Nội san

Ý tưởng trong thiết kế thời trang - Một số vấn đề tiếp cận

26 Tháng Mười 2016

Trần Vũ Hoàng [*]

 

Nhà thiết kế và người nghệ sỹ có những vai trò khác nhau. Người nghệ sỹ, trên cơ sở khai phá vẻ đẹp chưa từng được biết tới mà xác định một khái niệm ý thức. Còn nhà thiết kế, trên cơ sở những khái niệm và ý thức về chủ đề, trích rút ra tinh thần của cái đẹp tạo hình để xây dựng nên những thiết kế mới mẻ. Sự khác nhau đó có khởi nguồn từ Ý tưởng nảy sinh trong quá trình sáng tạo. Đối với nghệ sỹ, ý tưởng đôi khi chỉ thuần túy xuất phát từ cảm xúc về cái đẹp trong tự nhiên. Còn với nhà thiết kế, ý tưởng là quá trình tập hợp những yếu tố, những hồi ức, những tài liệu đã được lựa chọn trong quá trình nghiên cứu, thiết lập chúng theo một cơ cấu mới, một cấu trúc nhất định để tạo nên một sản phẩm thời trang mới, mang hơi thở của thời đại. Trong bài viết này, tác giả đóng góp một vài suy nghĩ về quá trình hình thành Ý tưởng trong Thiết kế thời trang, một lĩnh vực còn mới trong xã hội Việt Nam hiện nay.

            Ý tưởng con người thường phát nguồn từ cảm xúc trực quan. Cảm xúc trực quan có cơ chế hoạt động cụ thể của não người làm cơ sở. Không có cơ sở này không có cảm xúc trực quan. Quá trình sáng tạo một sản phẩm thời trang thực chất là quá trình nhà thiết kế tiếp nhận sự tác động của các trào lưu thời trang xã hội một cách nhạy cảm và tinh tế nhất. Sự tiếp nhận này được hỗ trợ bởi sự quan sát và cảm nhận tinh tế của nhà thiết kế thông qua những hiểu biết về thời trang. Có thể nói, đây chính là giai đoạn nhà thiết kế chuẩn bị chất liệu cho quá trình sáng tạo. Thực chất, ý tưởng trong thiết kế thời trang là một quá trình tâm lý tích cực nhằm phân tích các thuộc tính của đối tượng xã hội và tổng hợp thành hình ảnh thiết kế sản phẩm thời trang trọn vẹn trên cơ sở xúc cảm thẩm mỹ.

            Ý tưởng trong luồng suy nghĩ của con người, chỉ xuất hiện thoáng qua và là những hình tượng mờ nhạt. Chúng chỉ có thể trở thành những hình ảnh cụ thể thông qua quá trình gắn kết chặt chẽ với thực tế tự nhiên hay cuộc sống xã hội. Cho dù chúng là những cảm xúc chập chờn, lóe lên trong nháy mắt nhưng đây cũng là một trong những hoạt động tinh thần, kết quả của quá trình tích lũy và xử lý thông tin nhiều chiều và đa dạng, chứ không đơn thuần là những cảm xúc hay ý tưởng đột nhiên xuất hiện mà chẳng có cơ sở từ đâu.

            Quá trình đi từ những ý tưởng mơ hồ trong suy nghĩ của con người đến những ý tưởng thiết kế sản phẩm cụ thể, là hoạt động mang tính chuyên nghiệp của quá trình thu thập và xử lý thông tin từ thực tế của tự nhiên và cuộc sống. Ý tưởng mới và sáng tạo mới là hoạt động tạo ra những giá trị đặc biệt hoàn toàn mới, trên cơ sở những thông tin đã được lưu trữ từ trước trong não, phối hợp với những thông tin mới từ bên ngoài, được đưa vào qua các cơ quan cảm giác như thị giác, thích giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Trong quá trình sáng tạo, não người dựa trên một số cơ sở của ý tưởng để phát triển thiết kế, phù hợp với khả năng thu thập và xử lý thông tin. Những cơ sở đó là:

            1. Ý tưởng xuất phát từ những cấu tạo của tự nhiên

            Từ xa xưa, có lẽ từ khi bắt đầu có những hoạt động thiết kế của con người, đối tượng của thiết kế hay mô típ được sử dụng lúc đó, thường là những cấu hình do tự nhiên tạo ra. Con người luôn có lòng sùng kính với những cấu tạo của tự nhiên, thậm chí còn coi một số loài động vật, thực vật đặc thù nào đó là hóa thân của thần thánh, vẻ đẹp tạo hình của tự nhiên, đồng thời cũng là vẻ đẹp của thần thánh. Kết quả dẫn tới những xu hướng hoạt động tinh thần của con người, những nét tương đồng với tinh thần tâm linh, tinh thần tôn giáo.

            Ở thời Ai cập cổ đại, những mẫu thiết kế mang dấu ấn tạo hình của tự nhiên có nhiều loại, tiêu biểu trong số đó về thực vật là cây sậy Papyrus, hoa sen, về động vật là con rắn hổ mang và con bọ hung. Trong các đồ án trang trí kiến trúc và tạo hình của Hy Lạp, La mã cổ đại, thường thấy xuất hiện những vòng nguyệt quế, dây trường xuân, cây nho và lá cây tầm bì, những mô típ này cho đến ngày nay vẫn còn được sử dụng.

            Cho đến tận cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong dòng chảy của hoạt động thiết kế thời trang, nổi lên trào lưu thiết kế rất nổi tiếng là Art - Nouveau, với các khuynh hướng thiết kế chủ yếu lấy cảm hứng từ các mô típ động, thực vật. Trào lưu thiết kế này đến nay vẫn còn được nhiều hãng thiết kế và sản xuất đồ trang sức nổi tiếng thế giới ứng dụng. Trong các hoạt động thời trang hiện đại, có thể thấy không ít ví dụ ứng dụng những mô típ động, thực vật như in, thêu, ren trên quần áo và vải vóc. Như vậy, con người trong quãng đường phát triển của mình, vẫn duy trì niềm say mê, cảm hứng với những đường nét tạo hình ưu việt của tự nhiên.

            2. Ý tưởng xuất phát từ những tạo hình của con người và hình ảnh tưởng tượng

            Ngoài dòng chảy thiết kế theo mẫu tạo hình của tự nhiên, tồn tại từ xa xưa cùng với lịch sử phát triển văn hóa của loài người, còn một loại hình ý tưởng thiết kế khác có cơ sở xuất phát từ những hoạt động tinh thần của con người, chỉ cho và vì con người.

            Bản thân loại ý tưởng này cũng tồn tại từ rất lâu, nó tiêu biểu cho sự vận động của cơ năng thiết kế nói chung, nó làm thay đổi phong cách tạo hình rõ ràng nhất, bằng những sáng tạo có cơ sở xuất phát từ những hoạt động tinh thần vì con người. Trong lĩnh vực này, đặc biệt phải kể đến mô típ thiết kế trào lưu Art-Décor. Khởi đầu trào lưu này ở Vienna nhưng về sau khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến, phong cách nghệ thuật Art-Décor có ảnh hưởng rất mạnh đến các hoạt động thiết kế ở Mỹ. Điểm cơ bản của trào lưu thiết kế này là từ những hình cụ thể, rõ ràng và kỹ chuyển sang những hình trừu tượng và siêu thực. Những bóng dáng tạo hình của tự nhiên được rút gọn, tinh giảm, cắt vụn, thay đổi hay đảo lộn hoàn toàn trật tự kết cấu của chúng. Kết quả là, từ sự tự do sáng tạo theo những gì mà con người cảm thấy đã hình thành nguyên lý thiết kế mới, đồng thời cũng là bước tiến thời đại của những mẫu thiết kế hoàn toàn mới, mà điểm quan trọng trong quá trình sáng tạo là biểu hiện những hoạt động tinh thần của con người. 

            3. Ý tưởng xuất phát từ tiêu chuẩn về hình bóng

            Hình bóng của y phục là đường chu vi bên ngoài của chúng, có nhiều trường hợp hình cắt bóng này được coi như là tiền đề của thiết kế và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động thiết kế.

            Thí dụ: Chiristian Dior sau chiến tranh thế giới lần thứ II đã tung ra một bộ sưu tập váy áo có kiểu cách mang phong vị rất ưu nhã, với nét chuyển mềm mại từ vai xuống hông, eo hẹp, phối hợp với tà váy mở tròn. Hình cắt bóng này với phong vị ưu nhã đầy nữ tính, vốn bị kìm hãm và không phù hợp với không khí chết chóc đầy nam tính trong chiến tranh. Sau chiến tranh, bộ sưu tập này đã gây được ấn tượng rất mạnh với đại đa số phụ nữ. Bộ sưu tập mở đầu của trào lưu cái nhìn mới - Newlooks này, chỉ trong chớp mắt đã lan rộng ra toàn thế giới. Sau đó, trong khoảng 10 năm tiếp theo, Christian Dior liên tiếp đưa ra những bộ sưu tập mới, trên cơ sở sửa đổi đôi chút hình cắt bóng ban đầu của ông. Đó là những dòng mốt cắt bóng hình thẳng đứng, hình ovale, hình hoa tuy líp, hình chữ H, chữ A, chữ Y, hình mũi tên, hình magneto, hình con suốt…

            Cũng từ khi thời đại của Christian Dior không còn phồn thịnh nữa, phong cách cắt bóng xuất hiện rất nhiều chủng loại. Dòng chảy quan trọng nhất của hình cắt bóng chuyển dịch tới chỗ nhẹ nhàng, phóng khoáng hơn trước, phù hợp với xu thế quay trở về với tự nhiên. Ngoài ra, vào xuân hè 1985, khi Azzedine Araia tung ra bộ sưu tập Nàng tiên cá, khởi đầu của trào lưu sự thích hợp mới - Newfit thì những tiêu chuẩn của cắt bóng cũng vận động tới chỗ ăn khớp của những tiêu chuẩn của trào lưu Newfit này.

            Hiện tại, thời đại cắt bóng các chủng loại khác nhau cùng tồn tại, không có tiêu chuẩn cắt bóng nào chi phối một cách cực đoan cả. Tuy vậy, sự biến đổi của tiêu chuẩn cắt bóng trên cơ sở mốt vẫn còn đang tiếp diễn chứ không phải là đã ngừng hẳn.

            Cắt bóng là đầu mối quan trọng để phát triển ý tưởng thiết kế và cũng có không ít trường hợp thiết kế dựa vào những tiêu chuẩn của cắt bóng. Vì thế, cần phải có những thông tin về quá khứ, hiện tại cũng như dự báo về tương lai, phương, chiều, xu hướng vận động của tiêu chuẩn cắt bóng để có thể sáng tạo ra những tiêu chuẩn cắt bóng mới trong những thiết kế mới.

            4. Ý tưởng xuất phát từ trang phục dân tộc và trang phục nghề nghiệp

            Các dân tộc trên thế giới đều có cách trang phục đặc thù riêng biệt. Trang phục dân tộc và cách sử dụng chúng ở thời gian, không gian, địa điểm là rất khác nhau. Điều cốt lõi cho sự khác biệt đó là do yếu tố địa lý - khí hậu quyết định thói quen, sở thích, tâm lý và tư duy của từng nhóm cư dân trên những địa bàn cư trú khác nhau. Tiếp theo, sự chi phối của các yếu tố văn hóa - xã hội, các dân tộc khác nhau. Cho dù, sinh sống trên cùng một khu vực địa lý nhưng xuất xứ truyền thống khác nhau mà phong tục, tập quán, lối sống và cách tổ chức xã hội… không phải bao giờ cũng giống nhau. Tóm lại, lối trang phục sức và quần áo bị chi phối bởi những yếu tố như vậy được gọi là phong cách truyền thống và được thể hiện đậm đặc qua trang phục dân tộc.

            Về sau này, do sự biến động của các luồng cư dân di trú và lưu trú ngày càng trở nên phức tạp hơn, do hỗn chủng dòng máu, thương mại và thông tin liên quốc gia, quốc tế phát triển… mà ngày nay ít còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những phong cách ăn mặc truyền thống cũng như trang phục dân tộc thuần túy nữa. Hầu hết chỉ còn được quan sát chúng qua tranh ảnh, viện bảo tàng hay qua các buổi lễ và lễ hội truyền thống mà thôi.

            Tuy vậy, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, những luồng thông tin đa chiều xuyên địa cầu đang có nguy cơ làm xóa nhòa biên giới quốc gia, và làm tan chảy những nét đặc thù riêng của mỗi dân tộc. Để có thể tồn tại trong môi trường đó với những nét dân tộc đặc thù, từng dân tộc đang cố gắng thúc đẩy chính sách sưu tầm, lưu trữ, bảo tồn và phát triển vốn văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc nói riêng trong lĩnh vực văn hóa thời trang. Đây chính là thời cơ lớn, cũng là những kích thích lớn cho hoạt động sáng tạo ra những ý tưởng thiết kế tươi mới, vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa kế thừa những tinh hoa trong truyền thống của những dân tộc khác trên toàn thế giới.

            Ngoài ra, như chúng ta đã biết, có những công việc và nghề nghiệp đặc thù, đòi hỏi phải có những bộ quần áo thiết kế đặc biệt theo tính chất công việc như quần áo của các vận động viên thể thao, các diễn viên biểu diễn, phi công, của binh sĩ trong quân đội, của các chàng cowboy chăn bò miền viễn tây nước Mỹ… thường là chúng đạt được vẻ đẹp hoàn hảo và phù hợp với tính chất tác nghiệp đặc thù, cũng được nhiều giới ưa thích, đặc biệt là giới trẻ. Cũng như trang phục dân tộc, trang phục nghể nghiệp được coi như là nguồn tư liệu cần thiết, cho những ý tưởng thiết kế mới mẻ.

            Đối với những ý tưởng thiết kế lấy cảm hứng trên trang phục dân tộc và trang phục nghề nghiệp thì rất cần lưu ý rằng, không thể cứ bê y nguyên hay cóp nhặt một cách võ đoán những mẫu hình đó vào thiết kế. Cần phải đọc cho được cái tinh thần thời trang trong những tư liệu đó, cũng như những giá trị chân thực của chúng để ứng dụng trong những thiết kế hiện đại. Có như vậy, những ý tưởng thiết kế mới luôn luôn vươn tới tầm cao tươi sáng của thời đại.

            Trong quá trình sáng tạo, nhà thiết kế còn khai thác những ý tưởng xuất phát từ chất liệu, nguyên vật liệu, ứng dụng công nghệ mới của ngành dệt hoặc theo chủ đề hình tượng và lễ hội, để sáng tạo những mẫu thiết kế theo nhu cầu xã hội và nhu cầu tự thân của nhà thiết kế. Quá trình Tiếp cận với những ý tưởng thiết kế đòi hỏi nhà thiết kế làm việc nghiêm túc, khoa học và là một quá trình lao động không ngừng mới có thể đem lại những kết quả như mong muốn. Thời gian không ngừng trôi, bốn mùa Xuân - Hạ, Thu - Đông là áp lực buộc các nhà thiết kế phải làm việc để đóng góp cho đời sống Thời trang những bộ sưu tập đẹp, mang tính thời đại, tiến vào tương lai với khả năng rộng mở hầu như không có giới hạn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Fashion Design of Japan College (1993), Viện Văn hóa Tokyo.

2. Histoire Du Costunme (1996), Nxb EDITA S.A.

3. Mary Wolfe (1998), Fashion!, Nxb Goodheart - Willcox Company

4. Industrial Design A – Z (2000), Nxb Taschen

      ___________________________

       [*]  ThS.  Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội