Tin hoạt động sau đại học

VẬN DỤNG MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HÁT THEO PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO HỌC SINH LỚP 3 TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC SUỐI KHOÁNG, THÀNH PHỐ CẨM PHẢ, TỈNH QUẢNG NINH

05 Tháng Mười Hai 2023

Lê Thị Bảo Ngọc

Học viên K16 - LL & PPDH Âm nhạc

Trường Tiểu học Suối Khoáng được tách từ trường Phổ thông cơ sở Suối Khoáng từ ngày 01 tháng 01 năm 2007. Với 12 năm xây dựng và phát triển, trường Tiểu học Suối Khoáng đã từng bước đi lên, quy mô trường lớp cũng không ngừng lớn mạnh. Với mục tiêu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà trường tuy mới thành lập nhưng đã đạt được những thành tích đáng kể: Liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, được nhận nhiều giấy khen của các cấp, ban ngành vì có thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học.

 Âm nhạc là một môn học nghệ thuật, có vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện nhân cách cho HS tiểu học nói chung và HS lớp 3 nói riêng. Thông qua môn học này, HS được rèn luyện các kỹ năng hát, nghe, cảm thụ âm nhạc, đồng thời phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học. Trong đó, năng lực thể hiện âm nhạc là một trong những năng lực quan trọng nhất mà HS cần được phát triển. Điều đó được thể hiện qua khả năng hát đúng, hát hay, hát có biểu cảm. Để phát triển năng lực này cho HS, GV cần lựa chọn những phương pháp dạy học phù hợp. Vận dụng một số phương pháp dạy học hát theo phát triển năng lực là một trong những phương pháp hiệu quả giúp HS phát triển năng lực thể hiện âm nhạc.

Bái viết này xin được đề cập đến một số phương pháp dạy học theo phát triển năng lực cho HS lớp 3 tại trường Tiểu học Suối Khoáng.

1. Dạy học giải quyết vấn đề

Dạy học giải quyết vấn đề là quá trình tìm hiểu, xác định và giải quyết tình huống thách thức đối với người học. Phương pháp này đòi họ tư duy sáng tạo, khả năng phân tích tình huống thực tế. Việc giải quyết vấn đề trong dạy học là một khía cạnh quan trọng trong quá trình giáo dục âm nhạc. Thông qua giải quyết vấn đề, GV có thể tìm ra các phương pháp hiệu quả để giúp HS nắm vững kiến thức âm nhạc và phát triển khả năng của họ.

Phương pháp này có vai trò quan trọng trong dạy học nhạc cũng như trong dạy học hát, tạo ra môi trường học tập tích cực và khuyến khích sự phát triển của HS.

Sau đây là ví dụ cụ thể:

- Khi vào phần giới thiệu bài hát Khúc hát trên nương xa (Nhạc lời: Hoàng Lân), GV có thể tạo ra tình huống có vấn đề bằng cách cho HS xem tên bài hát và đặt câu hỏi: “Em đã bao giờ nghe bài hát này chưa? Em có thuộc bài hát này không?” sau đó có thể cho HS kể thêm một số bài hát về dân tộc miền núi mà em biết.

- Trong phần vận dụng - sáng tạo, GV có thể lựa chọn những tình huống để HS tự giải quyết vấn đề ở một cấp độ cao hơn như: HS tự nghĩ ra một số động tác để biểu diễn phụ hoạ cho bài hát để khuyến khích sự sáng tạo của HS.

2. Dạy học thông qua trò chơi

Dạy học trò chơi là phương pháp luôn tạo ra sự hấp dẫn lôi cuốn, nhất là đối với giờ học âm nhạc với lứa tuổi HS Tiểu học. Việc áp dụng trò chơi trong dạy học hát không chỉ góp phần đổi mới phương pháp dạy học mà còn phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh. Sử dụng trò chơi trong dạy học không chỉ giúp các em lĩnh hội tri thức một cách dễ dàng mà còn giúp các em củng cố và khắc sâu kiến thức. Thay vì học theo cách truyền thống, trò chơi giúp kích thích tính tò mò của HS và khuyến khích các em tham gia và học tập một cách tích cực. Sự hứng thú và động lực từ trò chơi âm nhạc giúp HS tập trung và tạo ra sự tiến bộ đáng kể trong quá trình học tập. Các trò chơi âm nhạc thường được tiến hành trong các tiết ôn tập vì sẽ có nhiều thời gian để HS trải nghiệm và thực hành hơn.

Có thể lấy một ví dụ về tình huống áp dụng trò chơi âm nhạc trong giờ học hát: Trong phần vận dụng - sáng tạo của tiết học hát bài Vui đến trường (Lê Quốc Thắng), có thể áp dụng tổ chức cho HS trò chơi Thử làm ca sĩ. Để trò chơi này phát huy được hết tính tích cực thì GV sẽ lấy tinh thần xung phong là chính. Sẽ có 4 bạn lên biểu diễn trước lớp ca khúc Vui đến trường. Trong khi 4 HS biểu diễn cả lớp chú ý quan sát, lắng nghe và mỗi thành viên của lớp sẽ là một giám khảo đánh giá phần trình diễn của từng ca sĩ. Kết thúc trò chơi HS nào có điểm cao nhất (hoặc tính từ trên xuống) sẽ là các ca sĩ của lớp và có các phần quà trao tặng.

3. Dạy học tích hợp

Dạy học tích hợp là phương pháp lồng ghép các kiến thức liên quan từ nhiều nguồn kiến thức trong thực tế cuộc sống hoặc các môn học khác nhau nhằm bổ trợ cho nội dung của một môn học nhất định. Ngoài việc dạy học âm nhạc một cách đơn thuần, thụ động thì việc tích hợp liên môn sẽ giúp HS nhớ được kiến thức của nhiều môn học,từ đó nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra, việc tích hợp giữa dạy học nhạc và dạy học hát mang lại cho HS sự linh hoạt trong việc phát triển kỹ năng như biểu diễn, sáng táo âm nhạc. Dạy học theo quan điểm tích hợp “lấy HS làm trung tâm” giúp tích cực hóa hoạt động của HS trong quá trình học tập, tạo năng lực hoạt động tự chủ, sáng tạo cho các em HS.

Có thể lấy một ví dụ về trường hợp tích hợp kiến thức của nhiều môn học trong giảng qua bài hát Quốc ca Việt Nam như sau:

- Tích hợp kiến thức môn Tự nhiên và Xã hội: GV giới thiệu cho HS diễn biến cuộc chiến tranh anh dũng của quân dân ta thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

- Tích hợp kiến thức môn Mĩ thuật: GV sử dụng hình ảnh, tranh vẽ để cho HS cảm nhận sâu sắc hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong Cách mạng Tháng Tám.

- Tích hợp kiến thức môn Đạo đức: Giáo dục tinh thần yêu nước và đấu tranh bảo vệ tổ quốc của HS.

Trên đây là một số cách thức về việc ứng dụng dạy học tích hợp trong môn âm nhạc nói chung và trong việc dạy học hát cho HS lớp 3 nói riêng. Mỗi GV đứng lớp cần căn cứ cụ thể vào đặc điểm tâm, sinh lý và năng lực của mỗi HS để lựa chọn hình thức tích hợp cũng như thiết kế bài dạy cho phù hợp với đối tượng nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của giờ học cũng như môn học.

4. Dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm

Dạy học trải nghiệm gồm: Trải nghiệm qua xem hình ảnh, video; Trải nghiệm qua hoạt động tham quan; Trải nghiệm bằng cách đóng vai; Trải nghiệm bằng cách tham gia biểu diễn. Chi tiết vấn đề như sau:

4.1. Trải nghiệm qua xem hình ảnh, video

Trải nghiệm qua xem hình ảnh, video là phương pháp dạy học cho phép HS tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng âm nhạc một cách trực quan, sinh động. GV có thể sử dụng hình ảnh, video để giới thiệu về các nhạc cụ, loại hình âm nhạc, phong cách biểu diễn âm nhạc,...

Các tình huống thực tế về học trải nghiệm có thể là:

- GV sử dụng hình ảnh, video về các nhạc cụ để giới thiệu cho HS về các loại nhạc cụ, cách sử dụng các nhạc cụ,...

- GV sử dụng hình ảnh, video về các phong cách biểu diễn âm nhạc để giới thiệu cho HS về các phong cách biểu diễn âm nhạc, cách biểu diễn âm nhạc theo các phong cách khác nhau,...

4.2. Trải nghiệm qua hoạt động tham quan

Trải nghiệm qua hoạt động tham quan là phương pháp dạy học cho phép HS được trực tiếp quan sát, trải nghiệm các hoạt động âm nhạc trong thực tế. GV có thể tổ chức cho HS tham quan các cơ sở biểu diễn âm nhạc, các nhà hát, các trung tâm âm nhạc,...

Trong thực tế, các hình thức trải nghiệm thông qua hoạt động tham quan có thể là:

- GV tổ chức cho HS tham quan nhà hát để HS được quan sát, trải nghiệm quy trình tổ chức một buổi biểu diễn âm nhạc.

- GV tổ chức cho HS tham quan trung tâm âm nhạc để HS được học tập, thực hành các kỹ năng âm nhạc.

4.3. Trải nghiệm bằng cách đóng vai

Trải nghiệm bằng cách đóng vai là phương pháp dạy học cho phép HS được nhập vai vào các nhân vật trong các tác phẩm âm nhạc để thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. GV có thể tổ chức cho HS đóng vai các nhân vật thông qua các giờ kể chuyện âm nhạc

Có thể lấy một ví dụ minh hoạ như: GV tổ chức cho HS đóng vai hình ảnh các chiến sĩ bộ đội hành quân trong lời bài hát Quốc ca Việt Nam để thể hiện tình yêu đất nước.

4.4. Trải nghiệm bằng cách tham gia biểu diễn

Trải nghiệm bằng cách tham gia biểu diễn là phương pháp dạy học cho phép HS được thể hiện những gì đã học thông qua các hoạt động biểu diễn âm nhạc.

Trải nghiệm thông qua việc tham gia biểu diễn có thể là các hình thức như:

- GV tổ chức cho HS tham gia biểu diễn trong buổi văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

- GV tổ chức cho HS tham gia các cuộc thi hát tìm kiếm tài năng âm nhạc quy mô ở lớp, ở trường.

Có thể thấy, dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm là phương pháp dạy học hiệu quả giúp HS tích lũy kiến thức, kỹ năng một cách chủ động, tích cực, GV cần lựa chọn các hoạt động trải nghiệm phù hợp, tạo không khí học tập thoải mái, hứng thú và khuyến khích HS sáng tạo.

Tóm lại, việc vận dụng một số phương pháp dạy học hát theo phát triển năng lực cho HS nói chung và HS lớp 3 tại trường Tiểu học Suối Khoáng nói riêng có vai trò và ý nghĩa to lớn. Các phương pháp này giúp tạo hứng thú trong giờ học và góp phần nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc. Để phát huy hiệu quả của việc vận dụng các phương pháp dạy học hát theo phát triển năng lực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa GV và HS. GV cần nắm vững nội dung, phương pháp dạy. HS cần tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động học tập, rèn luyện kỹ năng âm nhạc một cách thường xuyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Trần Bảng (2000), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc.

3. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Tố Mai (chủ biên, 2018), Dạy âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực, các lớp 6, 7, 8, 9, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

5. Ngô Thị Nam (1994), Phương pháp dạy học âm nhạc, tập 1, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

6. Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc ở trường Tiểu học và THCS, Nxb Đại học sư phạm.