Nội san

Khái quát âm nhạc bán cổ điển và phương pháp luyện tập trên đàn phím điện tử

04 Tháng Mười 2016

                                                                                           Phó Thị Vũ Thư [*]

 

Hiện nay, những thay đổi về nhịp sống hiện đại hóa, thay đổi về công nghệ âm nhạc điện tử đã dẫn đến nhiều khuynh hướng âm nhạc mới, hình thành một thể loại âm nhạc được công chúng đón nhận một cách tích cực, đó là thể loại âm nhạc bán cổ điển. Thể loại âm nhạc này ra đời đã đáp ứng những nhu cầu âm nhạc của công chúng trong xã hội hiện đại.

  1. Sự phát triển âm nhạc bán cổ điển chơi trên đàn phím điện tử

Sự phối hợp giữa cổ điển với những yếu tố mới tuy xuất hiện khá sớm, nhưng phải đến nửa sau thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI mới thực sự hình thành rõ nét bởi các nhạc sĩ đương thời. Có rất nhiều những nghệ sĩ, nhạc sĩ có thể được đào tạo một cách nghiêm chỉnh về cổ điển, hoặc có thể do yêu thích mà hướng tới dòng nhạc mới này như: Yanni, Paul Mauriat,… Dù gì đi chăng nữa, cũng đã đến lúc nhạc cổ điển phải đón nhận những yếu tố mới, những thay đổi để bắt kịp thời đại.

Hiện nay, chúng ta không thể thể phủ nhận sức lan tỏa của âm nhạc bán cổ điển đang phổ biến rộng rãi trên toàn cầu. Thị trường nhạc bán cổ điển không chỉ được biết đến bởi các giọng opera, hay các ban nhạc rock trình diễn với dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng đồ sộ theo hình thức và quy mô các buổi hòa nhạc cổ điển, mà còn được biết đến bởi những tác phẩm của các nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyên sáng tạo cho đàn phím điện tử với dàn nhạc ở các quy mô lớn, nhỏ khác nhau.

Âm nhạc bán cổ điển đã trở thành thị phần âm nhạc rất lớn với nhiều phong cách. Để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc như vậy, thường có sự kết hợp với nhau giữa các nghệ sĩ đại chúng và nghệ sĩ cổ điển. Đàn phím điện tử với những hiệu ứng âm thanh đa dạng, đã góp phần không nhỏ cho các sản phẩm âm nhạc này, trở thành một loại nhạc cụ phù hợp tạo nên đặc điểm pha trộn của âm nhạc bán cổ điển.

Với đàn phím điện tử, mỗi người có một cách làm khác nhau, nhưng đều chung quan điểm là phối hòa âm giữa đàn phím điện tử với dàn nhạc theo phương thức mới lạ, nhằm đưa đến công chúng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất với mục đích thương mại.

Để âm nhạc đến được với số đông, quan điểm của Richard Clayderman là cần thiết phải thông hóa nhạc piano, bằng hòa âm tự nhiên (tonal chords) với cách chơi phổ thông, ít kỹ thuật cổ điển hơn.

Yanni cũng được biết đến là nghệ sĩ có sự sáng tạo mới lạ. Với cây đàn Keyboard, Yanni đã khai thác tối đa các tính năng để phối kết hợp một cách tài tình với các nhạc cụ truyền thống của nhiều dân tộc trên thế giới. Khi phối hợp Keyboard với dàn nhạc đương đại Yanni đã tạo nên sự hỗn hợp âm thanh đa dân tộc, đặc biệt là các tộc thiểu số trên thế giới.

Yo Yo Ma cũng là một trường hợp thành công trong lĩnh vực sáng tạo âm nhạc theo phong cách bán cổ điển. Khi bắt đầu sự nghiệp, ông được thế giới biến đến là một nghệ sĩ solo violoncen, được các hãng thu âm nhạc cổ điển ủng hộ. Nhưng vào năm 1984, ông cho ra đời album nhạc cổ điển giao thoa đầu tiên về nhạc Jazz cho Piano với nhạc sĩ nhạc Jazz người Pháp Claude Bollings. Kể từ đó, ông đã phát hành 2 album khác là Soul of the Tango năm 1997 và Obrigado Brazil năm 2004.

Trong dòng nhạc hòa tấu bán cổ điển thế kỷ XX, Paul Mauriat một trong những người tiên phong mang nhạc cụ điện tử, trống Jazz,… vào những kiệt tác cổ điển của Mozart, Beethoven, Frédéric Chopin, Lizst,… thành những sáng tạo đầy mới mẻ, đầy bất ngờ. Paul cũng là người chắp cánh cho những tình ca bất hủ như phối cho L’amour est bleu thành bản hòa tấu dịu êm,… Với những tác phẩm đầy sáng tạo đó, âm nhạc của ông được gọi là những danh khúc thuộc thể loại “Easy Listening”. 

            Easy Listening là dòng nhạc Pop không mang tiết tấu dồn dập, khẩn trương, được trình diễn bởi dàn nhạc hòa tấu có nhiều loại nhạc cụ như: đàn phím, đàn dây,… Dòng nhạc với âm thanh nhẹ nhàng này thường được sử dụng làm nhạc nền trong những không gian yên tĩnh như là một hình thức nhạc thính phòng.

Thực tế, học piano là con đường dành cho những người theo học âm nhạc cổ điển. Nhưng để thích nghi với đời sống âm nhạc đại chúng, nhiều nghệ sĩ piano cổ điển đã đột phá chọn cho mình hướng đi mới, dẫn họ gần gũi hơn với đại chúng. Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã chọn các giai điệu nổi tiếng trong kho tàng nhạc cổ điển hoặc trong những ca khúc đương đại để tạo nên những hiệu ứng âm thanh mới. Đó chính là phong cách đa dạng của âm nhạc bán cổ điển đã và đang thịnh hành giai đoạn hiện nay.

Như vậy, từ cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, khi cuộc sống thường nhật của con người được giản tiện một cách tối đa bằng sự hỗ trợ của các phương tiện máy móc hiện đại, thì âm nhạc cũng dần được cải tiến để trở nên thông dụng và tiện lợi hơn, đặc biệt là âm nhạc phục vụ cho mục đích giải trí. Đàn phím điện tử ra đời đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu đó.

Ở Việt Nam, các băng đĩa của các nghệ sĩ kể trên đã được đông đảo quần chúng đón nhận một cách nồng nhiệt và hào hứng đã cho thấy phần nào nhu cầu thưởng thức của quần chúng yêu lĩnh vực âm nhạc bán cổ điển này. Đây là như cầu thiết yếu trong đào tạo mà chúng ta cần hướng tới trong thời kỳ đổi mới nói chung.

Ngày nay, nhạc bán cổ điển đã được phổ biến đến đại đa số công chúng, mặc dù vẫn nhận được những lời phê bình trái chiều từ các nghệ sĩ thuần cổ điển. Dù có thế nào đi chăng nữa, sự phổ biến rộng rãi của nhạc bán cổ điển đã khuyến khích nhiều bạn trẻ hưởng ứng và yêu thích dòng nhạc này. Tất nhiên, có được điều đó cũng nhờ vào phương thức truyền thông quảng bá tích cực đã biến những nghệ sĩ thuộc dòng nhạc này thành những nghệ sĩ hàng đầu về âm nhạc trên thế giới hiện nay. Thiết nghĩ, việc giáo dục cho lớp trẻ về âm nhạc bán cổ điển ở Việt Nam là điều cần thiết bởi đó là một trong những điều kiện để lớp trẻ có thể tiếp cận được với những phong cách âm nhạc trong thời kỳ mới.

  1. Một số đặc điểm âm nhạc bán cổ điển cho đàn phím điện tử mang phong cách Jazz và Pop

Nhìn chung, âm nhạc bán cổ điển thường pha trộn nhiều thể loại nhạc, như: Pop, Rok, Jazz, Blue,… với mục đích làm cho nhạc cổ điển nhẹ đi, dễ nghe hơn, đồng thời hợp với thị hiếu phần đông công chúng trên thế giới hiện nay.

Nhạc Jazz có nguồn gốc từ người Châu Phi, được phát triển trong thời gian đầu thế kỷ XX. Nghệ thuật nhạc Jazz đã được phát triển rộng khắp thế giới và được đông đảo công chúng đón nhận.

