Nội san

Quản lý di tích lich sử văn hóa ở huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc

29 Tháng Tám 2016

Đồng Văn Thuật [*]

 

Di tích Lịch sử văn hóa (DTLSVH) là những di sản văn hóa quý báu của mỗi địa phương, mỗi dân tộc và cả nhân loại. Đó là những dấu tích còn lại của quá khứ, phản ảnh những biến cố, những sự kiện lịch sử, văn hóa hay nhân vật qua các thời kỳ lịch sử. Không những thế, DTLSVH còn là chứng tích, là tư liệu sống để các thế hệ mai sau tìm hiểu, nghiên cứu về các thời kỳ lịch sử, từ đó giáo dục thế hệ trẻ truyển thống lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Đứng trước xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa, văn hóa trở thành nét đặc sắc riêng biệt để phân biệt các quốc gia, dân tộc và là cầu nối giữa các nền kinh tế, để các quốc gia dân tộc xích lại gần nhau. Có nhiều cách khác nhau để tiếp cận với văn hóa, tuy nhiên DSVH là đối tượng được nhiều người quan tâm nhất, bởi DSVH chính là những bằng chứng xác thực và cụ thể nhất những nét riêng biệt về lịch sử - xã hội, lối sống, phong tục tập quán, con người của mỗi dân tộc. Theo dòng chảy văn hóa, các thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa của cha ông và tiếp tục sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới.

Để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH một cách bền vững, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý di tích tại các địa phương thông qua nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, nắm bắt được thực trạng công tác quản lý cũng như giá trị hệ thống DTLS-VH một cách toàn diện. Trên cơ sở đó, chủ động điều chỉnh, hoàn thiện bộ máy quản lý, định hướng và xây dựng các kế hoạch, giải pháp cho công tác quản lý, bảo tồn các DTLS-VH, giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa nói chung, giữa bảo tồn và phát triển nói riêng.

Huyện Lập Thạch là nơi có địa tầng lâu đời nên nơi đây đã xuất hiện dấu tích người Việt cổ từ khá sớm, các di chỉ khảo cổ học có niên đại cách ngày nay hàng 4000 - 5000 năm, tương đương với niên đại của văn hoá Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun, đồng thời các di tích lịch sử Cách mạng, di tích kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị văn hoá cũng như giá trị khai thác du lịch.

Với các yếu tố địa lý, lịch sử và truyền thống văn hóa, huyện Lập Thạch ngày nay còn lưu giữ nhiều di tích từ thời tiền sử đến các di tích thuộc lịch sử cận đại. Theo thống kê của Ban quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc thì huyện Lập Thạch có tổng số 151 di tích gồm: 46 đình, 54 chùa, 24 đền, 14 miếu, 06 nhà thờ họ, 03 di tích lịch sử, 01 điếm, 01 quán, 01 lăng mộ, 01 nền móng. Trong đó có 12 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Loại hình di tích có: Di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc nghệ thuật. Nhiều di tích tiêu biểu như: Đền thờ Trần Nguyên Hãn, đình - đền Đình Chu, đình Tiên Lữ, đình Ngoã…

Huyện Lập Thạch hiện nay có 83 lễ hội được tổ chức trong năm. Nhìn chung các lễ hội đều được tổ chức vào hai mùa chính “xuân thu nhị kỳ”, địa điểm tổ chức lễ hội tổ chức tại các di tích. Nhân vật tưởng niệm trong lễ hội chủ yếu là các nhân vật thời Hùng Vương, tướng lĩnh thời Hai Bà Trưng và Quốc Mẫu Tây Thiên. Bên cạnh phần lễ, phần hội cũng khá đa dạng với các trò diễn và trò chơi dân gian như kéo co, đánh cờ, đấu vật, thổi cơm thi, leo cầu bóp vú, bóp vú bắt chạch,… Nhìn chung những trò diễn, trò chơi tiêu biểu trong lễ hội cần được bảo tồn và phát huy giá trị nhất là trong giai đoạn hiện nay.

 

Ảnh:  Đình Chu xã Đình Chu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc (Nguồn: Tác giả)

 

Di tích lịch sử văn hoá ở huyện Lập Thạch là những nguồn sử liệu trực tiếp, cho chúng ta những thông tin quan trọng để khôi phục những trang sử vẻ vang của dân tộc. Ngày nay có nhiều di tích đã và đang được phát huy theo đúng nghĩa của nó. Nhưng cũng có nhiều di tích bị bỏ quên, hoặc đang bị xuống cấp, hoặc đang bị lấn chiếm với các mục đích sử dụng khác nhau. Vì thế những người làm cán bộ văn hoá cần phải chung tay, chung sức gìn giữ và bảo vệ thật tốt những tài sản vô giá mà các thế hệ nhân dân huyện Lập Thạch đã để lại qua nhiều thế kỷ, đồng thời cũng phải khai thác triệt để những thông tin trên nhiều lĩnh vực còn được lưu giữ ở các di tích này nhằm phục vụ cho cuộc sống của nhân dân hôm nay, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập với các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.

Qua dòng chảy thời gian, mọi thứ có thể bị thay đổi do tính chất của thời đại nhưng di tích lịch sử văn hóa được xem như biểu tượng của dấu ấn lịch sử, của lòng tự tôn dân tộc và là niềm tự hào cho mỗi địa phương, là giá trị bảo lưu của văn hóa dân tộc.

Với 151 di tích, có 83 lễ hội diễn ra hàng năm trên các di tích, thu hút đông đảo người dân trong địa phương cũng như ngoài địa phương tham gia vào các hoạt động lễ và vui chơi giải trí trong hội, góp phần giao lưu, học hỏi lẫn nhau tạo cho sự cố kết cộng đồng cao hơn. Đồng thời các di tích thường gắn liền với dấu ấn lịch sử hay cá nhân kiệt suất hoặc những truyền thuyết huyền bí nên mọi người đều tin vào đó là nơi linh thiêng tạo cho đời sống tâm linh cân bằng.

Lập Thạch, mảnh đất với nhiều di tích lịch sử văn hóa, từ nền văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn,… là nguồn tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch bền vững. Khái quát hệ thống di tích lịch sử văn hóa của huyện Lập Thạch có thể đi đến nhận định rằng: Các di tích lịch sử văn hóa của huyện Lập Thạch có sự đa dạng về loại hình và có giá trị to lớn về nhiều mặt. 

DTLSVH huyện Lập Thạch chính là một phần linh hồn, một nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Nhiều ngôi đình, chùa, đền v.v… đã đi vào thơ ca, là nguồn cảm hứng của nhiều loại hình nghệ thuât, là biểu tượng của văn hóa làng, xã. Có thể nói, những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu này là một bộ phận cấu thành môi trường sống của con người, là nguồn tư liệu quý giá cho lớp người đương đại nhận thức về xã hội và văn hóa thời quá khứ. Do đó, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Lập Thạch không chỉ giữ gìn, phát huy mà còn nỗ lực quản lý chặt chẽ các DTLSVH và tạo cho nó một sức lan tỏa mới, một chỗ đứng vững bền trong đời sống văn hóa của nhân dân.

Từ khi Luật DSVH có hiệu lực thi hành năm 2001, hệ thống các cấp chính quyền từ Đảng ủy, HĐND, UBND, các cơ quan quản lý chuyên ngành từ Sở VHTT&DL, phòng VHTT, BQLDT cấp xã, công tác quản lý di tích của huyện Lập Thạch đã có những chuyển biến tích cực. Từ việc tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về DTLS - VH đến việc tổ chức thực hiện các khâu công tác chuyên môn như: kiểm kê, tư liệu hoá, xếp hạng di tích, nghiên cứu khoa học về di tích, bảo vệ chống vi phạm di tích, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích ngày càng được mở rộng và nâng cao hiệu quả. Việc thanh, kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử lý đơn thư khiếu nại được thực hiện nghiêm túc. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nhằm nâng cao kiến thức và năng lực quản lý di tích cho lực lượng làm công quản lý di tích đã được chú trọng. Việc khen thưởng, kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm về di tích được thực hiện triệt để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích.

Hơn bao giờ hết, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DTLS-VH của huyện Lập Thạch trong giai đoạn hiện nay cần được tăng cường và nâng cao hiệu quả để đáp ừng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân; nhu cầu nghiên cứu, tham quan du lịch của khách trong và ngoài nước, tạo nền móng vững bền góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đã bản sắc dân tộc.

Có được những kết quả nêu trên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, của lãnh đạo tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Lập Thạch, Đảng uỷ, HĐND, UBND các xã; sự nỗ lực trong việc triển khai và thực hiện của cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc, phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lập Thạch, cán bộ văn hoá xã và vai trò không thể thiếu của BQL di tích xã, tiểu ban QLDT cùng ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của các DTLS-VH phục vụ sự phát triển của cộng đồng.

Công trình nghiên cứu quản lý DTLS-VH ở huyện Lập Thạch đã thực hiện theo nội dung của Luật Di sản Văn hóa về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Việt Nam. Hiệu quả cụ thể của hệ thống hoạt động quản lý di tích được thể hiện trong nội dung luận văn đã góp phần thực hiện tinh thần mà Nghị quyết 33 của BCH TW Đảng khóa chín về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Hoạt động quản lý DTLS-VH huyện Lập Thạch là sự cụ thể quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước”, bước đầu huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng cơ chế giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy với phát triển kinh tế xã hội, gắn kết bảo tồn, phát huy DSVH với phát triển du lịch.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (2007), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (1930-2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2.    Ban chấp hành Trung ương 5 khóa VIII (1998) Văn kiện Hội nghị lần        thứ năm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3.    Hoàng Xuân Chinh (2000), Vĩnh Phúc tiền sơ sử, Sở Văn hóa Thông tin  Vĩnh Phúc xuất bản, Vĩnh Phúc.

  1. Trịnh Thị Minh Đức (chủ biên) (2007), Bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

5.    Nguyễn Xuân Lân (2000), Địa chí Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thông tin-Thể thao Vĩnh Phúc xuất bản, Vĩnh Phúc.

6.    Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết 33 của BCH TW Đảng khóa chín, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k1– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa