Nội san

TIẾP NHẬN THƠ THIỀN TRẦN NHÂN TÔNG TỪGÓC NHÌN CHỦ NGHĨA DÂN TỘC ĐẾN VĂN HÓA HỌC VÀ MỸ HỌC THIỀN

19 Tháng Năm 2021

TS. Đỗ Thu Hiền, Lương Xuân Bách

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

 Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

Tóm tắt

Trần Nhân Tông là một trong những tác gia văn học lớn thời Lý - Trần với vai trò đặc biệt trong lịch sử dân tộc: vừa là hoàng đế, vừa là thiền sư - người sáng lập ra một tông phái lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Cũng vì lẽ đó, các sáng tác văn chương còn lại của ông vẫn luôn là đối tượng nghiên cứu được quan tâm. Bài viết nghiên cứu cách tiếp cận thơ Thiền Trần Nhân Tông từ những góc nhìn và phương pháp luận khác nhau trong thế kỷ XX nhằm có cái nhìn đa chiều và tổng quan hơn về sáng tác văn học của Trần Nhân Tông.

Từ khóa: Trần Nhân Tông, thơ thiền, mỹ học, văn hóa học

Abstract:

Tran Nhan Tong is not only one of the well-known authors in Ly – Tran Dynasties but also a historical figure with important roles such as an emperor, a monk and a founder of the fundamentalist sect in Vietnamese Buddhism history. Therefore, his literary works are a research topic attracting many researchers. This paper focuses on the reception of Tran Nhan Tong’s poems from different viewpoints and methodologies in the 20th century to provide an overview of his compositions.

Keywords:

 

1. Dẫn nhập

            Lịch sử lý luận văn học có thể được chia làm ba giai đoạn chính: tiền hiền đại hay còn gọi là thời kì lý luận văn học truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại. Ở mỗi thời kì khác nhau của lịch sử lý luận, vai trò trung tâm của văn học đã được các nhà lý luận dịch chuyển sang từng đối tượng khác nhau.Việc các nhà lý luận văn học hậu hiện đại thay đổi, dịch chuyển đối tượng trung tâm của văn học sang người đọc từ tác giả ở tiền hiện đại hay văn bản tác phẩm ở thời kì hiện đại đã dẫn đến những góc nhìn mới mẻ đối với các sang tác văn chương trong quá khứ. Bài viết nghiên cứu các khuynh hướng tiếp cận đối với thơ thiền Trần Nhân Tôngđể một mặtcó thể nhận diện một Trần Nhân Tông phong phú ở nhiều góc độ hơn, mặt khác cũng tìm hiểu được một phần những biến động trong nghiên cứu văn học Phật giáo ở Việt Nam trong thời hiện đại.

2.Góc nhìn chủ nghĩa dân tộc

Trước năm 1954, các bộ lịch sử văn học gần như chưa kịp quan tâm nhiều đến Trần Nhân Tông cũng như văn học Phật giáo Lý- Trần. Sau năm 1954, sự khác biệt về ý thức hệ đã khiến cho việc nghiên cứu cùng một đối tượng giữa hai miền đã có sự khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, với Trần Nhân Tông và văn học Phật giáo nói chung, cách tiếp cận ở cả hai miền có phần tương đồng. Hầu hết những bộ lịch sử văn học giai đoạn này thường đặt văn học Lý Trần trong dòng chảy của văn học yêu nước,văn học Thiền nhìn chung vẫn còn rất ít được nghiên cứu đến.

Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII (1979)[1] của Đại học Tổng hợp có thể được coi là tiêu biểu cho trường hợp tiếp cận văn học Phật giáo Lý Trần dưới góc nhìn chủ nghĩa dân tộc. Văn học Thiền thời Lý còn được dành riêng cho một mục, dù mục ấy mang tên là “Văn học Thiền tông đời Lý với thiên nhiên và con người”[2].Trong khi đó, văn học Thiền thời Trần được hòa lẫn trong phần “Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học thời Trần”[3]. Một trong những bài thơ Thiền tiêu biểu của Trần Nhân Tông là Thiên Trường vãn vọng được tác giả công trình này giới thiệulà miêu tả một “cuộc sống thanh bình”[4]. Bài Xuân hiểu được cho là đãthể hiện “buổi sớm mùa xuân” với những dòng phân tích như sau: “Rõ ràng là một niềm yêu đời tha thiết. Phải có một tâm hồn tươi trẻ mới có thể nhạy cảm với mùa xuân như vậy, và bắt được hơi thở của cuộc sống trong cảnh bướm đang bay phấp phới trên bông hoa xuân mơn mởn”[5]. Bài Nguyệt được tiếp nhận như sau: “Ngay trong không khí lạnh của đêm thu, ánh trăng vẫn cứ vừa đẹp vừa vui trong bài Trăng của Trần Nhân Tông […] Tất cả tứ thơ của bài này dồn xuống cuối câu. Ba câu trên chỉ là tả cảnh thực, ở câu cuối cùng thì cảnh vừa thực mà lại vừa đẹp như mộng”[6]. Đây là tất cả những gì công trình này đề cập đến thơ Thiền của Trần Nhân Tông. Có thể thấy, không những thơ Thiền của Trần Nhân Tông ít được chú ý tới, mà góc tiếp cận cũng từ vấn đề của chủ nghĩa dân tộc.

Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam(2011)[7]của Đại học Sư phạm Hà Nội cũng là một trường hợp tương tự dù ra đời sau bộ giáo trình của Trường Đại học Tổng hợp rất lâu. Bài thơ Xuân hiểu của Trần Nhân Tông được nhận xét rằng: “Dường như ông day dứt, tự trách mình vì thờ ơ hay thiếu nhạy cảm nên không biết xuân đã về, phải đến khi mở cánh cửa, đôi mắt bắt gặp bước đến với hoa mới cảm nhận được sức sống của mùa xuân, cảnh sắc của mùa xuân? Những tín hiệu của mùa xuân, có tính công thức trong văn học cổ vì thế vẫn mang một hồn thơ riêng, làm nên một bức tranh đẹp, hấp dẫn”[8]. Bài thơ Thiên Trường vãn vọng thì được cho là đã thể hiện “tấm lòng của bậc “chăm nuôi muôn dân” đã hướng hướng tới lắng nghe âm thanh của cuộc sống nơi thôn dã, hướng tới đón nhận hình ảnh, sắc mầu của cảnh vật nơi đồng nội và viết nên một bức tranh đẹp. Quả là trong thơ có nét vẽ (Thi trung hữu họa)! Bài thơ dường như có sự hòa nhập giữa cái cảm, cái tâm, cái tài của ba người: ông vua – nhà Phật học – thi sĩ, trong một con người.”[9]

            Một trường hợp tiêu biểu nữa của cách tiếp nhận văn học Thiền từ góc nhìn chủ nghĩa dân tộc là sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7[10] hiện hành. Tác giả sách giáo khoa đã cho rằng Cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là “cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu. Ở đây vẫn phản ánh lên sự sống con người trong sự hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ, chứng tỏ tác giả là con người tuy có địa vị tối cao, nhưng tâm hồn gắn với quê hương thôn dã”[11]. Tuy có đề cập đến việc “đậm cảm hứng Phật giáo” nhưng trong sách Văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường[12] của Hà Minh cũng chỉ tập trung tiếp cận bài thơ dưới tư cách là một tác phẩm tả cảnh của một một vị hoàng đế khi nói về đề tài thôn quê dân dã “Ngôn ngữ hình ảnh thơ bình dị, tinh tế, giàu tính tạo hình, tất cả là để khắc họa một bức tranh thiên nhiên đồng quê khoáng đạt bình yên, trong sáng. Bài thơ được truyền tụng là thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc, nội dung thể hiện tình cảm thiết tha với cuộc sống của tác giả. Đáng quý hơn, đây là tình cảm của một ông vua vốn bận bịu với chính sự, quen thuộc nơi điện các. Đây cũng là một trong số những tác phẩm thơ ca đầu tiên của văn học chữ Hán Việt Nam thời trung đại về đề tài thôn quê”[13]

