Nội san

Quản lý hoạt động văn hóa của trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La

06 Tháng Tám 2016

Bùi Thị Thu Phương [*]

 

Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập, phát triển, Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc. Hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc để phát huy vai trò của văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý Nhà nước về nền văn hóa, và quản lý văn hóa ở các cấp cơ sở được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước.

Sơn La là tỉnh miền núi của khu vực Tây Bắc Việt Nam, là nơi hội tụ sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em gồm Thái, Mông, Kinh, Mường, Dao, Khơ Mú, Kháng, La Ha, Xinh Mun, Lào, Hoa, Tày. Các dân tộc đều có nền văn hóa truyền thống đậm bản sắc, hiện còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống, hơn 1.000 bản sách được ghi chép bằng chữ Thái cổ, Dao cổ với các thể loại: sử thi, trường ca, truyện thơ dân gian. Là vùng đất giàu truyền thống Cách mạng và được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, hiện có hơn 60 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh quốc gia góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Văn kiện Đại hội VIII, Đảng ta đã nêu rõ vai trò của Văn hóa “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, Đại hội nhấn mạnh: “Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc”. Nghị quyết yêu cầu: “Củng cố, tăng cường mạng lưới văn hóa cơ sở. Quản lý tốt các hoạt động văn hóa. Khai thác và phát triển mọi sắc thái và giá trị văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trên đất nước, tạo ra sự thống nhất trong tính đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam”.

   Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX nêu: Tiếp tục đưa văn hóa – thông tin về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát động phong trào toàn dân đoàn kết tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gia đình, làng, bản văn hóa, tiến tới hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa bằng nguồn lực Nhà nước và mở rộng xã hội hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu vực dân cư.

Với chức năng nhiệm vụ của mình Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La trong những năm qua đã và đang tổ chức các hoạt động nhiệm vụ góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển nền văn hóa tại tỉnh Sơn La, làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể, cộng đồng, từng địa bàn dân cư, từ thành phố đến vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp hơn, trình độ dân trí nâng cao, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, thương hiệu Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La đang ngày càng được khẳng định; bản sắc văn hóa Sơn La đang từng bước được khẳng định, giữ gìn và lan tỏa.

Từ buổi đầu thành lập (năm 1987) Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La đã được biết đến là địa chỉ tin cậy, uy tín trong công tác tổ chức và phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thi, hội diễn, hội thảo, tập huấn của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh: riêng năm 2012, đã có 207 chương trình được tổ chức thu hút gần 100.000 lượt người tham gia.

Bằng việc đổi mới, năng động trong quản lý, Trung tâm đã tập hợp được đội ngũ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, khơi gợi được sức sáng tạo của các cán bộ, nhân viên trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hoá dân tộc: nhiều cuộc triển lãm, nhiều lễ hội được phục dựng, chương trình văn hóa nghệ thuật chất lượng cao, đậm đà bản sắc được chuẩn bị công phu, huy động được nhiều diễn viên, nghệ nhân tiêu biểu xuất sắc và đã để lại những ấn tượng đặc biệt như: Sơn La kết nối trái tim, Sắc màu Tây Bắc, Người mông ơn Đảng, Sơn La mùa hoa ban nở …

Thực hiện tốt “sứ mệnh” giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp thông qua việc thúc đẩy phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân: Trung tâm thường xuyên duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 3.250 đội văn nghệ quần chúng, 1.650 nhà văn hóa, 370 câu lạc bộ; tổ chức tập huấn xây dựng đội văn nghệ mạnh, với các chương trình nghệ thuật phong phú, chất lượng… Tích cực giao lưu, học hỏi, trao đổi nghiệp vụ và đạt được thành tích cao khi tham gia các hội thi cấp trung ương, khu vực và vùng miền: giải A toàn đoàn, 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc Hội diễn Nghệ thuật Quần chúng toàn quốc khu vực phía Bắc năm 2012; huy chương vàng, 3 huy chương bạc Liên hoan múa không chuyên toàn quốc năm 2013… Góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị của tỉnh và đất nước đến với nhân dân Trung tâm đã có nhiều cách làm sáng tạo với chất lượng tuyên truyền được nâng lên rõ rệt mỗi năm tổ chức biểu diễn tuyên truyền 120 buổi tại cơ sở vùng sâu, vùng cao, biên giới. Mô hình nghiệp vụ Hội thi “Tuyên truyền lưu động” được tổ chức mỗi năm một lần do các huyện luân phiên đăng cai tổ chức là một cách làm hiệu quả, bám sát cơ sở, hướng về cơ sở, khoa học, tiết kiệm, mang lại hiệu quả cao; rất nhiều kinh nghiệm được chia sẻ, nhiều cách làm mới, hiệu quả có cơ hội được nhân rộng..

Tiết mục hát múa: Hát về Quốc hội Việt Nam của đoàn NTQC tỉnh Sơn La

tham dự “ Liên hoan văn nghệ chào mừng kỉ niệm ngày tổng tuyển cử

 đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, tại Hà Nội” (Nguồn: Tác giả)

 

Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển công nghiệp hóa- hiện đại hóa… Với tập thể đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Trung tâm, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tư duy mới, cách làm hay để đưa văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống nhân dân các dân tộc Sơn La.

            Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La có nhiều khởi sắc, nhiều ưu điểm, nhưng không tránh khỏi một số hạn chế. Trước hết, Trung tâm cần tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý các hoạt động văn hóa, của cơ chế thị trường và giao lưu hội nhập; Tác động của cơ chế chính sách Trung ương, Tác động của cơ chế chính sách địa phương; Căn cứ vào định hướng, nhiệm vụ, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, bộ ban ngành liên quan. Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La cần áp dụng các biện pháp một cách đồng bộ, để khắc phục được tình trạng này, Trung tâm cần thực hiện số giải pháp sau bao gồm:

Một là, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La cần quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ: Cần nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý các hoạt động của Trung tâm: Quy hoạch thiết chế, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ;

            Hai là, về quản lý nhà nước: Cần phát huy vai trò quản lý văn hóa bằng quy ước, Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa;

            Ba là, về kinh phí đầu tư xây dựng, kinh phí tổ chức hoạt động: Cần đầu tư kinh phí của nhà nước, Đẩy mạnh xã hội hóa;

Bốn là, về nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở: Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ lãnh đạo quản lý, đổi mới nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền lưu động, công tác nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác hướng dẫn nghiệp vụ. Xuất bản tài liệu nghiệp vụ, Tổ chức các sự kiện và biểu diễn chương trình nghệ thuật trong năm, hướng dẫn duy trì phát triển đội văn nghệ, nhà Văn hóa, CLB, đội hình mẫu, thử nghiệm mô hình mới, xây dựng cơ bản, công tác tài chính và công tác khác.

Trong những năm qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La luôn phát huy đoàn kết nội bộ, đổi mới, năng động, đồng thuận vượt qua nhiều khó khăn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nhà nước giao, công tác tổ chức bộ máy được kiện toàn, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, kịp thời và có nhiều cách làm sáng tạo, công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La được quan tâm đúng mức và từng bước được phát huy, phối hợp tốt với các cơ quan ban ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động văn hóa tuyên truyền phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, vai trò của hệ thống nhà Văn hóa tỉnh được khẳng định ngay trong tỉnh và ngày càng vươn xa có uy tín để cho các tỉnh khác cùng học tập.

Bên cạnh những thành tựu nhất định đã thấy được thì vẫn còn nhiều hạn chế bởi những yếu tố tác động, cản trở, để Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La phát triển toàn diện, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Các cán bộ Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La cần tập trung trí tuệ, nâng cao trách nhiệm, thảo luận dân chủ, đánh giá đúng thực tế, tìm ra giải pháp, cách làm có hiệu quả phù hợp thực tiễn, với hy vọng giúp cho thiết chế Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, bền vững, thực sự là nền tảng, là mục tiêu, là động lực góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết lần thứ 5 (1998), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2.      Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2006), Về công tác dân tộc Nghị quyết số 24 –NQ/TW, ngày 14/8/2006.

3.      Vũ Thế  Bình (2008), Một số vấn đề về du lịch văn hóa ở Việt Nam, Trong sách: Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội.

4.      Bộ Chính trị (2014), Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng kèm theo Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị.

5.      Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2009), Qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Thông tư 03/2009/TT-BVHTTDL ngày 28/8/2009.

6.       Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2010), Về việc quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh kèm theo Thông tư số: 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 25/12/2010.

7.      Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La (2010), Phê chuẩn quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh Sơn La giai đoạn 2010-2020 theo  Nghị quyết số 319/NQ-HĐND ngày 13/4/2010

8.      Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế Văn hoá - Thông tin cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 11 năm 2013.

Trung tâm văn hóa huyện Sơn La, http://ttvh.sonla.gov.vn.

9.      Trung tâm văn hóa tỉnh (2015), Báo cáo kết quả công tác Văn hóa, tuyên truyền giai đoạn 2010 - 2015  theo Báo cáo số: 301 /BC-TTVH, ngày 01/10/2015.

10.   Ủy ban Nhân dân (2013),  Về việc kiện toàn Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La kèm theo Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 12/8/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa