Nội san

Một số biện pháp cái tiến dạy học môn mỹ thuật tại trường Trung học cơ sở Chiềng Sinh - Thành phố Sơn La

05 Tháng Năm 2021

 

 Quang Đức Hiệp

                                                                                 K4-Lí luận và PPDH Mỹ thuật

 

            Việc cải tiến phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học, điều kiện tổ chức, quản lý. Vì phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan nên mỗi giáo viên cần xác định những phương hướng riêng để cái tiến phương pháp dạy học.

  1. Vài nét về dạy học môn mỹ thuật ở trường trung học cơ sở Chiềng Sinh

Môn mỹ thuật ở trung học cở có bốn phân môn chính đó là thường thức mỹ thuật, vẽ theo mẫu, vẽ trang trí và vẽ tranh. Hầu hết các học sinh (HS) đều thích học vẽ, bên cạnh đó trường có nhiều HS là người dân tộc nên một số em còn nhút nhát chưa dám thể hiện mình và những suy nghĩ của mình. Nhà trường cũng đã nhận thấy được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong thời kì đổi mới và hội nhập nên đã cố gắng mua sắm máy vi tính để tiếp cận nhanh hơn và sâu hơn về lĩnh vực quan trong này. Đến nay 100% cán bộ giáo viên nhà trường đã có máy vi tính tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên nhà trường trong việc giảng dạy bằng phương tiện hiện đại và được kết nối internet. Ban giám hiệu nhà trường rất khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên khai thác phương tiện dạy học hiện đại và sử dụng phương pháp dạy học mới. Đội ngũ giáo viên nhà trường trẻ, năng động, nhiệt huyết. Tuy nhiên Nhà trường chưa có phòng riêng cho những tiết dạy sử dụng phương tiện hiện hiện đại nên giáo viên mất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị. Thời gian ra chơi có hạn, không kịp thực hiện bài dạy như thế ở các lớp khác có tiết liền kề. Khi đang giảng dạy có khi điện và các phương tiện máy móc không đảm bảo nên giáo viên sẽ gặp nhiều trở ngại nếu như không chuẩn bị thêm phương án dự phòng. Cần phải vận dụng và kết hợp đa dạng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, khai thác ưu điểm của các phương pháp mang tính truyền thống và các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực phù hợp với đặc thù môn học chắn chắn sẽ đem lại hiệu quả cao trong giờ học. Mỹ thuật là môn học đòi hỏi sự sáng tạo, trí tưởng tượng và tư duy của học sinh thông qua các yếu tố hội họa. Do vậy, việc vận dụng nhiều phương pháp và lựa chọn những phương pháp phù hợp sẽ phát huy được tối đa tính tích cực học tập và kích thích trí tưởng tượng và thể hiện bài vẽ của HS thì giờ học sẽ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn

2. Một số biện pháp cải tiến

2.1. Cải tiến phương pháp dạy học truyền thống

Giáo viên trong trường cần nắm vững các yêu cầu và sử dụng thành thạo các kĩ thuật của phương pháp dạy học trong việc chuẩn bị cũng như tiến hành bài dạy trên lớp. Bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống cần kết hợp các phương pháp mới, đặc biệt là những phương pháp và kĩ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh. Mỗi phương pháp và nội dung dạy học đều có những ưu, nhược điểm và giới hạn sử dụng riêng. Do vậy, việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là hướng đi quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học. Dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, nhóm đôi và dạy học cá thể là những hình thức cần kết hợp với nhau, mỗi một hình thức có những chức năng riêng. Tình trạng độc tôn của dạy học toàn lớp và sự lạm dụng của phương pháp thuyết trình cần được khắc phục, đặc biệt thông qua làm việc nhóm.

Cải tiến bài trên lớp theo hướng kết hợp thuyết trình của giáo viên với hình thức làm việc nhóm góp phần tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh.

Bổ sung dạy học toàn lớp bằng cách làm việc nhóm, xen kẽ trong một tiết học mới chỉ cho thấy rõ việc tích cực hoá “bên ngoài” của học sinh. Muốn đảm bảo việc tích cực hoá “bên trong” cần chú ý đến mặt bên trong của phương pháp dạy học.

Như vậy, cải tiến phương pháp dạy học truyền thống là cần thiết ở trường trung học cơ sở nhằm góp phần xây dựng môi trường thẩm mĩ, phát triển tư duy, khả năng hình tượng, sáng tạo, góp phần hình thành phẩm chất con người.

2.2. Kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học

Sử dụng một cách hợp lý nhiều phương pháp, phương tiện DH, hình thức tổ chức DH khác nhau trong một giờ học giờ dạy học, một buổi dạy học hay trong suất quá trình thực hiện môn học, để đạt được hiệu quả cao. Dạy học bằng sự đa dạng các phương pháp  ta có thể khái quát chung được thông qua các vấn đề sau đây:

Sử dụng đa dạng các phương pháp: học nhóm, trò chơi, diễn giải, thuyết trình, minh họa, quan sát, nghiên cứu và luyện tập,...

Sử dụng đa dạng các phương tiện dạy học: Kết hợp luân phiên các PP hiện đại (giáo án điện tử), lời nói của GV, mô hình thí nghiệm, hình ảnh, âm thanh trong việc trình bày nội dung của bài giảng. Vì đối tượng của trường đa số là HS dân tộc nên GV cần chú ý sử dụng các phương tiện DH một cách tối ưu và phải biết cách lựa chọn những phương tiện thích hợp DH cho phù hợp với từng đối tượng.

Cân nhắc lựa chọn cẩn thận, không nên tập trung quá nhiều hay quá lạm dụng các phương tiện hiện đại vào bài giảng thì có khả năng dẫn đến tác hại làm cho giờ học kém hiệu quả.

Sử dụng phối hợp nhiều hình thức tổ chức dạy học: Vừa học bài mới- ôn tập bài cũ, minh họa các ví dụ mang tính thực tiễn, chỉ cho HS.

Sử dụng phương pháp dạy học thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể: Mỗi PPDH chỉ phát huy được tác dụng cao nhất khi nó được sử dụng phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng học cụ thể.

Mục tiêu để lựa chọn PPDH:

- Mục đích của môn học

- Đặc trưng của môn học

- Nội dung dạy học

- Đặc điểm lứa tuổi và trình độ của HS (đặc biệt là các em người dân tộc)

- Điều kiện cơ sở vật chất (phòng học, trang thiết bị học và dạy học)

- Thời gian cho phép và thời điểm dạy học

- Trình độ và năng lực của GV

- Ưu điểm và hạn chế của mỗi PP

- Tác dụng của dạy học bằng sự đa dạng các phương pháp:

Mỗi khi giảng dạy cần thay đổi  PPDH một cách hài hòa nhằm thay đổi cách thức hoạt động tư duy của HS thay đổi sự tác động vào các giác quan, giúp cho HS đỡ mệt mỏi và có thể tiếp thu bài tốt hơn.

2.3. Sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh

Sử dụng PPDH và kỹ thuật DH mới phát huy tính chủ động(PP trò chơi,PP hoạt động nhóm, PP đóng vai, kỹ thuật bể cá,...), sáng tạo để giúp HS có thể tự tìm tòi, sáng tạo, từ đó cảm thấy hứng thú hơn trong các bài học của mình. Giúp HS tự phát huy tính tích cực và sáng tạo của mình trong các bài học cụ thể. HS có thể mạnh dạn trao đổi suy nghĩ của mình với bạn bè và giáo viên. Thông qua các bài học, GV có thể phát hiện ra nhiều HS thể hiện khả năng tư duy cao. Rèn cho HS yếu, kém khả năng tư duy và tự tin cố gắng hơn. Giúp HS phát huy tính chủ động sáng tạo và khả năng đọc hiểu, nhận biết các vấn đề trong các bài học.

Khả năng áp dụng thực tế: Giúp cho HS có thể phát huy hết sự hiểu

biết, tư duy và khả năng sáng tạo của mình trong bài học.

2.4. Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin trong dạy học

Trong quá trình DH tích cực sử dụng các phương tiện DH để làm giảm nhẹ công việc của GV và giúp cho HS tiếp thu kiến thức một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Bổ sung các phương tiện thích hợp cho trường nhằm phát huy hết năng lực sáng tạo của GV trong công tác giảng dạy, làm cho hoạt động nhận thức của HS trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn, tạo ra cho HS những tình cảm tốt đẹp với môn học.

Tích cực sử dụng phương tiện DH trong quá trình DH để:

Giúp HS dể hiểu bài, hiểu bài sâu sắc hơn và nhớ bài lâu hơn. Giúp cụ thể hóa những cái quá trừu tượng, đơn giản hóa những máy móc và thiết bị quá phức tạp, làm sinh động nội dung học tập, nâng cao hứng thú học tập bộ môn, nâng cao lòng tin của HS vào khoa học. Còn giúp HS phát triển năng lực nhận thức, đặc biệt là khả năng quan sát, tư duy (phân tích, tổng hợp các hiện tượng, rút ra những kết luận có độ tin cây,...), giúp HS hình thành cảm giác thẩm mỹ, được hấp dẫn bởi cái đẹp, cái đơn giản, tính chính xác của thông tin chứa trong phương tiện.

Xây dựng giáo án điện tử. Bài giảng có thể lưu trữ trên các ổ đĩa hoặc trên một kho tài nguyên (tranh ảnh, tài liệu liên quan đến môn MT) học tập trên mạng, người học có thể  sử dụng học tập bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu.

Việc gắn kết nội dung học tập của chủ đề với thực tiễn cơ sở, tạo dựng mối quan hệ gần gũi để HS quan sát, suy nghĩ, liên tưởng trong quá trình thực hành sáng tạo là một giải pháp tích cực, vị trí và vai trò của môn Mỹ thuật, trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng mục tiêu dạy học hướng tới phát triển năng lực của học sinh chủ động và sáng tạo trong học tập. Giáo viên cần áp dụng các phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học thích hợp sẽ có tác dụng đưa môn MT ngày càng gắn kết HS với tình yêu quê hương đất nước. Chính vì vậy, GV nên áp dụng phù hợp các phương pháp không quá cứng nhắc và phải phù hợp theo từng chủ đề. Giáo viên cần đầu tư bồi dưỡng kiến thức, chia sẽ trao đổi với nhau về những phương pháp mới nhằm nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học của mình. Bên cạnh đó để nâng cao hiệu quả môn học học sinh cần nâng cao ý thức tự học và sáng tạo, tham gia tích cực các hoạt động do GV tổ chức trong và ngoài giờ lên lớp. Luôn tạo cho mình thói quen quan sát, nhận xét và ghi nhớ. Chia sẻ cho bạn bè về những kiến thức mình đã thu thập được. Mỗi bài vẽ cần có sự thể hiện khác nhau về bố cục, màu sắc, đường nét... để tránh lặp đi lặp lại một cách máy móc.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Tài liệu tập huấn giáo viên dạy - học Mỹ thuật theo phương pháp mới, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Tổ chức lớp học theo mô hình trường học mới Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  3. Đàm Luyện (Chủ biên) - Nguyễn Quốc Toản - Bạch Ngọc Diệp, Một số vấn đề đổi mới phương pháp dạy học môn Mỹ thuật trung học cơ sở, Nxb Giáo dục.
  4. Nguyễn Ngọc Bảo, Ngô Hiệu (1997), Tổ chức hoạt động dạy học ở trong các trường Trung học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  5. Nguyễn Quốc Toản, Nguyễn Lăng Bình (2002), Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học Mỹ thuật ở trường Trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thu Tuấn (2014), Dạy học mỹ thuật dựa vào đa phương tiện đa chức năng nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh trung học cơ sở, Nxb Giáo dục Việt Nam.