Nội san

Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa làng Ngư Uyên, xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

21 Tháng Mười 2016

Lương Văn Hùng [*]

 

Làng Ngư Uyên là một trong hai làng (làng Ngư Uyên và làng Duẩn Khê) thuộc xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Làng nằm bên trục đường 188A nối liền Quốc lộ 5 (Hà Nội đi Hải Phòng) với Quốc lộ 18 (Hà Nội đi Móng Cái, Quảng Ninh). Làng được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ X và có tên gọi thống nhất ngay từ khi thành lập. Ngư nghĩa là cá, Uyên là vực sâu, như vậy làng Ngư Uyên là một khu đất trũng, có nhiều vực lớn và có rất nhiều cá tôm.

Trải qua quá trình thời gian, với các đặc điểm về tự nhiên, kinh tế, xã hội và sự tác động chung, làng Ngư Uyên đã hình thành cho mình một hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, nằm trong bối cảnh chung, văn hóa làng Ngư Uyên cũng giống như các làng xã khác trên phạm vị cả nước, luôn luôn có sự vận động, biến đổi và hoàn thiện để phù hợp với thực tế tình hình kinh tế - xã hội của mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn xã Long Xuyên đã làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, qua đó đã tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi văn hóa làng Ngư Uyên.

Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có tác động tới sự biến đổi văn hóa làng Ngư Uyên từ năm 1986 đến nay phải kể tới một số chủ trương, chính sách lớn sau: Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 05/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý nông nghiệp; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về Phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

1. Về sự biến đổi các yếu tố văn hóa làng Ngư Uyên

Quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách và những kết quả mang lại đã tạo ra sự biến đổi lớn đối với hầu hết các yếu tố văn hóa làng Ngư Uyên, đặc biệt là các yếu tố văn hóa vật thể. Không gian văn hóa làng đã cởi mở hơn, không còn khép kín trong lỹ tre làng như xưa. Hoạt động sản xuất kinh tế của cư dân ngày càng đa dạng và đi vào chiều sâu. Bên cạnh việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, cư dân làng Ngư Uyên cũng đã đầu tư tổ chức các hoạt động sản xuất, buôn bán kinh doanh, đáp ứng cho nhiều nhu cầu của người dân. Sản xuất thủ công nghiệp (lò gạch thủ công) được xã, thôn quan tâm trở thành sản xuất hàng hóa trong một thời gian. Ngày nay, số đông đội ngũ cư dân có độ tuổi trẻ đều tham gia trở thành công nhân của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn và vùng lân cận. Trong văn hóa ẩm thực, trước năm 1986 cư dân Ngư Uyên thường thiếu ăn, ăn không đủ no, đến nay không những đủ ăn mà còn có lượng lương thực dự trữ; số lượng và chất lượng món ăn được tăng lên, cách chế biến đa dạng theo nhu cầu sở thích.

Văn hóa cư trú của cư dân có nhiều biến đổi, khuôn viên sống ngày càng nhỏ gọn, tiện nghi và khép kín hơn. Những ngôi nhà mới cao tầng, kiên cố, được chia thành nhiều phòng độc lập đã và đang được xây dựng thay cho những mẫu nhà trước đó. Hệ thống đường giao thông được kiên cố bê tông hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa như xưa. Bên cạnh các thiết chế văn hóa truyền thống như đình, chùa, miếu đã xuất hiện thêm các thiết chế văn hóa mới do sự tác động của quá trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

Trong văn hóa phi vật thể, việc cưới, việc tang, hoạt động lễ hội, tín ngưỡng dân gian và việc tiếp nhận thông tin đại chúng của cư dân đã có nhiều tiến bộ. Hôn nhân của cư dân Ngư Uyên không còn tình trạng cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, không còn tình trạng tảo hôn, không còn việc chọn vợ phải ‘thắt đáy, lưng ong” và một trong những tiêu chí quan trọng trong chọn vợ, chọn chồng ngày nay là tiêu chí công việc. Tang mà của cư dân Ngư Uyên đã bớt đi nhiều thủ tục rườm ra, loại bỏ các yếu tố mê tín dị đoan. Lễ hội thường xuyên được quan tâm tổ chức, phần lễ khôi phục và thực hiện theo nghi thức truyền thống, phần hội được lồng ghép tổ chức các trò chơi truyền thống kết hợp với các nhiều trò chơi hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân. Tiếp nhận thông tin đại chúng của cư dân ngày càng có nhiều tiến bộ, ứng dụng nhanh công nghệ thông tin để phục vụ các nhu cầu cuộc sống.

Cùng với sự biến đổi đó, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp của cư dân Ngư Uyên vẫn còn được giữ lại. Tính cố kết cộng đồng vẫn còn được thể hiện rõ nét trong bữa ăn gia đình, khi mà các thành viên của gia đình đều tập trung quây quần bên mâm cơm; trong không gian cư trú, cư dân vẫn còn bố trí 01 cái sân trước cửa ngôi nhà chính để phục vụ cho những công việc tập thể và một số hoạt động khác; trong đám hiếu, đám hỷ, một cộng đồng trong dòng họ tự nguyện giúp đỡ gia đình chủ sự như một trách nhiệm đã được sắp xếp trước. Đám hiếu, đám hỷ thể hiện được đúng bản chất của sự việc, là việc buồn, việc vui cần được chia sẻ, động viên, giúp đỡ của cả cộng đồng. Hoạt động sản xuất kinh tế có nhiều biến đổi, nhiều ngành nghề sản xuất mới ra đời nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được coi là một hoạt động sản xuất quan trọng của cư dân Ngư Uyên hiện nay.

Bên cạnh những biến đổi tích cực như trên, văn hóa làng Ngư Uyên hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác quy hoạch, định hướng trong phát triển văn hóa làng chưa được quan tâm đúng mức. Ngành sản xuất nông nghiệp cần được nghiên cứu triển khai các biện pháp để tiến lên sản xuất hàng hóa. Không gian văn hóa làng cần được xem xét quy hoạch mang tính tổng thể và đi vào chi tiết, hệ thống giao thông đường ngõ xóm cần được đầu tư mở rộng, kiến trúc nhà ở cần có sự quản lý, định hướng. Trong số các thiết chế văn hóa hiện có, cần xem xét bổ sung thiết chế nhà truyền thống, công viên cây xanh phục vụ cho nhu cầu của người dân trong tương lai. Hệ thống chính trị trên địa bàn xã, thôn cần triển khai các biện pháp hạn chế tình trạng hút thuốc lá của bộ phận nam thanh niên trẻ của làng. Việc cưới, việc tang, lễ hội, tín ngưỡng của người dân cần tiếp tục phát huy, bài trừ các hiện tượng mê tín dị đoan.

2. Về giải pháp phát triển văn hóa làng Ngư Uyên

Trên cơ sở xu hướng phát triển chung, những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế do sự biến đổi văn hóa từ năm 1986 đến nay mang lại, giải pháp phát triển văn hóa làng Ngư Uyên cần tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn xã Long Xuyên cần nhìn nhận rõ xu hướng vận động, phát triển văn hóa làng Ngư Uyên trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đưa ra các định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, định hướng phát triển văn hóa làng Ngư Uyên trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống gắn với xu hướng của thời đại.

Thứ hai, trong giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống làng Ngư Uyên, cấp ủy Đảng, chính quyền cần thực hiện tốt các nội dung: tiến hành tổng kiểm kê, đánh giá di sản văn hóa làng; nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa làng; khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa làng. Ghi nhận đình làng Ngư Uyên, việc thờ cúng tổ tiên, ý thức cố kết cộng đồng, giá trị cốt lõi của phong tục tang ma, cưới hỏi, nghề trồng lúa nước là những di sản văn hóa của làng Ngư Uyên để đưa ra các biện pháp bảo tồn và phát huy.

Việc nâng cao nhận thức về giá trị các di sản văn hóa là nội dung rất quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa làng Ngư Uyên. Đối tượng nâng cao nhận thức là cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân trên địa bàn xã Long Xuyên và làng Ngư Uyên, cùng với đó là đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn hóa và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Trên cơ sở nâng cao nhận thức, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn xã, thôn cần hoạch định các chính sách, định hướng việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Chỉ đạo việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa ở xã Long Xuyên, đội ngũ cán bộ thôn và những người trực tiếp quản lý các di sản văn hóa có những tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tự triển khai những biện pháp để bảo tồn và huy các giá trị của di sản văn hóa đó.

Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa không có nghĩa là đóng khung các di sản văn hóa, mà phải có biện pháp cho thấy các di sản văn hóa luôn là một thực thể sống, vận hành cùng với cuộc sống xã hội thường ngày của con người, do vậy cần phải được khai thác, sử dụng và phát huy một cách đúng đắn. Đối với các thiết chế văn hóa truyền thống ở làng Ngư Uyên, cụ thể là đình, chùa, miếu, cấp ủy, chính quyền cần triển khai các biện pháp làm tốt công tác bảo vệ, quản lý các di tích. Thường xuyên duy tu bảo tồn, duy trì các hoạt động của thiết chế văn hóa, phân công người trông nom, túc trực, mở cửa để đáp ứng các nhu cầu tâm linh của khách thập phương và nhân dân trong làng. Đối với việc thờ cúng tổ tiên, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân ý thức về cội nguồn dân tộc, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ghi nhớ công lao của người sinh thành ra mình. Ngoài việc cố kết cộng đồng theo mô hình gia đình, dòng họ và theo địa vực cư trú như trong truyền thống, việc cố kết cộng đồng ngày nay cần thực hiện vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo. Trong phong tục, tập quán, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân phải tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy giá trị tốt đẹp của từng phong tục, tập quán, tránh xa hoa, lãng phí, rườm rà, phức tạp, tốn kém, nghiêm túc loại bỏ các yếu tố mê tín dị đoan.

Thứ ba, trong giải pháp phát triển văn hóa làng Ngư Uyên, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp: xây dựng quy hoạch phát triển văn hóa làng, xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các phong trào văn hóa. Văn hóa làng bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, do vậy việc quy hoạch phát triển văn hóa làng phải hướng tới quy hoạch phát triển các yếu tố văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Đối với văn hóa vật thể, trong các không gian văn hóa cần quy hoạch bổ sung hoặc nghiên cứu lồng ghép vào các công trình văn hóa, thể thao đã được quy hoạch công trình nhà truyền thống và thư viện, quy hoạch xây dựng và phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng, từ kiến trúc và kích thước nhà ở cho đến hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước, khu trồng cây xanh, công viên. Trong hoạt động sản xuất kinh tế, cùng với việc tăng trưởng về lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp cần được quan tâm đầu tư hơn, chuẩn bị tốt các khâu chuyển hướng sản xuất chuyên canh, hàng hóa cung cấp cho thị trường những mặt hàng nông sản có giá trị cao.

Bên cạnh các thiết chế văn hóa truyền thống và các thiết chế văn hóa hiện đại mới ra đời trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân cần nghiên cứu triển khai xây dựng bổ sung thêm các thiết chế văn hóa khác, như nhà truyền thống, thư viện, công viên phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập, vui chơi, giải trí của cộng đồng dân cư làng Ngư Uyên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Long Xuyên (2005), Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Long Xuyên (1930 – 2000), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2. Phan Kế Bính (1990), Việt Nam Phong tục tái bản, Nxb TP Hồ Chí Minh.

3. Bộ Chính trị (1988), Nghị quyết về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

4. Đại hội Đảng bộ xã Long Xuyên khóa XXII nhiệm kỳ 2015-2020 (2015), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Long Xuyên lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 – 2020.

5. Đảng CSVN (1998),  Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X  về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

6. Đảng CSVN (2014), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

7. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định Về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

8. TS. Nguyễn Hữu Thức (2009), Về cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Từ điển Bách khoa & Viện văn hóa, Hà Nội

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí văn hóa