Nội san

Sinh viên học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ

10 Tháng Chín 2007

SINH VIÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO

TƯ TƯỞNG, TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC BÁC HỒ

(Bài nói chuyện với sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong Tuần sinh hoạt CD-HSSV đầu năm học 2007- 2008)

 

                                                   Nguyễn Anh Tuấn

                                                   Khoa KTĐC

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Cả cuộc đời người đã hi sinh cho dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Người quan tâm sâu sắc tới giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, cho thanh niên, học sinh. Người nêu cao tư tưởng đạo dức là gốc, là nền tảng của xã hội, là nền tảng của con người, cũng giống như gốc của ngọn cây, ngọn nguồn của sông suối. Người đã viết 'Cũng như sông, có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.. Người còn coi đạo đức cách mạng là thước đo lòng cao thượng của con người. Mỗi người có mỗi công việc, tài năng, vị trí khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng.

Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ không lùi bước, khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ tinh thần khiêm tốn, 'lo trước thiên hạ', 'vui sau thiên hạ', không kèn cựa, công thần, quan liêu, kiêu ngạo vv.. Người có đạo đức cách mạng là người luôn luôn ra sức làm việc cho nước, cho dân, cho Đảng. Vì Đảng vì dân mà ra sức học tập văn hoá, khoa học, toàn tâm, toàn ý phục vụ con người vv..

Tư tưởng sáng ngời của Bác Hồ về đạo đức cho mỗi chúng ta hiểu rõ những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam để chúng ta không ngừng rèn luyện tu dưỡng, thực hiện lời dạy của người: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; biết yêu thương quý trọng con người và có tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả.

' Trung''Hiếu' vốn là những khái niệm đạo đức truyền thống, và ngày nay mang một nội dung mới có ý nghĩa cách mạng là 'Trung với nước', 'Hiếu với dân'. “Nghĩa” là trong mối quan hệ giữa các cá nhân với cộng đồng xã hội phải biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của Cách mạng lên trên hết; phải tin vào sức mạnh của nhân dân, khiêm tốn học hỏi, lắng nghe ý kiến và luôn luôn chăm lo đến đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, hết lòng phục vụ lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư ngày nay cũng chứa đựng nội dung mới, là biểu hiện sinh động của phẩm chất 'Trung với nước, hiếu với dân'.

Bác đã ví:

'Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính

Thiếu một mùa, thì không thành trời

Thiếu một phương, thì không thành đất

Thiếu một đức, thì không thành người'

Chí công vô tư là không nghĩ đến mình trước, mà nghĩ đến lợi ích của tổ quốc, của đồng bào, của Đảng, của cách mạng trước. Thực hành chí công vô tư cũng có nghĩa là phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Tư tưởng của Bác là sự thống nhất, hoà quyện giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Bác không những thương yêu dân tộc mình mà thương yêu tất cả các dân tộc, nhân dân các nước, chống lại sự áp bức bất bình đẳng dân tộc và phân biệt chủng tộc.

Cả cuộc đời Bác mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, lý tưởng 'không có gì quý hơn độc lập, tự do'. Lời Bác nay còn vang mãi trong chúng ta: 'Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành'. Đó là tiếng nói từ một trái tim, khối óc vĩ đại, bao trùm nhân thế:

'Ôi phải chi lòng được thảnh thơi

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Bác thương yêu con người với một tình cảm sâu sắc, vừa bao la rộng lớn, vừa gần gũi thân thương, dành tất cả lòng hiền từ ấm áp cho đồng bào, con cháu, già, trẻ, gái, trai, miền Bắc, miền Nam, miền xuôi, miền ngược:

'Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già”

Bác vĩ đại mà bình dị, cao cả mà gần gũi, khiêm tốn và trong sáng biết nhường nào:

'Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn'

Lúc ra đi Bác còn để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Bác luôn muốn quan tâm, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, coi đó là việc rất quan trọng, rất cần thiết: 'Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Đối với học sinh, sinh viên, Bác luôn coi trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng: 'Biết yêu Tổ quốc, yêu Chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động, thật thà dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ tổ quốc'. Mỗi thanh niên học sinh, sinh viên luôn nhớ lời Bác: 'Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Để có được phẩm chất tốt đẹp đó, mỗi chúng ta ra sức tu dưỡng rèn luyện đạo đức suốt đời, nói đi đôi với làm, tự mình thực hành và nêu gương đạo đức, xây dựng đạo đức mới kết hợp với đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực biểu hiện phi đạo đức.

Sự phấn đấu rèn luyện đó các em cần thể hiện bằng những hành động hàng ngày, để trở thành người công dân - học sinh, sinh viên tốt, xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, mang ngọn cờ cách mạng của Bác đến đích cuối cùng. Làm cho đất nước chúng ta trở nên “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh'. Làm cho Việt Nam bước lên đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu như lòng mong đợi của Bác.

Ghi tạc công lao to lớn, tình cảm sâu nặng của Bác, thầy trò chúng ta ra sức phấn đấu dạy tốt - học tốt, nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.