Nội san

Múa đèn Đông Anh - Đặc sản tinh thần xứ Thanh cần được gìn giữ và lưu truyền

03 Tháng Tám 2016

                                                                                  Nguyễn Thị  Thanh Vân [*]

 

Thanh Hóa - một Tỉnh lớn thuộc cực Bắc miền Trung Việt Nam là một vùng đất cổ cả dưới góc độ địa chất lẫn góc độ nhân văn. Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử với rất nhiều giai đoạn văn hoá khác nhau, vào khoảng 2.000 năm trước đây, Thanh Hóa đã tỏa sáng rực rỡ với nền văn hoá Đông Sơn trong đất nước của các vua Hùng.

Với bề dày lịch sử lâu đời nên nền văn hoá nơi đây vô cùng đa dạng và phong phú, có thể kể đến nhiều loại hình văn nghệ dân gian như: hát Xường, Rang, Bọ mẹng, Séc bùa, hát ru, hát Đúm của người Mường, hát Khắp của người Thái, người kinh có các điệu Hò sông nước,trò diễn Xuân Phả... trong đó Múa đèn là đặc sản của người dân xứ Thanh. Ở Thanh Hóa có tới 11 nơi hát múa Múa đèn khác nhau và Múa đèn - Đông Anh Đông Sơn là một điệu múa đặc sắc mang nhiều ý nghĩa như: yếu tố tâm linh, ý nghĩa phồn thực và đậm chất tình ca.

Có nhiều cách gọi tên và định nghĩa khác nhau về Múa đèn – Đông Anh, để thống nhất tên gọi cho Múa đèn Đông Anh sau khi tham khảo ý kiến của nhạc sĩ Lê Văn Hòe, nhà Thanh Hóa học Phan Bảo, nhạc sĩ Nguyễn Liên trong cuốn Âm nhạc múa đèn Đông Anh cho rằng: Múa đèn – Đông Anh: Là màn hát, múa của dân làng Viên Khê Đông Anh trên đầu có đội đĩa đèn bằng dầu lạc, thắp 10 – 12 ngọn bấc. Có rất nhiều cách gọi về trò Múa đèn, xưa các cụ làng Viên Khê gọi là “Trò đội đèn Viên Khê”, “Trò múa đèn Viên khê”, “Trò múa đèn” hay “Múa đội đèn”. Sau năm 1945 xã Viên Khê được đổi tên thành xã Đông Anh. Năm 1960, nhạc sĩ Lê Quang Nghệ lần đầu tiên về khảo cứu dân ca Đông Anh Đông Sơn, khi tìm hiểu về Trò Múa đèn ở đây ông gọi tên là “Múa đèn Đông Anh” hay “Tổ khúc Múa đèn đông Anh”, nhiều tài liệu lại gọi “Dân ca dân vũ Đông Anh”.Thực ra đây là những cách gọi tên khác nhau mà trong nhiều nghiên cứu, tìm hiểu về dân ca Đông Anh các tác giả vẫn thường dùng để nói về trò Múa đèn vùng Đông Anh, Đông Sơn Thanh Hóa.

Nghiên cứu trên nhiều tài liệu của các tác giả đi trước đã tìm hiểu về Tổ khúc Múa đèn Đông Anh như nhạc sĩ Lê Quang Nghệ, nhạc sĩ Nguyễn Liên, các tác giả Lê Huy Trâm và Hoàng Anh Nhân, nhạc sĩ Lê Văn Hoè, TS Đỗ Thị Thanh Nhàn đều nhận định: Tổ khúc Múa đèn Đông Anh do dân gian sáng tạo nhằm phục vụ cho nhu cầu ca hát của mình.

Trên phương diện và góc nhìn từ văn hóa học thì giai cấp trí thức phong kiến có vai trò rất quan trọng trong việc sáng tạo, truyền bá tổ khúc Múa đèn. Tổ khúc múa đèn có được từ trong dân gian, được biết đến từ các hội thi trong lễ hội của người Việt. Những tiết mục đặc sắc ấy được tuyển chọn và nâng cao hơn về nội dung, trình độ, nghệ thuật... đưa vào cung đình phục vụ lễ nhạc cho các bậc vua chúa. Các quan lại trong triều về sau lại mang những điệu múa ấy về truyền dạy lại cho dân và lược bỏ những phần khó như ca từ, điệu múa để phù hợp với môi trường, không gian diễn xướng và đối tượng người thưởng thức. Như vậy, từ một điệu múa hát dân gian tổ khúc được sáng tạo nhiều lần và lưu truyền cho đến ngày nay.

Về nội dung: Tổ khúc Múa đèn Đông Anh là một thể loại âm nhạc dân gian đặc sắc mang tính diễn xướng tập thể dưới hình thức hát, múa liên khúc, hàm chứa nhiều nội dung.

Thứ nhất, Tổ khúc Múa đèn Đông Anh phản ánh tín ngưỡng tâm linh về tục thờ thành hoàng của người Việt xưa tại hội Nghè Sâm thuộc huyện Đông Sơn ngày nay.Theo các cụ cao niên ở làng Viên Khê, xã Đông Anh Đông Sơn thì: Dân ca Đông Anh đã có từ rất lâu đời được bắt nguồn từ tục thờ Thành hoàng của các làng xã người Việt xưa. Ở Đông Sơn có nhiều lễ hội dân gian, Trong đó lễ hội Nghè Sâm là lễ hội lớn nhất. Lễ hội này có nguồn gốc từ tục thờ con trai cả của Thái thú quận Cửu Chân (Cuối nhà Tuỳ) là “Chàng Cả Lãng đại vương” cai trị ba tổng Tuyên Hoá, Quảng Nạp, Thạch Khê. Khi ông mất, dân làng lập đền thờ tại Nghè Sâm. Từ đó đến nay, cứ ba năm một lần vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Nghè Sâm được chọn là nơi tổ chức lễ hội của ba tổng này. Mỗi năm đến hội, Nghè Sâm được trang trí rất lộng lẫy trong Nghè là nơi tế lễ rất nghiêm trang, bên ngoài có sân chơi để các địa phương biểu diễn các trò dân ca, dân vũ. Bởi thế ca dao trong vùng mới có câu:

Ba năm một khoá trò lề

Lấy chồng hàng tổng thì về mà coi.

Ba năm một khoá trò chơi

Đông Tây Nam Bắc xin mời về quê.

Tổ khúc Múa đèn với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt của người nông dân Thanh Hoá. Ngọn đèn châm lên trong điệu múa như biểu tượng ánh sáng mặt trời, ngọn lửa thiêng ấy sẽ đem lại nguồn sống, đem lại sự sinh sôi, nảy nở, phát triển theo vòng quay của vũ trụ, của thời gian 12 tháng trong năm. Sự tuần tự, sự ổn định của thời gian cùng lửa thiêng tạo sinh khí cho vạn vật tồn tại, phát triển đúng quy luật của tạo hoá. Tất cả điều đó chính là ý nghĩa chất chứa trong lời ca điệu múa: Thắp đèn, luống bông luống đậu, Vãi mạ, Đan lờ, Nhổ mạ, Đi cấy, Kéo sợi, Dệt cửi, Xe chỉ vá may, Đi gặt.

 

Múa hát: Dệt cửi (Nguồn: tác giả)

 

Thứ hai, Tổ khúc Múa đèn Đông Anh là một bản nông lịch của cư dân nông nghiệp được sắp xếp theo thời gian, lịch trình sản xuất trong năm và những công việc thường ngày của người dân thời xưa.Trò Múa đèn không những thể hiện tài hát hay, múa khéo của các con trò mà nó còn là để mọi người ôn lại, nhắc nhở nhau lịch làm nông của mình thông qua đó nói lên tình yêu xóm làng, tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước.

Theo kinh nghiệm làm nông, dựa vào điều kiện thời tiết thì tiết tháng giêng tháng hai thích hợp trồng các cây ngắn ngày:

“Luống bông , luống đạu, luống khoai

Ở trên phố Láng có hai luống hành”...

                                                                         (Luống bông, luống đậu)

+ Đến tháng ba, tháng tư bắt đầu công việc vãi mạ, công đoạn đầu tiên của nông nghiệp lúa nước:

Tay cầm nắm trú tung ra”...

                                                                           (Vãi mạ)

+ Thời gian chờ mạ lên cây, tranh thủ làm các nghề thủ công phục vụ cuộc sống:

Tay cầm dao mác nắm nan

Lên chùa thanh vắng ta đan cái lừn(lờ)...

                                                                          (Đan lờ).

+ Tháng năm, tháng sáu khi mạ lên tốt là lúc nhổ mạ để chuẩn bị vào mùa...

“Em thời thi cấy lấy công

Để anh nhổ mạ tiền chung một lòi”.

(Nhổ mạ)

+ và đi cấy cho kịp thời vụ:

“Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”

(Đi cấy)

+ Tháng bảy tháng tám chờ lúa lớn họ làm các nghề thủ công như kéo sợi, dệt vải và  se chỉ vá may:

                 Tay quay cùi cúi

                     Ớ rằng tay quay”                          

                                                        (Kéo sợi)

 “Ngồi thềm se chỉ, chỉ se

Xò kim, kim xò ngồi hè vá may

                            (Se chỉ vá may)

+ Đến tháng chín, tháng mười khi lúa đã chín vàng là thời kì thu hoạch:

“Bao giờ cho lúa bông vàng

Cho anh đi gặt cho nàng mang cơm”.

(Đi gặt)

+ Gặt hái xong người dân có tục cúng lúa mới, hát mừng trả ơn trời đất đã cho họ một năm may mắn, mùa màng bội thu. Lúc này là điệu múa lăn đèn (đánh lá lật) kết thúc tổ khúc.

Thứ ba, tổ khúc Múa đèn là một bản tình ca lãng mạn. Không chỉ có nội dung là lịch lao động như trên đã trình bày, Múa đèn Đông Anh khi được tách khỏi nội dung phồn thực nó thực sự là một bản tình ca. Trong Múa đèn Đông Anh lấy hình thức Múa đèn để nói về công việc làm nông nhưng công việc làm nông cũng chỉ là cái cớ để thổ lộ tâm tình của tình yêu đôi lứa. Theo nhạc sĩ Lê văn Hoè thì đây là cách nói “Ý tại ngôn ngoại” của người Thanh H. Trong cuốn sách viết về Âm nhạc múa đèn Đông Anh, Tác giả Nguyễn Liên đã viết: “Giả sử (đây chỉ là giả sử), nếu ta vẫn giữ nguyên phần âm nhạc với nội dung lời ca mà bác bỏ các động tác múa mô phỏng lao động mộc mạc để diễn theo phương thức một hoạt cảnh hát múa giao duyên, thì chắc chắn cũng được một hoạt cảnh múa đèn độc đáo”.

          Đối tượng thưởng thức: Đối tượng thưởng thức của các trò diễn chủ yếu là nhân dân lao động và các chức sắc ở địa phương. Do chức năng chính là diễn trò để tế thần và thi tài nên các diễn viên tham gia đều phải chưa lập gia đình, được tuyển chọn kỹ càng. Vì vậy, mỗi dịp lễ hội Nghè Sâm người dân khắp làng trên thôn dưới tưng bừng chuẩn bị các tiết mục hát múa thi thố trổ tài tranh giải của hội. Đây là đời sống tâm linh, tinh thần vô cùng quan trọng trong tiềm thức mỗi người dân xã Đông Anh Huyện Đông Sơn, Thanh Hoá.

          Không gian diễn xướng: Các trò diễn được tổ chức ở trước đình làng Đông Sơn, hát múa trước thần linh và phải múa vào ban đêm thì mới đúng ý nghĩa của múa đèn – ngọn đèn được thắp lên trong đêm tối mới có giá trị. Các trò diễn dân gian này đều phác hoạ bức tranh toàn cảnh về đời sống vật chất, tinh thần và thể hiện niềm mơ ước, sự nguyện cầu về một cuộc sống hạnh phúc, an nhàn cho con người, khát vọng vì một tương lai tốt đẹp của người dân vùng Đông Sơn, Thanh Hoá.

            Tổ khúc Múa đèn Đông Anh là sản phẩm văn hoá dân gian được nhân dân làng Viên Khê xã Đông Anh huyện Đông Sơn tự hào và lưu truyền gìn giữ từ lâu đời. Tổ khúc hát múa để cổ vũ tinh thần cho con người sau những ngày lao động mệt nhọc và mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc. Hình thức và nội dung các trò diễn phảng phất bóng dáng văn hoá nghệ thuật cung đình vừa đơn giản nhưng lại mang vẻ cao sang. Múa đèn Đông Anh Đông Sơn Thanh Hóa có đôi nét gần với múa đèn cung đình Huế. Người dân Thanh Hóa ý thức được điều ấy nên họ trân trọng, nâng niu và đã xây dựng nhiều mô hình dạy học hát dân ca Đông Anh trong cá nhà trường, điển hình là xã Đông Anh, trường THCS Quang Trung, THCS Lí Tự Trọng, THCS Điện Biên... hy vọng những mô hình này sẽ được nhân rộng, quy mô có tính thống nhất cao trong toàn tỉnh và chắc chắn Múa đèn sẽ luôn được thắp sáng trong tiềm thức người dân xứ Thanh hôm nay và mai sau.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa (2002), Đất và người xứ Thanh, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

2.    Lê Văn Hoè (2015), Âm nhạc dân gian Thanh Hoá, Nxb Thanh Hoá.

3.       Nguyễn Liên (2012), Âm nhạc múa đèn Đông Anh, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4.    Trần Thị Liên (1997), Trò diễn dân gian vùng Đông Sơn, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

5.    Đỗ Thị Thanh Nhàn (2011), Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người Việt, xứ Thanh, Luận án Tiến sĩ.

6.    Lê Quang Nghệ (1962), Dân ca Thanh Nghệ Tĩnh, Nxb âm nhạc, Hà Nội.

7.    Nhà Văn hóa Trung tâm Tỉnh Thanh Hóa (1999), Dân ca Thanh Hóa, tập1, nhà in báo Thanh Hóa.

8.    Nhóm Lam Sơn (Vũ Ngọc Khánh chủ biên), (1965), Dân ca Thanh Hoá, Nxb Văn học, Hà Nội.

9.    Lê Huy Trâm, Hoàng Anh Nhân (2006), Lễ tục, Lễ hội truyền thống xứ Thanh, Tập II, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc