Nội san

Xây dựng làng văn hóa các dân tộc Việt Nam xứng tầm Trung tâm văn hoá, du lịch của quốc gia

01 Tháng Chín 2016

               Lê Ngọc Tuấn [*]

 

Cộng đồng các dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam luôn tự hào về những truyền thống văn hóa của mình. Từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghệ thuật kiến trúc đến lễ hội, tín ngưỡng… đều là những sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo, kết tinh các giá trị văn hóa tốt đẹp để tạo nên nền văn hóa dân tộc thống nhất trong đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc. Đó cũng là những di sản văn hóa vô cùng quý báu, chứa đựng cốt cách và vẻ đẹp con người Việt Nam, trở thành cội nguồn và sức mạnh của cả cộng đồng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại. Song, điều quan trọng hơn là cần tăng cường trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy và bù đắp các giá trị đó cho các thế hệ mai sau trong bối cảnh mới của đất nước và quốc tế; cần phải nỗ lực để đưa văn hóa thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành một trong những thành tố quan trọng góp phần điều tiết sự phát triển của toàn xã hội, trong đó cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ thể trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc làm cho nền văn hóa nước nhà ngày càng giàu đẹp, thực sự là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, đồng thời là mục tiêu, động lực để phát triển bền vững đất nước.

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em và để chính chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia, khác hoàn toàn với mô hình làng văn hoá  như là một danh hiệu ở các địa phương trong cả nước. Qua việc tái hiện và giới thiệu văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa của du khách trong nước, giới thiệu về văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế; tăng cường tính phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô và cả nước, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng nhằm tạo nên một cảnh quan thiên nhiên, góp phần cân bằng sinh thái cho môi trường của Thủ đô Hà Nội, là nơi phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của nhân dân trong nước và du khách quốc tế, tạo động lực cho sự phát triển bền vững giữa văn hóa và du lịch, giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tổng diện tích 1544ha, nằm ở khu phía Nam hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội về phía Tây khoảng 40 km; về phía Bắc giáp xã Kim Sơn (Sơn Tây); phía Đông giáp doanh trại quân đội, xã Sơn Đông (Sơn Tây), phía Nam giáp đường Hòa Lạc kéo dài, Sân bay Hòa Lạc, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất và phía Tây giáp sân Goft Đồng Mô, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Quy hoạch chung Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phân định 7 khu chức năng: Khu các làng dân tộc; Khu Di sản văn hóa thế giới; Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí; Khu công viên bến thuyền; Khu dịch vụ, du lịch tổng hợp; Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô; Khu Quản lý điều hành văn phòng.

Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là trung tâm hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch có quy mô quốc gia. Với quy mô và vị thế được duyệt, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ là trung tâm của cụm du lịch Ba Vì - Sơn Tây, là một trong những trọng tâm của phát triển du lịch vùng Bắc bộ. Bên cạnh các lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn cùng lúc sở hữu hai ưu điểm mà khó điểm du lịch nào ở Việt Nam có được. Đó là sự kết hợp đồng thời giữa giá trị phi vật thể (văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc) của các dân tộc Việt Nam với các giá trị vật thể hiện hữu (điều kiện tự nhiên, điều kiện hạ tầng kỹ thuật…) trở thành một tổng thể hài hoà, vừa đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho nền kinh tế đất nước cũng như lợi ích giáo dục cho cộng đồng. Từ đó, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa là một bảo tàng sống động về đời sống văn hoá tinh thần người dân đất Việt, vừa là một công viên du lịch sinh thái đa dạng. Điều này sẽ đem lại cho Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam một nội dung hoạt động phong phú, từ du lịch văn hoá đến du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ ngơi, giải trí.

Để có được các hoạt động văn hoá theo mục tiêu đã đề ra, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng chủ động tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hoá phong phú, có sự chắt lọc tinh hoa, đặc trưng văn hoá các dân tộc, đáp ứng đúng mục đích vừa tôn vinh, giới thiệu, bảo tồn văn hoá các dân tộc, vừa xây dựng được những sản phẩm du lịch độc đáo từ chất liệu văn hoá vật thể và phi vật thể các dân tộc Việt Nam.

 

Ảnh: Quần thể Chùa Khmer tại Khu các làng dân tộc (Nguồn: st)

 

Trong thời gian vừa qua, các hoạt động, sự kiện được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thu được những thành công nhất định, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận và được dư luận đánh giá cao. Nhiều lễ hội của các dân tộc đã được tái hiện tại không gian của chính dân tộc đó ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Với khoảng hơn 4000 lượt nghệ nhân, đồng bào các dân tộc về hoạt động luân phiên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã giới thiệu những nét văn hóa dân tộc đặc sắc của các vùng miền tới nhân dân Thủ đô và du khách. Trong các hoạt động đó, việc tái hiện những lễ hội dân gian đặc sắc gắn với không gian văn hóa, tín ngưỡng phong tục tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc, các vùng miền, địa phương trong cả nước đã góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được việc tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hoá tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn có một số hạn chế, khó khăn cần áp dụng một số giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý đối với thiết chế văn hoá đặc thù này, bao gồm:

Thứ nhất, kiện toàn bộ máy tổ chức, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Kiện toàn về cơ cấu bộ máy tổ chức quản lý nhà nước của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một nội dung quan trọng và cần thiết trong công tác quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Thực hiện tốt các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ nhằm hạn chế và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay mà còn góp phần tạo tiền đề và cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ.

Thứ hai, rà soát quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư đồng bộ các khu
chức năng tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Với việc xác định tính chất dự án đặc thù, việc đầu tư xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần phải được đồng bộ giữa các khu chức năng và các dự án trong từng khu chức năng cũng cần được đầu tư đồng bộ. Trước thực trạng hiện nay cùng với các nguyên nhân hạn chế trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, muốn cho toàn bộ dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được hình thành và đi vào hoạt động như một chỉnh thể thống nhất, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần phải rà soát quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư đồng bộ các khu chức năng theo quy hoạch chung Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, chú trọng công tác quản lý, bảo vệ, duy tu bảo dưỡng các công trình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Đầu tư kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị. Nó xuất phát từ đặc thù của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần có sự khảo sát, chọn lọc, xem xét thật kỹ để đầu tư đúng điểm, ưu tiên đầu tư cho những hạng mục công trình có giá trị có nguy cơ hư hại cao để bảo tồn.

 

Thứ tư, phát huy giá trị Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gắn với phát triển du lịch: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nhưng không được cản trở các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà phải tạo điều kiện thuận lợi để giá trị nhiều mặt của di sản văn hoá thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ năm, nâng cao vai trò cộng động trong hoạt động quản lý tại Làng
Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Công tác xã hội hoá, nâng cao vai trò cộng đồng trong hoạt động quản lý tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần được Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam quan tâm.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, có các hình thức xử phạt phù hợp đối với những hành vi gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Việc bảo tồn văn hóa dân tộc đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với quốc gia dân tộc. Do vậy, xây dựng và phát triển hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một sự lựa chọn đúng đắn để bảo tồn, khai thác và phát huy văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Hoạt động du lịch trong “ngôi nhà chung” ấy sẽ nối liền khoảng cách giữa các dân tộc miền núi với đồng bằng. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gặp không ít khó khăn, những mặt hạn chế. Nhưng hy vọng với những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng, của Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, của tập thể cán bộ, nhân viên cũng như các doanh nghiệp du lịch, của du khách, trong tương lai không xa, những vấn đề bất cập trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc cũng như khai thác du lịch hiện nay tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ được khắc phục để nơi đây thực sự trở thành trung tâm văn hóa du lịch, một điểm đến thân thiện, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (2008),
Quyết định số 276/QĐ-LVH ngày 26/11/2008 về việc Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu các làng dân tộc giai đoạn 1.

2.      Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (2011), Thuyết minh tổng hợp điều chỉnh Quy hoạch chung Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

3.      Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 64/2014/TT-BTC ngày 19/5/2014
về Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

4.      Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2014), Quyết định số 4488/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2014 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

5.      Phan Đại Doãn (2004), Mấy vấn đề về văn hóa làng xã Việt Nam trong lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6.      Nguyễn Thị Duyên (2011), Tìm hiểu hoạt động du lịch tại Làng
Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội,
Đại học Văn hóa Hà Nội.

7.      Ngô Đức Thịnh (2009), Bản sắc văn hóa vùng ở Việt Nam, Nxb.
Giáo dục.

8.      Nguyễn Hồng Thái (2014), Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc ở Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đại học
Văn hóa Hà Nội.

9.      Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 15/9/2010 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

10.   Phạm Ngọc Trung (chủ biên) (2012), Xây dựng mô hình làng văn hóa ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa