Nội san

Cần có cách nhìn mới khi giảng dạy theo phương pháp dùng phương tiện đa truyền thông - Multimedia

02 Tháng Bảy 2007

CẦN CÓ CÁCH NHÌN MỚI

KHI GIẢNG DẠY  THEO PHƯƠNG PHÁP DÙNG PHƯƠNG TIỆN

ĐA TRUYỀN THÔNG – MULTIMEDIA

 


                                                                                    Đỗ Việt Hùng

                                                                                    Phòng TC - HC

 

Trong năm qua, trường ĐHSP Nghệ thuật TW - nơi đang tích cực trên đường đổi mới và chấp nhận thử thách để biến những giờ học đơn thuần thành những tiết học nghe - nói - nhìn hiện đại mà hiệu quả với sự hỗ trợ hữu hiệu của công cụ máy tính, mạng, hệ thống phương tiện đa truyền thông Multimedia. Một sự đồng lòng, tích cực, nỗ lực của toàn thể cán bộ giảng viên vì mục tiêu phát triển lâu dài của nhà trường.

            Tuy nhiên, một thực tế cần được nhìn nhận khách quan là: tất cả mới đang là bước đầu - phổ biến hoá một phương pháp dạy học mới vốn từ lâu vẫn còn nằm trong ý nghĩ “kỳ thị” của một số giảng viên; nó vẫn còn bị chi phối bởi “sức ì và thói quen của phương thức cổ truyền”.

            Mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề có lẽ chúng ta mới đưa ra được những dự báo, định hướng và mới có được cách nhìn mới trong việc tiếp cận phương pháp, hiện đại hoá phương tiện dạy học - khâu đột phá của nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định “thương hiệu” của nhà trường.

            1. Giảng dạy dùng phương tiện đa truyền thông - không chỉ là hình thức

            Multimedia - phương tiện đa truyền thông, một phương pháp giới thiệu thông tin bằng máy tính, sử dụng nhiều phương tiện truyền tải thông tin như văn bản, đồ họa và âm thanh… và đặc biệt là gây ấn tượng bằng sự tương tác giữa nhiều phương tiện cùng lúc. Những năm gần đây, với sự phát triển, tiến bộ và điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin đã làm thay đổi đáng kể cách nghĩ, cách làm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dạy và học. Ước mơ của người dạy với chiếc Laptop (máy tính xách tay), một chiếc máy chiếu Projector trên bục giảng không còn là chuyện “ghê gớm” như ngày nào. Tất cả đó là điều kiện vừa cần, vừa đủ và đơn giản để người dạy có thể truyền đạt cho người học bằng con đường nhanh và hiệu quả. Do vậy, những người đứng trên bục giảng ở nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau cần biết để khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin, qua đó làm cho những bài giảng hiện đại hướng đến tiêu chí hiệu quả mà không phải là một sự “mầu mè”, “khoe mẽ”, chỉ nổi về mặt hình thức còn nội dung thì không “bật được” như sự mong muốn. Với tầm nhìn của lãnh đạo nhà trường và từ thực tế thời gian gần đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được trang bị đầy đủ thì đó là điều kiện tốt nhất để người giảng viên có thể vươn mình cùng với tầm cao của công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học một cách nhanh chóng, hiệu quả và đúng với xu hướng đổi mới trong giáo dục.

                   

 

2. Phương pháp mới, kỹ thuật mới… xin đừng quen theo nếp cũ

            Đây là một trong những “yếu điểm” mà rất nhiều giảng viên khi chuyển đổi phương pháp giảng dạy sang sử dụng phương tiện đa truyền thông đều mắc phải. Do đó, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng này cần phải có một thái độ mới, tích cực, tự giác và luôn tự vấn mình xem làm cách nào thì tốt hơn; hoặc có thể lấy ý kiến sinh viên cách dạy học như thế có phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện học, làm cho các em có thích thú hay không, vì sao thích và vì sao không? Từ đó rút ra bước đi cần thiết và thích hợp cho mình. Phương pháp mới, kỹ thuật mới khi ứng dụng vào trong dạy học nên lưu ý một số vấn đề như:

Cách soạn bài giảng, cách học, cách chấm thi đòi hỏi phải được thay đổi một cách căn bản khi dùng phương pháp giảng dạy với phương tiện đa truyền thông. Các bài giảng ngày càng phải phong phú hơn về nội dung, sử dụng khối lượng tư liệu tra cứu tại thư viện và trên Internet; cách trình bày bài giảng cần khoa học và ấn tượng. Bài giảng phải được chuẩn bị với mật độ thông tin truyền tải cao đến sinh viên, với các thông tin, hình ảnh phù hợp với các chuyên ngành đặc thù của trường.

 

            Cách học của sinh viên cũng cần phải được thay đổi đáng kể, nhất là cần chuẩn bị một khối lượng kiến thức trước khi tiếp cận vấn đề mà giảng viên sẽ thực hiện trong buổi giảng. Để có được sự chuẩn bị tốt như vậy, đòi hỏi sinh viên phải thường xuyên tiếp cận thông tin với khối lượng lớn, đa dạng các chủ đề liên quan đến từng vấn đề, từng môn học.

            Cách làm bài thi cũng sẽ phải thay đổi theo hướng trắc nghiệm (chủ yếu đối với các môn lý luận) với việc xây dựng ngân hàng đề thi phong phú, không trùng lặp và có độ chính xác cao. Cùng với việc thay đổi phương pháp giảng dạy theo kiểu truyền thống sang phương pháp mới có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, đòi hỏi phải xây dựng một trung tâm tài nguyên thông tin chuyên ngành để tích cực nâng cao chất lượng đào tạo.

3. Cái tâm, sự thức thời của người dạy và ý thức khơi dậy lòng khát khao cháy bỏng muốn nắm bắt nhanh tri thức nhân loại ở người học.

 Trước đây, để minh hoạ nội dung bài giảng, giảng viên chỉ có thể sử dụng lời nói giầu hình tượng và gợi cảm kèm theo những cử chỉ, điệu bộ diễn tả nội tâm hoặc có thêm giáo cụ trực quan hỗ trợ. Ngày nay, giảng viên có nhiều sự lựa chọn (sử dụng Multimedia) để thực hiện bài giảng một cách sinh động, hiệu quả, phát huy tính tích cực của người học. Tất nhiên, không thể tránh khỏi thực trạng có nhiều sinh viên không thể tiếp thu được bài, thậm chí chẳng hiểu thầy đã dạy cái gì, rồi nhiều sinh viên có tư tưởng ỷ lại. Tuy nhiên, những “lỗ hổng” trên chỉ có thể được lấp đầy bằng chính niềm say mê khám phá, sự sẵn sàng để trang bị những ứng dụng mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin của người thầy và được đánh dấu bằng một tiết học hấp dẫn, đầy hứng thú và hiệu quả. Mặc dù vậy, nếu quá ỷ lại và lạm dụng vào sự trợ giúp của phương tiện hiện đại thì cũng dễ “tiệm cận” đến tình trạng thay “đọc - chép” bằng “chiếu - chép”. Vì vậy, chuyển sang phương pháp dùng phương tiện đa truyền thông thì việc kết hợp với sự thuyết trình hấp dẫn, đầy nhiệt huyết của người thầy vẫn là một trong những nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả trong dạy học. Điều này cũng đồng nghĩa với việc: đổi mới phương pháp theo hướng chuyển sang sử dụng phương tiện đa truyền thông - Multimedia không có nghĩa là gạt bỏ, loại trừ, thay thế hoàn toàn phương pháp truyền thống, hay “nhập ngoại” một số phương pháp xa lạ vào quá trình dạy học mà cần phải học hỏi, vận dụng linh hoạt hệ các phương pháp, phương tiện thì mới phát huy được tích tích cực trong người học, qua đó mới khơi dậy lòng khát khao cháy bỏng muốn nắm bắt nhanh tri thức nhân loại ở người học. Và rồi, theo hướng phát triển của giáo dục thì người khẳng định “thương hiệu của thầy cô” không ai khác chính là các em sinh viên.

 Vạn sự khởi đầu nan, chúng ta hãy tin vào một tương lai hoà nhập được với nền giáo dục tiên tiến, mà rất có thể, tất cả những điều ấy được khởi đi từ một góc giảng đường đang ngày càng hiện đại của trường ĐHSP Nghệ thuật TW.