Nội san

Nâng cao chất lượng dạy học Âm nhạc cho hệ trung cấp Sư phạm Mầm non

17 Tháng Bảy 2018

Vũ Văn Đoán [*]

       Giáo dục Mầm non là bậc học đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng cho sự phát triển nhân cách của trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho trẻ bước vào giáo dục phổ thông. Đối với trẻ, âm nhạc là thế giới kì diệu đầy cảm xúc, trẻ có thể tiếp nhận âm nhạc ngay từ khi còn nằm trong nôi. Trẻ mầm non dễ xúc cảm, vốn ngây thơ, trong sáng, nên tiếp xúc với âm nhạc là nhu cầu không thể thiếu.

       Trong chương trình chính khóa hệ trung cấp Sư phạm Mầm non, học sinh được học ba phân môn âm nhạc mầm non là: Lý thuyết âm nhạc cơ bản; Phương pháp giáo dục âm nhạc và Đàn phím điện tử (Electronic Keyboard). Trong đó môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản được giới thiệu sơ lược, đơn giản qua các định nghĩa, khái niệm của âm nhạc, học sinh không được học kỹ và trình tự như học âm nhạc chuyên nghiệp. Phân môn Đàn phím điện tử - học sinh được giới thiệu về đàn, luyện ngón và luyện tập thực hành trên đàn một số bài hát cho trẻ mầm non.

       Hiện nay, chúng tôi thấy việc dạy học âm nhạc ở trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội vẫn có những hạn chế về phương pháp dạy học như nặng về áp đặt, thiếu sáng tạo, ít chú ý đến phát huy năng lực sáng tạo, chương trình dạy học môn Âm nhạc cộng với giáo trình chưa đồng nhất dẫn tới chiều sâu và chất lượng chưa cao. Do vậy, nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc cho hệ Trung cấp Sư phạm Mầm non với mong muốntìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc.

1. Đổi mới phương pháp dạy học Lý thuyết Âm nhạc cơ bản

       Hệ thống các phương pháp dạy học hiện đại rất đa dạng và phong phú. Trong phạm vi và giới hạn, chúng tôi chú trọng vào việc tìm tòi một vài phương pháp tiêu biểu để đáp ứng thực tiễn dạy học Lý thuyết âm nhạc cơ bản cho học sinh trung cấp Sư phạm Mầm non trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội. Trong đó tập trung ở hai vấn đề liên quan đến phương pháp thực hành - luyện tập và phương pháp trực quan. Hoạt động thực hành - luyện tập là một trong những tiêu chí hàng đầu với môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản.

       Đối với giáo sinh mầm non, Lý thuyết âm nhạc cơ bản cần phải nắm chắc, nhất là về tiết tấu, nhịp, phách bởi nó bổ trợ học các môn chuyên ngành âm nhạc. Vì vậy cần tăng cường thời gian làm bài tập thực hành, ôn luyện trong và ngoài tiết học, ngoài ra còn phải quan tâm đến việc đa dạng hóa các hình thức bài tập thực hành để phát huy tính chủ động của học sinh, giúp các em tri giác nhanh và dần dần đi đến sáng tạo trong học tập.

       Trong dạy học âm nhạc, âm thanh vô cùng trừu tượng, yêu cầu trực quan là tối cần thiết, các phương tiện đồ dùng dạy học như nhạc cụ, máy nghe, băng hình, đĩa nhạc là những giáo cụ trực quan vô cùng sinh động và quan trọng.

2. Đổi mới phương pháp dạy học Thực hành ca hát mầm non

       Để học sinh chuyên ngành Giáo dục Mầm non có thể hát tốt được các bài hát trong chương trình đào tạo, thì giáo viên dạy hát nên áp dụng một số kỹ thuật thanh nhạc cơ bản. Cách hát bài hát mầm non tươi vui, nhí nhảnh, thỏ thẻ nên sử dụng nhiều kỹ thuật hát liền tiếng, nảy/ngắt tiếng, kỹ thuật hát to, nhỏ vận dụng luyện thanh theo thang 5 âm.

       Với mục tiêu tạo một sân chơi lành mạnh, hình thành các kỹ năng cơ bản và cần thiết cho Thực hành ca hát. Đặc thù của các môn nghệ thuật này đều trực tiếp ít nhiều liên quan đến hoạt động biểu diễn, qua đó các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng biểu diễn trước đám đông. Thực tế cho thấy, hoạt động này thường được hưởng ứng rất cao, chúng ta nên tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau để tạo cho các em một sân chơi thiết thực.

       Để tạo nên phong trào chung cho cả lớp học, các giáo viên nên tổ chức nhiều cuộc thi biểu diễn ca hát ngay tại lớp cho các em giống như một chương trình văn nghệ, cho học sinh đóng các vai: ca sĩ, nhóm hát… Giáo viên có thể tự chuẩn bị phần thưởng cho những học sinh đạt giải. Từ đó, các em sẽ rất hào hứng, mạnh dạn, tự tin tham gia vào các hoạt động âm nhạc, thích biểu diễn và say mê với âm nhạc.

       Tổ chức giao lưu giữa các lớp trong trường: Hoạt động giao lưu giữa các lớp với nhau là hoạt động bổ ích giúp học sinh tự tin hơn, tạo dựng các mối quan hệ rộng hơn, đời sống tinh thần thêm phong phú và hướng các em tới các hoạt động tập thể lành mạnh. Hoạt động này không những là sân chơi để các em rèn luyện kỹ năng biểu diễn mà còn là nhân tố thúc đẩy ý thức tự tập luyện của học sinh. Nên khuyến khích học sinh tham gia giao lưu, tránh tình trạng tập trung vào nhóm những em học khá. Từ đó, tạo nên cho các em có được tinh thần thoải mái, tự tin thể hiện hết khả năng của mình khi biểu diễn.

       Sự cảm thụ tích cực của học sinh với âm nhạc không chỉ ở việc các em có thể thể hiện những bài hát được thầy cô dạy mà còn giúp học sinh cảm nhận được cái hay cái đẹp trong âm nhạc, hình thành trí nhớ, tư duy. Tất cả các hình thức biểu diễn tác phẩm âm nhạc như biểu diễn kết hợp trò chơi, vận động theo nhạc đều tạo cho các em những hứng thú nhất định và nếu biểu diễn thành công sẽ có giá trị giáo dục sâu sắc. Đặc biệt, hoạt động biểu diễn âm nhạc giúp nhiều học sinh mạnh dạn, tự tin trước đám đông, các em sẽ thích tham gia biểu diễn trong những ngày lễ hội, thích được nghe và chơi nhạc. Bên cạnh đó, giúp học sinh từng bước cảm nhận và biết đánh giá âm nhạc cũng như số lượng tác phẩm mà các em được nghe, được học, hình thành những cơ sở đầu tiên cho thị hiếu âm nhạc.

3. Đổi mới phương pháp dạy học Đàn phím điện tử

       Như chúng ta đã biết, chạy gam là việc cần thiết cho người học, đây là bước đầu tiên của người chơi đàn, vì thế người học phải chú ý những chi tiết khi luyện tập: thả lỏng cơ thể khi đánh đàn, tập chậm để luyện nhấc ngón tay và bấm phím đàn bằng đầu ngón tay. Khi học, giáo viên cần hướng dẫn các em thả lỏng bàn tay, cách để tay, cách dùng cổ tay, có thể cho tập các gam trưởng và thứ hoà thanh đơn giản trong một quãng tám với nhiều loại tiết tấu như: nốt đen, nốt móc đơn, móc giật, chùm ba đơn... Hay luyện với cách đánh tay trái chơi hợp âm, tay phải chạy gam liền bậc và ngược lại.

       Trong quá giảng dạy nhất là với những đối tượng mới học, giáo viên cần chú ý, quan tâm đến việc luyện ngón của từng học sinh. Những bài tập luyện ngón sẽ giúp cho các em bổ sung được những kỹ năng cơ bản, cần thiết khi chơi đàn, đánh giá đúng tính chất tác phẩm. Bên cạnh đó, giáo viên cần bổ sung những bài tập làm tăng sự khéo léo, tính độc lập của ngón tay, cùng sự mềm mại của cổ tay. Tất cả những đặc điểm này không thể thiếu được trong việc chơi đàn và xử lý tác phẩm.

       Có thể nói, tùy vào từng đối tượng học sinh, giáo viên sẽ cho các dạng tiết tấu phù hợp để các em thực hành. Đây là những bước hết sức quan trọng trong quá trình vỡ bài mới đối với tất cả những người học âm nhạc nói chung. Khi biện pháp này được thực hiện một cách cụ thể và rõ ràng thì các em sẽ khắc phục được những chỗ sai và hoàn thành được tác phẩm tốt hơn.

       Nội dung trong chương trình dạy học môn Âm nhạc có nhiều nội dung xen kẽ trong quá trình giảng dạy. Vì thế, khi tiến hành đòi hỏi giáo viên phải đưa ra những nội dung cần thiết, sát hợp với chương trình, đi thẳng vào trọng tâm của bài dạy, tránh những nội dung lan man, không phù hợp với người học. Giáo viên cần sắp xếp các nội dung theo trình tự tiến hành giảng dạy, những nội dung cần bổ sung hay đổi mới cũng cần được tham khảo kĩ lưỡng, có hệ thống kiến thức đầy đủ cho chương trình môn học âm nhạc.

       Đối với đối tượng học sinh trung cấp Sư phạm Mầm non khả năng tiếp thu những kiến thức về các phân môn của âm nhạc còn nhiều hạn chế. Do vậy cần phân bổ thời gian cho phù hợp ở từng bài, từng chương, với nội dung học quan trọng cần nhấn mạnh những phần trọng tâm sát với nhu cầu của đối tượng học. Chỉnh sửa nội dung chương trình có hệ thống giúp cho học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách thuận lợi nhất đồng thời giúp các em dễ học, dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Sử dụng những mẫu ví dụ, những bài tập để rèn luyện phổ biến trích trong các phần lý thuyết có liên quan. Tăng cường thời gian thực hành làm bài tập nhiều hơn nhằm vừa dạy vừa củng cố sao cho các em nắm được kiến thức một cách có hệ thống từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và chú trọng thực tế nội dung học tập có liên quan đến chuyên ngành để hình thành những kỹ năng cơ bản bổ trợ cho các em học chuyên ngành của mình được thuận lợi hơn.

4. Kết luận

       Xuất phát thực tiễn hoạt động giảng dạy môn âm nhạc, với mong muốn đưa ra một số giải pháp cụ thể trong việc nâng cao năng lực dạy học môn âm nhạc cho thầy và trò tại trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội. Từ những giải pháp mang tầm quản lý như xây dựng chương trình, giáo trình tài liệu giảng dạy, tổ chức các hoạt động nghệ thuật, tham gia các hoạt động văn hóa của xã hội, cơ sở vật chất… đến những giải pháp có thể thực hiện được ở mức độ vi mô như phương pháp dạy học cá nhân, phương pháp dạy học theo nhóm... 

       Với mong muốn bổ sung thêm những mảng kiến thức còn thiếu, từng bước thay đổi những bài tập thực hành đã không còn phù hợp trong giai đoạn mới. Hy vọng những tài liệu được bổ sung sẽ giúp ích cho giáo viên có thêm nhiều lựa chọn trong việc luyện tập, nghiên cứu, học tập. Đồng thời cũng giúp cho học sinh có thêm những hoạt động tinh thần, thực hành hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn âm nhạc trong trường mầm non nói chung.

Tài liệu tham khảo

1. Dương Viết Á, Đức Trịnh (2000), Tổ chức dàn dựng chương trình biểu diễn ở cơ sở, Trường CĐVHNT Quân đội, Hà Nội.
2. Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lý học nhân cách, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2000),  Âm nhạc và phương pháp dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Tâm lý lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
6. Phạm Thị Châu – Nguyễn Thị Oanh – Nguyễn Thị Sinh (2000), Giáo dục học mầm non, Nxb ĐHQG  Hà Nội.
7. Hồ Ngọc Đại (1983), Tâm lý học dạy học, Nxb giáo dục, Hà Nội.
8. Phạm Thị Hòa (2008), Giáo dục âm nhạc tập II, Nxb Đại học Sư phạm.
9. Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
10. Lê Văn Hồng (1997), Tâm lý học lứa tuổi, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
11. Phạm Tú Hương (2001), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

  ------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc