Nội san

Vai trò của nghệ thuật múa rối trong việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc và phát triển du lịch

16 Tháng Mười Một 2015

 Nguyễn Hữu Hiệp

                                 

Từ xa xưa, con người và thiên nhiên luôn gắn bó với nhau, con người đã biết dựa vào thiên nhiên để lao động sản xuất làm ra của cải vật chất phục vụ mình, đồng thời  còn sáng tạo ra những loại hình nghệ thuật độc đáo trong đó có nghệ thuật múa rối. Đó là loại hình nghệ thuật có ở nhiều nước trên thế giới, mỗi nước có tên gọi chung và tên gọi riêng cho từng loại rối. Ở Việt Nam, múa rối ngày một phát triển và trở thành một loại hình sân khấu truyền thống được nhiều người yêu thích, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi.

Trong những năm gần đây, nghệ thuật múa rối đã trở thành nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tinh hoa của nghệ thuật múa rối đã nhận được sự ngưỡng mộ trong lòng bạn bè quốc tế, đặc biệt loại hình múa rối nước được xem là bộ môn nghệ thuật “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Múa rối truyền thống ra đời, phát triển và trở thành một loại hình nghệ thuật. Đó là kết quả của sự tìm tòi, sáng tạo của cha ông ta trước cuộc sống bình dị gắn liền với nghề nông nghiệp trồng lúa nước và sự du nhập mạnh mẽ của Phật giáo vào Việt Nam.

Nghệ thuật múa rối có một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc và phát triển du lịch. Chính vì vậy, múa rối ngày càng thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả trong và ngoài nước. Đó là một biểu hiện đáng mừng trong việc phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, tuy nhiên mục đích biểu diễn của một số tổ chức múa rối không phải để nối tiếp truyền thống, bảo tồn vốn nghệ thuật truyền thống và phục vụ cho nhân dân, mà chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài để thu lợi dẫn đến hoạt động của nghệ thuật múa rối bị thương mại hóa. Sử dụng nghệ thuật truyền thống vào quảng bá du lịch là việc nên làm, song nếu đặt sai mục đích sẽ có tác động không nhỏ đến chất lượng của các tiết mục rối.

Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật truyền thống lại được chú trọng trong đời sống hiện đại. Xã hội càng phát triển, con người càng dành nhiều mối quan tâm cho nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật múa rối cũng nằm trong số những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Chính vì vậy trải qua nhiều thăng trầm của quá trình phát triển, nghệ thuật múa rối đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói riêng và các giá trị văn hóa nói chung.

Thông qua các buổi biểu diễn tại nước ngoài, hình ảnh của văn hóa Việt Nam lại được nghệ thuật múa rối nước truyền tải tới bạn bè quốc tế. Mối quan hệ giữa nghệ thuật múa rối với khán giả trong đề tài nghệ thuật truyền thống xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật và cung cấp nghệ thuật có thể coi là sự vận động tự thân. Song không chỉ có vậy, trong mối nhân duyên giữa múa rối và nghệ thuật truyền thống còn có nhiều cấp độ khác nhau, trường hợp tiêu biểu cho vai trò của nghệ thuật múa rối trong lĩnh vực này không thể không kể tới, đó chính là nghệ thuật múa rối nước - nghệ thuật có một không hai trên thế giới. 

Ở Việt Nam, mối quan hệ giữa múa rối với nghệ thuật truyền thống, tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị cổ truyền của dân tộc trong đời sống đương đại được thể hiện rất rõ. Vai trò của văn hóa hết sức quan trọng đối với nền tảng và sự phát triển của một dân tộc; trong đó nghệ thuật là một biểu hiện sinh động và sáng tạo, cũng như mang lại những hiệu quả cao nhất trong việc phổ biến, lan tỏa những giá trị văn hóa nền tảng. Trong nhiều năm qua, rất nhiều người biết tới những nghệ thuật quý của dân tộc như: ca trù, quan họ, hát xoan, nhã nhạc, cồng chiêng, bài chòi, đờn ca tài tử… phần lớn qua các kênh báo chí như truyền hình, phát thanh, báo giấy, báo mạng và một phần có trong các tiết mục biểu diễn múa rối. Không chỉ có vậy, mối quan hệ giữa múa rối và nghệ thuật truyền thống còn có tác dụng đáng kể, đó là mang tính phát hiện để góp phần tích cực trong việc bổ sung những chính sách mới đi vào thực tiễn cuộc sống. Điển hình như việc vừa mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có đề cập tới cả vấn đề chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, một phần xuất phát từ những thực tế của ngành rối trong nhiều năm qua. Cũng thông qua nghệ thuật múa rối còn góp phần giới thiệu nhiều gương mặt nghệ nhân tiêu biểu với những đóng góp cho loại hình di sản nghệ thuật mà họ nắm giữ, để rồi được xã hội tôn vinh và tri ân. Như vậy có thể nói, giữa múa rối với nghệ thuật truyền thống là một mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời.

 

Ảnh: Chú Tễu (Nguồn: st)

 

            Nghệ thuật múa rối là một loại hình sân khấu dân gian, để hình thành nên nó là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: Âm nhạc, điêu khắc, văn học… Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối chính là góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của nhiều loại hình hình nghệ thuật dân gian của dân tộc. Có thể thấy rằng hoạt động múa rối đang được duy trì và khai thác không chỉ ở tỉnh, thành phố tại miền Bắc mà ở các địa phương vốn không có múa rối như miền Trung, Nam Bộ nay cũng được tổ chức biểu diễn. Đó là điều đáng mừng trong việc phát huy các giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống tới khán giả trong cả nước.

            Liên chi hội Múa rối Việt Nam (Unima Việt Nam) đã tập hợp các chi hội thành viên là các phường rối dân gian và các đơn vị rối chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp trên toàn quốc để quy tụ và thiết lập các mối quan hệ về nghề nghiệp và kinh nghiệm giữa các nhà hát, phường rối, động viên các nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có chất lượng cao, đào tạo bồi dưỡng những tài năng trẻ. Tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Tổ chức các kì liên hoan múa rối và lưu diễn nước ngoài, mời các đoàn rối nước ngoài đến biểu diễn tại Việt Nam. Ngoài việc thúc đẩy tuyên truyền quảng bá nghệ thuật múa rối cho khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến còn tạo được nguồn kinh phí từ khách du lịch cũng như các nhà đầu tư đóng góp tạo hoạt động bảo tồn nghệ thuật múa rối. Hiện nay, cả nước có 4 nhà hát chuyên nghiệp với 196 nghệ sĩ, 2 đoàn múa rối bán chuyên nghiệp, 3 đoàn múa rối cạn cổ truyền và 14 phường rối nước cổ truyền với trên 300 nghệ sĩ và nghệ nhân.

            Nghệ thuật múa rối (đặc biệt là múa rối nước) là một nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn và chỉ riêng có ở Việt Nam nên khai thác loại hình nghệ thuật này phục vụ cho phát triển du lịch là điều tất yếu của xu hướng phát triển bền vững. Vì vậy các cơ quan quản lý đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá cho nghệ thuật rối Việt Nam thông qua các liên hoan múa rối trong nước và quốc tế.

Việc đưa nghệ thuật truyền thống trong đó có nghệ thuật múa rối vào biểu diễn để khai thác du lịch là việc làm cần thiết. Chúng ta vừa có thêm sản phẩm văn hóa để thu hút khách, vừa quảng bá được văn hóa nước nhà. Song, có nhiều ý kiến lo ngại sẽ bị biến dạng nghệ thuật truyền thống. Làm thế nào để làm du lịch mà không mất đi bản sắc của nghệ thuật truyền thống là bài toán khó.

Múa rối góp phần làm đa dạng hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch. Phải thừa nhận rằng, với chức năng quảng bá, khám phá, tìm hiểu và trao đổi văn hóa, du lịch đang được thừa nhận là một động lực tích cực cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống. Việc khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật múa rối để tạo thành những sản phẩm du lịch độc đáo sẽ góp phần thu hút du khách, giúp khách du lịch hiểu hơn về những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, có những trải nghiệm khám phá các giá trị của các loại hình nghệ thuật này, đồng thời, giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tại Hội thảo khoa học Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho rằng: “Để đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du lịch mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của nghệ thuật thì cần phải tổ chức một không gian văn hóa, có sự gắn liền giữa di tích lịch sử với di tích văn hóa, thì chúng ta mới tôn vinh được nghệ thuật cổ truyền” [6, tr.25].

Du khách đến vừa tham quan đình, vừa tham quan làng, vừa được nghe những câu chuyện về ca trù, lịch sử hình thành và phát triển của nó… nếu làm được như vậy thì cùng một lúc chúng ta vừa tôn vinh được một không gian văn hóa, tôn vinh được một bộ môn nghệ thuật.

            Tại Liên hoan Múa rối dân gian Quốc tế lần thứ nhất (6/2011) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên chi hội Múa rối - UNIMA Việt Nam tổ chức đã giới thiệu các giá trị độc đáo của nghệ thuật múa rối dân gian ở các phường rối với khán giả trong và ngoài nước. Cách quảng cáo của dân gian là dựa vào uy tín và lời truyền tụng của người dân địa phương. Hiện nay do nhu cầu và xu hướng của cuộc sống mới năng động thì việc tự chủ hoạt động quảng bá du lịch ở các nhà hát rối chuyên nghiệp là chuyện đương nhiên nhưng ở các phường rối dân gian cũng đã tự trang bị cho mình những kiến thức công nghệ và kinh nghiệm như nhờ vào sự phát triển của internet, mạng xã hội, truyền hình… thông qua đó để giới thiệu nghệ thuật múa rối tới khán giả một cách nhanh nhất.

            Ngoài ra, một số nhà hát chuyên nghiệp và các phường rối đã biết liên kết với nhiều công ty du lịch, lữ hành để duy trì lịch biểu diễn. Lập các website giới thiệu về nghệ thuật múa rối nói chung và của từng đơn vị nói riêng, cập nhật thường xuyên lịch biểu diễn, các tiết mục mới…

Nhìn chung, việc khai thác nghệ thuật múa rối cho hoạt động du lịch mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, hiệu quả đem lại chưa cao, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục để phát huy hết được những giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật này trong du lịch. Đối với loại hình rối nước còn khá đơn điệu chưa hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến xem nên nguồn thu chưa cao, điều kiện phục vụ khách còn hạn chế chưa đủ tiêu chuẩn. Sự kết hợp với các công ty du lịch còn lỏng lẻo thiếu đồng bộ. Rất cần sự chung tay vào cuộc của các bên liên quan để đưa nghệ thuật múa rối trở thành loại hình du lịch đặc thù chỉ riêng có ở Việt Nam. Để làm được điều này, bên cạnh những nỗ lực của địa phương, cần có sự tham gia tích cực của các nhà quản lý, của các doanh nghiệp du lịch… Nếu làm được như vậy, nghệ thuật múa rối sẽ trở thành “mỏ vàng” của ngành du lịch Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Đình Hòe, Phan Kế Bính (2001), Du lịch bền vững, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

2.      Nguyễn Huy Hồng (1977), Nghệ thuật múa rối nước Thái Bình, Nxb Thế giới, Hà Nội.

3.      Nguyễn Huy Hồng (1974), Nghệ thuật múa rối Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4.      Nguyễn Huy Hồng (1979), Nghệ thuật múa rối Tây Nguyên, Sưu tầm dân tộc học, Viện Dân tộc học.

5.      Nguyễn Huy Hồng (1979), Nghệ thuật múa rối với vấn đề biên kịch, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 3.

6.      Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (2014), Hội thảo khoa học: Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới, Hà Nội.

7.      Trường Lưu (2003), Toàn cầu hóa và vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8.       Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về vấn đề xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998), Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 9.

9.      Trần Quốc Vượng chủ biên (2006), Cơ sở văn hóa Việt Nam (tái bản), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10.   Trần Quốc Vượng (2001), Bàn về hệ sinh thái nhân văn của múa rối nước Việt Nam, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2.