Nội san

Vui buồn từ một bài hát trẻ con

16 Tháng Mười Một 2015

Trong bài viết này, xin tâm sự với bạn đọc yêu âm nhạc đôi điều xung quanh một “đứa con tinh thần” của tôi và nhà thơ Định Hải ra đời năm 1979. Đến nay “thằng bé” vóc dáng nhỏ con ấy đã gần bốn thập niên tuổi đời! Vui buồn cũng đã đến với nó.

1. Năm 1979 thế kỷ trước, báo chí trong nước đăng thông báo của Ủy ban Năm quốc tế thiếu nhi Việt Nam cho biết: hưởng ứng cuộc thi quốc tế ”Những bài hát mới cho trẻ em năm 1979”(ICCS 79) do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) bảo trợ, Ủy ban Năm quốc tế thiếu nhi Việt Nam đứng ra tổ chức cuộc thi quốc gia theo hai vòng: thi viết lời ca và thi viết âm nhạc. Sau hai tháng rưỡi phát động cuộc thi viết lời ca, Ban Giám khảo chọn được hai lời ca bài hát sau: Bài Trái đất này của chúng em của nhà thơ Định Hải (Hà Nội) và bài Việt Nam! Bầu trời này... mặt đất này... của nhà thơ Diệp Minh Tuyền (TP Hồ Chí Minh). Ban Tổ chức cuộc thi công bố hai lời ca bài hát đó và mời các nhạc sĩ cả nước phổ nhạc.

Sau khi xem thông báo, tôi rất phấn khởi, cảm thấy đây là một dịp rất tốt để mình cố gắng đem âm nhạc phục vụ cho tuổi thơ. Tôi chọn bài thơ Trái đất này của chúng em để phổ nhạc và dự thi. Khoảng một tháng sau, ngày 2-7-1979, Báo Nhân dân và Đài Tiếng nói Việt Nam đồng loạt công công bố kết quả cuộc thi quốc tế sáng tác các bài hát mới cho thiếu nhi năm 1979: trong số 22 bài hát được Ban Giám khảo quyết định tặng thưởng quốc gia, bài hát Trái đất này của chúng em do tôi phổ nhạc bài thơ của Định Hải và bài “Việt Nam! Bầu trời này... mặt đất này...” do nhạc sĩ Huy Trân phổ nhạc bài thơ của Diệp Minh Tuyền là hai bài hát đạt giải xuất sắc, được gửi đi giới thiệu với trẻ em thế giới.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát kể lại: khi được cử làm chủ tịch Ban Giám khảo cuộc thi, ông rất vinh dự đồng thời cũng rất lo, liệu mình có làm tròn trách nhiệm này không. Toàn bộ số bài hát gửi tới lên đến 679 bài, mà từ hôm cuối cùng nhận bài đến hôm tuyên bố kết quả chỉ có 15-16 ngày thôi. Sơ khảo phải làm xong trong khoảng nhiều nhất là 7-8 hôm, vì còn phải đưa cho các em nhỏ tập dượt kỹ để trình bày cho Ban Giám khảo nghe, biểu quyết và phải công bố kết quả trên báo chí đúng vào ngày quy định của Ban Tổ chức quốc tế cuộc thi này. Cuối cùng, rồi cũng chọn được 22 bài (giấu tên tác giả) để đưa vào chung khảo. Theo sự quy định của Ban Tổ chức quốc tế, Ban Giám khảo quốc gia gồm có bảy người: một nhạc sĩ sáng tác có uy tín, một giáo viên, một cô mẫu giáo, hai nhà thơ, một nhà sư phạm và một luật sư. Tất cả đều bỏ phiếu kín. Khi có kết quả và công khai tên tác giả, mọi người mới phát hiện ra một điều khá lý thú là nhạc sĩ miền Nam thì phổ nhạc bài thơ của tác giả miền Bắc còn nhạc sĩ miền Bắc thì lại phổ nhạc bài thơ của tác giả miền Nam. Phát hiện này đã khiến cho Ban Giám khảo rất ngạc nhiên. Nhà thơ Huy Cận, một thành viên trong Ban Giám khảo đã phải lớn tiếng vui mừng thốt lên: “Việt Nam thống nhất muôn năm!”. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát còn cho biết đây không phải là một sự sắp xếp gượng ép mà là một sự ngẫu nhiên hoàn toàn, nhưng vừa lý thú, vừa có ý nghĩa.

Gần bốn chục năm qua kể từ khi ra đời bài hát Trái đất này của chúng em (các em nhỏ trong cả nước thường gọi là bài Trái đất này là của chúng mình). “Chú bé con tinh thần” này đã dần dần lớn lên và cố gắng hết mình phục vụ đông đảo tuổi thơ cả nước.

2. Cách nay ít lâu, có một Việt kiều tìm đến nhà tôi. Đó là chị Đinh Kim Nguyệt (quốc tịch Canada, gốc Việt) đại diện Tổ chức Whitehorse Festival tại Yukon, Canada (tức Tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc định cư tại Yukon, Canada) đặt vấn đề xin phép được sử dụng bài hát Trái đất này của chúng em làm bài hát chủ đề (theme song) để biểu diễn trong buổi khai mạc Lễ hội tại vùng Yukon. Có tới trên 30 dân tộc ở khắp nơi trên thế giới đang định cư tại vùng này. Ban Tổ chức Lễ hội chọn bài này vì cảm thấy nội dung bài hát mang đầy đủ linh thần của Lễ hội, đó là tinh thần yêu chuộng hòa bình, không phân biệt chủng tộc. Mặt khác, Ban Tổ chức cho rằng đây là một bản nhạc có giai điệu đẹp, ngắn gọn, dễ hát, dễ nhớ rất phù hợp với Lễ hội.

Ban Tổ chức đã nhờ một số nhạc sĩ, nhà thơ ở Canađa viết lời bài hát Trái đất này của chúng em sang các thứ tiếng cho các kiều dân (người lớn và thiếu nhi) tập hát theo tiếng dân tộc mình: Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Tagalog (Philippin) vv… Ban Tổ chức đã cẩn thận sao chép lại các bản lời ca ấy gửi cho tôi để tham khảo ý kiến.

Lễ hội Whitehorse Festival tại Yukon, Canada đầy ý nghĩa đã diễn ra rất thành công trong gần một tuần lễ. Trong buổi khai mạc của Lễ hội đã vang lên lời ca “ Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh…”, “This precious world is our home/ Green ball spins in a blue dome…”, “Cette terre nous appartient/ Cette boul ’bleue vol’ dans le ciel…”, “Utsukushii sekai yo, bokura no chiu kiu yo…”


Trình diễn ca khúc “Trái đất này của chúng em” tại Canada.

Ông Đào Ngọc Dinh, Tùy viên Đại sứ quán ta tại Canada được mời đến dự Lễ hội, sau lễ bế mạc đã gửi email cho tôi: “Chào anh Trương Quang Lục. Nghe tên anh đã lâu, hôm nay mới được nói chuyện qua thư… Lễ hội Yukon rất ấn tượng, ngay trong phần khai mạc được nghe bài hát của Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng, tôi thấy rất xúc động, tình cảm dân tộc trào dâng. Có anh tham dự buổi lễ thì hay biết bao. Sẽ sớm gửi thư cám ơn đến Ban Tổ chức Lễ hội về những đóng góp vô cùng hữu ích trong việc tổ chức thành công Lễ hội, góp phần thúc đẩy quan hệ không chỉ giữa Việt Nam với Canada mà còn với các dân tộc khác…”

Trong Lễ hội, ông Đào Ngọc Dinh thay mặt tác giả bài hát (đang ở trong nước) bước lên sân khấu nhận hộ bằng kỷ niệm của Ban Tổ chức trao tặng. Sau đó ít lâu ông đã gửi về nước cho tôi tấm bằng đó (tôi vẫn đang giữ để làm kỷ niệm). Ban Tổ chức cũng gửi tặng tôi đĩa DVD ghi hình tiết mục hợp ca Trái đất này của chúng em hát bằng nhiều thứ tiếng của các kiều dân ở Canada, một nước trên Tây bán cầu cách Việt Nam chúng ta nửa vòng trái đất. Xem biểu diễn, vừa vui vừa xúc động!

3. Gần đây một anh bạn đến nhà chơi, tặng tôi một đĩa hình DVD và bảo: “Tôi vừa ghi lại từ trên mạng internet. Anh cứ xem đi, khắc biết nội dung!”. Trên màn hình hiện ra phần một là hình ảnh ông Tổng giám đốc Công ty Vip Life đang say sưa, hùng hồn quảng cáo cho sản phẩm đơn vị mình. Tiếp đến phần hai là bài hát Trái đất này của chúng em, bài hát hồn nhiên của tuổi thơ cả nước giờ đây đã bị lấy cắp phần âm nhạc và tước bỏ lời gốc của nhà thơ Định Hải, viết lại lời mới thô thiển, sống sượng thành bài karaoke Vip Life là của chúng mình để quảng cáo cho đơn vị. Hai câu lời ca hồn nhiên, quen thuộc “Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến/ Hải âu ơi, cánh chim vờn trên sóng...” đã bị xóa đi và thay vào đó là mấy câu khá dung tục “Mình ăn chơi vẫn không cần tính toán/ Mình xài sang cũng chẳng cần suy nghĩ...”. Trong karaoke, bên cạnh dòng chữ của lời mới liên tục chạy qua, xuất hiện hình ảnh hằng trăm người trong đồng phục công ty múa may, nhảy nhót theo điệu nhạc sôi động của bài hát.

Rõ ràng đây là một sự vi phạm bản quyền tác giả đã được Nhà nước ban bố thành luật, nên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã có công văn mời lãnh đạo Công ty đến chất vấn về việc này. Cán bộ Trung tâm cho biết: mời lần thứ nhất, không đến; lần thứ hai, đến thì chối tội với lý lẽ “cấp dưới làm việc này, chứ không phải chúng tôi”. Được hỏi về nhân thân cấp dưới, thì được trả lời “chúng nó nghỉ việc rồi”.

Thấy tôi rầu rĩ sau khi xem phần karaoke trong đĩa DVD được tặng, anh bạn an ủi: “Bọn trộm cắp như giựt điện thoại, dây chuyền, túi xách…, của người đi đường, khi bị công an tóm được, đâu dễ dàng thành khẩn nhận tội ngay, thường cố “thanh minh, thanh nga”. Thôi đừng buồn, hãy vui lên! Bài hát của anh và Định Hải có hay, mới bị đánh cắp. Bài hát dỡ ẹt, chúng nó đâu có thèm. Chiếc xe honda cà tàng của anh đang đi chẳng bao giờ bị cướp đâu, nhưng anh thử xài xe tay ga Piaggio xem!”. Thì ra theo nhận định của anh bạn, các bài hát thành công cũng như các loại xe “xịn”sẽ có nguy cơ cao bị bọn xấu đánh cắp nếu mất cảnh giác. Đúng là chuyện buồn ở nước mình!

 

Theo hoinhacsi.org