Nghiên cứu lý luận

Ứng dụng tạo hình tranh dân gian Đông Hồ vào phân môn vẽ tranh đề tài và trang trí trong dạy học mỹ thuật khối 6

25 Tháng Tư 2021

Hoàng Xuân Phương

 K4 - LL&PPDH bộ môn Mỹ thuật

Tạo hình là một trong những nội dung không thể thiếu trong quá trình tổ chức dạy học mỹ thuật cho trẻ nói chung và cho học sinh khối trung học cơ sở nói riêng. Tạo hình giúp các em học sinh nhìn nhận, quan sát sự vật tốt hơn, nhận ra được đặc điểm của sự vật hiện tượng xung quanh và đặc biệt thể hiện hình vẽ của mình tốt hơn trong môn mỹ thuật nói riêng. Bên cạnh đó, tạo hình trong tranh dân gian Việt Nam lại được nhắc đến khá nhiều trong giới nghệ thuật nhưng còn mới mẻ trong việc dạy học bộ môn mỹ thuật phổ thông. Và việc ứng dụng tạo hình tranh dân gian Đông Hồ vào dạy học mỹ thuật khối trung học cơ sở lại là bài toán khó đối với người giáo viên mỹ thuật.

Ngoài việc phải đi sâu nghiên cứu thật kỹ nội dung tạo hình trong tranh dân gian Đông Hồ, tìm những điểm phủ hợp để đưa vào dạy học mỹ thuật. Người giáo viên phải nghiên cứu đưa ra các hoạt động dạy học, phương pháp dạy học hiểu quả nhất. Phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Đổi lại học sinh sẽ được mở mang, chủ động lĩnh hội kiến thức, cùng tham gia hoạt động nhóm cùng xây dựng bài học đạt kết quả tốt nhất.

1. Ứng dụng tranh dân gian Đông Hồ trong phân môn vẽ tranh đề tài.

Mở đầu là việc ứng dụng tạo hình tranh dân gian Đông Hồ trong phân môn vẽ tranh: Cơ bản là các em học sinh biết cách tiến hành các bước vẽ một bức tranh hoàn chỉnh với các chủ đề quen thuộc trong đời sống quanh mình. Đầu tiên là những yếu tố đặc trưng trong bài vẽ tranh của học sinh trường trung học cơ sở:

Về bố cục: Bài vẽ tranh theo đề tài của các em học sinh trường trung học cơ sở. Thường học sinh sau khi được giáo viên hướng dẫn, nêu ra các bước vẽ tranh theo đề tài nhưng lại không áp dụng theo các bước vẽ tranh mà tự ý vẽ theo ý của cá nhân. Không có bước phác hình dẫn đến việc hình thì méo mó, không cân đối. Xác định mảng chính, phụ cũng bỏ qua… Chính những cách vẽ đó dẫn đến tác phẩm của học sinh chưa đạt yêu cầu, sản phẩm không chất lượng. Dẫu vậy, thì việc đưa những bức tranh dân gian Đông Hồ vào làm bài tập vẽ tranh lại vô cùng hợp lý. Bởi bố cục trong tranh dân gian Đông Hồ khá phong phú: Bố cục hình tròn, hình e-líp, bố cục hình tam giác, hình thang, bố cục theo hình vuông, hình chữ nhật, bố cục theo nhịp điệu hình sin

Về đường nét:

Khác với học sinh tiểu học, ở các bạn học sinh trung học cơ sở nhìn chung đã biết sử dụng nét và kết hợp nét trong bài vẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành các em học sinh thường bỏ qua bước phác hình, nét trước. Điển hình nhất là ở các bạn học sinh khối 6, ấn đầu bút khá mạnh, vẽ những nét liền mạch nhìn cứng và in đậm trên giấy. Hoàn toàn khác so với những gì các bạn học sinh nhìn thấy ngoài thực tế hoặc trong suy nghĩ của các bạn ấy.

Trong bài tập ở các phân môn khác nhau cũng vậy, đường nét của các bạn học sinh lớp 6 chủ yếu vẽ mang tính ước lệ, ngây ngô và hồn nhiên. Chính đều này, làm cho bức tranh mà các bạn thể hiện trở nên đáng yêu hơn. Từ đây, người giáo viên cũng phần nào nắm bắt được sự khác biệt về khả năng vẽ của các bạn học sinh thay đổi theo từng lứa tuổi không chỉ vậy, tâm lý của các bạn học sinh cũng rất quan trọng. Việc tâm lý thoải mái, vui tươi sẽ khiến học sinh phấn trấn, sáng tạo hơn trong quá trình làm bài hơn là một lớp học trầm hoặc mất trật tự. Giáo viên sẽ là người chủ động quan sát các em học sinh thay đổi phương pháp dạy học sao cho phù hợp với lứa tuổi, khả năng cũng như tâm lý của các bạn học sinh. Từ đó, tiết học sẽ tốt hơn, bài tập học sinh làm đạt kết quả cao hơn.

Về hình khối

Việc thể hiện hình khối vẫn là một hoạt động khó đối với học sinh THCS nói chung, học sinh khối 6 nói riêng. Ngay từ ngày đầu tiếp cận với môn học mỹ thuật, các em học sinh vẫn chưa thể nắm được cách làm thông qua sự hướng dẫn của giáo viên. Hạn chế về thời gian, cơ sở vật chất cũng như nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc tìm ra được phương pháp giảng dạy dễ hiểu giúp học sinh nhìn nhận về hình khối một cách dễ dàng. Chính vì vậy, khi xem tác phẩm của các bạn học sinh vẫn là cách thể hiện không gian 2 chiều. Bức tranh không có chiều sâu, không sử dụng luật xa gần trong khi vẽ ví dụ đối với tranh theo chủ đề phong cảnh... Những vật ở xa vẫn to hơn vật ở gần. Thực tế ở khối 6, trong chương trình mỹ thuật có nguyên một chủ đề “khối hộp trong không gian” Tôi trực tiếp hướng dẫn các em học sinh, từ lý thuyết sang thực hành vẫn có học sinh vẫn gặp khó khăn trong việc tạo hình khối. Để khắc phục vấn đề này tôi đã cho học sinh quan sát trực tiếp các hình khối cơ bản, hướng dẫn các em học sinh phác họa và vẽ các hình khối. Từ đó, vừa được quan sát trực tiếp, kết hợp thực hành cùng thị phạm từ giáo viên. Học sinh đã khắc phục được hạn chế và thực hành tốt về hình khối.

Về màu sắc:

Điều mà các lớp học mỹ thuật đều mắc phải là sau khi học sinh hoàn thành bài vẽ bằng bút chì thì thường lười biếng không chịu tô màu tác phẩm của mình. Có nhiều bạn tô màu nhưng lại mắc lỗi cẩu thả, tô màu nghệch ngoạc cho xong hoặc chưa biết cách kết hợp màu sắc cho bức tranh của mình.

Với lỗi quen thuộc này giáo viên cần tích cực cho học sinh quan sát tranh - ảnh mẫu. Mục đích của việc quan sát không chỉ giúp học sinh tiếp cận với màu sắc gần hơn mà còn giúp các em học sinh học tập cách kết hợp màu sắc. Từ đó, sẽ giúp học sinh yêu thích màu sắc và chăm chỉ tô màu điều quan trọng là học sinh dần sáng tạo hơn biết cách kết hợp màu phong phú hơn.

Sau thực hành, khảo sát trong lớp những bài vẽ có sử dụng màu sắc được học sinh thích thú hơn hẳn với nhóm học sinh không tô màu. Chứng tỏ được màu sắc là một phần quan trọng không thể thiếu trong mỗi tác phẩm nghệ thuật. Màu sắc không chỉ giúp nhân vật hình ảnh trong tranh có sức sống, có hồn hơn mà còn giúp cho chính những người thưởng thức nghệ thuật cảm nhận được những điều mà tác giả muốn gửi gắm thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình.

            Để làm rõ những nội dung trên về ứng dụng nghệ thuật tạo hình tranh dân gian Đông Hồ trong dạy học mỹ thuật lớp 6. Đối với phân môn vẽ tranh. Thông qua chủ đề “Màu sắc” có hoạt động vẽ tranh tự chọn với gam màu nóng lạnh, nóng - lạnh. Tôi trực tiếp thực nghiệm chủ đề này vào dạy học khối 6.

2. Ứng dụng tranh dân gian Đông Hồ trong phân môn vẽ trang trí.

Đối với phân môn vẽ trang trí: học sinh biết được khái niệm và đặc điểm của các bài trang trí cơ bản, biết các bước và cách tiến hành và thể hiện bài vẽ trang trí cơ bản đến nâng cao hơn. Biết cách chia sẻ về màu sắc, bố cục và cách sử dụng màu trên tác phẩm của mình. Thực hiện chép một số họa tiết là những hình ảnh trong tranh dân gian Đông Hồ như: hình lá làm bài tập trang trí đường diềm, làm bài vẽ trang trí hình vuông, hình tròn sử dụng hình âm dương in trên thân heo. Từ đó, vận dụng những hiểu biết về trang trí trong cuộc sống hàng ngày.

            Trong cuốn “Học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực” của khối 6 có chủ đề “trang trí đường diềm và ứng dụng”

            Thông qua chủ đề này để ứng dụng nghệ thuật tạo hình tranh dân gian Đông Hồ trong bài vẽ trang trí.

Màu sắc là yếu tố đầu tiên tôi muốn đề cập trong bài vẽ trang trí đường diềm: Việc sử dụng màu sắc cũng vô cùng quan trọng trong quá trính các em học sinh làm bài vẽ trang trí. Đa số các em chưa biết cách sử dụng màu sao cho phù hợp, hài hòa. Và cách kết hợp các màu còn chưa sang tạo. Dẫu vậy khi xem tranh dân gian Đông Hồ chủ yếu là những gam màu nóng. Các họa tiết đều được t sắc đỏ, vàng, cam. Cũng khá tương đồng với độ tuổi THCS mà nhất là các em học sinh lớp 6. Điều này cũng phần nào phù hợp khi ứng dụng nghệ thuật tạo hình tranh dân gian Đông Hồ trong phân môn trang trí.

Nét là yếu tố quan trọng tiếp theo trong bài vẽ trang trí mà trực tiếp ở đây là bài vẽ trang trí đường diềm thuộc chủ đề 4 theo sách học mỹ thuật theo định hướng năng lực. Đường nét trong tranh dân gian Đông Hồ đa dạng và phong phú. Sở dĩ vậy, vì mỗi bức tranh theo từng nội dung chủ đề khác nhau thì cách thể hiện đường nét của các nghệ nhân cũng khác nhau. Mạnh mẽ có, uyển chuyển mềm mại có. Khỏe khoắn, tinh nghịch nhưng không thiếu sự tinh tế. Học sinh quan sát tranh ảnh Đông Hồ của giáo viên trình chiếu hoặc học sinh chủ động tìm hiểu, sưu tầm ảnh đến lớp. Quan sát và nhận xét để tìm ra những họa tiết trang trí trong tranh dân gian Đông Hồ đơn giản và đẹp áp dụng trực tiếp lên bài vẽ trang trí đường diềm. không chỉ áp dụng trong bài vẽ trang trí mà học sinh còn trức tiếp trang trí lên đồ vật xung quanh mình, làm đẹp cho bản thân cũng như người thân xung quanh.

Dạy học mỹ thuật tưởng dễ mà thật là khó, là môn học đòi hỏi người giáo viên phải luôn thay đổi, sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với nội dung bài học để tiết học mỹ thuật luôn hấp dẫn được các em học sinh. Tình trạng giờ mỹ thuật học sinh ngồi chơi, làm việc riêng sẽ không còn nữa thay vào đó là sự tương tác giữa thầy và trò, sự sáng tạo hoạt động nhóm sôi nổi của các em học sinh. Chắc chắn sẽ làm học sinh yêu thích môn học hơn, chất lượng và kết quả dạy học đạt hiệu quả tốt nhất.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Tài liệu tập huấn giáo viên dạy - học Mỹ thuật theo phương pháp mới, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), tổ chức lớp học theo mô hình trường học mới Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  3. Đàm Luyện (Chủ biên) - Nguyễn Quốc Toản - Bạch Ngọc Diệp, Một số vấn đề đổi mới phương pháp dạy học môn Mỹ thuật trung học cơ sở, Nxb Giáo dục.
  4. Trần Bá Hoành (2006), Đối mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  5. Nguyễn Văn Cường, Prof. Bernd Meier (2009), Lý luận dạy học đại học, Postdam, Hà Nội.
  6. Văn Châu (1965), Tranh Tết, Báo Tổ Quốc, (Số xuân Ất Tỵ), Hà Nội.
  7. Nguyễn Đăng Chế (1996), “Tranh dân gian Đông Hồ”, Tạp chí văn hóa nghệ thuật, (Số 1), Hà Nội.
  8.  Nguyễn Du Chi (2000), Trên đường tìm về các đẹp của cha ông, Viện mỹ thuật, Nxb mỹ thuật, Hà Nội.
  9.  Nguyễn Tiến Chung (1971), Nghệ thuật tạo hình trong tranh dân gian Việt Nam, Tác phẩm mới, (Số 15), Hà Nội.
  10.  An Chương (2010), Tranh dân gian Đông Hồ, Nxb Mỹ thuật.
  11.  Nguyễn Thái Lai (2002), Làng tranh Đông Hồ, Nxb Mỹ thuật.