Ngẫu hứng tác phẩm nhạc Jazz thường có chủ đề ngắn, đó là đặc điểm tương đồng với nhạc cổ điển. Rất nhiều các chủ đề âm nhạc của J.S.Bach, Moza, Bethoven, Frédéric Chopin,… được sáng tạo theo phong cách Jazz để tạo nên những tác phẩm âm nhạc bán cổ điển mang phong cách của thể loại này. Một đặc điểm đặc trưng của Jazz đó là sự đa dạng tiết tấu. Nhạc cổ điển khi được chơi theo phong cách Jazz đã sử dụng rất nhiều các tiết tấu đảo phách, nghịch phách. Chính việc sử dụng nhiều tiết tấu này đã tạo nên một nét rất riêng cho nhạc Jazz.

            Hòa thanh cũng là một khía cạnh góp phần vào hoàn thiện cho tác phẩm Jazz. Về mặt cấu trúc, giai điệu, làm rõ nghĩa cho giai điệu và tạo màu sắc cho tác phẩm. Hòa thanh trong nhạc Jazz có sự biến đổi phức tạp hơn hợp âm cổ điển. Nếu hòa thanh cổ điển đề cao sự hút dẫn theo công năng thuận chiều T - S - D - T thì hòa thanh trong nhạc Jazz lại khai thác các hợp âm nghịch. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ âm nhạc bán cổ điển theo phong cách Jazz thường đưa vào tác phẩm của mình các hợp âm tăng, giảm, hợp âm 7 và các hợp âm có thêm âm ngoài hợp âm như âm 9, âm 13, âm 11...

Nhạc Pop, tiếng Anh gọi là Pop-music (Popular music), là loại nhạc phổ thông, nhạc đại chúng. Nhạc Pop có giai điệu giai điệu chậm rãi, thong thả, ít có sự màu mè, gai góc, cấu trúc đơn giản và thường có điệp khúc câu nhạc hoặc đoạn nhạc nổi bật trong bài.

Tính chất âm nhạc của Pop lãng mạn, du dương, hài hòa, nhịp điệu lôi cuốn một cách nhịp nhàng nên dễ nghe dễ nhớ. Đây là ưu điểm giúp Pop chinh phục được nhiều đối tượng khán giả và trở thành một thể loại âm nhạc đương đại rất phổ biến trên thế giới. Giai điệu của Pop đơn giản dễ nghe nên khi kết hợp với nhạc cổ điển, các nhạc sĩ thường lựa chọn những bản nhạc có tính chất nhẹ nhàng, lôi cuốn, mà tiêu biểu hơn cả là những bản Menuet hoặc Prelude của J.S.Bach.

Hoà thanh của Pop thường đơn giản, làm cho người nghe có cảm giác dễ chịu nhưng trong sáng, hài hòa. Khi kết hợp, các nhạc sĩ vẫn tuân thủ theo nguyên tắc hòa thanh cổ điển, có sự hút dẫn về hợp âm chủ (D7-T). Khi phối kết hợp giữa các nhạc cụ với nhau, các tác giả vẫn được dựa trên nguyên tắc hòa thanh cổ điển như vậy.

Sự kết hợp như vậy đã tạo nên âm nhạc bán cổ điển mang phong cách Pop có đặc điểm nhẹ nhàng, hài hòa và thuận tai người nghe. Đó chính là yếu tố hướng đến đại đa số khán giả, đưa những tác phẩm này tới gần công chúng hơn.

  1. Biện pháp luyện tập âm nhạc bán cổ điển chơi trên đàn phím điện tử

            Bổ sung bài tập kỹ thuật là một trong những kỹ năng luyện tập đối với người học nhạc cụ nói chung, nhằm nâng cao khả năng diễn tấu và cảm thụ cho người học. Với các tác phẩm âm nhạc bán cổ điển mang phong cách Jazz cần có dạng bài tập về tiết tấu và nhịp điệu nhằm giúp cho người học nắm vững tính chất âm nhạc và phong cách nhạc Jazz. Khi chơi nhạc bán cổ điển theo phong cách này, nếu không nắm chắc tính chất Jazz sẽ khó thành công những tác phẩm theo phong cách này.

Trong âm nhạc bán cổ điển theo phong cách Jazz có thể thấy các hợp âm thuộc T - S - D - TSVI  của giọng nhưng không phải là các hợp âm T - S - D nguyên gốc, mà đã được biến đổi thành các hợp âm 7, các hợp âm tăng, giảm… Phần cuối của bài không kết về hợp âm chủ mà được kết về hợp âm át. Đây là những phần hòa thanh hay được sử dụng trong Jazz. Các hợp âm này đã kết hợp với nhau tạo thêm màu sắc mới lạ cho tác phẩm do đó cũng cần bổ trợ cho HSSV các bài tập hòa thanh mang phong cách Lazz.

            Khác với âm nhạc nhạc bán cổ điển mang phong cách Jazz mang tính ngẫu hứng vơi hòa thanh chói tai và tiết tấu đảo phách, nghịch phách. Những tác phẩm âm nhạc bán cổ điển mang phong cách Pop có tính chất âm nhạc nhẹ nhàng, trữ tình hơn với hòa thanh có sự hút dẫn theo kiểu cổ điển và tiết tấu có sự chuyển động nhịp nhàng, hài hòa. Với những đặc điểm đó, người học cần luyện tập gam và bài tập luyện ngón để rèn luyện cho tay đàn trở nên linh hoạt và mềm mại.

Luyện gam và hợp âm rải có thể dùng các mẫu tiết tấu đơn giản như đen, đơn, kép, lệnh hai kép bên trái với tiết tấu đơn, lệch hai kép bên phải với tiết tấu đơn,… Khi luyện tập nên điều chỉnh nhịp độ tăng dần. Cách luyện này cũng cần áp dụng lỹ thuật legato, staccato với mục đích bổ trợ cho người học trong quá trình thực hành những tác phẩm âm nhạc bán cổ điển theo phong cách Pop.

            Luyện ngón là một kỹ năng cần thiết để bổ trợ cho tác phẩm. Có các dạng bài tập luyện ngón như Etuyt, Hanon,… để bổ trợ cho từng dạng tác phẩm. Bài luyện tập kỹ thuật hỗ trợ phải tương thích về quãng và nhịp điệu. Chẳng hạn, có thể lựa chọn bài Etuyt luyện quãng 6 của K. Czerny  để bổ trợ cho phần phát triển (A) trong Menuet của J.S. Bach. Khi luyện quãng 6 ở tay phải, sự kết hợp giữa ngón 1 và ngón 5 sẽ linh hoạt và đều hơn. Bài luyện tập này được viết ở giọng G dur nhưng trước tiên cần luyện đúng giọng ban đầu, sau đó chuyển mới sang giọng G dur cho tương thích với giọng của tác phẩm.

            Một trong những đặc điểm của âm nhạc bán cổ điển mang phong cách Pop là nhắc lại chủ đề nhiều lần. Do đó, muốn chơi tốt tác phẩm mang phong cách này, người chơi nên luyện tập bằng cách nghe nhiều lần những tác phẩm cổ điển đó. Nghe để ngấm tác phẩm cổ điển chính là một trong yếu tố giúp cho người chơi có thể thành công những tác phẩm này khi được phối kết hợp với phong cách Pop. Ngoài ra, để chơi tốt âm nhạc bán cổ điển cũng cần có thêm các dạng bài tập kết hợp nhiều nhạc cụ trên đàn phím điện tử. Để thực hiện bài tập này, cần thiết phải sử dụng công nghệ thông tin. Với chức năng là nhạc cụ điện tử nên khi chép những bản nhạc trên phần mềm, ta có thể vừa nghe, vừa nhìn nốt nhạc chạy trên màn hình. Để thực hiện, người học có thể tắt các phần riêng của các nhạc cụ khác để luyện tập, sau đó mới tiến hành luyện hòa tấu cùng với các bè còn lại.

Trên thế giới, âm nhạc bán cổ điển đã rất thịnh hành và không còn mới lạ đối với công chúng, nhưng ở Việt Nam, trào lưu này mới chỉ bắt đầu. Do đó, việc tiếp cận và học những tác phẩm âm nhạc bán cổ điển viết cho đàn phím điện tử là điều cấp thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và thưởng thức của công chúng trở thành thiết thực đối với xã hội ngày nay.

 

                                      TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phương pháp học đàn Organ Keyboard, tập 1-2, Nxb Trẻ, Hà Nội.
  2. Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2006), Âm nhạc (số 2), Nxb Công ty in Giao thông, Hà Nội.
  3. Nguyễn Mai Kiên (2005), Hòa thanh nhạc nhẹ, Trường ĐH VHNT Quân Đội, Hà Nội.
  4. Vũ Tự Lân (2007), Giáo trình lịch sử Jazz - Pop - Rook, Nxb Tổng cục chính trị, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
  5. Nhiều tác giả (1990), Jazz-rock-Pop, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc