Tin tức – Sự kiện

Đinh Ngọc Thạch. Hiện tượng “lệch chuẩn” và ứng xử văn hoá của người Việt trong điều kiện hiện nay

08 Tháng Mười Một 2015
  • HIỆN TƯỢNG “LỆCH CHUẨN” VÀ ỨNG XỬ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT
    TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY

  • PGS.TS. Đinh Ngọc Thạch

  • TT Lý luận Chính trị, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Đinh Ngọc Thạch. Hiện tượng “lệch chuẩn” và ứng xử văn hoá của người Việt trong điều kiện hiện nay

Sự nhận thức và xử lý văn hóa theo tinh thần biện chứng cái phổ biến – cái đặc thù, giải quyết thành công mối quan hệ giữa lưu giữ và phát triển, giữa tiếp thu và tiếp biến, giữa khoan dung văn hóa và chủ nghĩa yêu nước, giữa chuẩn mực chung và sáng tạo độc đáo của cá nhân là những đòi hỏi quan trọng trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh việc vạch ra, phê phán những hiện tượng sai trái, lệch chuẩn, đi ngược lại chuẩn mực phổ biến, gây nên những hiệu ứng tiêu cực của xã hội, cần có cách tiếp cận hợp lý, văn hóa khoan dung, giải quyết và ứng xử một cách xác đáng những cái cá biệt, độc đáo, tìm thấy ở đó những yếu tố tích cực, có tiềm năng phát triển, góp phần làm giàu và sinh động thêm hệ giá trị của dân tộc.

1. “Lệch chuẩn” và sáng tạo văn hóa

Khái niệm “lệch chuẩn” (Standard deviation) từ chỗ dùng để chỉ độ lệch trong phép đo kỹ thuật, kinh tế, trong lý thuyết xác suất và thống kê, đã được vận dụng phổ biến vào việc nhận diện và đánh giá các hiện tượng xã hội, được tìm hiểu trong triết học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa học và đặc biệt là đạo đức và thẩm mỹ. Ngày nay, vấn đề “sai lệch chuẩn mực xã hội”, hay “lệch chuẩn” được luận giải như sự phản ánh quá trình thay đổi nhận thức của con người dưới tác động của những biến động xã hội và sự “phản tỉnh” của cá nhân, song không được thừa nhận, bị đánh giá là không phù hợp với chuẩn mực phổ biến.

Hiểu theo nghĩa rộng, lệch chuẩn, dù là lệch chuẩn về tư tưởng hay trong hành vi, cũng đều chịu sự phán xử của hệ quy chiếu chính thống. Lệch chuẩn thường bị quy thành cái cá biệt, đáng bị chỉ trích, vì nó đụng chạm đến tâm thế xã hội, gây ra những hệ lụy khó kiểm soát. Trong lĩnh vực đạo đức, hành vi lệch chuẩn diễn ra từ môi trường gia đình đến xã hội, với đủ các lứa tuổi, nhất là một bộ phận giới trẻ, sự thể hiện cái Tôi một cách cực đoan, có hại, phá hoại các chuẩn mực xã hội. Trong lối sống hành vi lệch chuẩn gắn liền với những biểu hiện tiêu cực như chủ nghĩa vị kỷ, sùng bái đồng tiền, vong bản, chạy theo thị hiếu tầm thường, vô cảm, thực dụng hóa quan hệ gia đình, xã hội, tình trạng mất phương hướng, sự phản ứng có tính chất cực đoan đối với những biến đổi của cuộc sống.

Những giá trị văn hóa truyền thống bị thách thức nghiêm trọng bởi nhiều yếu tố, trong đó có mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. “Tha hóa bản sắc” cũng là biểu hiện của lệch chuẩn, vì nó làm biến dạng các giá trị vốn mang trên mình hồn sống của một dân tộc, từng được thẩm định qua bao thăng trầm của lịch sử. Tha hóa bản sắc, nhìn từ cách tiêp cận toàn cầu, là sự đánh mất có tính lan truyền những đặc trưng dân tộc khi tham gia vào luật chơi quốc tế mà chưa được chuẩn bị một cách chủ động. Do sự áp đặt của những môtíp hay chuẩn mực xa lạ từ bên ngoài mà “độ lệch” của giá trị so với “nguyên mẫu” ngày càng tăng. J. Derrida, nhà tương lai học người Pháp, một trong những người khởi xướng tinh thần “giải thiết kế” trong văn hóa, từng đề cập nguy cơ đổ vỡ hay làm lệch một truyền thống văn hóa trước sự phổ biến luật chơi không công bằng [x.: Jacques Derrida 2004: 135; Jacques Derrida 1994: 172-177].

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, những hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã được vạch ra: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng… Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng” [Nghị quyết 33-NQ/TW 2014].

Bên cạnh đó, vấn đề lệch chuẩn có thể được xem xét từ quan điểm lịch sử – cụ thể, nghĩa là đặt nó trong những điều kiện khác nhau để xác định những cách thức ứng xử hợp lý. Thứ nhất, như đã nêu, hành vi lệch chuẩn hiểu theo nghĩa hành vi tiêu cực, phá hoại, gây bất ổn, cần được ngăn chặn, khắc phục. Thứ hai, những hành vi bị quy thành lệch chuẩn vì phản ứng trước các chuẩn mực, khuôn mẫu hành vi đang thống trị, nhưng đã mất dần giá trị trong cuộc sống, cần bị thay thế. Những kiểu hành vi “lệch chuẩn” như thế, nhất là trong sáng tạo văn hóa, lại báo trước cái mới, cái tiến bộ. Văn hóa Phục hưng tại Tây Âu là minh chứng cho tinh thần này, nó vừa bày tỏ khát vọng trở về với giá trị xưa (vì cái hiện tại, tức ý thức hệ phong kiến được xem là “tư duy chuẩn mực” hóa ra lại là sự ngưng đọng, là yếu tố kìm hãm), xem các giá trị được tạo ra từ văn hóa Hy Lạp - La Mã cổ đại là “chuẩn mực” (classicus), vừa xác lập nền tảng cho sự phát triển tiếp theo. Những dấu hiệu “lệch chuẩn” diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực nhận thức và hoạt động thực tiễn: văn chương, nghệ thuật, khoa học, triết học, chính trị, tôn giáo. Trong sáng tạo văn chương, nghệ thuật, tính chất thế tục, phi tôn giáo gắn liền với sự phá vỡ những chuẩn mực lỗi thời, mở đường cho nền văn hóa giải phóng con người khỏi tín điều. Cái thiện và cái đẹp được nhận thức lại trên cơ sở đề cao các giá trị hiện thực, tự nhiên.

Trong khoa học thuyết Nhật tâm của Copernicus làm lung lay nền chuyên chính tinh thần của nhà thờ, đưa con người đến gần hơn với vũ trụ. Ngay cả lĩnh vực ít chịu thay đổi như tôn giáo cũng trải qua những chuyển biến lớn, đó là phong trào Cải cách tôn giáo do Luther khởi xướng, tạo nên sự phân cực mới trong lực lượng tôn giáo và chính trị châu Âu, dù bị Vatican xem như sự lệch chuẩn, như yếu tố phá hoại tính thống nhất của Thiên Chúa giáo. Sự “nổi loạn” của cá nhân không vượt qua khuôn khổ của trật tự xã hội đương thời, nhưng báo trước sự khủng hoảng khó tránh khỏi của trật tự ấy [Ferguson W.K. 1948: 305-332]. “Lệch chuẩn” theo cách thể hiện như vậy thường gắn liền với quá trình “nhận thức lại”, sáng tạo hệ giá trị mới. Các nhà nhân văn Phục hưng, từ Petrarca trở đi, quan tâm đến tư tưởng Plato và Aristotle không chỉ ở tính tư biện và lôgíc học, mà còn mở rộng sang các vấn đề đạo đức, thẩm mỹ, văn hóa, chính trị, xã hội, đồng thời cải biến những vấn đề ấy cho phù hợp với những đòi hỏi của thời đại mới đang đến [Constance Blackwell, Sachiko Kusukawa 1999: 1-15].

Đôi khi cái bị quy là “lệch chuẩn” phải đến cả trăm năm sau mới được phán xử như cái độc đáo, không lặp lại của sáng tạo. Trong sáng tạo văn hóa đôi khi sự xuất hiện một giá trị mới, một yếu tố mới thường thu hút nhiều ý kiến đánh giá trái chiều; nó có thể bị dồn đẩy vào thế bị lãng quên. Tuy nhiên, như một tất yếu, cái cá biệt ở thời kỳ này trở thành giá trị và được thừa nhận phổ biến ở thời kỳ khác là câu chuyện trường cửu của lịch sử, và thể hiện trong hàng loạt công trình văn chương, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, lan rộng sang văn hóa chính trị. Có những điều hôm nay là chân lý, là chuẩn mực, giá trị phổ biến, ngày mai có thể trở thành cái cá biệt, cái cản trở sự phát triển. Ngược lại, cái hôm nay bị quy kết là lệch lạc, cá biệt, ngày mai có thể trở thành chuẩn mực, chân lý, được thừa nhận rộng rãi, được thẩm định về mặt xã hội.

Hành vi trái với cái thông thường, cái phổ biến cũng là phương thức đặc trưng của quá trình tìm kiếm khả năng vượt thoát khỏi những lối mòn, khỏi tình trạng nhàm chán, đơn điệu và trì trệ trong cuộc sống, và cả trong phong cách tư duy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa hiện sinh (existentialism) cố gắng xác lập một thứ bản thể luận đặc trưng về tồn tại của con người, để phân biệt với những gì không phải con người. “Hiện sinh”, qua cách phân tích của những tên tuổi tiêu biểu (Heidegger trong “Thư về nhân bản chủ nghĩa” và J. P. Sartre trong “Hiện sinh một nhân bản thuyết”), biểu thị phương thức tồn tại riêng có của con người. Từ cách tiếp cận “hữu thể là cái nó là” (L’être est ce qu’il est) [Sartre P. 1948: 33], J. P. Sartre nói về con người – cá nhân như “dự phóng” và “chủ thể hướng lai” [Sartre J. P. 1965: 21]. Ông nhấn mạnh tính duy nhất của chủ quan tính con người; tính duy nhất không hiểu theo nghĩa ngoài con người ra không tồn tại cái gì khác, mà theo nghĩa: tất cả mọi thứ khác khi so sánh với CON NGƯỜI đều tỏ ra nhỏ bé, không đáng kể.

Ngày nay sự phá cách trong sáng tạo, hay “phá vỡ khuôn mẫu” đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Chủ nghĩa hậu hiện đại, quá trình đi từ cấu trúc luận và phương pháp cấu trúc đến giải cấu, sự phân mảnh cá nhân và chuyển hóa phi trung tâm – tất cả đang đặt ra nhu cầu mới, nhu cầu thích ứng và “tự thiết kế” để chủ động hơn trước những biến đổi quá nhanh của thực tiễn, hay nói như A. Toffler, trước việc tương lai đến quá nhanh, buộc chúng ta phải chủ động trong việc hình thành những kịch bản tương thích cho cuộc sống.

2. “Lệch chuẩn” và văn hóa khoan dung của người Việt trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa

Trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, thường xuyên phải đối phó với thù trong giặc ngoài, dân tộc Việt Nam đã chọn thứ triết lý sống phù hợp với điều kiện đặc thù của mình. Một mặt, đó là triết lý tự chủ tự cường, kiên quyết bảo vệ chủ quyền dân tộc, đã được thừa nhận một cách tất yếu qua lời khẳng định dứt khoát: “Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận tại sách trời”. Mặt khác, chúng ta luôn chủ trương tinh thần khoan dung, được nâng lên thành đạo nghĩa khoan dung xuyên suốt lịch sử của dân tộc, gắn liền với quá trình dựng nước và những cuộc đấu tranh sinh tử vì nền độc lập. Khi nói đến “đạo nghĩa khoan dung”, chúng ta nhận thức về cái đã trở thành một định hướng trong cuộc sống của cá nhân, cộng đồng người Việt, đã được trải nghiệm và thử thách qua thời gian.

Khoan dung không còn giới hạn trong ý nghĩa khoan thứ, bao dung, mà đã là lẽ sống và phương thức hoạt động phổ biến, chứa đựng bên trong nó những nguyên tắc và những chuẩn mực nhất định. Trong nguyên tắc ứng xử của người Việt không có chỗ cho sự mềm yếu, nhưng cũng đầy ắp sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm, tương thân tương ái và nghĩa hiệp, rộng lượng, tha thứ. Sức mạnh của khoan dung cũng là một trong những biểu hiện của sức mạnh đoàn kết, thống nhất quốc gia, tạo môi trường an lành, yên vui cho mọi thành viên xã hội. Những người mở đường cho nền độc lập dân tộc luôn trung thành với nguyên tắc “chính sự thân dân, cốt khoan dung và giản dị”, để dân an cư lạc nghiệp, giữ yên bờ cõi. Ngược lại, xao nhãng quan điểm ấy đất nước sẽ rơi vào tình trạng chia cắt, bất hòa, dẫn đến những xung đột huynh đệ tương tàn.

Trong văn hóa khoan dung, trừ những trường hợp cá biệt, chúng ta luôn giành thế chủ động. Ở bình diện tư tưởng chẳng hạn, lúc đầu Nho gia theo chân quân xâm lược phương Bắc du nhập nước ta với tính cách là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, với thời gian, nó đã được tiếp thu, phổ biến rộng rãi, được khúc xạ qua lăng kính người Việt, làm giàu thêm kho báu văn hóa Việt Nam. Chính nhờ sự khúc xạ ấy mà Nho gia Việt Nam vẫn có những nét đặc thù so với nguyên bản của nó, từ Nho gia tiên Tần đến Nho gia các triều đại sau ở Trung Quốc. Việc biến các yếu tố du nhập từ bên ngoài thành các yếu tố nội tại chỉ có thể thực hiện được một khi chúng phù hợp với các giá trị truyền thống dân tộc. Hiện tượng tam giáo hoà hợp Nho - Phật - Lão từ thời Lý - Trần không nằm ngoài mục đích “hợp sáng Việt Nam” vì sự phát triển của dân tộc từ góc độ đời sống tinh thần, văn hóa tâm linh. Khí phách dân tộc và đạo nghĩa khoan dung truyền thống được tiếp tục kế thừa, phát huy ở các thời đại sau, mà thời Lê là một trong những minh chứng tiêu biểu. Rõ ràng, thông qua văn hóa khoan dung mà những yếu tố bên ngoài, thoạt đầu bị dị ứng, bị xa lánh, về sau đã được tiếp nhận, cải biến, trở thành một phần của cuộc sống, và từng bước một đóng vai trò chuẩn mực, định hướng. Thông qua văn hóa khoan dung mà những hiến kế của các bậc hiền tài được chấp nhận, dù thoạt đầu chịu sự phản biện từ phía chính thống. Ở chiều ngược lại, nếu cái mới, cái “lệch chuẩn” (so với chuẩn mực phổ biến của dân tộc) không được xem xét tỉnh táo, không được can đảm đón nhận vì mục tiêu phát triển, thì cơ hội bị đánh mất. Bài học Nguyễn Trường Tộ vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong đời sống chính trị – văn hóa hiện nay: Dự án cải cách của Nguyễn Trường Tộ đã bị chặn đứng bởi một ông vua nặng óc sùng Nho, bài “đạo Tây” (Thiên Chúa giáo).

Trong thời đại ngày nay các quốc gia, các dân tộc đều mong muốn hướng đến tinh thần khoan dung, trong đó có khoan dung văn hóa như một xu thế tất yếu trên con đường hội nhập, cùng phát triển. Khái niệm “khoan dung” từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay được bàn đến không kém gì những vấn đề phổ biến như dân chủ, dân quyền, tự do… Chẳng phải ngẫu nhiên mà Liên hợp quốc đã từng khởi xướng Năm quốc tế về khoan dung (1996). Văn kiện cơ bản của UNESCO đã nêu 5 luận điểm cơ bản của khoan dung, đó là: sự tôn trọng và đánh giá tính đa dạng và phong phú của các nền văn hóa, sự cởi mở, giao tiếp, tự do tư tưởng và niềm tin; thực hiện “văn hóa hòa bình” thay cho “văn hóa chiến tranh” trên bình diện toàn cầu; thừa nhận các quyền của con người, trước hết là quyền sống, quyền tự do, chống mọi sự áp đặt hệ giá trị của mình lên người khác; hình thành cơ chế khuyến khích cá nhân sáng tạo, bác bỏ chủ nghĩa giáo điều và chuyên chế trong hoạt động của con người; sự cộng hưởng và chấp nhận nhau để các dân tộc cùng chung sống và hướng đến tương lai tốt đẹp [UNESCO 1996: 34].

Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa tác động đa chiều lên các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi nhận thức của con người, trong đó có sự thay đổi quan điểm về giá trị. Thang giá trị không phải là cái thước đo bất biến, mà cũng cần được thẩm định, làm mới. Thái độ ứng xử có văn hóa đối với những hiện tượng lệch chuẩn không chỉ là sự thể hiện văn hóa khoan dung ngàn đời của người Việt, mà còn tạo điều kiện để nuôi dưỡng, khuyến khích cái mới. Lẽ cố nhiên, như đã nêu trên, cần phân biệt những biểu hiện lệch lạc, phá hoại, đi ngược lại lợi ích toàn xã hội, với những cái “khác thường”, “không giống ai”, độc đáo (không phải lập dị, ngông cuồng), song chứa đựng khát vọng tìm kiếm cái mới, góp phần làm đẹp cuộc sống.

Thứ nhất, quá trình hội nhập, toàn cầu hóa tác động đến vấn đề “nhận thức lại”, trong đó có “nhận thức lại” về các chuẩn mực và giá trị văn hóa. Bản thân giá trị cũng mang tính động, thường xuyên tiếp nhận nguồn năng lượng mới từ thực tiễn xã hội. Trong văn hóa chính trị điều này thể hiện khá rõ. Xin nêu ra một ví dụ nhỏ: vào năm 1923, sau những biến cố lịch sử, từ cách mạng tháng Mười, nội chiến và chính sách Cộng sản thời chiến, đến chính sách Kinh tế mới (NEP) và xây dựng hòa bình, V. I. Lênin viết: “Chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản. Sự thay đổi căn bản là ở chỗ… trọng tâm công tác của chúng ta ngày mai… đã chuyển sang công tác hòa bình tổ chức “văn hóa”, mà mục tiêu “tránh bị hiểu là xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước không đủ trình độ văn hóa” [Lênin V. I. 2005: 428]. Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII Đảng ta nhấn mạnh sự kết hợp tinh thần “nhạy bén nắm bắt cái mới” với tính kiên định về lập trường, chống lại mọi biểu hiện của lối sống thực dụng, chạy theo thị hiếu tầm thường và xa rời nguồn cội, tức “tha hóa bản sắc”. Từ Đại hội Đảng lần thứ VIII đến nay chúng ta luôn kiên định lý tưởng chung, song các mục tiêu của dân tộc, những yếu tố của văn hóa chính trị không ngừng được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với chuyển biến của thực tiễn.

Thứ hai, chúng tôi cho rằng trong điều kiện hội nhập, toàn cầu hóa yếu tố khoan dung, vị tha cần được chú trọng trong việc đánh giá các hiện tượng phong phú, đa dạng của cuộc sống, bởi lẽ “sự va chạm các làn sóng” là một hiện tượng phổ biến, khó tránh khỏi. Ngay cả các quan điểm trái với chuẩn mực xã hội cùng cần được xem xét trên quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử – cụ thể, tránh thái độ chụp mũ, áp đặt, hình sự hóa một cách máy móc những biểu hiện bị coi là lệch lạc. Hướng dẫn dư luận, hình thành cơ chế phản biện xã hội một cách tích cực, chú trọng yếu tố hòa giải văn hóa và khuyến khích cái độc đáo, sáng tạo của cá nhân là điều kiện cần thiết cho quá trình vừa bảo vệ các giá trị truyền thống, vừa tiếp nhận tích cực những nhân tố mới làm giàu cho truyền thống, đồng thời giới thiệu diện mạo văn hóa dân tộc ra thế giới. Trong điều kiện hội nhập, tính thích ứng cao và khả năng xử lý tình huống cần được đặt ra đối với công tác quản lý văn hóa, để những biểu hiện “xé rào”, “phá cách” được phân tích và đánh giá khách quan và nhân văn.

Thứ ba, văn hóa khoan dung đòi hỏi khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều và tư duy phân cực máy móc. Trước hết, những biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều, lối tư duy phân cực – phân tuyến “địch – ta”, thói quen thành kiến còn nặng nề, ảnh hưởng đến hàng loạt quyết sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, gây nên những hậu quả nặng nề trong quá trình hội nhập. Vẫn còn tồn tại những “vùng cấm” trong hoạt động sáng tạo. Vấn đề tự do tư tưởng được nêu ra trong Nghị quyết số 1 của Bộ Chính trị (1992) vẫn chưa được triển khai sâu rộng, thiếu sự định hướng rõ ràng, cụ thể. Điều này khiến cho quá trình đối thoại tư tưởng, sự tiếp xúc với các dòng tư tưởng từ bên ngoài để làm giàu cho hệ giá trị nước nhà gặp khó khăn

Để sự nghiệp đổi mới tiếp tục mở ra khả năng cho sự phát triển và ổn định cần chú trọng hơn nữa nhân tố con người. Chúng ta đã có hẳn “chiến lược con người”, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội phục vụ cộng đồng, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, chia sẻ. Chính sách quan tâm đến người nghèo trong suốt mấy thập kỷ qua đã đơm hoa kết trái, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên tính tích cực chính trị của con người Việt Nam, vì những nguyên nhân khác nhau, đang bị đặt thành vấn đề. Thực tế cho thấy, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập, ý chí tự cường của nhân dân ta đã trở thành máu thịt, thành lẽ sống từ ngàn xưa đến hôm nay. Song làm sao để những giá trị thiêng liêng ấy tiếp tục góp lửa cho sự nghiệp đổi mới, lại cần đến hàng loạt chính sách đòn bẩy, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng sáng tạo của con người, sự tự do và đột phá, hiến kế cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu lớn của dân tộc. Làm sao để sự chuẩn hóa tư tưởng không đi đến mâu thuẫn với quyền tự do của công dân, quyền tự do của công dân không đi đến mâu thuẫn với các chuẩn mực, giá trị và lý tưởng chung, không bị quy kết thành “chệch hướng”.

Thứ tư, tiếp biến, giao thoa, vượt qua lối mòn, khuyến khích cái độc đáo, sáng tạo, mạnh dạn từ bỏ những chuẩn mực đã lỗi thời. C. Mác viết trong “Ngày 18 tháng Sương mù của Lui Bônapáctơ”: “Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống” [Mác C. và Ăngghen Ph. 2005: 145]. Thái độ có văn hóa đối với truyền thống đòi hỏi thực hiện sự “lọc bỏ” biện chứng các yếu tố truyền thống để tiếp cận một cách thành công những vấn đề mới của thời đại (vượt qua nỗi ám ảnh của “quả núi” truyền thống) mà không làm mất đi nguồn cội. Cho nên sự thích ứng, tính kiên định và tính mở (khả năng nhạy bén nắm bắt cái mới, không chỉ thích nghi, mà còn phát triển sáng tạo) trong suy nghĩ và hành động, trong định hướng chiến lược và giải pháp là đòi hỏi quan trọng đối với chúng ta trong việc giữ lấy hồn Việt trước thách thức của cơn sóng triều toàn cầu hóa và quá trình hội nhập.

Lẽ đương nhiên, không tồn tại một thứ “chất”, hay bản sắc Việt Nam “thuần tuý”, độc nhất vô nhị, bởi lẽ bản sắc, nghĩa là yếu tố được chắc lọc, được rút ra qua kinh nghiệm lịch sử để làm nên đặc trưng của một dân tộc hay một địa phương không phải là cái ngưng đọng, khép kín, mà luôn luôn chịu sự thẩm định khắt khe của thực tiễn, được “làm mới” cho phù hợp với yêu cầu của thời đại, nhưng vẫn giữ được hạt nhân cơ bản. Điều đáng lo ngại về sự đánh mất “nguyên chất” không chỉ bởi sự mất gốc, sự lai căng, mà cả sự bảo thủ và cố chấp, không biết tiếp thu và tiếp biến những yếu tố tác động từ bên ngoài để không ngừng làm cho cái “nguyên chất” luôn luôn xứng đáng là yếu tố nội sinh tích cực trong suy nghĩ và hành động. Quá trình tự tạo dựng kết hợp với tiếp thu, tiếp biến các yếu tố bên ngoài để làm phong phú giá trị hiện có đã trở thành tính quy luật không riêng gì đối với Việt Nam, đúng như GS. Trần Quốc Vượng từng nhận định: “Không một nền văn hóa nào dù lớn dù nhỏ mà không có sự vay mượn một số nhân tố của các nền văn hóa khác” [Trần Quốc Vượng 2006: 278]. Sự vay mượn từ bên ngoài có thể làm lệch phần nào yếu tố “nguyên mẫu”, song đó lại là biện chứng của sự tích hợp và tiếp biến giá trị.

Chúng ta không chủ trương “chủ nghĩa đa nguyên văn hóa” một cách vô nguyên tắc, nhưng chúng ta luôn tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong “sự thống nhất mang tính toàn cầu”, đi “từ xung đột đến hội tụ” [McLean George F. & Phạm Minh Hạc (cb) 2007: 279-290]. Thực ra “hội tụ” cần được xem xét từ quan điểm tích hợp và hội nhập các giá trị trên cơ sở tôn trọng nét đặc thù của các nền văn hóa, các chế độ chính trị, chứ không theo nghĩa hòa tan, đánh mất cái Tôi dân tộc, hay tha hóa bản sắc.

Kết luận

Sự nhận thức và xử lý văn hóa theo tinh thần biện chứng cái phổ biến – cái đặc thù, giải quyết thành công mối quan hệ giữa lưu giữ và phát triển, giữa tiếp thu và tiếp biến, giữa khoan dung văn hóa và chủ nghĩa yêu nước, giữa chuẩn mực chung và sáng tạo độc đáo của cá nhân là những đòi hỏi quan trọng trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh việc vạch ra, phê phán những hiện tượng sai trái, lệch chuẩn, đi ngược lại chuẩn mực phổ biến, gây nên những hiệu ứng tiêu cực của xã hội, cần có cách tiếp cận hợp lý, văn hóa khoan dung, giải quyết và ứng xử một cách xác đáng những cái cá biệt, độc đáo, tìm thấy ở đó những yếu tố tích cực, có tiềm năng phát triển, góp phần làm giàu và sinh động thêm hệ giá trị của dân tộc.

Nhiệm vụ thứ 6 của Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay là “chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc”. Đó cũng là một trong những định hướng chiến lược đối với việc phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong một thế giới mở nhưng hết sức phức tạp hiện nay.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

1.      Constance Blackwell, Sachiko Kusukawa 1999: Philosophy in the Sixteenth and Seventeenth Centuries – Conversations with Aristotle. – Ashgate.

2.      Ferguson W.K. 1948: The Renaissance in historical Thought. Five centuries of interpretation. Cambridge, Mass.

3.      Jacques Derrida 1994: Những bóng ma của Marx. – H.: NXB Chính trị Quốc gia, Tổng cục II Bộ Quốc phòng.

4.      Jacques Derrida 2004: Жак Деррида 2004: Глобализация, мир и космополитизм. - М.: Космополис, № 2 (8) (Toàn cầu hóa, thế giới và chủ nghĩa vũ trụ).

5.      Lênin V. I. 2005: Toàn tập, t. 45. H.: NXB Chính trị Quốc gia.

6.      Mác C. và Ăngghen Ph. 2005: Toàn tập, t.8. – H.: NXB Chính trị Quốc gia.

7.      McLean George F. & Phạm Minh Hạc (cb) 2007: Con người, dân tộc và các nền văn hóa: chung sống trong thời đại toàn cầu hóa.- H.: NXB Chính trị Quốc gia.

8.      Nghị quyết 33-NQ/TW 2014: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. - http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nghi-quyet-Hoi-nghi-Trung-uong-9-khoa-XI/201435.vgp

9.      Sartre J. P. 1965: Hiện sinh một nhân bản thuyết, Thụ Nhân dịch. – SG: Nam Hải ấn quán.

10.     Sartre P. 1948: L’être et le Néant. – Paris: Gallimard.

11.     Trần Quốc Vượng 2006: Thăng Long Hà Nội tìm tòi và suy ngẫm. – H.: NXB Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa.

12.     UNESCO 1996: Tạp chí “Người đưa tin”, tháng 3/1996 (bản tiếng Việt).

Nguồn: Bài viết tham gia hội thảo “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Kỷ yếu hội thảo in thành sách “Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại


Theo vanhoahoc.edu.vn