Tin tức – Sự kiện

Sinh viên sư phạm cần hiểu đúng về dạy học tích hợp

07 Tháng Mười Một 2015

Sinh viên sư phạm cần hiểu đúng về dạy học tích hợp

GD&TĐ - Thạc sĩ Trần Thị Gái (Khoa Sinh học, Trường Đại học Vinh) đã có một nghiên cứu nhỏ về thực trạng hiểu biết và năng lực dạy học tích hợp của sinh viên sư phạm. Con số từ kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều vấn đề đáng suy nghĩ xung quanh nội dung này.

Thực trạng hiểu biết của sinh viên về dạy học tích hợp

Thạc sĩ Trần Thị Gái điều tra thực trạng năng lực dạy học tích hợp trên đối tượng gồm 95 sinh viên khóa 52 (niên khóa 2011 – 2015) vừa mới tốt nghiệp ngành sư phạm Lý, Hóa, Sinh tại trường Đại học Vinh.

Theo nghiên cứu này, về sự thay đổi chương trình sách giáo khoa sau năm 2015, 100% sinh viên nắm rõ chủ trương dạy học tích hợp và phân hóa.

"Khái niệm tích hợp liên môn không đơn giản là phép cộng của các môn học với nhau mà nó phải là một sự lồng ghép, thậm chí các kiến thức phải được tổ hợp lại thành một thể thống nhất giữa nhiều môn học với nhau, nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể trong thực tiễn cuộc sống. Đó cũng chính là yêu cầu mà Chương trình - SGK mới sau 2015 đang hướng tới" - Thạc sĩ Trần Thị Gái.

Điều này đã khẳng định được đào tạo sinh viên sư phạm ở các cơ sở đào tạo giáo viên đã cập nhật với những thay đổi trong chủ trương của Bộ GD&ĐT.

Nguồn thông tin về vấn đề này được các sinh viên cập nhật chủ yếu thông qua giảng viên, qua các đợt thực tập ở phổ thông và tự tìm hiểu thêm thông tin qua sách báo, Internet.

Về dạy học tích hợp, hầu hết sinh viên đều trả lời rất chung chung, chỉ 31,57 % sinh viên hiểu đúng về khái niệm tích hợp, dạy học tích hợp.

Bên cạnh đó có 70 % sinh viên chưa phân biệt rõ các hình thức và mức độ dạy học tích hợp. Các em rất lúng túng khi được hỏi về tích hợp liên môn, đa môn, xuyên môn.

Về dạy học tích hợp liên môn Lý, Hóa, Sinh: Sinh viên sư phạm thuộc cả 3 chuyên ngành đều rất lúng túng về vấn đề tích hợp liên môn Lý, Hóa, Sinh. Lí do chủ yếu sinh viên đưa ra là do chương trình đào tạo hiện tại chỉ được học các môn phục vụ cho việc giảng dạy một môn chuyên ngành.

Về kiến thức liên môn, sinh viên rất vững vàng vì khi học có các môn liên quan, ví dụ sư phạm Sinh học sẽ học các môn như sinh học đại cương, hóa đại cương và vô cơ, hóa hữu cơ, vật lý đại cương B,…

Tuy nhiên, trong học phần nghiệp vụ sư phạm các sinh viên lại chỉ học khối nghiệp vụ đơn ngành, không vận dụng kiến thức liên môn.

“Đây cũng là một bài toán đặt ra khi xây dựng khung chương trình ở trường sư phạm để chương trình tích hợp không chỉ là phép cộng giản đơn các kiến thức mà phải có sự gắn kết liên hoàn giữa các khối kiến thức cần tích hợp” - Thạc sĩ Trần Thị Gái cho biết.

Thực trạng năng lực dạy học tích hợp của sinh viên sư phạm

Để đánh giá năng lực dạy học tích hợp liên môn của sinh viên sư phạm ngành Lý, Hóa, Sinh Trường Đại học Vinh, Thạc sĩ Trần Thị Gái cho biết đã sử dụng các tiêu chuẩn với các tiêu chí đánh giá cụ thể và tiến hành khảo sát trong vòng 8 tuần thực tập sư phạm (từ tháng 3 - 5/2015).

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng sinh viên được khảo sát có năng lực dạy học tích hợp tốt khá khiêm tốn, nhóm năng lực lựa chọn chủ đề tích hợp (14,73%) và năng lực thiết kế kế hoạch dạy học tích hợp (12,63%) có tỉ lệ cao hơn.

Điều này có thể dễ dàng hiểu được khi sinh viên đã được trang bị kiến thức liên môn phần đại cương cũng như kết hợp với năng lực thiết kế bài học các môn chuyên ngành được rèn luyện trong các học phần nghiệp vụ sư phạm.

Tuy nhiên, năng lực tổ chức dạy học tích hợp (7.36%) và năng lực kiểm tra đánh giá theo hướng dạy học tích hợp (5,26%) có tỉ lệ hấp hơn do 2 nhóm năng lực này đòi hỏi sinh viên phải được rèn luyện một cách thuần thục thì mới có thể thực hiện tốt được.

Đây cũng là một thực tế ở trường sư phạm hiện nay là sinh viên có thể rất vững về lý luận nhưng thực hành chưa thành thục do thời gian thực tế ở phổ thông quá muộn và cũng quá ít.

“Mặc dù không có sinh viên nào không đạt các năng lực tích hợp, nhưng số lượng sinh viên đạt ở mức trung bình lại rất lớn (trên 50%), điều này là đáng lo ngại do số sinh viên này khi gia nhập vào đội ngũ giáo viên phổ thông có làm tốt việc dạy học tích hợp ở phổ thông khi mà năng lực này còn hạn chế.

Điều này là một gánh nặng lớn khi lại cần phải bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ trong khi hoàn toàn các trường sư phạm có thể làm được đó là nâng cao năng lực dạy học cho sinh viên sư phạm ngay trong cơ sở đào tạo” - Thạc sĩ Trần Thị Gái nhận định.

Nhu cầu đào tạo năng lực dạy học tích hợp cho sinh viên sư phạm

Khảo sát từ 95 sinh viên, có đến 85% cho rằng việc thay đổi chương trình đào tạo để hình thành năng lực dạy học tích hợp là rất cần thiết để giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể giảng dạy hiệu quả chương trình mới ở phổ thông.

Số sinh viên còn lại thấy không thực sự cần thiết phải thay đổi với nhiều lí do được đưa ra, tuy nhiên chủ yếu những sinh viên này đều không định hướng là ra trường sẽ trở thành giáo viên mà làm các công việc thuộc các lĩnh vực khác nên cũng không chú trọng đến những vấn đề về đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

Theo Thạc sĩ Trần Thị Gái, thực tế này cũng đáng báo động cho các trường sư phạm về đầu ra của ngành sư phạm, về cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng như năng lực thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm hiện nay.

Khảo sát từ giáo viên Lý, Hóa, Sinh trên địa bàn thành phố Vinh với 98 giáo viên của các trường THCS và 130 giáo viên các trường THPT về các phương án nâng cao chất lượng dạy học tích hợp: 

Bên cạnh các phương án như thay đổi chương trình sách giáo khoa, thay đổi cách kiểm tra đánh giá học sinh, cung cấp tài liệu và bồi dưỡng giáo viên có đến 65% số giáo viên đồng tình với phương án nên thay đổi chương trình đào tạo tại trường sư phạm vì cho rằng sinh viên tốt nghiệp sẽ là lực lượng tham gia vào sự đổi mới dạy và học mạnh mẽ ở trường phổ thông.

Tuy nhiên thực tế hiện nay sinh viên vừa mới tốt nghiệp khi về phổ thông đều cần phải bồi dưỡng, đào tạo để đáp ứng với những thay đổi ở phổ thông. 

“Đây cũng là một trong những vấn đề mà các trường sư phạm đang rất quan tâm khi kết nối giữa trường sư phạm và thực tế phổ thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo” - Thạc sĩ Trần Thị Gái cho hay.

"Một trong những nội dung trong đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Yêu cầu đặt ra đối với chương trình, sách giáo khoa mới là phải có sự thay đổi.

Điểm thay đổi quan trọng nhất trong lần đổi mới này đó là học sinh phổ thông sẽ chuyển từ học đơn môn sang học tích hợp liên môn. Số lượng môn học sẽ giảm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp sẽ tăng lên nhưng kiến thức phải được tổng hợp tốt hơn. Đó là phương pháp dạy học tích hợp, liên môn mà các nước có nền giáo dục phát triển đang thực hiện.

Dạy học theo các chủ đề tích hợp không những giảm tải cho giáo viên trong việc dạy các kiến thức liên môn trong môn học của mình mà còn có tác dụng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kĩ năng sư phạm cho giáo viên, góp phần phát triển đội ngũ giáo viên có đủ năng lực dạy học kiến thức liên môn, tích hợp.

Quan điểm dạy học tích hợp là một định hướng trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, là một bước chuyển từ cách tiếp cận nội dung giáo dục sang tiếp cận năng lực nhằm đào tạo con người có tri thức mới, năng động, sáng tạo khi giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống" - Thạc sĩ Trần Thị Gái

 

Theo giaoducthoidai.vn