Nội san

Biện pháp dạy dân ca cho trẻ mẫu giáo lớn tại trường mầm non Đống Đa, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

04 Tháng Mười 2016

 Trần Khánh Ly [*]

 

Hoạt động âm nhạc là một nhu cầu của cuộc sống. Đặc biệt, đối với trẻ mầm non, những giai điệu mượt mà hay vui tươi của âm nhạc làm cho tâm hồn ngây thơ, trong trẻo của trẻ được đầy thêm tình yêu với thế giới xung quanh. Qua đó, giúp trẻ phát triển toàn diện nhân cách. Để giáo dục cho trẻ có tâm hồn dân tộc, giáo dục nghệ thuật cổ truyền trong đó có dân ca là rất quan trọng. Những cái hay, cái đẹp, những nét đặc sắc của dân tộc phải được đến sớm với tuổi thơ. Cho trẻ nghe dân ca là biện pháp hữu hiệu nhất để trẻ tiếp thu với nền văn hoá truyền thống.

Hiện nay ở nước ta, giáo dục âm nhạc trong đó có giáo dục dân ca được chú trọng trong các trường mầm non. Trẻ được hát một số bài dân ca phù hợp lứa tuổi, được nghe dân ca và được vận động theo các bài được nghe được hát. Điều đó đã thể hiện đường lối giáo dục đúng đắn đối với thế hệ mầm non.

Trường Mầm non Đống Đa – Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc là một trường ở trung tâm thành phố Vĩnh Yên và đang thực hiện nội dung dạy học âm nhạc cho trẻ mẫu giáo lớn theo quy định của Vụ Giáo dục Mầm non Bộ Giáo dục - Đào tạo, gồm 4 hoạt động: Hát, Vận động theo nhạc, Nghe nhạc và Trò chơi âm nhạc. Tuy vậy, ngoài các chủ đề lớn là quy định bắt buộc của Bộ giáo dục và Đào tạo, còn nội dung hoạt động là do sự sắp xếp riêng của nhà trường. Vì vậy, trường lựa chọn nội dung riêng, phù hợp với khả năng và quy mô của nhà trường. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các bài để cho trẻ hát còn quá ít. Các bài cho trẻ nghe cũng chưa phong phú, thiếu dân ca của nhiều vùng miền. Đặc biệt, trường Mầm non Đống Đa thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là mảnh đất nổi tiếng về Trống Quân nhưng không thấy cho trẻ nghe Trống quân.Phần lớn các cô rất ngại khi phải dạy hoặc lồng ghép dân ca vào các hoạt động hàng ngày của trẻ. Vì tiết âm nhạc về dân ca đòi hỏi nhiều công phu (trang phục, đạo cụ âm nhạc dân tộc,...) mà các thể loại âm nhạc khác không cần thiết phải có như vậy. Trong khi đó, giáo dục dân ca mang những nét đẹp của văn hóa truyền thống, thấm vào trẻ tình yêu quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc. Bằng ngôn ngữ đặc thù riêng của mình là những âm thanh biểu cảm, dân ca không chỉ mang lại những cảm xúc, những xúc động mạnh mẽ, niềm vui sướng trong đời sống tinh thần của trẻ mà còn giúp trẻ mở rộng thêm tầm hiểu biết về thế giới, về con người.

Dựa trên những cơ sở lý luận khoa học về giáo dục và thực tiễn thông qua những thực trạng dạy học âm nhạc nói chung và dạy học dân ca nói riêng ở trường Mầm non Đống Đa – Thành phố Vĩnh Yên – Tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình thực tế, qua những thông tin tham khảo thăm dò, qua những tài liệu đã được học về giáo dục sư phạm, giáo dục âm nhac, chúng tôi đưa ra những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học dân ca cho trẻ mẫu giáo lớn trường Mầm non Đống Đa – Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc.

Dạy hát dân ca theo hướng tăng cường cảm thụ

Ca hát là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo và được đa số các em yêu thích. Sự nhạy cảm, khả năng tái hiện âm điệu, nhịp điệu; cảm giác về tai nghe, tiết tấu cũng như khả năng thể hiện xúc cảm, tình cảm là những kinh nghiệm trẻ sẽ được tích lũy dần dần trong quá trình học hát, góp phần hình thành cảm thụ âm nhạc. Tuy nhiên mức độ cảm thụ âm nhạc ở trẻ như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào các phương pháp, biện pháp tổ chức dạy hát của giáo viên. Theo chúng tôi, dạy hát cần hướng trẻ đến cảm thụ âm nhạc nhiều hơn; giáo viên không nên bó hẹp trong cách dạy truyền khẩu dễ dẫn đến hiện tượng học vẹt, thuộc vẹt, chóng nhớ, mau quên.

Sử dụng nhạc cụ và các phương tiện dạy học tạo hứng thú

Trước hay sau khi học hát, trẻ đều cần được tiếp xúc với bài hát một cách toàn diện về tính chất, nội dung, hình tượng âm nhạc, sự vật, sự kiện nói đến trong bài. Để thực hiện điều này giáo viên có thể sử dụng tối đa các phương tiện dạy học có trong nhà trường. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể cùng trẻ tạo ra những phương tiện cho chính giờ học âm nhạc đó. Bên cạnh những đồ dùng, đồ chơi hóa trang có thể mua (gáo dừa, phách tre, mũ kim sa…) cần tận dụng những nguyên liệu ở dạng phế liệu có sẵn như: muỗng gỗ, muỗng inox, muỗng sành…(làm bộ dụng cụ gõ đệm tiết tấu), ống hút, dây ni lông, bao tải gạo,…để làm một số quần áo hóa trang (tất cả những nguyên liệu cần đảm bảo an toàn, không gây độc hại, không sắc nhọn, không gây nặng nề đối với trẻ), ngoài ra cũng có thể trao đổi với một số phụ huynh làm nghề may để xin một số vải vóc dư để làm nên những bộ trang phục phù hợp với từng bài hát dân ca dạy trẻ. Từ những vật liệu trên, giáo viên có thể làm ra rất nhiều những dụng cụ âm nhạc, đồ dùng hóa trang phục vụ cho dạy học dân ca, đặc biệt là hoạt động vận động sáng tạo cho trẻ.

Dạy nghe kết hợp kể chuyện

Để giúp cho trẻ khắc sâu được các ấn tượng về âm nhạc, đẩy mạnh khả năng cảm thụ âm nhạc, phát triển tai nghe, trí nhớ âm nhạc mà trẻ nhận được trong lúc nghe, ta cần củng cố cho trẻ ở các tiết nghe nhạc tiếp theo cũng như ở mọi thời điểm thích hợp trong đời sống trẻ. Để khơi sâu cảm xúc với tác phẩm âm nhạc và hiểu rõ hơn những đặc điểm của tác phẩm đã nghe ta nên:Kể cho trẻ nghe một vài câu chuyện sưu tâm liên quan đến tác giả, tác phẩm…cùng ôn lại tên tác phẩm, tác giả về hình tượng âm nhạc, tính chất giai điệu, tiết tấu âm nhạc... của tác phẩm đã nghe.Nghe kết hợp kể chuyện có thể cấu tạo theo vở kịch nhỏ dựa vào chuyện cổ tích rồi đưa âm nhạc vào các tình tiết, các vai. Có thể lấy một câu chuyện có nhiều nhân vật hoặc con vật đã được chuyển thành ca cảnh bao gồm nhiều bài hát nhỏ để trẻ đóng vai. Đây là một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp: có sự kết hợp chặt chẽ giữa kịch, thơ văn, âm nhạc, trong đó nổi bật lên là những chủ đề âm nhạc phản ánh được những tính cách khác nhau của các nhân vật. Tham gia vào nội dung này, không chỉ có một số trẻ đóng vai mà cả nhóm trẻ đều có thể cùng tham gia nhảy múa, ca hát làm nền cho ca cảnh hoặc ca ngời các nhân vật trong chuyện, tạo sự giao lưu, đồng cảm.

Sử dụng hình ảnh trực quan

Trong mỗi bài dân ca đều có nét đặc sắc riêng, mỗi một giai điệu, tiết tấu, trong bài dân ca thể hiện tính chất trữ tình, phản ánh sinh hoạt, hoạt động, cuộc sống, tình cảm của nhân dân. Và để giúp trẻ hiểu rõ và dễ dàng thì việc sử dụng các hình ảnh trực quan là rất cần thiết.Trong suốt quá trình dạy nghe đều cần sử dụng đồ dùng trực quan. Vì đối với trẻ mẫu giáo đồ dùng đồ chơi là phương tiện hữu hiệu giúp trẻ nhận thức và thể hiện cảm xúc (đồ chơi, con rối, tranh ảnh... giới thiệu bài), phách tre, trống lắc để gõ đệm theo nhạc,mũ múa, bông múa, hóa trang trong khi múa... giúp trẻ tự tin, sinh động hấp dẫn hơn.

Dạy nghe dân ca sẽ kém hiệu quả nếu không có băng, đĩa hình.Đồ dùng trực quan có thể tự làm hoặc được trang bị. Cần sử dụng đồ dùng trực quan xuyên suốt buổi học nhưng tránh lạm dụng cần đưa ra đúng lúc đúng chỗ, phù hợp với bài dân ca đang nghe.

Tạo môi trường sáng tạo để trẻ tự có ý tưởng vận động

Do đặc điểm tâm sinh lý trẻ rất thích cái đẹp, màu sắc sặc sỡ, mới lạ. Vì vậy để tiến hành hoạt động âm nhạc cần tạo ra một môi trường âm nhạc là rất cần thiết. Để đem lại kết quả tốt trong hoạt động vận động theo bài dân ca trước hết cần tạo được góc sáng tạo phù hợp để tăng thêm sự chú ý và thu hút trẻ vào chủ đề học. Giáo viên cần lựa chọn các góc trang trí sáng tạo cho chủ đề, tuy nhiên phải để ý đến diện tích vận động còn lại để đảm bảo cho số lượng trẻ của từng lớp tham gia. Các góc sáng tạo cần có ranh giới rõ ràng giữa khu vực chính phục vụ cho hoạt động vận động của trẻ. Giáo viên có thể sử dụng các mảng tường hay giá tủ để ngăn cách tạo thành góc riêng không ảnh hưởng đến những không gian khác. Chọn tiêu đề tranh, ảnh thu hút sự chú ý của trẻ.

Dàn dựng một số tiết mục cho trẻ và vận động theo bài dân ca

Các tiết mục dàn dựng trong trường mầm non đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ có chức năng giải trí mà còn góp phần thúc đẩy phát triển trí tuệ, phát triển thể chất cho trẻ, cho trẻ một môi trường hoạt động tập thể, gắn kết với các bạn xung quanh một cách logic, thẩm mỹ, cùng với âm nhạc kích thích trẻ hứng thú, yêu thích môn học. Vai trò của cô giáo khi dàn dựng tiết mục cho trẻ là phải tạo được sự hứng thú để trẻ say mê, ham thích hoạt động nghệ thuật. Vì vậy trước khi cho trẻ hoạt động nghệ thuật cô cần có những hình thức gợi mở, dẫn dắt, giới thiệu và được xem cô làm mẫu với mức độ hoàn thiện nhất. Làm mẫu là biện pháp quan trọng nhằm mục đích cho trẻ tri giác toàn vẹn. Trẻ mẫu giáo lớn làm quen với câu nhạc, tiết tấu, mệnh lệnh của cô khá tốt nên có thể linh hoạt thay đổi động tác cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ rất dễ bị phân tán, ví dụ: trẻ sẽ quên đội hình khi thực hiện động tác hoặc quên động tác vì di chuyển đội hình, vì vậy nên ít di chuyển đội hình đơn giản và hạn chế đội hình ở trẻ.

Sử dụng dân ca trong trò chơi âm nhạc

Đã từ lâu các làn điệu dân ca, hò, vè được gắn liền với các trò chơi dân gian và được sinh ra gắn liền với đời sống lao động và sinh hoạt của người dân Việt Nam. Nhắc tới các làn điệu dân ca, hò vè, trò chơi dân gian có lẽ trẻ em là đối tượng được nói tới nhiều nhất, bởi đối với trẻ cuộc sống không thể thiếu những trò chơi, những làn điệu dân ca, hò, vè. Những trò chơi dân gian không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, tư duy, sự khéo léo, rèn luyện sức khỏe mà còn là bài học giúp trẻ hiểu và thêm yêu nền văn hóa dân tộc cũng như bồi đắp thêm tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Những làn điệu dân ca, hò, vè với những giai điệu mượt mà, êm dịu, những lối gieo vần nhắc nhịp đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ như thổi vào trẻ những tình cảm yêu thương hình thành những tâm hồn trong sáng. Trò chơi âm nhạc là dạng vận động được trẻ rất yêu thích do yếu tố “Chơi” của nó. Tạo điều kiện cho trẻ chơi chính là mở những con đường để trẻ có thể phát triển một cách tự nhiên.

Trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian là những trò chơi được nhân dân sáng tạo, lưu truyền tự nhiên, rộng rãi trong dân gian. Trò chơi dân gian của trẻ chính là sự biến dạng, cải biên những trò chơi dân gian của người lớn cho phù hợp với lứa tuổi. Nhưng cũng có những trò chơi do trẻ tự sáng tạo ra cách chơi, đồ chơi dựa trên sự bắt chước những hoạt động của người lớn. Trò chơi dân gian của trẻ mẫu giáo lớn phần lớn là những trò chơi có lời đồng giao như: Nu na nu nống, kéo cưa lửa xẻ, dung dăng dung dẻ, gánh gánh gồng gồng... Đặc biệt, có rất nhiều những bài đồng giao đã được các nhạc sĩ như Phạm Tuyên, Lương Bằng Vinh... phổ nhạc, và các trò chơi được dàn dựng có yếu tố âm nhạc và múa sẽ là món quà quý giá và hấp dẫn đối với trẻ mẫu giáo lớn.

Ngày nay, dân ca đang dần được đưa vào các cấp học trong nhà trường và đã góp phần giáo dục con người phát triển toàn diện về Đức – Trí – Thể - Mỹ. Như vậy quan tâm tới giáo dục dân ca cho học sinh là việc làm hết sức cần thiết ở các cấp bậc, đặc biệt là bậc học mầm non. Đây là thế hệ tương lai kế tiếp, hãy đưa dân ca truyền thống của quê hương gửigắm vào những tâm hồn nhỏ bé này, để nuôi dưỡng dân ca lớn lên cùng với năm tháng.Dạy học dân ca cho trẻ mầm non không chỉ là việc dạy trẻ học thuộc bài mà còn giúp trẻ dần cảm thụ được cái hay, cái đẹp của một làn điệu dân ca truyền thống, của những văn hóa dân gian của ông cha ta đã đúc kết qua nhiều thế hệ.

                           TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Hòa (2012), Giáo trình tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

3. Ngô Thị Nam (2008), Phương pháp dạy học âm nhạc cho trẻ trước tuổi đi học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

4. Phạm Minh Phúc (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc.

5. Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Đại học sư phạm.

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc