Nội san

CHUYỂN VẬN HÌNH SẮC VÀ GIAO TIẾP TRỰC QUAN

14 Tháng Năm 2021

                                                                                                                      Lê Đức Cường

  Vũ Xuân Hiển

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Tóm tắt: Công nghệ thông tin cùng với truyền thông đã tạo nên thay đổi mạnh mẽ bộ mặt thế giới ngày nay, nhịp điệu cuộc sống sôi động tại các đô thị, hoạt động của con người trở nên hối hả, sự nhìn nhanh và nghĩ nhanh cũng trở thành thói quen của mỗi người. Mọi thứ thuộc về không gian thực tại đều cần thích nghi với không gian ảo kỹ thuật số, những khái niệm vốn có trong mọi lĩnh vực được điều chỉnh theo hướng tích hợp trong cơ chế nhìn mới. Thiết kế linh hoạt là khái niệm sáng tạo thị giác khác thường với biểu hiện chưa từng có cho giao tiếp trực quan, có thể sử dụng cho thiết kế logo, tạo thành một biểu tượng đặc biệt trong phần mềm kỹ thuật số và không gian ngoài trời. Khái niệm này được các nhà Thiết kế đồ họa áp dụng phổ biến trong gần 10 năm trở lại đây.

Từ khóa: Thiết kế linh hoạt; Thiết kế trực quan, Thiết kế giao tiếp

Summary: Information technology together with the media has created a drastic change in the face of today's world, the vibrant rhythm of life in urban areas, human activities become hustle, quick vision and thinking. become a habit of each person. Everything in the real space needs to be adapted to the digital virtual space, concepts inherent in all fields are adjusted towards integration in the new vision. Flexible design is an unusual visual creation concept with unprecedented expression for visual communication, usable for logo design, forming a distinctive logo in digital software and spaces. out side. This concept has been widely applied by graphich designers in the past 10 years.

Keywords: Design flexibility; Visual Design, Communication Design

 

Cuối thập niên 90 thế kỷ XX, tại Việt Nam, thật khó hình dung khi nối kết văn hóa với thương mại trong khái niệm kinh tế số... cần khoảng thời gian dài để tư duy thích nghi và tái cấu trúc các lĩnh vực trong không gian nhiều thành phần kinh tế. Giới thiết kế mỹ thuật nhọc nhằn tiệm cận vào bản chất học thuật Design và dò tìm hướng đào tạo nghiên cứu phải theo ngôn ngữ của từng chuyên ngành cụ thể, dần hình thành tư duy bao hàm phần kỹ thuật và phần nghệ thuật cho nguồn nhân lực chuyên nghiệp,.. từng bước góp phần cho nền kinh tế đang phát triển chuyển đổi giao diện ngày càng kết nối và hội nhập.

Từ đó đến nay, khoa học và công nghệ thị giác có những bước tiến dài, giúp cho con người hiểu biết sâu rộng hơn thành tựu nghệ thuật đã đạt được, những việc đang diễn ra và ý thức về sự phát triển của nền kinh tế số. Nghệ thuật Thị giác đang dần được quy hoạch thành những ngành chuyên sâu, đáp ứng cơ chế nhìn mới trong không gian thị giác ngày càng mở rộng. Chẳng hạn như Nghệ thuật minh họa (Illustration art), Nghệ thuật hoạt hình (Cartoon art), Thiết kế đồ họa (Graphic Design)...xu thế vận hành đặc thù trong chuỗi liên kết đang hiện hữu ở nhiều khía cạnh, mức độ khác nhau khi sử dụng phương tiện để đạt được mục đích. Giới kinh doanh, khoa học, văn hóa và chính trị không thể hoạt động nếu không có các giải pháp thiết kế/quy hoạch được tạo ra một cách chuyên nghiệp.

Đi từ khe cửa hẹp

Sau nhiều năm gây dựng, những tên tuổi tỷ đô như Vingroup, Viettel, FPT, VinaMilk đã vươn hoạt động sản xuất kinh doanh ra thị trường quốc tế, thì việc tạo dựng diện mạo thương hiệu cho xứng tầm chuyên nghiệp đã trở thành ý thức, với đầu tư không nhỏ cho nghiên cứu nền tảng ý tưởng và cấu hình theo định hướng số hóa, bằng quan điểm và sắc thái riêng.

Năm 1990, FPT với hoạt động kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin, lấy tạo dựng tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo mạnh mẽ làm nét văn hóa cho mình, nối dài truyền thống tới khi trở thành tập đoàn. Với 3 lần điều chỉnh logo. Logo lần 2 (1991-2010) mạnh/trực quan/mới. Logo lần 3 (2011 đến nay) kế thừa cấu hình linh hoạt, nhưng uyển chuyển hơn, đáp ứng mục tiêu nhận diện giao tiếp và phát triển chiến lược Vì công dân điện tử. Điều thú vị của logo đầu tiên (1988-1990) được giới thiết kế trong nước tâm đắc bởi hình thức Á Đông, nhưng chưa một lần trình làng vì quá trừu tượng. 

Cùng lĩnh vực công nghệ thông tin như FPT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tiếp cận khách hàng bằng lắng nghe và sự cầu thị Hãy nói theo cách của bạn!  Logo được thiết kế cân bằng mang dáng dấp quân hiệu. Chữ Viettel nằm ở vị trí trung tâm của dấu nháy đảo chiều biểu hiện sự chuyển động không ngừng, kiểu chữ biến điệu liên tưởng tới khái niệm công nghệ số. Dấu hiệu nhận diện căn cơ ấy thể hiện tính đa nhiệm của nền công nghiệp – viễn thông trọng yếu của quốc gia.

Vinamilk thương hiệu uy tín với bề dày phát triển, doanh số lớn đến từ chế phẩm sữa, lấy cải tiến hình thức bao bì sản phẩm là trọng tâm quảng bá phát triển hình ảnh thương hiệu. Tạo hình logo dễ hiểu, diễn giải hình/chữ cụ thể/chân phương, lộ ý khi ghép cùng nhãn hàng/sản phẩm mới, cho cảm nhận nhạt nhòa từ hình thức phổ biến nào đó? Phải chăng, Vinamilk mở rộng liên doanh cần đến sự dung hòa hình ảnh.

Có thể ví Tập đoàn Vingroup là hiện tượng kinh tế đặc biệt, bởi cách tiếp cận truyền thông linh hoạt tạo nên cái khác trong nhận diện hình ảnh đa ngành. Hình thức tượng trưng của logo mẹ có ý nghĩa như một lá cờ hiệu, được kết nối bởi tri giác về hiệu quả chất lượng/đột phá/bền vững. Phương thức truyền thông có tính cộng hưởng, lấy lắng đọng âm tiết Vin++ hơn là một form mẫu cố định!

Mọi sản phẩm đều xoay quanh một chữ V linh hoạt, chẳng hạn như  Vìnfast tại Paris Motorshow 2018, VinUni đào tạo đại học tinh hoa hoặc sự kiện chế tạo máy thở trong đại dịch Covidvirus, Vinhomes,Vinmec,.. Vsmart,.. ! Gieo vào giác quan tạo nên cảm nhận thương hiệu! Gợi ra biểu tượng, dáng dấp nhận diện của một siêu forms tiềm năng.

Không gian mở rộng

Khoảng những năm 2000, tiếp cận tạo hình của thiết kế đồ họa là giao tiếp trực quan, và sau 2010 là giao tiếp xã hội đáp ứng mọi ý tưởng truyền thông MớiKhác.... khi dung hợp ngôn ngữ chữ viết, biểu thức, khái niệm văn hóa, ảnh kỹ thuật số,..trong hình thức cô đọng/dễ hiểu/năng động. Không phải ngẫu nhiên mà chuyển hóa linh hoạt dấu hiệu/hình dạng có từ 1920 (Plakatstil) được hồi nhắc thành một khái niệm thiết kế giao tiếp trực quan, các giải pháp tối giản (Minimalism) của nghệ thuật những năm 1960, được tái hiện mạnh mẽ và sáng tạo trong vỏ bọc đương đại, thậm chí kiểu chữ Helvetica bị coi là cứng nhắc không đáng tin cậy đã hồi sinh. 

Giải pháp tối giản/linh hoạt là cách thức phù hợp để tạo thông điệp thị giác có tính kết nối đa dạng, trong cơ chế nhìn tương tác nhiều chiều. Phương tiện và cơ chế truyền thông thị giác truyền thống dần bị thu hẹp, sản phẩm đồ họa không còn bó cứng trên mặt phẳng in ấn mà nở rộng vào không gian giả lập 3 chiều kỹ thuật số với tần suất cực lớn. Đồ họa ứng dụng không chỉ tồn tại trong kinh tế thương mại, mà trở thành ngành dịch vụ bao phủ mọi lĩnh vực và tới từng cá thể.

Cơ chế tạo hiệu quả dẫn truyền, liên tưởng từ hiệu ứng chính là tính hấp dẫn thị giác của đồ họa thiết kế, nhờ tập hợp/tổ chức/đặc trưng hóa dấu hiệu, ký hiệu thị giác để ám chỉ, ẩn dụ hình/ý, thông tin thị giác được nén lại trong biểu hình cô đọng và được phân giải từng lớp vào ứng dụng cụ thể. Cái Đẹp lý tưởng/tuyệt đối theo chuẩn mực cổ điển không còn là thước đo duy nhất, mà cần đến cái Mới tinh hoa từ các giá trị kiến tạo/độc lập của nghệ thuật hiện đại…

Di sản và giải pháp

 Nghệ thuật thị giác dần lý tính hóa trong các nội dung tái cấu trúc trực tuyến, khi kết hợp phương tiện truyền thống tĩnh sang chuyển động kỹ thuật số, để vận hành linh hoạt hình thức tối giản trong truyền đạt ý tưởng. Là cái Khác đầy thách thức, khắc khoải mà giới thiết kế sáng tạo quốc tế 20 năm qua đã đối diện, bằng việc thể nghiệm, lựa chọn giải pháp ứng dụng trong môi trường đô thị có nhịp độ nhanh.

Với hàm ý tích hợp công nghệ của hãng Sony là sản phẩm máy tính Vaio (Visual Audio Intelligence Organizer), khi dùng cách điệu chữ để gợi ra dấu hiệu của khái niệm công nghệ, được tổ chức trong hình thức chính xác – phản ánh tư duy kết nối thông tin của thiết kế ứng dụng ngày nay. VA đại diện cho kỹ thuật Analog, IO gợi ra số 1 và số 0 đại diện cho mã nhị phân kỹ thuật số. Chữ V với A cùng dấu chấm kết hợp IO được biến điệu về dạng ký hiệu, VA tạo tính động với hình lượn sóng (hình Sin) còn chữ I và O giữ vai trò tĩnh. Yếu tố động và tĩnh đó đã mang lại sự kết hợp hoàn hảo để gợi sự liên tưởng, cảm xúc dẫn dụ thú vị về tính biểu tượng của nó.

Trong bối cảnh tự do thương mại toàn cầu, văn hóa bản địa được các nền kinh tế Đông Bắc Á bảo trọng. Năm 2000, nhà bán lẻ và nhà sản xuất Uniqlo (Nhật bản) thiết kế lại bản sắc của mình và triển khai bản mở rộng quốc gia và quốc tế. Giám đốc nghệ thuật Kashiwa Sato đã chọn giữ lại sự bình dị vốn có của thương hiệu Nhật Bản, với hệ thống mô-đun trong đó sử dụng hệ chữ La tinh kiểu đậm không chân và bảng chữ cái Katakana là dạng chữ tượng hình đơn giản. Kết hợp hai dạng ký tự tạo vẻ tương đồng hơn trong hình thức triện vuông gia huy truyền thống, cùng sự tương phản của màu đỏ và đen có tính nhận diện độc quyền. Thậm chí thay vì C mà chữ Q vẫn hiển nhiên tồn tại! Phải chăng là cái khác tăng vẻ khoáng hoạt cho ý tưởng thời trang giới trẻ! 

Năm 2010 ra đời Unit Editions, một liên doanh xuất bản là hợp tác giữa Tony Brook (Spin) và Adrian Shaughnessy (ShaughnessyWorks), mang đến khái niệm kiến tạo cho đồ họa và văn hóa thị giác bằng tạo tác thiết kế sách cao cấp, khi kết hợp tiêu chuẩn thiết kế và sản xuất hoàn hảo. Là tại liệu có giá trị học thuật dành cho độc giả quan tâm tới hình thức trực quan, giới thiết kế ứng dụng và sinh viên theo học thiết kế đồ họa.

 Triển lãm Nghệ thuật Đức 2012, với các giải pháp thiết kế khác nhau bằng cách thay đổi cấu hình hoặc màu sắc, hình dạng hoặc kiểu chữ, khái niệm thiết kế linh hoạt (Flexible brand concerp) được áp dụng với biểu hiện chưa từng có. Tác giả Stephan Sagmeister đã đưa ra một khái niệm sáng tạo khác thường cho dự án Casa da Música (phòng hòa nhạc Porto), khi tạo ra phần mềm phân tích góc độ hình ảnh tượng trưng để sử dụng trong thiết kế logo, sau đó giúp kết hợp các yếu tố khác nhau để tạo thành một biểu tượng đặc biệt.

Spin (London – Anh) là công ty sáng tạo được công nhận rộng rãi vì sự xuất sắc trong lĩnh vực thiết kế nhận diện, cho các thương hiệu Deutsche Bank, Nike, Christie, Channel Four…Spin360° với bản sắc mới bằng một phép ẩn dụ tiện dụng để mô tả một cách nhìn vào một chủ đề từ mọi góc độ và quan điểm, khi thiết kế logo M25 Festival - 2016 (Ministry of  Sound) cho bộ âm thanh của hộp đêm nổi tiếng. Với ý tưởng tôn trọng di sản và phát triển để nắm lấy tương lai, đã dùng định dạng đơn giản hơn nhưng gai góc, truyền đạt cảm hứng từ kết cấu tam giác, chuyển hóa M thành nhiều biến thể,.. kết cấu linh hoạt ấy tương hợp với âm thanh và ánh sáng sôi động/mạnh mẽ của hoạt động giải trí đêm.

Thiết kế linh hoạt trở thành xu thế truyền thông thị giác, bằng hình thức quy giản hình ảnh thực tế về hình dạng nguyên tố trong cấu hình đặc trưng. Được áp dụng với ngôn ngữ thiết kế cực kỳ linh hoạt/đa dạng trong sản phẩm đồ họa văn hóa và xuất bản báo chí. Biểu hiện hình thức rất công nghệ cho bộ 4 bảo tàng nghệ thuật (Anh) của Tate và Tate Online, hoặc hệ thống infographic của nhật báo USA Today, thay vì hình địa cầu từ logo trước đây bằng hình tròn lớn, được thay đổi mầu sắc ứng với tính năng phản hồi thông tin. Cách biến hình hài hước, châm biếm, dị biệt… thảm hại, gai góc… trên bìa tạp chí, poster mang lại cảm giác thú vị về nhân vật và chính xác về sự kiện v.v... cho sự nhìn về cái Khác không đường biên.

Trong không gian số hóa Mọi thứ đều chuyển vận nhanh chóng trong thế giới ngày nay, đặc biệt là ý tưởng, nhận định của giáo sư tâm lý học nghệ thuật người Pháp René Huyghe không chỉ là những chuyển vận có thể nhìn thấy, mà đề cập tới động lực tạo chuyển vận.

 Mọi phong cách, mọi xu hướng nghệ thuật đều tự thích ứng trong từng nhịp không gian, từng nhịp thời gian,.. và khi hòa cùng nhịp điệu giao tiếp của dòng thác truyền thông thị giác, thì cái Khác của ý tưởng sẽ được hoàn thiện trong đời sống nhịp điệu của không gian hình/sắc.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quân (2020), Nhìn-thấy-yêu-hiểu, Nhà sách Nhã Nam và Nxb Thế giới, Hà Nội

2. Graham Collier (Trịnh Lữ dịch) (2018), Nghệ thuật và cảm thức sáng tạo, Nxb Dân Trí và Đông A, Hà Nội.

3. Jens Muller – Julius Wiedemann (2017), The Hiitory of Graphic Design Vol.1 (1890-1959), Taschen

4. Jens Muller – Julius Wiedemann (2019), The Hiitory of Graphic Design Vol.2.(1960-Today), Taschen

 

 

PHỤ LỤC ẢNH

 

Dự án Casa da Música (phòng hòa nhạc Porto). Tác giả: Stephan Sagmeister (Đức)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bộ nhận diện âm thanh Spin, Ministry of  Sound  và poster M25 Festival – 2016. Tác giả: Tony Brook, Claudia Klat, Jonathan Nielsen  (Anh)

 

Poster Đại hội Nhạc kịch quốc gia 2016 – 2017. Tác giả: Jaemin Lee (Hàn Quốc)

Tranh bìa tạp chí Time Một năm cầm quyền của Donal Trump. Tác giả: Edel Rodriguez (người Mỹ gốc Cu Ba)