Nội san

ỨNG DỤNG THUYẾT CHỨC NĂNG LUẬN TRONG NGHIÊN CỨU LIÊN NGÀNH (TRƯỜNG HỢP SÂN KHẤU KỊCH NÓI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

17 Tháng Năm 2021

                                                     Ngô Anh Đào

                                      Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

 

Tóm tắt:

Trong thời đại ngày nay, việc sử dụng các lý thuyết từ nhiều chuyên ngành khác nhau phục vụ cho những công trình nghiên cứu không còn là điều xa lạ, mà đã trở thành một xu hướng được quan tâm, chấp nhận. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều lý thuyết cơ bản của các ngành khoa học xã hội, nhân văn đã được vận dụng một cách bài bản, sáng tạo. Trong bài viết này, chúng tôi mạnh dạn chọn chức năng luận như một trường hợp điển hình ở biên độ mở rộng của việc nghiên cứu liên ngành. Cụ thể, lý thuyết này được xem xét cho trường hợp sân khấu kịch nói thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả rút ra từ sự vận dụng sẽ đem lại hướng tiếp cận mới, những điểm nhìn mới thú vị, bổ ích, vươn ra khỏi không gian đặc thù vốn đã rất quen thuộc như nghệ thuật học hay sân khấu.

Từ khóa: chức năng luận, liên ngành, sân khấu kịch nói

Abstract:

Nowadays, the usage of theories from various disciplines for research projects is no longer a strange thing, but it has become a trend of interest and acceptance. We can find many basic theories of social sciences and humanities that have been applied methodically and creatively. In this article, we boldly choose functionalism as a typical case in the wide amplitude of interdisciplinary research. Specifically, this theory is considered for the case of drama theater in Ho Chi Minh city. The results drawn from the application will bring new approaches, interesting and useful new points of view, reaching out from the particular space, which is very familiar like arts or theater.

Keywords:

 

 

Dẫn nhập

Ngày nay, khi bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sôi nổi thì việc nghiên cứu liên ngành cũng là hướng tiếp cận cần thiết trong các ngành khoa học. Vận dụng những lý thuyết khác nhau để kiến giải cho một vấn đề nào đó sẽ là một phương pháp bổ trợ rất tốt, giúp người viết tiếp xúc được nhiều quan điểm đa dạng hơn, rộng mở hơn về mặt tri thức.

Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi bước đầu ứng dụng thuyết chức năng luận - một trong những lý thuyết quan trọng của ngành Nhân học để nghiên cứu về một trường hợp cụ thể. Đó chính là sân khấu kịch nói ở thành phố Hồ Chí Minh. Viết về Kịch nói đã có không ít công trình, nhưng nhìn chung, tất cả đều được xem xét dưới các quan điểm, lý luận đến từ nghệ thuật học hay sân khấu học. Vì vậy, người viết mong muốn có một sự khám phá, vận dụng mới hơn, mang lại một góc nhìn có thể khác so với trước đây trong bài viết: “Ứng dụngthuyết chức năng luận trong nghiên cứu liên ngành (trường hợp sân khấu kịch nói thành phố Hồ Chí Minh).

  1. Đôi nét về thuyết chức năng luận

Lý thuyết chức năng luận gắn với tên tuổi của Malinowski. Tuy nhiên, thuyết này đầu tiên được khởi xướng từ G. Spencer và E. Durkheim trong bối cảnh của xã hội châu Âu đầu thế kỷ XX với đầy những bất cập và  khủng hoảng. Những người theo quan điểm chức năng mong muốn nhanh chóng lập lại trật tự để có một xã hội ổn định và phát triển.Thuyết chức năng ra đời như một sự bổ khuyết cho tiến hoá luận trước đó.  Không tán thành với thuyết khuếch tán văn hóa, nhất là thuyết tiến hóa luận ở cuối thế kỷ XIX - một học thuyết nhấn mạnh đến sự thống nhất của loài người và sự đồng nhất trong phát triển văn hóa,  quan điểm chức năng luận coi trọng sự khác biệt về văn hóa, và cho rằng nhờ có sự khác biệt này mà từng bộ phận của xã hội cũng như các xã hội có thể dựa vào và bổ sung cho nhau để vận hành trong thế cân bằng ổn định. Trường phái lý thuyết này xem xét mỗi thiết chế xã hội như nhà nước, tôn giáo, gia đình, trường học… đều giữ những chức năng khác nhau, song lại luôn có sự liên hệ mật thiết với nhau theo cơ chế phân công, hợp tác. Điều nàyđã tạo ra cho xã hội sự cân bằng trong thế vận động. Với những tiền đề căn bản trên, thuyết chức năng không chỉ định hướng vào việc giải thích, mà còn xác định cần nghiên cứu văn hóa - xã hội của mỗi dân tộc như là một chỉnh thể thống nhất.[i]Nghiên cứu văn hóa như một chỉnh thể thống nhất cần chia tách thành ra các bộ phận, các yếu tố và vạch ra những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Ở đây, mỗi tế bào hay yếu tố của văn hóa đều có một chức năng xã hội nhất định, mỗi yếu tố riêng lẻ vừa là chính nó, vừa như một mắc xích, mà nếu thiếu chúng thì văn hóa không thể tồn tại như một chỉnh thể.[ii]Nếu triệt tiêu đi bất cứ một yếu tố nào thì toàn bộ hệ thống sẽ không vận hành được, nó sẽ bị suy thoái và hủy diệt. Có thể xem mỗi yếu tố hay thể chế xã hội đều tạo ra sự thống nhất chức năng với các yếu tố hay thể chế khác. Chúng sẽ có những đóng góp nhất định cho sự tồn tại của nền văn hóa mà chúng xuất hiện. Malinowski chủ trương: xã hội nào cũng cần phải được bảo tồn và mở rộng các yếu tố của hệ thống với các chức năng cụ thể của chúng, bởi mỗi chức năng như thế đều nhằm thỏa mãn một nhu cầu cụ thể của con người[iii].

  1. Khái quát về sân khấu kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh

Kịch nói là một thể loại sân khấu ngoại sinh du nhập vào Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. So với các thể loại truyền thống khác của Việt Nam như chèo, tuồng thì về lịch sử hình thành, Kịch có thời gian tồn tại ngắn hơn. Theo tác giả Nguyễn Văn Thành trích từ những ghi chép của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong sách “Sài Gòn năm xưa”, ở Nam Bộ: “ngay từ 1863 tại Sài Gòn đã xuất hiện những buổi trình diễn của các gánh hát người Tây từ chính quốc sang để phục vụ chủ yếu cho Tây thuộc địa xem, nhân đó mà những người Việt Nam làm việc cho Tây cũng được tiếp xúc với những hình thức trình diễn lạ mắt là ca - múa và cả kịch nói”. [iv]Như vậy, Kịch nói đã được giới thiệu nhưng chỉ giới hạn ở một bộ phận nhỏ công chúng. Khi phong trào Âu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ ở các đô thị lớn, đặc biệt như Sài Gòn, nó đã mang đến một sự biến chuyển lớn. Bắt đầu là nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người dân cũng dần thay đổi. Song song đó, hệ thống những trường Pháp - Việt đưa vào chương trình giảng dạy các tác phẩm nổi tiếng của một số kịch tác gia tiêu biểu thế giới như: Molier, Corneille v.v…, Kịch nói đã thâm nhập đời sống xã hội sâu rộng hơn và nhanh chóng thu hút được tầng lớp thanh thiếu niên.

Sau năm 1954, một số đoàn nghệ thuật tư nhân đã hình thành ở Nam Bộ. Các đoàn này tổ chức những buổi biểu diễn tạp kỹ, trong đó có chương trình ca nhạc xen kẽ với Kịch nói. Không chỉ tồn tại ở đô thị tấp nập mà phạm vi hoạt động của thể loại này còn mở rộng đến tận các chiến khu. Những đoàn văn công giải phóng cũng tổ chức diễn kịch cho đồng bào và chiến sĩ thưởng thức. Khán giả Nam Bộ có điều kiện tiếp xúc và quen thuộc hơn với kịch nói. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì sân khấu kịch nói từ khi xuất hiện cho đến  đầu năm 1975 chỉ là những hoạt động mang tính chất lẻ tẻ, tản mác. Miền Nam chưa giải phóng, đất nước chưa độc lập, thống nhất nên nghệ thuật sẽ không có điều kiện để phát triển toàn diện và theo hướng chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, Kịch nói cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ “người anh em” Cải lương - vốn là một món ăn tinh thần yêu thích của người dân nơi đây. Là một thể loại nội sinh ra đời và phát triển tại vùng đồng bằng sông nước mênh mông, âm nhạc xây dựng trên cơ sở của những bài lý, điệu hò, bản đờn tài tử gắn bó mật thiết với đời sống cư dân, kết hợp với hình thức biểu diễn sân khấu du nhập từ phương Tây, do vậy, Cải lương rất được ưa chuộng, yêu thích và gần như giữ vị trí độc tôn trong một thời gian dài ở phương Nam.

Năm 1975, đất nước được giải phóng, độc lập, quốc gia thống nhất mở ra một kỷ nguyên mới, đem lại những thay đổi to lớn, toàn diện đem lại diện mạo mới cho hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà nói chung hay thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Sân khấu kịch nói vì thế cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Chất lượng, mang sắc thái riêng là những nét mới dần được khẳng định. Một số đoàn kịch chuyên nghiệp do Nhà nước quản lý được thành lập như: Đoàn kịch nói Nam Bộ (sau này là Đoàn kịch Cửu Long Giang); Đoàn kịch Trẻ. Đội ngũ nghệ sỹ hùng hậu, đào tạo bài bản đúng chuyên môn cùng với các tác phẩm hay, có chọn lọc, được đầu tư, kịch nói lúc này đã thực sự trở thành thể loại có sức hấp dẫn lớn, thu hút đông đảo công chúng. Bên cạnh những đoàn kịch chính quy của nhà nước, các đoàn kịch tư nhân như: Đoàn kịch Kim Cương; Đoàn kịch Bông Hồng cũng đi vào quy trình chuyên nghiệp hóa, chất lượng biểu diễn tăng lên đáng kể so với các giai đoạn trước đây. Chỉ trong vòng 10 năm (1975-1985), sân khấu kịch nói đã khẳng định vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa-  nghệ thuật của thành phố. Người dân thành thị xem kịch như một món ăn tinh thần không thể thiếu của đời sống văn hóa tinh thần.

Như những lĩnh vực khác, nghệ thuật không nằm ngoài mà luôn gắn bó với kinh tế - xã hội. Đây là một quy luật tất yếu khách quan. Giai đoạn từ 1985 đến nay, Kịch nói đã có nhiều biến chuyển sâu sắc. Đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, nền kinh tế thị trường với quy luật cung - cầu, cạnh tranh xuất hiện; thêm vào đó là sự phát triển khoa học công nghệ, quá trình giao lưu, hội nhập với thế giới diễn ra nhanh chóng. Xu hướng thẩm mĩ, thưởng thức nghệ thuật của công chúng cũng đổi khác, không giống với trước đây.  Tất cả yếu tố trên đã tác động và đòi hỏi kịch phải có sự đổi mới. Một trong những vấn đề nổi bật nhất, tạo ra bước ngoặt để sân khấu kịch nói thành phố chuyển mình, đó là quá trình xã hội hóa. Số lượng các đoàn kịch do nhà nước bao cấp, quản lý đã thu hẹp lại, thay vào đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các sân khấu kịch tư nhân, mà người đầu tư có thể là các văn nghệ sỹ hoặc công ty giải trí, tổ chức sự kiện. Chính sự có mặt của các cá nhân, tổ chức này với phương thức hoạt động tính đến hiệu quả kinh doanh thương mại, tính đại chúng đã mang đến cho sân khấu kịch một bộ mặt mới, bao gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen nhau. Tính đến thời điểm hiện nay, tuy cũng có trải qua những khó khăn nhất định nhưng các sân khấu kịch nói ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì và tồn tại được trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình khác như: ca nhạc, điện ảnh, truyền hình. Điều này đã chứng minh cho sức sống cũng như hướng đi phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh mới.  Khán giả yêu kịch hay có nhu cầu giải trí có thể tìm đến các sân khấu để thụ hưởng không gian nghệ thuật, hòa mình vào với những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố cùng các nhân vật dưới ánh đèn huyền ảo sau một ngày lao động vất vả.

  1. Thuyết chức năng luận trong nghiên cứu về sân khấu kịch nói thành phố Hồ Chí Minh

Như vậy, khi áp dụng thuyết chức năng luận của Malinowski vào nghiên cứu trường hợp sân khấu kịch nói thành phố Hồ Chí Minh, chúng tasẽ xem sân khấu kịch nói như một thiết chế mà thiết chế này là hệ thống được tổ chức của những hoạt động có mục đích, trong đó sẽ  bao gồm nhiều yếu tố. Mỗi yếu tố đó sẽ đảm nhận một chức năng cụ thể. Để đưa ra nhận định có tính khách quan, khoa học thì phải xem xét đến tất cả các yếu tố với các chức năng, đồng thời tìm hiểu quan hệ tác động, ảnh hưởng qua lại giữa chúng. Biểu hiện cụ thể của các yếu tố sẽ như sau:

1) Những người tham gia hoạt động

2) Quan hệ giữa những người tham gia hoạt động

3) Những quy tắc, chuẩn mực phải tuân theo

4) Nội dung của hoạt động

5) Công cụ hay chất liệu được sử dụng trong hoạt động

6) Chức năng được thực hiện bởi hoạt động.

2.1. Những người tham gia hoạt động:  người tham gia ở đây đóng vai trò quan trọng nhất chính là khán giả và nghệ sĩ. Nói đến nghệ sĩ chúng ta có thể hình dung đến một đội ngũ đông đảo với thành phần chính như: tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên, hoạ sỹ thiết kế, chỉ đạo nghệ thuật, giám đốc sản xuất; ngoài ra, còn có một bộ phận phụ hỗ trợ cho buổi diễn được tổ chức bao gồm: nhân viên âm thanh, ánh sáng, phục trang, trang điểm v.v… Mỗi vị trí đều đảm nhiệm vị trí công việc cụ thể và một vở kịch để đưa lên sân khấu trình diễn không thể thiếu sự phối hợp của các thành phần trên. Và cũng thật là thiếu sót nếu không nhắc đến khán giả vì họ chính là người quyết định một nửa sự thành công của tác phẩm khi công diễn. Bởi dù Kịch nếu có hay đến mấy nhưng khán giả không hào hứng hoặc quay lưng xem như thất bại. Để vận hành sân khấu kịch nói, nó đòi hỏi phải có đầy đủ cả 2 thành phần người xem và người diễn.

2.2. Quan hệ giữa những người tham gia hoạt động: đối với sân khấu kịch nói thì quan hệ giữa những người tham gia hoạt động chủ yếu xem xét trên mối tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả. Với trường hợp kịch nói ở thành phố Hồ Chí Minh, do có một sự phân khúc thị trường khá rõ nên dẫn đến hiện tượng thú vị như: mỗi sân khấu sẽ sở hữu nguồn công chúng cũng như lực lượng sáng tác, biểu diễn gần như mang tính chất “độc quyền”. Thị hiếu của khán giả hay tên tuổi, phong cách của diễn viên sẽ gắn bó với một sân sân khấu cụ thể nào đó.Và cả hai có mối quan hệ tương tác lẫn nhau góp phần tạo nên thương hiệu riêng.

2.3. Những quy tắc, chuẩn mực phải tuân theo: là một loại hình nghệ thuật biểu diễn xuất phát từ phương Tây, kịch nói cũng có những quy tắc, chuẩn mực cụ thể mang tính chuyên sâu. Nó đòi hỏi người tham gia hoạt động này phải am hiểu và tuân thủ. Ví dụ như, xây dựng, dàn dựng một kịch bản theo trường phái cổ điển cần nắm được một số nguyên tắc cơ bản. Kịch chỉ có hai hình thức chính thống: bi kịch và hài kịch. Tình tiết trong một vở diễn không thể kéo dài quá 24 tiếng đồng hồ, xảy ra cùng một nơi chốn và cùng một biến cố. Cốt truyện và hành động kịch phải thống nhất, tập trung, các sự kiện, chi tiết cô đúc, liên hệ với nhau một cách logic, chặt chẽ. Hành động kịch diễn biến theo quy luật nhân quả: hành động này là kết quả của hành động trước và là nguyên nhân dẫn đến hành động sau đó. Mặt khác, quy tắc, chuẩn mực ấy không chỉ đơn thuần về góc độ chuyên môn mà còn là các nguyên tắc quy ước giữa công chúng và diễn viên. Chẳng hạn như sân khấu sẽ phân chia khoảng cách giữa người xem và người diễn, người xem không thể tuỳ hứng ứng tác hay tham gia vào hoạt động đang diễn ra như ở một vài loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Ở đây, quy tắc ấy giúp cho mỗi thành phần giữ đúng vai trò, chức năng của mình.

2.4. Nội dung của hoạt động: Đối với kịch nói thì hoạt động chính là biểu diễn. Nên nội dung của hoạt động chủ yếu xoay quanh yếu tố này. Ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều sân khấu kịch nói cùng tồn tại nên nhìn chung hoạt động biểu diễn khá phong phú. Kịch mục, tác phẩm, diễn viên, cách tiếp thị quảng cáo, suất diễn,vé bán, chất lượng nghệ thuật v.v…là những bộ phận gắn bó và liên hệ mật thiết đến hoạt động biểu diễn.

2.5. Chất liệu, công cụ được sử dụng trong hoạt động: chất liệu để làm nên một tác phẩm kịch nói chính là kịch bản sân khấu. Tác giả của chúng có thể là những nhà biên kịch, nhà văn, đạo diễn. Lực lượng sáng tác này đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của hoạt động biểu diễn. Bởi nếu thiếu kịch bản thì sân khấu không thể sáng đèn dù cho đầy đủ các yếu tố khác. Con người cũng được xem như yếu tố “công cụ”, nhờ có con người mà hoạt động biểu diễn diễn ra, hay nói một cách khác, vở kịch sẽ được trình diễn, tiếp cận được với công chúng.

2.6. Chức năng được thực hiện bởi hoạt động: hoạt động biểu diễn kịch nói tạo nên những chức năng nhất định như: thẩm mỹ, giáo dục, giải trí, dự báo. Bởi lẽ nó tiếp cận với công chúng thông qua trình diễn và có khả năng tác động vào tình cảm, nhận thức của con người. Ưu thế của nghệ thuật là tuy không nói trực tiếp nhưng bằng  hình tượng nghệ thuật được xây dựng trên sân khấu, những nội dung, thông điệp muốn truyền đạt lại có thể đến với người xem một cách nhanh chóng. Người ta có thể vui, buồn, khóc, cười hay hiểu về những giá trị chân - thiện - mĩ khi xem một vở diễn. Thông qua đó, sự giải trí hay sự giáo huấn, giáo dục về đạo đức sẽ được thực hiện.

Từ những phân tích trên cho thấy thuyết chức năng luận của Malinowski có độ phổ quát rất rộng lớn. Nó không chỉ được vận dụng trong các nghiên cứu về nhân học, văn hóa học mà  còn có thể  xem xét trong lĩnh vực nghệ thuật học hay sân khấu, như trường hợp kịch nói. Cách tiếp cận mở rộng này cho phép chúng ta sẽ có nhiều nghiên cứu liên ngành mang tính khoa học cao đồng thời không kém phần bổ ích, thú vị

 

Chú thích:

[i]Mai Văn Hai, Mai Kiệm (2003), Xã hội học văn hoá, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.124.

[ii]Mai Văn Hai, Mai Kiệm (2003), Xã hội học văn hoá, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.124.

[iii]Mai Văn Hai, Mai Kiệm (2003), Xã hội học văn hoá, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.125-126.

 

[iv] Nguyễn Văn Thành, (2008), Kịch nói thành phố Hồ Chí Minh một chặng đường lịch sử, Nxb Sân khấu, Hà Nội,tr.33-34.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. A.A Belik (2000), Văn hoá học - Những lý thuyết nhân học văn hoá, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội.
  2. Vũ Thị Phương Anh (2006), Một số vấn đề lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nhân học,Nxb Đại học

Quốc Gia, Tp Hồ Chí Minh

  1. Mai Văn Hai, Mai Kiệm (2003), Xã hội học văn hoá, Nxb KHXH, Hà Nội.
  2. E. B. Tylor ( 2019), Huyền Giang dịch, Văn hoá nguyên thuỷ, Nxb Tri thức, TP. Hồ Chí Minh
  3. Robert Layton (2007), Nhập môn Lý thuyết Nhân học, Nxb Chính trị Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Văn Thành (2008), Kịch nói thành phố Hồ Chí Minh một chặng đường lịch sử, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
  5. Ngô Thảo (2001), Mấy vấn đề của sân khấu trong cơ chế thị trường, Nxb Sân khấu, Hà Nội.