Đổi mới giáo dục đại học

Giáo dục Mĩ thuật phổ thông, một số vấn đề đặt ra

23 Tháng Tư 2018

Nguyễn Bích Nhung [*]

     Giáo dục Mĩ thuật phổ thông trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, từ chương trình, nội dung, phương pháp và điều này đã đặt ra một số vấn đề trong cách tiếp cận từ học sinh, giáo viên đến các yếu tố khác như tài liệu giáo dục, đồ dùng dạy học, cơ sở vật chất…Bài viết này đề cập đến những thay đổi này trong một cách tiếp cận phù hợp với xu thế vận động hiện nay.

  1. Quan điểm về giáo dục hiện nay

     Theo quan điểm nhiều người, các môn khoa học (tự nhiên và xã hội) rất quan trọng vì chúng giúp hình thành năng lực để mỗi cá nhân có thể tồn tại, sáng tạo ra của cải, chống lại bệnh tật, có hiểu biết và thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc sống, thậm chí là tạo ra nghệ thuật. Do đó, các môn khoa học đã và đang chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông. Điều này đã có ảnh hưởng đến quan điểm giáo dục trong một thời gian dài khi quá chú trọng đến việc trang bị kiến thức nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết liên quan đến việc sinh tồn của con người một cách thực dụng, phần nào xem nhẹ đi những giá trị khác liên quan đến đời sống tinh thần của con người, trong đó có nghệ thuật.

     Giáo dục trên thế giới hướng trọng tâm của mình vào vào 4 sứ mệnh là sự hữu dụng, dân chủ, nghiên cứu khoa học và văn hóa khai phóng (liberal culture), hay văn hóa nhân văn (humanitas), chính yếu tố nhân văn được xem là sự đối kháng của khoa học và tính hữu dụng. Bên cạnh đó cũng là sự biến đổi từ phương pháp dạy học truyền thống (thao giảng, học thuộc lòng) sang phương pháp dạy học tích cực (đàm thoại, trao đổi, thảo luận…), và đây cũng được xem là thành tựu của cách mạng giáo dục ở nhiều nơi, trong thời gian qua. Kết quả là giáo dục góp phần rất lớn trong việc thu hẹp sự kém hiểu biết, khuyến khích con người hành động với lý tính, tạo nên những kỹ năng cho cá nhân để phục vụ xã hội và cho sự phát triển của chính mình.

  1. Giáo dục Mĩ thuật phổ thông

     Có xu hướng cho rằng việc thu thập, nghiên cứu và truyền bá những giá trị trong quá khứ là biểu hiện sự uyên bác của học vấn và là thước đo cho việc đánh giá một cá nhân. Cũng vì vậy, trong chương trình giáo dục nghệ thuật phổ thông hiện nay chú ý nhiều đến quá khứ và trọng điểm giáo dục của nhà trường là lí giải và diễn giảng những sự vật, hiện tượng có tính nghệ thuật đã tồn tại mấy ngàn năm, mà ít chú ý đến việc tao nên năng lực thích ứng với thế giới hiện thực xung quanh, cũng như đáp ứng được sự biến đổi của nghệ thuật trong tương lai. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cũng như việc xuất hiện những trường phái, trào lưu nghệ thuật nhanh chóng mà nhiều khi những hình thức mới xuất hiện mang tính phủ định những giá trị cũ đã làm thay đổi nhiều trong nhận thức về thế giới nghệ thuật. Điều này đã thôi thúc các nhà giáo dục trong lĩnh vực nghệ thuật đối diện với một sự thật là nhiều kiến thức văn hóa nghệ thuật từ Đông sang Tây, được hình thành trong quá khứ dường như đã lỗi thời. Những kiến thức trong sách giáo khoa phổ thông trong lĩnh vực này không còn tính thiết thực, bởi không đề cập hay bàn về những dạng thức thực hành nghệ thuật mới, đang làm hao tổn một cách vô ích tinh lực và thời gian của lớp học sinh trẻ tuổi.

     Để vững bước trong cuộc sống và có cơ sở trong việc chọn lựa nghề nghiệp ở cuối bậc phổ thông, học sinh được quyền và phải cần biết đến những cách thức để nhận biết được những sự đổi thay cơ bản trong thế giới nghệ thuật, và quan trọng hơn là thế hệ trẻ cần được hướng dẫn để tìm hiểu đúng cách về việc lĩnh hội những chân giá trị hơn là việc đưa ra một chuẩn mực bất biến. Trước những yêu cầu này, nhà trường không thể đứng ngoài cuộc mà phải là nơi bắt đầu. Chính vì vậy, giáo dục nghệ thuật rất cần việc xác lập với đầy đủ tri thức của hiện tại, tương lai và đồng hành là phương pháp giảng dạy có tính ứng dụng trong cuộc sống, giúp học sinh có được những hiểu biết nhất định liên quan đến mĩ thuật trong xã hội thực tại, xu thế biến đổi của tương lai. Qua giáo dục nghệ thuật, học sinh cần biết được sự xuất hiện đa dạng của các loại hình mĩ thuật trong xã hội mà các em đang sống. Hay ý nghĩa tích cực của môn học mĩ thuật là nhằm trang bị cho các em những kỹ năng, năng lực thẩm mĩ mà các em thực hiện được những vấn đề liên quan đến môn học, chú trọng hơn đến vai trò của thẩm mỹ trong xã hội và hình thành năng lực thích ứng với tương lai của từng cá nhân. Như vậy, giáo dục nghệ thuật trong lĩnh vực mĩ thuật cần hướng đến ba nhóm đối tượng chính:

     Một là, lấy học sinh làm trung tâm. Đó là toàn bộ quá trình dạy học đều hướng vào nhu cầu, khả năng, lợi ích của học sinh. Quá trình này nhằm phát triển ở học sinh những kĩ năng và năng lực độc lập trong giải quyết các vấn đề đặt ra trong môn mĩ thuật… Vai trò của giáo viên là tạo ra những tình huống để phát triển vấn đề, giúp học sinh nhận biết vấn đề, lập giả thuyết, làm sáng tỏ và thực hành, để từ đó rút ra kết luận. Trong môn mĩ thuật, giáo viên chỉ hướng dẫn cách học sinh sáng tạo, biểu đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ riêng của nghệ thuật thị giác. Trong dạy mĩ thuật, giáo viên không được đưa hình mẫu sẵn để học sinh bắt chiếc, rập khuôn vì điều này dẫn đến thui chột sức sáng tạo của mỗi học sinh.

     Hai là, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ giáo viên dạy mĩ thuật để đáp ứng được sự thay đổi nội dung, phương pháp dạy mĩ thuật tích cực trong bối cảnh hiện nay. Trong thời gian tới, với sự tham gia tích cực của người học vào quá trình học tập tự lực, với sự đề cao sức sáng tạo của mỗi người học thì bản thân mỗi giáo viên phải chủ động hơn nữa trong quá trình dạy mĩ thuật và cần dựa trên năng lực của giáo viên để góp phần vào sự phát triển của các em… Hay có thể hiểu rằng giáo viên dạy mỹ thuật phải là một giáo viên biết giúp đỡ học sinh tiến bộ nhanh chóng, biết hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh khái niệm, đối tượng của môn học, người cố vấn hơn là chỉ đóng vai trò công cụ truyền đạt tri thức.

     Ba là, tài liệu giáo dục và cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động dạy - học mĩ thuật ở nhà trường phổ thông. Điều này là yếu tố cần thiết để hai yếu tố trên được triển khai, thực hiện đáp ứng sự thay đổi trong bối cảnh mới. Tài liệu giáo dục môn mĩ thuật là công cụ để giáo viên và học sinh có căn cứ để thực hiện mục tiêu giáo dục và các yếu tố khác liên quan đến đồ dùng dạy học, không gian tổ chức môn học… góp phần rất lớn để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Bản thân tài liệu giáo dục trong thời gian tới không thể là tài liệu viết theo hướng đóng, có mục đích cung cấp tri thức thuần túy mà phải được biên soạn theo hướng mở, sao cho giúp giáo viên có thể chủ động tổ chức việc dạy - học trên lớp và giúp học sinh mở ra những cách thức chiếm lĩnh, con đường tìm đến và hoàn thiện kiến thức một cách độc lập, đặc biệt từ cấp trung học cơ sở trở lên.

     Chúng tôi đề cập đến những vấn đề này bởi nhận thức coi kiến thức là sự phản ánh khách quan của hiện thực, là một hệ thống ý nghĩa đóng kín, ổn định, có thể đứng bên ngoài để nghiên cứu đã chuyển sang coi kiến thức là sự giải thích hệ thống động, khai mở, và tự thân điều tiết. Việc thay đổi nhận thức về tri thức đã dẫn đến quan điểm về môn học cũng có sự chuyển biến tương ứng: môn học là quá trình của sự phát triển, chứ không phải chỉ là sự chuyển tải hệ thống tri thức đã mặc định. Nội dung của môn học không phải cố định bất biến, mà không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình tiếp cận những tri thức mới, rồi cuối cùng hình thành nội dung nhất thể hóa. Lúc này, nội dung và quá trình thống nhất làm một, nội dung không còn coi thông tin là đặc trưng, mà là nằm trong mối quan hệ giữa bối cảnh của thông tin với ý nghĩa. Quá trình cũng không chỉ lấy “phương pháp” làm đặc trưng, mà phải hướng đến nội dung, không ngừng mở rộng mối quan hệ với nội dung. Môn học là quá trình thầy trò cùng tìm kiếm tri thức. Thầy giáo không còn là đại diện phát ngôn quyền uy về tri thức và không chế toàn diện tổ chức, phát triển môn học, mà xuất hiện nhiều hơn với tư cách là người hướng dẫn, hiệp tác. Học sinh không còn là người tiếp thu tri thức một cách thụ động, mà trở thành người tham gia tích cực vào việc phát triển môn học. Sự tìm kiếm và thể nghiệm của mỗi học sinh được coi trọng và đây mới chính là lấy học sinh làm trung tâm. Quá trình phát triển của môn học có tính khai mở và linh hoạt. Mục tiêu của môn học không còn là sự dự định hoàn toàn (có sẵn), không thay đổi, mà trong quá trình tìm tòi, học tập trực tiếp để điều chỉnh cho phù hợp. Việc tổ chức môn học không còn hạn chế ở giới hạn bài vở, mà phát triển theo phương hướng vượt qua bài vở. Từ chỗ nhấn mạnh sự tích lũy tri thức đến việc phát hiện và sáng tạo tri thức. Thừa nhận và tôn trọng ý kiến của người khác. Không lấy các quan điểm và quan niệm uy quyền khống chế môn học, hướng đến sự dung hòa giữa các quan điểm và quan niệm khác nhau trong cùng một vấn đề. Trong bối cảnh này, học sinh được đánh giá năng lực, thành tích thông qua các môn học không phải bằng trí nhớ mà qua chất lượng tham gia học tập và công tác của học sinh. Những trí nhớ cứng nhắc không phải là những hiểu biết đích thực, đặc biệt không cần thiết trong lĩnh vực sáng tạo như môn mĩ thuật. Trong giáo dục nghệ thuật cần quan tâm tôn trọng và đề cao năng lực tưởng tượng và tố chất sáng tạo của học sinh, cụ thể là lập ra các phương pháp về trình tự sáng tạo nội dung học tập, cùng với chuẩn mực làm căn cứ khi học sinh phân tích và đánh giá nội dung sáng tạo và đó chính là việc học tập theo phương thức “học tập trong thao tác thực tế”. Như vậy, giáo viên không còn là người uy quyền trong việc mang hệ thống kiến thức đã có từ trước chuyển giao cho học sinh, mà là cùng học sinh nghiên cứu để tìm tòi kiến thức. Học sinh không còn là người tiếp thu một cách thụ động những chỉ dẫn của thầy giáo mà là người đối thoại trực tiếp với thế giới khách quan bằng sự hào hứng dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

     Vậy là, nội dung của môn học không còn là hệ thống kiến thức ổn định và bất biến, tuyệt đối khách quan nữa; mục tiêu của môn học cũng không hoàn toàn như dự định trước, mà trở thành quá trình giáo viên và học sinh cùng tìm tòi kiến thức mới. Thông qua các hoạt động học tập, cùng đối chiếu các quan điểm đối với hiện thực, bao gồm cả cách giải thích của bản thân học sinh, của thầy giáo làm cho học sinh đối diện với những quan điểm không thống nhất, từ đó hình thành sự giải thích hiện thực trong quá trình cọ sát, dung hòa các quan điểm. Chính bằng cách làm này mới thúc đẩy quá trình nhận thức, phát hiện ra những đặc tính sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi học sinh. Mục đích của việc này là giúp học sinh đối diện với sự khác biệt và mâu thuẫn, chứ không nằm ở chỗ mang những quan điểm “khoa học” nào đó thay thế cho sự lí giải thế giới của tự thân học sinh, và cũng không chỉ nằm ở chỗ làm học sinh được soi sáng bởi phương thức suy nghĩ nào đó, để từ đấy tìm hiểu và tự cảnh tỉnh trước hệ thống ý nghĩa của mình. Điều quan trọng hơn là ở chỗ dẫn dắt học sinh tìm tòi những ưu điểm và những hạn chế của các phương thức tư duy, mở rộng tầm nhìn, đào sâu suy nghĩ, và từ đó hình thành nên cách lí giải mới trên cơ sở xây dựng thích đáng sự cộng hưởng.

     Như vậy, có thể nhận định rằng, giáo dục mĩ thuật phổ thông sẽ phá vỡ những thói quen cũ của nền giáo dục truyền thống, làm cho lớp học được “mở rộng”; các giáo viên từ chỗ dạy học, hành nghề theo truyền thống, trở thành người hợp tác để chuẩn bị cho học sinh đóng trọn vai trò của mình trong cuộc sống hiện tại, làm cho học sinh có được năng lực, thị hiếu thẩm mĩ phù hợp, chủ động trong việc lựa chọn nghề nghiệp với một tâm thế đầy tự tin, không còn chút mơ hồ, e sợ.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Bá Hoành (2003), “Dạy học lấy người học làm trung tâm - nguồn gốc, bản chất, đặc điểm”, Tạp chí Thông tin khoa học giáo dục, (96), Hà Nội.
  2. Raja Roy Singh (1991), Education for the twenty first century - Asia - Pacific perspectives UNESSCO, Bangkok.
  3. Nguyễn Quốc Toản (2009), Giáo trình mĩ thuật và phương pháp dạy học mĩ thuật, Nxb Đại học Sư phạm.

________________________

[*] ThS, Khoa Công nghệ May, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW