Nghiên cứu lý luận

DẠY HỌC ĐÀN PHÍM ĐIỆN TỬ TẠI CÂU LẠC BỘ NGHỆ THUẬT, TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HUY TƯỞNG, HUYỆN ĐÔNG ANH, HÀ NỘI

23 Tháng Tư 2021

Hoàng Minh Huệ

 K11- Lý luận và PPDH Âm nhạc 

Trong đời sống xã hội hiện nay, dạy học giữ vai trò quan trọng, là bộ phận then chốt của quá trình giáo dục. Về cơ bản, giáo dục luôn hướng đến mục đích trang bị tri thức, kỹ năng toàn diện: phẩm chất, nhân cách, hiểu biết, tự đánh giá, xem xét, chủ động, biết rõ mục đích lao động, kết quả đạt được, giá trị sản phẩm...phản ánh trình tự logic vận động, phát triển tư duy con người. Là thành tố cốt lõi của giáo dục, dạy học cụ thể hóa qua phương pháp (tiếng Anh: methode), cách thức truyền đạt, lĩnh hội, định lượng trong từng khoảng thời gian gọi là học chế, học phần, kỳ học, tiết học, môn học...nhằm phù hợp tính chất, nội dung tri thức nghề nghiệp, hiểu biết, kỹ năng như: bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tập huấn dành cho các lớp ngắn hạn.

Dạy học đàn phím điện tử tại câu lạc bộ nghệ thuật, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng, Huyện Đông Anh, Hà Nội giúp các em học sinh có sở thích, niềm đam mê học đàn có cơ hội tham gia học tập và rèn luyện tại câu lạc bộ nhằm phát huy năng khiếu, thỏa mãn nhu cầu phát huy năng lực cá nhân. Dưới đây là một số biện pháp dạy học đàn phím điện tử cho học sinh theo học tại câu lạc bộ Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng, giáo viên sẽ chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn các biện pháp dạy học sao cho hợp lí để phù hợp với từng trình độ học sinh.

1. Vài nét về thực trạng dạy học đàn phím điện tử tại câu lạc bộ nghệ thuật, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng, Huyện Đông Anh, Hà Nội

Qua thực tế, địa bàn Huyện Đông Anh tập trung chủ yếu thành phần gia đình là nông dân, công nhân cơ khí, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, do đó tạo điều kiện cho con em tiếp xúc âm nhạc, học hát, đàn tại các trung tâm lớn trong nội thành Hà Nội là vấn đề khó giải quyết của nhiều bậc phụ huynh. Câu lạc bộ nghệ thuật Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng trở thành địa điểm thu hút nhờ đáp ứng đúng sở thích, nhu cầu của học sinh. Để câu lạc bộ nghệ thuật duy trì nề nếp, ý thức học tập nghiêm túc, vai trò ban chủ nhiệm câu lạc bộ cùng nội quy rất quan trọng, góp phần loại bỏ tư tưởng đến câu lạc bộ để vui chơi, thích làm gì thì làm như câu lạc bộ cờ tường, bóng bàn, Bida...ngoài xã hội.

Từ phong trào văn nghệ được đông đảo học sinh hưởng ứng tham gia, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng phát hiện nhiều em có năng khiếu âm nhạc, hát hay, đàn giỏi, là niềm tự hào của trường, gia đình. Để duy trì, định hướng lâu dài, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, hình thức câu lạc bộ nghệ thuật hình thành, phát triển trong môi trường giáo dục tập trung, quản lý chặt chẽ. Sau 2 năm học mang tính thử nghiệm mô hình, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm, từ năm học 2018- 2019, câu lạc bộ nghệ thuật bắt đầu đi vào nề nếp, làm việc theo quy trình, phân công nhiệm vụ cụ thể.

Câu lạc bộ là nơi tập hợp những học sinh có sở thích ca hát, đánh đàn phím điện tử, đem lại niềm vui, hứng thú khi cảm nhận, học tập nghệ thuật âm nhạc. Sử dụng, phát huy khả năng, tình yêu nghề của giáo viên dạy âm nhạc trong trường, giúp giáo viên hiểu rõ vai trò hướng dẫn, trao truyền nghệ thuật biểu diễn cho học sinh.   

  Qua đó, các em mở rộng phương pháp tiếp thu kiến thức ngoài giờ học âm nhạc chính khóa. Giúp học sinh nắm vững cách hát, luyện ngón trên đàn phím điện tử để trình bày lưu loát 1 ca khúc Việt Nam, 1 tác phẩm chuyển soạn cho đàn phím điện tử với mức độ kỹ thuật khác nhau. Khi trở thành thành viên câu lạc bộ nghệ thuật, học sinh cảm nhận rõ quy trình rèn luyện kĩ thuật, tiếng đàn, vững vàng, tự tin trước đám đông. Câu lạc bộ nghệ thuật là ngôi nhà chung, luôn rộng mở, tiếp nhận các bạn học sinh trong trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng có nguyện vọng học đàn, không phân biệt tuổi, khối, lớp học...đồng thời sẵn sàng tiếp đón học sinh trường khác có chung sở thích, niềm đam mê âm nhạc.

2. Một số các biện pháp dạy học đàn phím điện tử tại câu lạc bộ nghệ thuật

2.1. Hướng dẫn luyện tập kĩ thuật cơ bản

Giáo trình là tập hợp nội dung cơ bản để dạy, học đàn phím điện tử, gồm các phần:

- Gam trưởng, thứ tự nhiên: từ 0- 3 dấu hóa (thăng, giáng), hợp âm, hợp âm rải

- Bài luyện ngón và Etude (kỹ thuật) sử dụng các bài luyện của tác giả Hanon, Etude C.Czerny và một số tác giả khác.

- Tiểu phẩm: gồm viết cho Piano và đàn phím điện tử.

- Bổ sung ca khúc thiếu nhi chuyển soạn cho đàn phím điện tử và bài đệm hát do giáo viên câu lạc bộ phụ trách.

2.1.1 Luyện gam, hợp âm, hợp âm rải

Khi tổ chức biên soạn giáo trình, gam và hợp âm được nhóm giáo viên thống nhất nêu 3 dạng gam phù hợp 3 trình độ: bắt đầu tiếp xúc với đàn; đạt loại khá; trình độ giỏi, xuất sắc.

   Với học sinh lần đầu tiên tiếp xúc với đàn phím điện tử, gam là cách bấm phím bằng 5 ngón tay phải, trái ở thế tay tự nhiên, sau đó tiến hành luồn ngón. Sau khi các ngón tay làm quen cách bấm, tạo được tiếng đàn, gam C maj trong 1 quãng 8 là cách bấm phím trắng tạo hiệu quả nhanh nhất cho người học. Lần đầu tiên kỹ thuật luồn ngón 3 - 1 tay phải, 1 - 3 tay trái cùng kết hợp, kỹ thuật này theo suốt quá trình luyện ngón trên đàn phím điện tử, được gọi chung là kỹ thuật cơ bản xếp ngón tay.

    Ở trình độ khá, giỏi là những học sinh có thời gian tập đàn tối thiểu 3 tháng trở lên. Thế bấm chủ động, tiếng đàn vang rõ, bắt đầu bộc lộ lỗi tật bẩm sinh, giai đoạn này luyện gam để sửa lỗi ngón tay, điển hình là tăng độ cứng gân cơ ngón 4, 5 phải, trái.

2.1.2. Etude kỹ thuật, bài luyện ngón

Về phân loại, bài luyện ngón khác Etude, bài luyện ngón được Hanon phát triển theo thế tay đi lên đi xuống qua các bậc âm của gam, phổ biến trong 2 quãng 8 ở từng tay. Còn Etude kỹ thuật tập trung phát triển độ kinh hoạt, nhạy bén, phối hợp 2 tay thành thạo, hoàn hảo, điêu luyện. Có nhiều dạng kỹ thuật từ dễ đến rất khó.

 Với cách dạy đàn phổ thông trong câu lạc bộ nghệ thuật trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng, những Etude trong giáo trình tập trung giải quyết kỹ thuật cơ bản giúp người học phối hợp 2 tay nhuần nhuyễn, chủ động tự học, tự tập luyện trên đàn. Có 4 loại bài kỹ thuật: rèn luyện tăng độ nhạy ngón tay phải trong các Etude móc kép; Etude bấm hợp âm, hợp âm rải tay phải, trái giúp hình thành thói quen bấm đúng thế tay, chính xác, âm thanh vang đều; Etude giai điệu xuất hiện ở bè trầm (tay trái) tạo tiếng đàn linh hoạt, chủ động khi tay trái diễn tấu chủ đạo;  Etude kết hợp các dạng kỹ thuật khác nhau.

Etude móc kép là dạng kỹ thuật phổ biến nhất trong tất cả chuyên ngành nhạc cụ biểu diễn. Gọi là Etude móc kép bởi dấu ấn kỹ thuật đặc trưng ngón tay bấm các nốt có trường độ móc kép. Etude móc kép có số lượng bài nhiều, là dạng kỹ thuật phổ biến nhất trong nhạc đàn nói chung, đàn phím điện tử nói riêng. Hoàn thiện ngón tay qua các bài Etude móc kép là điều kiện bắt buộc với người học. Etude hợp âm, hợp âm rải: là dạng kỹ thuật cơ bản, giúp ngón bấm đồng thời nhiều nốt hoặc rải tạo quãng rộng, hẹp với hình tuyến gãy khúc, âm hưởng nghe uyển chuyển, lôi cuốn.

2.1.3. Tiểu phẩm                                                                            

Có số lượng lớn với nhiều phong cách, khuynh hướng âm nhạc khác nhau: tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn, hiện thực. Với âm nhạc quốc tế hiện nay có thể bổ sung một số tiểu phẩm viết theo phong cách nhạc nhẹ được đàn phím điện tử thể hiện như một ban nhạc thu nhỏ. Tiểu phẩm Piano do nhạc sĩ nổi tiếng châu Âu sáng tác hàng trăm năm qua, được nhiều sách Piano in, xuất bản. Trong quá trình biên soạn, nhóm giáo viên lựa chọn những tiểu phẩm Piano từng giai đoạn: tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn, hiện thực và tiểu phẩm nhạc nhẹ phổ biến hiện nay.

Tiểu phẩm Piano tiền cổ điển: phù hợp tất cả trình độ trong lớp đàn phím điện tử  ở câu lạc bộ nghệ thuật. Từ hình thức đến cấu trúc, âm nhạc tiền cổ điển luôn cân phương, rõ ràng 2 tay, người học dễ dàng nhận biết tuyến giai điệu, phần nền để luyện tập, học thuộc bài nhanh. Đây là cơ sở ban đầu giúp người học cảm nhận âm nhạc không lời châu Âu. Những tiểu phẩm Piano được giáo viên biên soạn, đưa vào giáo trình đàn phím điện tử phù hợp nhiều trình độ khác nhau. Như đã nêu, với học sinh bắt đầu học đàn, tiểu phẩm là bài kết hợp 2 tay tạo âm thanh chậm rãi, chắc chắn. Ở trình độ cơ bản, học đàn từ 3 tháng trở lên, nhiều dạng tiểu phẩm giúp học sinh biết cách xử lý, tạo sắc thái qua những ký hiệu trong bài. Từ đó hiểu, nắm vững ngôn ngữ đặc trưng âm nhạc từng thời kỳ khác nhau.

Tiểu phẩm ca khúc soạn cho đàn phím điện tử: là thủ pháp phổ biến, được nghệ sĩ, nhạc sĩ Việt Nam sử dụng, đáp ứng mục đích giáo dục âm nhạc từ gia đình ra xã hội, những tiểu phẩm soạn cho đàn phím điện tử là ca khúc nổi tiếng, quen thuộc với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Từ giai điệu ca khúc, khi soạn thành tiểu phẩm đàn phím điện tử luôn xuất hiện nhiều ký hiệu trên, dưới dòng kẻ nhạc, đặc điểm kết cấu bản phổ của đàn phím điện tử, bắt buộc người học phải nắm vững, thuộc lòng để cài đặt tính năng đàn, những hợp âm tay trái sử dụng hệ thống ký hiệu âm nhạc Anh, Mỹ, ví dụ Am nghĩa là bấm tay trái 3 nốt trong hợp âm La thứ, nếu ở thể đảo 1, ghi là Am/C. Tất cả ký hiệu được mặc định trên màn hình tất cả loại đàn phím điện tử, có nghĩa quá trình dạy và học đàn phím điện tử, giáo viên hướng dẫn học sinh hiểu, nắm vững ký hiệu, thuật ngữ tiếng Anh biểu hiện tính năng đàn để ứng dụng thành thạo, đạt hiệu quả âm nhạc cao.

Ngoài tiểu phẩm ca khúc Việt Nam chuyển soạn cho đàn phím điện tử, một số ca khúc nổi tiếng nước ngoài được giáo viên tập hợp vào giáo trình, giúp người học tiếp cận, khai thác nhiều hơn tính năng đàn phím điện tử trong diễn tấu.

2.2. Ca khúc Trung học cơ sở chuyển soạn cho đàn phím điện tử

2.2.1. Hướng dẫn học ca khúc lớp 6, 7

Những ca khúc trong sách Âm nhạc và Mỹ thuật 6, 7 được giáo viên dạy trong tiết âm nhạc chính khóa. Tuy vậy, thời lượng giới hạn trong 1 tiết, do kết hợp với tiết nhạc lý, tập đọc nhạc. Mục đích trang bị cho học sinh kiến thức văn hóa âm nhạc, nghĩa là nghe, hiểu âm nhạc Việt Nam, thế giới. Để có kiến thức âm nhạc sâu hơn, học sinh phải đăng ký, tham gia lớp học hát, nhạc cụ tự chọn ngoài nhà trường.

Nếu bài hát lớp 6 chuyển soạn thành tiểu phẩm âm nhạc ở giai đoạn đầu tiên học sinh tiếp xúc đàn phím điện tử, thì bài chuyển soạn lớp 7 là phần tiếp nối sau giai đoạn đầu lớp đàn trong câu lạc bộ nghệ thuật. Điều này đảm bảo tính liên tục theo nội dung sách Âm nhạc và Mỹ thuật Trung học cơ sở.

Chuyển soạn bài hát lớp 6, 7 cho đàn phím điện tử: trong nhiều bài hát lớp 6, lớp 7, một số làn điệu dân ca nổi tiếng được học sinh yêu thích. Khi chuyển soạn sang đàn phím điện tử, giáo viên sử dụng âm sắc T’rưng kết hợp tiếng cồng chiêng tạo âm hưởng Tây Nguyên giúp học sinh cảm nhận rõ văn hóa vùng miền đất nước Việt Nam. Với các hệ đàn hiện đại, việc giả lập âm thanh nhạc cụ dân tộc thực hiện dễ dàng khi các loại tiếng đàn: Bầu, Thập lục, Sáo, Nhị cùng T’rưng, Klong put, Đinh Năm ở Tây Nguyên, Khèn, Pí, đàn Tính...vùng Tây Bắc, Việt Bắc. Đây là lợi thế, ưu điểm nổi trội của đàn phím điện tử so với tất cả nhạc cụ khá, qua âm sắc học sinh hiểu hơn lối diễn tấu phong phú, đa dạng nhạc khí 54 tộc người ở Việt Nam.

2.2.2 Ca khúc lớp 8, 9 soạn cho đàn phím điện tử

Với lớp 8, 9 những bài hát thiếu nhi mở rộng trong phần phụ lục có tên: những bài hát có thể bổ sung, thay thế hoặc dùng cho ngoại khóa. Trong thực tế, lớp đàn câu lạc bộ nghệ thuật trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng, giáo viên luôn lựa chọn bài hát dạy trong giờ chính khóa chuyển soạn thành tiểu phẩm đàn phím điện tử, giúp học sinh phát triển năng lực cảm thụ, tự tin diễn tấu đàn.

Lớp 8, 9 trình độ diễn tấu đàn phím điện tử qua tiểu phẩm chuyển soạn phức tạp hơn cùng cách xử lý bài đa dạng. Qua đó người học tập luyện từng kỹ năng ứng dụng trên đàn phím điện tử, tạo hiệu quả âm thanh đúng yêu cầu.

Để xử lý các tiểu phẩm lớp 8,9, người học bắt buộc trải qua các kỹ năng sử dụng đàn phím điện tử tương đối thành thạo, đồng thời hiểu biết, hoàn thiện một số kỹ thuật cơ bản như: chuyển động linh hoạt ngón tay phải bấm nốt móc kép, cách tạo âm sắc nhằm đạt hiệu quả như ý. Ví dụ không thể diễn tấu tiếng thập lục giống Piano, hoặc tiếng sáo và Violin như nhau. Ở thế tay trái, bấm hợp âm nhanh, chính xác là yêu cầu bắt buộc, sự vận động giai điệu trên nền tiết tấu tốc độ nhanh đòi hỏi phản xạ kịp thời, điều này chỉ đạt được khi người học có thời gian luyện tập từ 6 tháng đến 1 năm trở lên.   

Có thể nói từ năm học 2020- 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai, áp dụng cho bậc Tiểu học, sau đó tới Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Cùng nhiều nhạc khí khác, đàn phím điện tử vẫn là phương tiện hoàn hảo trong chức năng giáo dục âm nhạc, đem lại kiến thức biểu diễn, trình diễn âm nhạc cho tất cả học sinh muốn học tập, rèn luyện trong môi trường phổ thông. Đây là mục tiêu phát triển con người trí - đức - thể - mỹ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời đại 4.0 ở Việt Nam.