Nghiên cứu lý luận

Xây dựng đề cương bài giảng môn Khiêu vũ cho sinh viên hệ cao đẳng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

08 Tháng Mười Hai 2017

Bùi Thị Huyền[*]

 

            Nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm kích thích tính tích cực, sáng tạo trong học tập của sinh viên là một trong những vấn đề quan trọng, được nhiều các thầy cô quan tâm và nghiên cứu.

            Giáo dục thể chất là một trong những mặt giáo dục giúp con người phát triển một cách toàn diện về: Đức, Trí, Thể, Mỹ, Lao động. Giáo dục thể chất ngoài nhiệm vụ rèn luyện và phát triển thể lực còn nhiệm vụ giáo dưỡng. Khiêu vũ thể thao (Dance sport) có thể coi là một phương tiện hữu hiệu để rèn luyện và củng cố sức khỏe, phát triển tố chất thể lực cho người tập. Điều đặc biệt ở khiêu vũ thể thao là hình thức tập luyện hấp dẫn, có thể lựa chọn được nhiều vũ hình vào bài tập mà người học yêu thích, đồng thời đáp ứng được nhu cầu khỏe, đẹp của mọi lứa tuổi đặc biệt được giới trẻ rất được quan tâm.

Trong xã hội hiện nay, khiêu vũ là một môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi giới tính bởi lẽ nó được đánh giá là môn thể thao toàn diện vì khi học khiêu vũ người tập phải sử dụng tất cả các bộ phận của cơ thể tham gia vào hoạt động đăc biệt là sự cảm thụ âm nhạc khi thực hiện vũ điệu. Với nhiều ý nghĩa mang lại, đã có nhiều cơ sở giáo dục lựa chọn khiêu vũ là một trong những nội dung học của môn Giáo dục thể chất. Ngay ở một số trường tiểu học cũng sử dụng môn khiêu vũ làm môn học ngoại khóa cho các em học sinh và tạo được hứng thú lớn trong các em.

Những năm gần đây trong xã hội cũng như trong hệ thống giáo dục đã quan tâm nhiều đến lĩnh vực này và được thể hiện thông qua những hoạt động như: các câu lạc bộ khiêu vũ thể thao ngoài xã hội cũng như trong trường học xuất hiện rất nhiều và thu hút được mọi lứa tuổi tham gia; chúng được phân bố khắp nơi từ trung tâm thành phố đến các công viên, thậm chí đến cả nhà riêng. Song hành cùng việc tập luyện môn khiêu vũ đã có rất nhiều các cuộc thi được tổ chức với quy mô lớn như: Bước nhảy hoàn vũ, Việt Nam Got talent đến quy mô nhỏ như Vũ điệu xanh hay giải Khiêu vũ thể thao sinh viên các trường khu vực Hà Nội… Ở Việt Nam, tuy khiêu vũ thể thao mới phát triển nhưng cũng giành được thứ hạng ở Châu lục. 

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với tính đặc thù là trường Nghệ thuật với những môn chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Văn hóa nghệ thuật đã đưa khiêu vũ thể thao vào nội dung giảng dạy trong chương trình giáo dục thể chất của Trường từ năm 2009 đến nay. Từ trước đến nay việc giảng dạy các nội dung trong chương trình giáo dục thể chất nói chung và môn khiêu vũ nói riêng vẫn tuân thủ theo phương pháp chung của phương pháp giáo dục thể chất và được tiến hành kiểm tra đánh giá theo quy trình chung. Qua thực tế giảng dạy nội dung môn học này của Trường, chúng tôi thấy có một số hạn chế nhất định như:

Chương trình môn khiêu vũ hiện nay được giảng dạy chung cho sinh viên các hệ cao đẳng, đại học. Trong khi đó, số tiết dạy của hệ cao đẳng và đại học khác nhau (Hệ cao đẳng học 30 tiết; Hệ đại học học 90 tiết). Bên cạnh đó, chưa có bài giảng riêng cho từng hệ.

    Chính vì vậy, tác giả lựa chọn vấn đề: “Xây dựng đề cương bài giảng môn Khiêu vũ cho sinh viên hệ Cao đẳng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương” để nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập môn học khiêu vũ nói riêng và môn Giáo dục thể chất nói chung.

Đề tài đã nghiên cứu một số khái niệm công cụ có liên quan đến đề tài như: Khái niệm đề cương, khái niệm bài giảng, khái niệm Khiêu vũ, hoạt động thể thao ngoại khóa, khiêu vũ, biện pháp. Bên cạnh đó, đề tài cũng dựa trên một số căn cứ để xây dựng đề cương bài giảng môn Khiêu vũ thể thao. Cụ thể là:

Thứ nhất, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW giảng dạy môn Giáo dục thể chất cho các sinh viên hệ đại học và cao đẳng những năm trước 2009 như sau:

* Đối với hệ đại học: Giảng dạy 5 học phần giáo dục thể chất là:

       - Học phần I: Thể dục, Điền kinh

       - Học phần II: Thể dục Aerobics

       - Học phần III: Võ

       - Học phần IV: Dance Sport

       - Học phần V: Cầu lông

* Đối với hệ cao đẳng, các môn được giảng dạy:

                 - Học phần I: Thể dục, Điền kinh

                 - Học phần II: Thể dục Aerobics

                 - Học phần III: Cầu lông

            Thứ hai, dựa vào giáo trình Latin American (The Imperial Society Of

Teachers of Dancing – Imperial House, 22/26 Paul Street – London EC2A 4QE) và tài liệu hướng dẫn luật khiêu vũ thể thao  (IDSF) năm 2006 làm cơ sở xây dựng bài giảng.

Nội dung giảng dạy môn Khiêu vũ được tác giả phân chia như sau:

  - Lý thuyết chung:

+ Giới thiệu về Dance Sport, sự khác nhau giữa nhảy truyền thống và khiêu vũ thể thao. Xuất xứ của các vũ điệu, âm nhạc. Vị trí tác dụng của các vũ điệu, hệ thống các giải thi đấu Khiêu vũ thể thao....

+ Luật thi đấu Khiêu vũ thể thao (đây là nội dung sinh viên cần biết để trong quá trình tập luyện người học luôn phải hướng tới để kỹ thuật được hoàn hảo hơn.)

+ Một số ký hiệu, thuật ngữ, hướng chuyển động trong Khiêu vũ thể thao.

  • Thực hành: gồm 2 vũ điệu (vũ điệu Cha cha cha và vũ điệu Rumba):

+ Vũ điệu Cha cha cha: tác giả lựa chọn trình bày nguồn gốc xuất xứ của vũ điệu, âm nhạc, các tư thế liên kết và các bước trong vũ điệu phù hợp với đặc điểm sinh viên và thời lượng của chương trình giáo dục thể chất dành cho hệ cao đẳng.

Basic moment (chuyển động cơ bản);

Hand to hand (tay trong tay);

New York (check);

Shoulder to shoulder (vai kề vai);

Chuyển động Side step (di chuyển ngang);

Spot turns (bước quay);

Three Cha cha cha (ba bước cha cha cha).

Mỗi vũ hình đều được hướng dẫn tư thế xuất phát, tư thế kết thúc. Cách thực hiện cụ thể để người học có thể hiểu và thực hiện một cách dễ dàng nhất.

+ Vũ điệu Rumba: là một vũ điệu được coi là vũ điệu anh em với vũ điệu Cha cha cha vì nó có những bước tương đồng với nhau. Tuy nhiên tốc độ âm nhạc thì chậm hơn so với vũ điệu Cha cha cha (cha cha cha 30-32 nhịp/ phút; rumba 25-27nhịp/phút). Với các bước – vũ hình cụ thể sau:

Basic moment (chuyển động cơ bản);

Hand to hand (tay trong tay);

New York (check);

Shoulder to shoulder (vai kề vai);

Chuyển động Side step and cucharacha (di chuyển ngang kết hợp cucharacha);

Spot turns (bước quay);

Fallaway.

                  Đề tài tập trung nghiên cứu về mục tiêu chương trình, nội dung, thời gian, cách thức thực hiện và tổ chức giảng dạy nội dung khiêu vũ cho sinh viên hệ cao đẳng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

- Mục tiêu bài giảng và yêu cầu của bài giảng không quá cao, phù hợp với năng lực của sinh viên hệ cao đẳng.

- Thời gian môn học không dài (30 tiết) nên đề tại lựa chọn hai vũ điệu trong năm vũ điệu Latin

- Đề tài lựa chọn các vũ hình đơn giản, dễ thực hiện sau đó có một số vũ hình nâng cao theo đúng nguyên tắc dạy học tăng tiến trong chương trình giảng dạy môn khiêu vũ cho sinh viên hệ cao đẳng. Cách thức tổ chức lớp học theo hình thức hướng dẫn tập thể và thực hành theo nhóm. Giáo viên vừa hướng dẫn động tác vừa lồng ghép nội dung luật để các em có thể thực hiện theo đúng mục tiêu của môn học là lý thuyết đi đôi với thực hành

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và đào tạo (1996), Quy hoạch phát triển TDTT ngành GD&ĐT thời kỳ 1996-2000-2005 và định hướng đến năm 2005, Hà Nội
  2. Bộ Giáo dục và đào tạo (2001), Quy chế GDTC và y tế trường học (Ban hành theo Quyết định số 14/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 03/5/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT)
  3. Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 24/3/1994 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa VIII) về Công tác TDTT trong giai đoạn mới.
  4. Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 24/3/1994 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa IX) về Phát triển TDTT đến năm 2010..
  5. Chỉ thị số 133 TTg ngày 07/3/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành TDTT.
  6. Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo, Bùi Hiền (2001), Từ điển Giáo dục học, NXB Từ điển Bách khoa.
  7. Latin American (The Imperial Society Of Teachers of Dancing - Imperial House, 22/26 Paul Street – London EC2A 4QE)
  8. Tài liệu hướng dẫn Luật thi đấu Khiêu vũ thể thao (IDSF). 2006
  9. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (2011), Đại từ điển, NXB ĐH Quốc gia TP HCM

________________________

[*] Giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục và Giáo dục thể chất, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW