơn về hậu quả, các biện pháp khắc phục thiên tai. Mọi người đều rất hưởng ứng và thấy đó là việc quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn của bản thân nên việc tuyên truyền là không quá khó.

Những việc làm đơn giản lại có hiệu quả "không ngờ"! Ví dụ khi đi trên sân trường, nếu bạn cúi xuống nhặt rác thì sẽ hiệu quả hơn việc ngồi một chỗ nghe trên loa phát thanh.

Tôi được biết, các trường tiểu học hiện nay còn có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường tự nhiên, đến đời sống và sản xuất của con người; những giải pháp nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Nói như vậy, nhưng dường như những kiến thức này không bao giờ có trong bài kiểm tra của các em. Vậy, làm sao để học sinh thực sự lưu tâm, trong khi ở tiểu học, hai môn Toán và Tiếng Việt luôn được cho là quan trọng và được dành nhiều thời lượng học tập nhất?

Nguyễn Kim Vũ - Hoàng Mai, Hà Nội

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

Giáo dục toàn diện đã và đang là mục tiêu trọng tâm của giáo dục hiện nay.

Toán và Tiếng Việt là các môn học quan trọng được dành khá nhiều thời lượng học trong tuần nhưng các môn học khác như Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật, hoạt động tập thể, giáo dục đạo đức kỹ năng sống cũng được quan tâm không kém.

Kiểm tra kiến thức về biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai của học sinh có nhiều hình thức: Có khi là bài viết môn Địa lý ở lớp 4, 5, hoặc có khi là câu hỏi trong sân chơi trí tuệ, các buổi toạ đàm hay như các cuộc giao lưu tập thể. Với học sinh tiểu học nên để các em học mà chơi, chơi mà học.

Tôi đọc nhiều bài báo và thấy mỗi lần có mưa lũ lớn, không chỉ thiệt hại về của cải mà cả thiệt hại về người. Không ít trường hợp thương tâm xảy ra là do thiếu kinh nghiệm ứng phó với thiên tai. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết trong chương trình giáo dục có dạy học sinh kỹ năng ứng phó khi thiên tai xảy ra hay không. Bởi với một nước bão lắm, mưa nhiều như Việt Nam, việc này là vô cùng cần thiết.

Đào Như Liên Hương - cán bộ (A Lưới, Thừa Thiên Huế)

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

 

"Thầy Nguyễn Xuân Năng rất vui khi được trao đổi với các học sinh, đồng nghiệp về nhiều kinh nghiệm tích hợp phòng, chống biến đổi khí hậu trong môn Địa lý!" - Thầy Nguyễn Xuân Năng
Rất cám ơn bạn và đồng tình với bạn về việc cần thiết phải giáo dục học sinh khả năng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

HIện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020” và “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2015”, đồng thời xây dựng nhiều tài liệu tập huấn về nội dung giáo dục này. 

Để việc giáo dục hiệu quả, tôi cho rằng ngoài chương trình giáo dục ở nhà trường thì giáo dục tại gia đình và xã hội cũng đóng vai trò vô cùng cần thiết.

Tôi muốn học hỏi kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Quảng Ninh! Xin hỏi các anh chị đã tích hợp nội dung phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động, phong trào nào của ngành Giáo dục và Đào tạo? Tôi đang làm kế hoạch cho nội dung này năm tới mà thấy sao khó quá!

tranvanphuong010@...

Thầy Mạnh Hồng Hải và cô Nguyễn Thanh Thảo:

Chào bạn, Quảnh Ninh cũng như các tỉnh, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đã tiến hành tích hợp nội dung phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu vào các môn học.

Có thể kế đến các môn như: Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân  và giáo dục quốc phòng an ninh.  Đặc biệt, UBND tỉnh Quang Ninh rất quan tâm đến nội dung này và đã chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường biên tập nhiều tại liệu giáo dục, trong đó có cuốn "Sổ tay Biến đổi khí hậu và nước biển dâng" làm tài liệu để tuyên truyền và giáo dục chính thức trong các nhà trường.

Hàng năm, Sở GD&ĐT Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị có điều kiện tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi tuyên truyền về nội dung phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiêu biểu là trường THPT Chuyên Hạ Long và các trường THPT trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả.

Rất mong có cơ hội trao đổi với bạn chi tiết hơn về vấn đề này.

Là học sinh giỏi, đạt thành tích cao với môn Địa lý, Sinh học, hai bạn có thể chia sẻ mình đã thu nhận được những kiến thức gì về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai qua môn học của mình? Những tiết học lồng ghép như vậy, các bạn có cảm thấy hứng thú hay không?

Trịnh Thanh Mai - học sinh, Diễn Châu, Nghệ An

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

 

Các vị khách mời nhiệt tình giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc 

Chào bạn!

Trước hết, Địa lý và Sinh học là hai môn học có những kiến thức gắn liền với thiên tai rất nhiều.

Qua hai môn học này, chúng mình đã hiểu hơn về những nguyên nhân, cơ chế hình thành thiên tai, những hậu quả nặng nề đặt ra sau thiên tai, các biện pháp phòng, chống, cùng với sự tích hợp các môn học, chúng mình đã đưa ra cách nâng cao ý thức phòng chống thiên tai qua các môn học.

Các giờ học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, không chỉ chúng mình mà tất cả các học sinh trường mình đều rất thích. Bởi đây là những môn học có kiến thức thực tế, có thể vận dụng trực tiếp trong các tình huống hàng ngày. 

Đặc biệt, sau trận thiên tai vừa rồi, chúng mình cũng tự nhận  thấy mình còn nhiều thiếu sót cần bổ sung. Chúng mình cũng thấy hứng thú hơn khi tiếp cận những kiến thức về phòng chống thiên tai, nhất là khi nó lại được lồng ghép với những môn học "sở trường".

Được biết hiện nay có những địa chỉ trực tuyến giúp giáo viên kinh nghiệm trong việc vận dụng vận dụng, lồng ghép các kiến thức phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, tai nạn thương tích… vào trong các bài giảng hằng ngày. Nếu biết, rất mong được chị Hồng chia sẻ. Trường tiểu học Gia Thụy có những biện pháp hiệu quả nào đã được áp dụng để nâng cao trình độ giáo viên về nội dung này?

vtphung@...

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

Đúng là hiện nay có những địa chỉ trực tuyến giúp giáo viên có kinh nghiệm trong việc vận dụng dạy lồng ghép các kiến thức phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Từ những địa chỉ này mà giáo viên ở trường tôi đã có thêm những kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp, các khách mời của chương trình trực tuyến. Qua đó đã bổ sung thêm kiến thức và phương pháp truyền đạt cho học sinh về những kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với thiên tai và bảo vệ môi trường.

Với học sinh tiểu học, giáo dục các em bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất, như: Bỏ giấy rác đúng nơi quy định, trồng và chăm sóc cây xanh, bảo vệ sức khoẻ khi đi dưới trời nắng gắt, mặc đủ ấm khi trời trở lạnh; các kỹ năng xử lý tình huống khi gặp mưa bão, hoả hoạn, bảo vệ bản thân và giúp đỡ mọi người khi gặp sự cố.

Chào thầy Năng, tôi cũng là giáo viên Địa lý và tự nhận thấy mình thực hiện lồng ghép giáo dục biến đổi khí hậu chưa hiệu quả. Tôi cũng đã chịu khó lên mạng tìm hiểu thông tin, tìm kiếm ảnh tư liệu để minh họa cho vấn đề biến đổi khí hậu nhưng không hiểu sao học sinh vẫn thiếu hào hứng. Rất mong nhận được chia sẻ kinh nghiệm của thầy về nội dung này để tôi học hỏi, có được bài giảng hấp dẫn hơn.

vunhatminh@...

Thầy Nguyễn Xuân Năng: Rất mừng vì bạn đã quan tâm và thực hiện việc giáo dục biến đổi khí hậu cho học sinh. Khi bạn cho rằng chưa hiệu quả thì tôi lại tin rằng việc giáo dục tích hợp của bạn đang dần tiến tới hiệu quả vì bạn đã dành nhiều thời gian, công sức cho bài dạy. Với tôi, giáo dục tích hợp biến đổi khí hậu cần:

- Vẫn phải đảm bảo mục tiêu bài học;

- Không làm quá tải chương trình, nội dung bài học;

- Không biến bài học Địa lí thành bài giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Không đưa những nội dung xa lạ đối với học sinh, cố gắng liên hệ với thực tiễn địa phương;

- Việc tích hợp giáo dục ứng phó, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai thiên tai, biến đổi khí hậu vào bài học phải rất tự nhiên, không gò ép;

- Xác định nội dung, mức độ, đối tượng, thời điểm tích hợp phù hợp.

Tôi đoán là việc diễn tập cứu nạn, phòng, chống thiên tai cũng mất nhiều kinh phí nên rất ít trường tổ chức. Điều này có đúng không, thưa ông Mạnh Hồng Hải? Và các trường học ở Quảng Ninh có được thường xuyên tổ chức diễn tập nội dung này không?

doanxuankieu@...

Thầy Mạnh Hồng Hải và cô Nguyễn Thanh Thảo:

Chào bạn, đúng như bạn nói, diễn tập cứu nạn, phòng, chống thiên tai là hoạt động tốn nhiều kinh phí nên ở Quảng Ninh. Hoạt động này chỉ do cấp tỉnh, huyện và cấp ngành tổ chức.

Các đơn vị trường học chỉ tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, trang bị kiến thức kỹ năng để học sinh có thể chủ động ứng phó với những biến đổi của thời tiết.

Bên cạnh đó, các trường có điều kiện thì tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và tập ứng phó với các tình huống giả định để học sinh làm quen và khi cần có thể vận dụng trong thực tế.

Thầy Năng có sáng kiến kinh nghiệm nào chia sẻ về việc lồng ghép giáo dục nội dung phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong dạy học Địa lý hay không? Tôi đang quan tâm đến vấn đề này nhưng tìm hiểu thì thấy có nhiều tư liệu về lồng ghép giáo dục môi trường trong môn Địa lý hơn. Nếu được, mong thầy chia sẻ những tư tưởng cơ bản trong sáng kiến kinh nghiệm của mình?

Bùi Quang Hân - Phường Trần Phú (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang)

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

 

Thầy Nguyễn Xuân Năng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm công tác với các đồng nghiệp trên cả nước 

Thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động về giáo dục phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu tại Trường THPT Thuận Thành Số 1 đã có một số sáng kiến kinh nghiệm về nội dung này. 

Trong sáng kiến kinh nghiệm, chúng tôi đề cập đến hai nội dung chính là thực trạng giáo dục tại nhà trường và xây dựng những giải pháp chính nhằm nâng cao khả năng cũng như chất lượng giáo dục phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

Tôi thấy học sinh bây giờ yếu nhiều kỹ năng quá. Học sinh trường chuyên có lẽ cũng không ngoại lệ vì các em phải học kiến thức quá nhiều. Tôi hình dung các em có thể nói vanh vách các loại hình thiên tai nhưng chắc chắn sẽ lúng túng về cách sống an toàn. Không biết hình dung của tôi có đúng với Trường chuyên Hạ Long không? 

duongthanhtung@...

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Thật ra, đây là một thực tế đối với rất nhiều trường học ở nước ta, và trường THPT Chuyên Hạ Long cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng tổ chức nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn cho học sinh: Hướng dẫn học sinh cách phòng cháy chữa cháy, dùng bình cứu hóa, thoát hiểm khi gặp nạn, lồng ghép bài học trong các môn học, các buổi sinh hoạt, ......

Trường THPT Chuyên Hạ Long không bị ảnh hưởng lũ lụt nhưng ngay hôm sau đã có những hoạt động kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với những địa phương gặp khó khăn và trực tiếp từng gia đình học sinh gặp nạn.

Đặc biệt, sau trận lũ vừa rồi, giáo viên đã có nhiều kinh nghiệm hơn hướng dẫn các em phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Theo thầy, với giờ học lồng ghép nội dung về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, giáo viên cần soạn giáo án như thế nào để giờ học đạt hiệu quả cao nhất?

tranphuongthao@...

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Tôi cho rằng việc soạn giáo án cho giờ học tích hợp vẫn cần thực hiện như các tiết học bình thường. 

 

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao giáo viên cần xác định rõ mục tiêu của bài học, thiết kế chuỗi các hoạt động đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với đối tượng học sinh. 

 

Đặc biệt chú ý cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm trải nghiệm.

Tôi có con gái học tiểu học và hay hỏi mẹ về điều này điều kia. Cháu hỏi về biến đổi khí hậu, tôi cảm thấy vấn đề to tát vĩ mô quá, khó có thể nói cho cháu hiểu. Cô giáo có thể bày cách cho tôi trả lời cháu một cách đơn giản nhất khi hình dung về biến đổi khí hậu không? Xin chân thành cảm ơn.

phamhongminh81@...

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

Theo tôi, bạn có thể hướng dẫn con của mình về biến đổi khí hậu qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Từ quan sát thực tế đến đọc sách, xem phim tư liệu, thống kê thông tin...

Có nhiều phương pháp để học sinh hiểu. Theo kinh nghiệm của tôi, phụ huynh có thể cho con xem phim tư liệu về những hệ lụy, hậu quả của biến đổi khí hậu: những vụ thiên tai, bão lụt, sóng thần, hỏa hoạn cháy rừng, hạn hán, động thực vật bị hủy hoại...

Ngoài ra, ở trường, giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm bài thống kê các vụ thiên tai lớn của những năm gần đây so sánh số lượng và mức độ thiệt hại về người và tài sản so với những năm về trước.

Thống kê nhiệt độ (trong cùng thời điểm của năm, cùng vị trí địa lý) của năm nay so với 10, 15 năm về trước ... Những bài tập đó giúp học sinh rút ra được những kết luận về sự thay đổi của khí hậu.

Nhà trường thì trang bị kiến thức cho học sinh, nhưng hiện tôi thấy ý thức của phụ huynh còn chủ quan trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu còn mới với mọi người. Sở GD&ĐT Quảng Ninh có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?

Đào Trọng Hùng - Bắc Giang

Thầy Mạnh Hồng Hải và cô Nguyễn Thanh Thảo:

 

Thầy Mạnh Hồng Hải và cô Nguyễn Thanh Thảo (đầu tiên bên trái) trả lời câu hỏi của bạn đọc 

Muốn công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu đạt hiệu quả đòi hỏi mỗi học sinh, mỗi người dân phải có nhận thức đầy đủ và có kỹ năng phối hợp để ứng phó với các tình huống xảy ra.

Ở Quảng Ninh, khi trang bị kiến thức cho học sinh về lĩnh vực này, chúng tôi đồng thời cũng tuyên truyền đến cha mẹ học sinh và cộng đồng dân cư về các kiến thức và kỹ năng để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền cho người dân hiểu và chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Quảng Ninh cũng có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kiến thức cho học sinh để chính học sinh trở thành những tuyên truyền viên tích cực tới các bậc phụ huynh về vấn đề này.

Giáo án dạy học, kể cả giáo án dạy học lồng ghép hiện có đầy rẫy trên mạng. Tôi thấy không ít đồng nghiệp của mình chỉ một động tác click chuột, thay đổi một chút cho phù hợp là có giáo án sử dụng. Không biết thầy Năng và các thầy cô ở Trường Thuận Thành 1 có như vậy không? Theo thầy, nếu lấy giáo án như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trên lớp không?

Vũ Thị Giang - Từ Sơn, Bắc Ninh

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Chào bạn! Sự phát triển của công nghệ thông tin, thông tin đại chúng đã cho phép chúng ta được chia sẻ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau, đó là một cơ hội tốt. Tuy nhiên, việc lạm dụng việc sao chép là không nên. 

Chúng ta nên dựa vào điều kiện của trường mình, học sinh mình để thiết kế những giáo án phù hợp thì chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn.

Tôi ở Hải Phòng nhưng sắp chuyển đến công tác tại Quảng Ninh và có ý định sẽ cho con thi tuyển vào học tại Trường THPT chuyên Hạ Long. Xin hỏi cô Ngọc, Trường THPT chuyên Hạ Long có bị ảnh hưởng nhiều từ trận lụt tháng 7 vừa rồi không? Trường có lối thoát hiểm không?”, Học sinh trong trường có được trang bị các dụng cụ bảo hộ gì không? Cảm ơn cô rất nhiều!

ngahathi@...

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Chào bạn!

Trận lụt vừa rồi có ảnh hưởng đến TP Hạ Long và một số trường học trên đia bàn nhưng may mắn, Trường THPT Chuyên Hạ Long an toàn, không bị ảnh hưởng gì.

Trường mình được thiết kế quy mô, khoa học, có  hai cổng ra vào, cổng trước và sau rất rộng, trường có ba dãy nhà học, mỗi dãy có hai cầu thang lên xuống, thông với nhau,...Do đó, lối đi dành cho học sinh rất thoáng, đi lại dễ dàng, thuận tiện cho việc di chuyển mỗi khi có trường hợp không may xảy ra.

Chị có thể yên tâm về sự an toàn của con khi học tại trường nhé!

Thầy Năng có hướng dẫn học sinh nào làm đề tài nghiên cứu khoa học về phòng chống giảm nhẹ thiên tai hay không? Đây là nội dung rộng với rất nhiều vấn đề. Nếu là thầy, thầy sẽ gợi ý cho học sinh thực hiện đề tài về vấn đề cụ thể nào để phù hợp với thực tiễn địa phương?

Nguyễn Minh Huệ - Đống Đa, Hà Nội

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Học sinh Trường THPT Thuận Thành số 1 đã tham gia một số cuộc thi với đề tài về phòng chống thiên tai và đạt kết quả khá tốt. Rất đồng ý với bạn đây là nội dung rộng với nhiều vấn đề khác nhau. 

Tuy nhiên, với trình độ và điều kiện của học sinh hiện nay, chúng ta nên gợi ý và hướng dẫn các em tìm hiểu một số vấn đề thực tiễn cụ thể nhất tại địa phương mình.

Tôi muốn hỏi cô Nguyễn Thị Hồng: Theo cô giáo, hướng dẫn cho học sinh tiểu học những kiến thức về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu khó khăn nhất ở điểm nào? Bản thân người thầy trước hết phải trang bị cho mình những gì để có thể đạt được thành quả?

Đỗ Thúy Hoàng - 45 tuổi, TP HCM

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

 

"Hãy giáo dục trẻ những điều tưởng như đơn giản nhất trong phòng, chống thiên tai, như theo dõi dự báo thời tiết hàng ngày" - Cô Nguyễn Thị Hồng 

Hướng dẫn cho học sinh tiểu học những kiến thức về phòng chống thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu khó khăn nhất là những kỹ năng xử lý tình huống khi thiên tai xảy ra. 

Học sinh tiểu học thành phố rất ít được trải nghiệm những bài học thực tế để ứng phó với thiên tai. Những kiến thức học sinh được học mới chỉ là lý thuyết chưa có nhiều bài thực hành.

Để trang bị một số kĩ năng cho học sinh trong việc ứng phó với thiên tai, theo tôi: Cần giáo dục cho trẻ thiên tai có thể thường xuyên xảy ra bất kỳ thời điểm nào và bất nơi đâu. Vì vậy, mỗi người cần xem dự báo thời tiết hàng ngày và thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai.

Theo đó, giáo viên và học sinh cần trang bị cho mình những kỹ năng ứng phó với thiên tai. Chẳng hạn như: Kiểm tra tình hình cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học.

Trong các nhà trường có cây to cần định kì sơ tỉa cành tránh cây đổ khi gặp bão. Các cửa phòng cần chốt chặt khi có bão và gió mạnh. Phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực, xử lý công việc trong quá trình lụt, bão xảy ra.

Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch di dời toàn bộ tài sản đến nơi không bị ngập lụt. Sắp xếp kho sách, thiết bị vào phòng an toàn nhất.

Trường hợp bão, lũ xảy ra đột xuất trong khi học sinh đang học, nhà trường cần tiến hành cho học sinh nghỉ học và đưa học sinh về nơi trú ngụ an toàn. Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện đã bị ngấm nước

Không đứng trú mưa dưới gốc cây to, cột điện dưới các nhà cao tầng. Đi trên đường ngập nước phải có gậy dò đường tránh tụt xuống hố ga.

Đặc biệt cần dạy cho học sinh biết bơi để tự cứu mình và dạy cho học sinh nhớ những số điện thoại khẩn cấp có thể gọi khi cần: Cứu hỏa 113, công an 114, cấp cứu 115.

Chào thầy Năng, là một thầy giáo, đồng thời cũng là người cha, thầy dạy con mình như thế nào về những vấn đề liên quan đến phòng chống, giảm nhẹ thiên tai?

ntlanphuong@...

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Rất cảm ơn bạn! Để giáo dục con mình có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tôi thường xuyên chia sẻ, cung cấp cho các cháu những vấn đề cần thiết. 

Đồng thời, giúp các cháu có được những kỹ năng cơ bản nhất thông qua những hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Khu vực nơi trường tôi công tác cũng rất hay bị lụt lội. Tôi muốn hỏi kinh nghiệm của Sở GD&ĐT trong công tác chỉ đạo phòng, chống bão lũ là gì? 

Trịnh Minh Tâm - Đồng Tháp

Thầy Mạnh Hồng Hải và cô Nguyễn Thanh Thảo:

 

 "Ngành Giáo dục Quảng Ninh triển khai đồng bộ 6 giải pháp trong công tác phòng, chống bão lũ" - Cô Nguyễn Thanh Thảo
Là tỉnh hàng năm chịu ảnh hưởng nhiều của các trận bão lũ, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động trong công tác phòng chống bão lũ. Cụ thể chúng tôi triển khai đồng bộ 6 giải pháp sau:

Tổ chức bộ phận trực ban 24/24h; có kế hoạch huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường trước, trong và sau bão gây ra. 

Tăng cường kiểm tra và áp dụng các biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn, tránh hỏng hóc, hư hại cho các thiết bị, phương tiện dạy học và các loại tài liệu hồ sơ, sổ sách. Phải tổ chức bao gói kỹ càng, di chuyển đến nơi an toàn và bảo vệ cẩn thận trước khi khi xảy ra bão. 

Các đơn vị gần khai trường (khai thác than), sông suối, vùng núi…có nguy cơ cao xảy ra các hiện tượng: lũ quét, sạt lở đất... , thủ trưởng đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch sơ tán cán bộ, giáo viên, học sinh và tài sản ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. 

Chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do mưa bão. 

Chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, y tế, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, đoàn thể, để sẵn sàng huy động cán bộ, giáo viên, học sinh để ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão gây ra. 

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động ứng phó kịp thời. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo tình hình thiệt hại và các sự cố bất thường xảy ra về Sở GD&ĐT.

Tôi đã tổ chức một số sự kiện cấp trường khá thành công nên vừa rồi được phòng GD&ĐT tín nhiệm đứng ra làm kế hoạch tổ chức sự kiện với sự tham gia của các trường học trên địa bàn quận, tình cờ là lại về chủ đề giảm nhẹ rủi ro thiên tại trong trường học. Thú thực, tôi hơi run vì chưa từng đứng ra làm sự kiện quy mô như thế bao giờ. Được biết cô Ngọc rất có kinh nghiệm trong việc này, mong được nghe chia sẻ của cô.

Trần Thị Minh Liên - Cẩm Giàng, Hải Dương

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

 

 Cô Đỗ Thị Bích Ngọc và hai học sinh dậy từ rất sớm vượt gần 200km từ Quảng Ninh đến Hà Nội để giao lưu với bạn đọc

Chào bạn!

Thực ra, mình đã từng tổ chức chương trình ngoại khóa về biến đổi khí hậu quy mô cấp trường. Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

- Lập kế hoạch cụ thể, chi tiết về nội dung, hình thức tổ chức, lực lượng tham gia, điều kiện cơ sở vật chất. (Kế hoạch này có thể là lộ trình trong nhiều năm).

- Trọng tâm của chương trình là buổi ngoại khóa diễn ra dưới hình thức tổ chức các đội thi, các hoạt động văn nghệ, biểu diễn thời trang, làm đồ handmade từ đồ tái chế,...

- Các học sinh trực tiếp tham gai cũng lập kế hoạch, xây dựng và thực hiện nội dung chương trình: Học sinh tự thiết kế bộ câu hỏi, quay clip,...

- Song song với các chương trình chính, nên tổ chức nhiều buổi hội thảo nhỏ theo chuyên đề cho học sinh và các hoạt động ngoài giờ lên lớp khác xen kễ trong các giờ ra chơi hàng tuần.

Bạn có thể trao đổi thêm với những người có kinh nghiệm để được tư vấn tốt nhất nhé!

Chúc bạn thành công!

Thực tế hiện nay, việc lồng ghép giảng dạy về phòng chống biến đổi khí hậu trong chương trình chưa thực sự phong phú. Bên cạnh đó, học sinh cần có cơ hội thực tiễn hiểu sâu sắc vấn đề hơn và đặc biệt để có cơ hội thực hành trách nhiệm công dân. Không biết Trường Thuận Thành có tạo nhiều cơ hội cho học sinh trải nghiệm không? Có khi nào trường để học sinh tự tổ chức các hoạt động về nội dung này hay không?

trinhnhathuyen@...

Thầy Nguyễn Xuân Năng:

Rất đồng ý với bạn! Theo tôi, để việc giáo dục phòng chống biến đổi khí hậu phong phú thì việc thiết kế bài học và tổ chức các hoạt động cần hết sức sáng tạo, đa dạng với nhiều hình thức hoạt động khác nhau.

Trường THPT Thuận Thành số 1 trong những năm qua rất quan tâm đến việc giáo dục nội dung này. Nhà trường có nhiều hoạt động trải nghiệm để học sinh hình thành những kiến thức và kỹ năng trong phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và các hoạt động ngoài giờ lên lớp...

Trước hết, xin chia sẻ với thầy cô giáo và các em học sinh Quảng Ninh vì phải chịu hậu quả từ trận lụt khủng khiếp vừa qua. Không biết, qua đợt ngập lụt vừa rồi, ý thức của học sinh trong trường về thiên tai có nâng lên hay không? Tôi cũng tò mò, không biết trận lụt đó đi vào bài giảng của cô giáo như thế nào?

Đỗ Văn Tuấn - Cầu Giấy, Hà Nội

Cô giáo Đỗ Thị Bích Ngọc và nhóm học sinh:

Chào bạn!

Trước hết, qua trận lụt vừa rồi, nhiều bạn học sinh đã thay đổi suy nghĩ. Trước đây, nhiều bạn chỉ cho rằng đó là những trận bão lớn mới có ảnh hưởng đến Quảng Ninh, nên cũng chủ quan.

Sau đợt lũ vừa rồi, nhiều học sinh đã quan tâm sâu sát hơn đến những thông tin về thiên tai và chủ động tìm hiểu về nguyên nhân, hậu quả, các biện pháp phòng tránh rất nhiều những loại hình thiên tai khác nhau. Học sinh và giáo viên sẵn sàng đối mặt với nó.

Chắc chắn chúng tôi sẽ tích hợp giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Tôi là một giáo viên tiểu học, tôi cho rằng để học sinh hình dung dễ dàng nhất về biến đổi khí hậu, nên cho các em học ở ngoài trời, đi tham quan, dã ngoại… Nhưng tổ chức cho học sinh như vậy lại liên quan đến đóng góp kinh phí, dễ bị nói là nhà trường lạm thu, vẽ rắn thêm chân. Trường chị Hồng giải bài toán này như thế nào? Tôi rất mong nhận được chia sẻ của chị. Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Tường Vy - Ba Đình, Hà Nội

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng:

 

Cô Nguyễn Thị Hồng rất thú vị với những câu hỏi bạn đọc gửi tới 

Tại trường chúng tôi việc đi thực tế hoạt động ngoại khóa là hoạt động thường niên mỗi năm từ 1-2 lần nhằm giáo dục truyền thống, thăm các khu di tích lịch sử của thủ đô Hà Nội và tổ chức các hoạt động tập thể của trường.

Tìm hiểu sự biến đổi khí hậu đối với học sinh tiểu học bằng các buổi tham quan, theo tôi chưa thật phù hợp, chưa thật hiệu quả. Trước hết phải khẳng định rằng việc giúp cho học sinh tiểu học hình dung được biến đổi khí hậu không phải là chuyện dễ dàng.

Những biểu hiện của biến đổi đổi khí hậu, nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, hệ lụy của việc biến đổi khí hậu như thế nào cần phải có thời gian, có quá trình nghiên cứu và theo dõi và bằng nhiều hình thức khác nhau để khai thác tìm hiểu lĩnh vực này.

Với sự non nớt trong nhận thức của các em, trong quá trình giảng dạy tại trường chúng tôi luôn lồng ghép vào các tiết học như môn Địa lý, Khoa học, kể cả các tiết dạy đạo đức, kỹ năng sống, các tiết đọc sách tìm hiểu khoa học tự nhiên tại thư viện và có một phần trải nghiệm thực tế.

Là giáo viên chúng tôi từng bước cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản nhất về biến đổi khí hậu qua sự cảm nhận của thời tiết khắc nghiệt hằng năm: mùa Hè càng ngày càng nắng nóng gay gắt hơn, nhiều tháng liền không có mưa, xuất hiện trận bão lớn, mưa axit, những đợt sóng thần gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Sự thay đổi khí hậu, môi trường sống làm cho một số động thực vật tuyệt chủng…những hiện tượng này ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn đó là do biến đổi khí hậu.

Giáo dục phòng tránh thiên tai trong trường học không chỉ nhằm cung cấp kiến thức mà quan trọng là hình thành kỹ năng ứng phó với thiên tai. Nội dung cung cấp kiến thức theo tôi không khó, nhưng phần hình thành kỹ năng thực tế không phải nơi nào, trường nào cũng có điều kiện làm tốt. Rất mong được chia sẻ của thầy Năng về kinh nghiệm hình thành kỹ năng ứng phó với thiên tai cho học sinh trường THPT Thuận Thành 1.

dinhthuytienbg@...

Thầy Nguyễn Xuân Năng: Rất đồng tình với bạn! 

Việc giáo dục cần chú ý cả kiến thức và kĩ năng, trong đó quan trọng nhất là hình thành kĩ năng ứng phó. Ở trường THPT Thuận Thành số 1, hoạt động giáo dục này BGH nhà trường đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện. 

Việc hình thành kĩ năng ứng phó chúng tôi đã kết hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội, đa dạng các hình thức tổ chức. Đặc biệt là cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa, tham gia tích cực cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn, xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp liên môn, tăng cường các hoạt động trải nghiệm,…

Các vị khách mời chụp ảnh cùng phóng viên, biên tập viên báo Giáo dục và Thời đại điện tử 

Trong chương trình giao lưu, chúng tôi đã nhận được gần 300 câu hỏi của bạn đọc gửi về.

Do thời gian giao lưu có hạn nên nhiều thắc mắc của bạn đọc chưa được các khách mời giải đáp. giaoducthoidai.vn đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý bạn đọc đến các khách mời để sớm có giải đáp riêng, trao đổi trong những chương trình giao lưu trực tuyến tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý bạn đọc!

Theo giaoducthoidai.vn