Nội san

Tọa đàm về giáo dục mỹ thuật

28 Tháng Mười Một 2007

 

TOẠ ĐÀM VỀ GIÁO DỤC MỸ THUẬT

 


 

 

Trong không khí phấn khởi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 và chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngày 21 tháng 11 năm 2007 tại phòng triển lãm của trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Chi hội hội hoạ 2 Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương tổ chức “Toạ đàm về Giáo dục mỹ thuật”. Đến dự buổi toạ đàm, về phía Hội Mỹ thuật có hoạ sĩ Bằng Lâm, phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nhà phê bình Mỹ thuật Lê Quốc Bảo uỷ viên Hội đồng nghệ thuật. Về phía nhà trường có nhà giáo Vũ Văn Hậu, phó Bí thư Đảng ủy, phó Hiệu trưởng nhà trường; Thạc sĩ Trịnh Hoài Thu, Trưởng phòng NCKH và Hợp tác quốc tế, các đồng chí trong ban chấp hành chi hội Hội hoạ 2, các đồng chí là giảng viên của khoa Sư phạm Mỹ thuật và các tác giả có tranh tham dự triển lãm của 6 trường Đại học, Cao đẳng.

            Cuộc toạ đàm diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở với tinh thần trách nhiệm cao của các họa sĩ đồng thời cũng là các giảng viên trực tiếp đứng lớp. Bốn vấn đề chính được thảo luận trong cuộc tọa đàm là: đánh giá về chất lượng nghệ thuật của triển lãm; mối quan hệ trong sáng tác nghệ thuật và đào tạo; vấn đề NCKH ở các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo nghệ thuật; phương hướng, hoạt động của chi hội hội họa 2 trong thời gian tới.

 

      

 

            Đánh giá về chất lượng nghệ thuật của triển lãm, hoạ sĩ Bằng Lâm, phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam đã khẳng định đây là một triển lãm đẹp, các tác phẩm được trưng bày có chất lượng nghệ thuật. Nội dung và hình thức thể hiện đa dạng, phong phú đã chứng minh được trình độ và tâm huyết của các nhà giáo - nghệ sĩ. So sánh với các cuộc triển lãm trong khuôn khổ của Chi hội Hội hoạ 2 trước đây, người xem đã thấy sự bứt phá trong quan niệm sáng tác cũng như cách tìm tòi, trăn trở của các tác giả đối với hiện thực cuộc sống cũng như xu thế hội nhập của Mỹ thuật nước nhà. Họa sĩ Bằng Lâm cũng ghi nhận sự thành công của triển lãm còn có sự ủng hộ, giúp đỡ về tinh thần cũng như tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất của Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

 

      

 

            Thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường, đồng chí Vũ Văn Hậu hoan nghênh sự tham gia nhiệt tình của các nhà giáo - hoạ sĩ, cảm ơn Hội Mỹ thuật và chi hội Hội hoạ 2 đã tổ chức triển lãm này và coi đây là dịp để các giảng viên của trường công bố các sáng tác mới của mình trước công chúng, đặc biệt là với sinh viên. Ngoài ra mỗi kỳ triển lãm là một lần các hoạ sĩ làm công tác giảng dạy được giao lưu, trao đổi về quan niệm sáng tác cũng như nghiệp vụ sư phạm với giảng viên các trường đào tạo mỹ thuật. Với tình cảm và trách nhiệm của nhà trường, Ban Giám hiệu đã làm hết sức mình, dành những gì tốt nhất về cơ sở vật chất hiện có để tạo điều kiện cho giảng viên sáng tác, công bố các tác phẩm đến với công chúng. Bởi lẽ mỗi tác phẩm của người thầy sẽ là trực quan sinh động nhất đối với sinh viên. 

            Trong xu thế đổi mới về giáo dục đại học hiện nay, nâng cao trình độ giảng dạy của các giảng viên là một yêu cầu cấp bách. Việc tổ chức thường xuyên các cuộc triển lãm và tạo điều kiện để các giảng viên công bố tác phẩm của mình là một trong những mục tiêu của lãnh đạo nhà trường đặt ra. Thông qua đó, sinh viên sẽ hiểu hơn về các kiến thức mà người thầy đã trang bị cho mình, ngược lại giảng viên có thể giao lưu, hiểu sinh viên mình hơn. Trên hết, quan niệm sáng tác và hiệu quả của tác phẩm sẽ là những minh chứng sinh động của giảng viên đối với sinh viên.

            Họa sĩ nhà giáo Phạm Viết Hồng Lam, người có gần 30 năm trực tiếp giảng dạy tại trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương đã tham gia thảo luận về mối quan hệ giữa sáng tác nghệ thuật và công tác đào tạo. Ông cho rằng đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề đào tạo nghệ thuật trong các trường sư phạm, nhất là công tác biên soạn giáo trình. Việc nhìn nhận, đánh giá và giảng dạy chuyên môn ở các trường sư phạm phải được nghiên cứu và bàn soạn một cách cẩn trọng. Dạy cái gì, dạy thế nào đối với sinh viên sư phạm mỹ thuật. Thực trạng cho thấy nếu không có những tầm nhìn chiến lược thì vấn đề đào tạo nghệ thuật trong các trường sư phạm sẽ là bản sao thu nhỏ của các trường nghệ thuật chuyên biệt. Đó không phải là mục tiêu mà các trường trong khối sư phạm nghệ thuật đang hướng tới.

 

      

 

            Nhà giáo Phạm Xuân Thảo giảng viên của trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Hoạ Trung ương năm nay đã 78 tuổi. Người đã tham gia giảng dạy từ khoá I đã xúc động khi chứng kiến thành tựu gần 40 năm phát triển với những thăng trầm của nhà trường đã nêu vấn đề quan hệ giữa sáng tác và giảng dạy. Vậy có gì khác nhau? Thực tế cho thấy các giảng viên hầu hết được đào tạo từ 2 trường cơ bản là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Nhạc viện Hà Nội. Bản chất chương trình đào tạo của 2 trường trên là đào tạo các nghệ sĩ. Như vậy các nghệ sĩ mang những kiến thức đã được học lại đào tạo các giáo viên. Ở đây sẽ có những mặt lợi, đó là những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về mỗi lĩnh vực nhưng cũng có phần hạn chế về kiến thức sư phạm bởi mực tiêu của các trường trong khối sư phạm hiện nay là đào tạo giáo viên giảng dạy nghệ thuật chứ không phải là đào tạo nghệ sĩ.

            Nhà lý luận phê bình Lê Quốc Bảo lại cho rằng: thực chất không nghệ sĩ nào thành danh mà chỉ có học ở trường ra. Cũng như ở 2 trường Mỹ thuật và Âm nhạc chỉ trang bị một số kiến thức và kỹ năng cơ bản, còn việc có trở thành nghệ sĩ hay không tuỳ thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng và trải nghiệm của từng cá nhân. Ông đã tổng kết: hầu hết những nghệ sĩ đã thành danh, những nghệ sĩ đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Quốc gia đều là những nhà giáo. Như vậy vấn đề ở chỗ sáng tác và giảng dạy tuy là 2 lĩnh vực khác nhau nhưng lại có mối liên quan mật thiết. Một người sáng tác giỏi chưa chắc đã phải là một nhà sư phạm giỏi nhưng nhà giáo giỏi phần lớn lại là những nghệ sĩ giỏi.

            Trở lại với triển lãm lần này, ông đưa ra đề nghị nhà trường nên tổ chức những buổi giao lưu giữa các tác giả, các thầy cô với sinh viên để sinh viên hiểu thêm về kiến thức chuyên môn. Không có ai nói về tác phẩm chính xác hơn các tác giả đã sáng tạo ra nó. Việc sinh viên được các thầy, cô phân tích ngay tác phẩm của mình sẽ là những những giờ học ngoại khoá bổ ích nhất. 

Hoạ sĩ Lê Văn Thìn (Viện Đại học mở Hà Nội) đã chia sẻ về “chất sư phạm” trong các sáng tác: Chúng ta không nên nhìn nhận tác phẩm nghệ thuật mang tính sư phạm bởi vì trong sáng tác nghệ thuật, cảm xúc và sự vững vàng trong việc làm chủ chất liệu là yếu tố chủ đạo và đó là thành tố chính để làm nên giá trị của tác phẩm. Mà khi đã là cảm xúc thì không có “cảm xúc sư phạm”. Khi tác phẩm đến với công chúng thì chính bản thân tác phẩm sẽ đối thoại với công chúng, không cần có bản khai lý lịch rằng “tác phẩm tôi” là con đẻ của nhà sư phạm. Như vậy việc đặt vấn đề trong sáng tác mỹ thuật chỉ là đẹp hay xấu thôi và chúng ta nên nhìn nhận việc đánh giá tác phẩm nghệ thuật theo tiêu chí và quy luật của cái đẹp.

Vấn đề NCKH ở các trường đào tạo nghệ thuật được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hậu đã khẳng định: Ngày nay đối với giáo dục đại học NCKH là nhiệm vụ quan trọng đứng thứ hai trong 5 nhiệm vụ của giảng viên các trường đại học. Sau khi lắng nghe các ý kiến của giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật và các trường khác, ông thông cảm với trăn trở của các giảng viên. Việc mỗi năm có một đề tài NCKH đối với các hoạ sĩ chuyên cầm bút vẽ quả là công việc chẳng dễ dàng chút nào. Vấn đề ở đây đặt ra là có nên nhất thiết phải là công trình khoa học được nghiên cứu và viết mỗi đề tài vài chục trang giấy hay không.

            Thạc sĩ, giảng viên Nguyễn Thị Nhung (khoa Sư phạm Mỹ thuật) cho rằng với các trường đào tạo nghệ thuật như hiện nay thì không nhất thiết phải là những công trình nghiên cứu mà những bài viết, bài báo hay một bộ sản phẩm giáo cụ trực quan mang tính khoa học cũng nên coi là một sản phẩm NCKH. Không chỉ riêng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW mà ở các trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Cao đẳng sư phạm Hà Nội các giảng viên cũng quan tâm tới việc đánh giá thế nào là một công trình NCKH. Nhà giáo Phạm Viết Hồng Lam có đưa ra ý kiến: Hội Mỹ thuật hằng năm có triển lãm Mỹ thuật khu vực, triển lãm toàn quốc, triển lãm quốc tế… Vậy những tác giả được chọn trưng bày, chọn giải của Hội Mỹ thuật nên chăng Hội đồng khoa học các trường nhìn nhận đó là những sản phẩm thay thế thời gian công tác NCKH của cá nhân đó? Là người từng sáng tác và từng nhận giải thưởng, ông coi công sức tìm tòi trong sáng tác để được chọn trưng bày, chọn giải là vô cùng vất vả và mất nhiều thời gian, từ cách đặt vấn đề trong nội dung tư tưởng đến phác thảo rồi thể hiện… Ông khẳng định tác phẩm đó xứng đáng được quy đổi thành thời gian NCKH trong năm mà mỗi giảng viên cần thực hiện.

            Thạc sĩ giảng viên Đặng Xuân Cường (khoa Sư phạm Mỹ thuật) đồng tình với hoạ sĩ Phạm Viết Hồng Lam và nêu ý kiến: Các trường nên tham khảo Hội Mỹ thuật, Hội đồng nghệ thuật và đề nghị BCH Hội tư vấn việc này. Nếu được chấp thuận thì đây cũng là một hình thức tạo điều kiện khuyến khích các giảng viên tham gia sáng tác nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo.

            Với trách nhiệm là trung ương Hội chuyên ngành, phó Chủ tịch thường trực Bằng Lâm ghi nhận ý kiến và sẽ nghiên cứu bàn bạc trong BCH Hội để có thể làm cơ quan tư vấn cho các trường về việc này.

            Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến về phương hướng, hoạt động của chi hội Hội hoạ 2. Thạc sĩ, Giảng viên Đinh Tiến Hiếu (khoa Sư phạm Mỹ thuật) nhận xét: Để triển lãm các năm tới của chi hội thực sự có kết quả và thu hút được nhiều tác phẩm đẹp của nhiều trường tham gia, về mặt tổ chức thực hiện cần rút kinh nghiệm. Trước hết các đồng chí trong BCH chi hội cần trao đổi, tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo các trường tham gia. Qua nhiều lần triển lãm cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo các trường cũng là động lực để các giảng viên gửi tác phẩm tham dự. Ban tổ chức, Hội Mỹ thuật nên trao giấy chứng nhận tham gia triển lãm. Mỗi cuộc triển lãm trong khuôn khổ của chi hội, cần chấm giải nhằm đánh giá tác phẩm có chất lượng. Giá trị của giải không nhất thiết phải cao nhưng đây cũng là sự động viên khích lệ các hoạ sĩ. Xét về mặt nào đó thì việc trao giải thưởng cũng phần nào định hướng sáng tác cho các nghệ sĩ trong bối cảnh hội nhập Mỹ thuật ngày nay.

Thay mặt BCH chi hội Hội hoạ 2, hoạ sĩ Giang Văn Khích đã cám ơn các đại biểu, các giảng viên hoạ sĩ đã góp ý chân thành, nghiêm túc những nội dung chính buổi tọa đàm đã đề cập. hoạ sĩ mong muốn lãnh đạo các trường ủng hộ về tinh thần và vật chất, các tác giả tham gia nhiệt tình hơn nữa để triển lãm lần sau hội tụ nhiều tác phẩm đẹp, có giá trị và nó thực sự trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ trao đổi không những về chuyên môn mà còn là vấn đề đào tạo Sư phạm Nghệ thuật.

 

                                                        Đinh Tiến Hiếu

                                               Khoa Sư phạm Mỹ thuật