Nội san

Một vài nét về công tác giáo dục thể chất trường đại học sư phạm Quảng Tây Trung Quốc

10 Tháng Chín 2007

MỘT VÀI NÉT VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC THỂ CHẤT

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM QUẢNG TÂY TRUNG QUỐC

 

 TrầnThị Nguyệt Đán

 Khoa KTĐC

 

            Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây - Trung Quốc, nằm tại thành phố Quế Lâm - một thành phố nổi tiếng về du lịch văn hóa với phong cảnh sông nước hữu tình. Trường được thành lập vào năm 1932, là một trường đại học trọng điểm cấp tỉnh mang tính tổng hợp (mặc dù vẫn giữ tên là trường đại học sư phạm theo truyền thống) với 3 cơ sở là Vương thành, Dục tài, Nhạn Sơn với tổng diện tích gần 467 héc- ta.

            Trường có 16 học viện cấp hai (trực thuộc trường), trong đó Học viện Thể dục thể thao (TDTT) là một thành viên. Học viện TDTT gồm 4 khoa, 5 trung tâm giáo dục cộng đồng, 20 trung tâm nghiên cứu trực thuộc học viện. Trường đào tạo 40 chuyên ngành cấp đại học, 55 chuyên ngành thạc sĩ và một số chuyên ngành tiến sĩ.

            Tổng số sinh viên của trường là 40.000, trong đó sinh viên đại học là 16.000, sinh viên theo học tại chức là 20.000, bậc thạc sĩ là 2.000 học viên, lưu học sinh nước ngoài học tập chính quy gần 600 sinh viên.

            Đội ngũ giáo viên của trường rất hùng hậu, trong tổng số hơn 1.000 giáo viên có tới 150 giáo sư và gần 500 phó giáo sư.

            Đại học sư phạm Quảng Tây là trường có nhiều học sinh Việt Nam theo học nhất trong số các trường đại học Trung Quốc với gần 500 sinh viên. Những năm 50- 60 TK XX, chính phủ hai nước Việt Trung đã trao đổi ý kiến, quyết định xây dựng trường Dục tài Việt Nam (tên Việt Nam là trường thiếu nhi Việt Nam) tại cơ sở Dục tài, giúp đỡ Việt Nam bồi dưỡng, đào tạo hàng ngàn con em các cán bộ cách mạng. Trong số họ có 5 đồng chí đã trở thành những vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước Việt Nam, nhiều đồng chí nay đang đảm nhiệm các vị trí, chức vụ cao, một số người đã trở thành tướng lĩnh cao cấp trong quân đội, không ít người đã trở thành chuyên gia, học giả nổi tiếng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước Việt Nam.

            Năm 1950 đến 1970 nền giáo dục ở Trung Quốc cũng như Việt Nam đều ảnh hưởng của nền giáo dục Liên Xô. Việc giảng dạy giáo dục thể chất chủ yếu dạy kỹ thuật, ít quan tâm đến những môn lý luận khác.

            Từ năm 1980 đến 1990 giáo dục của Trung Quốc ảnh hưởng nhiều hơn bởi giáo dục phương tây (về nội dung, chương trình) thể hiện ở việc bổ sung thêm một số lĩnh vực mới, với mục đích: tăng cường tính toàn diện trong học sinh.

            Từ năm 1990 trở lại đây, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thể dục thể thao đã tìm hiểu nhu cầu của xã hội về cuộc sống, ý thức tập thể… đây chính là động cơ để cải cách.

            Năm 2003, nền giáo dục Trung Quốc nói chung, Giáo dục thể chất nói riêng đã có những cải cách lớn:

            Về phương pháp giảng dạy:

             - Đề cao vai trò tự học của sinh viên, giáo viên lên lớp rất ít, khi lên lớp, giáo viên chỉ giảng giải những vấn đề mà người học nêu câu hỏi. Sinh viên phải biết làm kế hoạch, biết soạn giáo án, họ phải có nhữmg bài tập mang tính sáng tạo.

            Sinh viên đi thực tế để quan sát những trường ngoài, viết kế hoạch, thực hiện soạn giáo án. Giáo viên lựa chọn những giáo án mẫu và những giáo án không đạt yêu cầu đều tổ chức cho sinh viên lên lớp rút kinh nghiệm, bổ sung cho nhau. Để nâng cao khả năng nghiệp vụ cho sinh viên, nhà trường mời các giáo viên có tay nghề cao ở phổ thông về trường phụ trách hướng dẫn sinh viên và có thể mời thỉnh giảng một số giờ, với mục đích giúp người học ngoài những vấn đề học tập trong trường thì họ có kiến thức từ thực tế để học tập tốt hơn khi còn ngồi trong ghế nhà trường.

           

            Về phương thức đào tạo:

            Giáo dục thể chất cho các ngành học không chuyên được tiến hành từ năm thứ nhất cho đến khi ra trường (số tiết học chiếm tương đối nhiều). Chương trình giảng dạy được chia làm hai giai đoạn:

            + Giai đoạn 1: Học những môn học mang tính cơ bản( bắt buộc) như: Điền kinh, Thể dục…

            + Giai đoạn 2: Học theo nguyện vọng.

            Sinh viên, huấn luyện viên, vận động viên ngoài chương trình đào tạo theo chuyên ngành học, họ còn được học một số môn khác như: Âm nhạc, Mỹ thuật và những môn mang tính xã hội nhân văn, với mục đích tăng cường tính toàn diện.

            Học viện Thể dục thể thao của trường, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học… còn là nơi đào tạo, huấn luyện vận động viên. Họ thành lập các câu lạc bộ để thi đấu trong và ngoài nước, là nguồn cung cấp vận động viên cho đội tuyển Quốc gia.

            Điều đặc biệt trong chương trình đào tạo Giáo dục thể chất cũng như huấn luyện thể thao, Y học thể dục thể thao là một môn học mang tính bắt buộc. Mọi đối tượng khi tham gia học và tập luyện TDTT đều phải biết sơ cứu, cấp cứu một số những chấn thương thường gặp trong tập luyện như: ngất, xuất huyết, vấn đề cầm máu, chảy máu cam và chấn thương ở các khớp. Cấp cứu những loại chấn thương này chủ yếu dùng phương pháp mát xa (day, bấm huyệt).

            Qua cách thức tổ chức hoạt động dạy học môn Giáo dục thể chất của trường Đại học sư phạm Quảng Tây - Trung Quốc, trường chúng ta, những người là công tác giáo dục thể chất cho sinh viên cần nghiên cứu, tham khảo những vấn đề sau:

            + Đề cao vai trò tự học của sinh viên, năng lực nghề, luôn kết hợp những kiến thức ở trường và thực tế bên ngoài để tổng hợp.

            + Tăng cường tính toàn diện trong học sinh, ngoài những kiến thức chuyên ngành, người học phải có sự hiểu biết sâu về xã hội, khả năng hùng biện.

            + Sau khi hoàn thành những kiến thức cơ bản mang tính bắt buộc ở giai đoạn 1, sinh viên được học theo nguyện vọng ở giai đoạn 2.

            + Học sinh không chuyên cần được trang bị những kiến thức tối thiểu về y học thể dục thể thao để có thể sơ và cấp cứu những chấn thương thường gặp trong cuộc sống nói chung và tập luyện thể dục thể thao nói riêng.