            Với chủ trương hướng tới học sinh phổ thông: “Tạm gác thiền cảm. Hãy dừng ở thế tục, ở cảm quan hiện thực”, Đến với thơ hay[14] của Lê Trí Viễn lại gắn bài thơ Thiên Trường vãn vọng với hoàn cảnh sáng tác sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai, lần thứ ba và sau một thời gian khôi phục lại cuộc sống yên lành cho đất nước và với suy nghĩ cũng như tâm hồn của một ông vua thi sĩ, Trần Nhân Tông đã “tự thân lăn lộn trong dân, cùng nhân dân vào sinh ra tử gian khổ biết chừng nào mới đuổi được quân giặc, giành lại được cho đất nước, cho dân cảnh sống thanh bình”. Do đó, tác giả kết luận rằng “bài thơ ngắn này không phải là một khắc mà thơ của một thời đại, rất tiêu biểu cho một thời đại vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc”[15].

Nhìn chung, khuynh hướng tiếp cận thơ Thiền của Trần Nhân Tông dưới góc nhìn chủ nghĩa dân tộc đã là một khuynh hướng chính thống trong nhiều năm qua. Có thể nói, chủ nghĩa dân tộc là một trong những vấn đề nổi bật của văn học Việt Nam, chi phối cách tiếp cận của người Việt đối với các vấn đề văn học văn hóa nói chung, bất kể ý thức hệ. Ngoài ra, riêng đối với miền Bắc sau 1945, việc phê phán Nho, Phật, Đạo như những yếu tố mang tính tiêu cực đã khiến những nghiên cứu về Phật giáo cũng như thơ Thiền có những khoảng dừng.Đến sau Đổi mới, những nghiên cứu về Thơ Thiền đã dần có những chuyến biến và dần được tiếp cân từ nhiều góc độ khác nhau.

3. Góc nhìn văn hóa học

Người sử dụng phương pháp văn hóa học trong văn học như một phương pháp nghiên chính thức là Trần Nho Thìn với Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa và sau này với Phương pháp tiếp cận văn hoá trong nghiên cứu, giảng dạy văn học.Tác giả đi từ những đặc trưng văn hóa của Thiền tông để tìm hiểu các tác phẩm thơ Thiền. Ông cho rằng “Chủ trương kiểm soát cảm xúc của Phật giáo đưa đến tính nghệ thuật rất độc đáo của thơ Thiền”[16]. Khi phân tích bài thơ Xuân hiểu của Trần Nhân Tông, Trần Nho Thìn nhận xét bài thơ cho người đọc thấy cảm ứng tâm - vật.  Tâm cảnh của con người với thiên nhiên trong thơ ca thời kì trung đại thường hòa hợp gắn kết với nhau. Họ coi thiên nhiên như là bạn thấu hiểu nỗi lòng của bản thân mình. Bên cạnh coi trọng thiên nhiên, cảm xúc cũng đối tượng được Phật giáo lưu tâm vì đó là khởi nguyên của nỗi khổ khi con người được sinh ra. Trong bài kệ kết thúc bài phú Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông, Trần Nho Thìn cho rằng: “Tâm lý con người bị sa lầy, bị níu kéo, ràng buộc bởi các hiện tượng trong thế giới khách quan. Từ đó mà có đau khổ, có tham sân si. Con đường giải thoát đối với người tu thiền nằm ở năng lực trí tuệ, lý trí đưa các ràng buộc níu kéo này về trạng thái không”[17].Với bài thơ Xuân Hiểu, Trần Nho Thìn nhận xét bài thơ dùng hình tượng thiên nhiên sinh động để diễn tả tư tưởng trừu tượng về đốn ngộ.Đốn ngộ có thể hiểu là trạng thái khi con người trong quá trình thiền tịnh đạt đến trạng thái giác ngộ, bừng tỉnh khi nhận thức được một vấn đề nào đó. Quá trình đó xảy ra rất nhanh nhưng để có một giây ngắn ngủi của đốn ngộ thì người tu hành phải trải qua một thời gian tu tập rất dài để có thể đạt đến trạng thái đó. Như vậy, bài thơ có thể hiểu “xuân đã về ngoài kia từ khi nào rồi nhưng người ngủ trong phòng vẫn không hay biết. Sự kiện ở cửa sổ phát hiện ra mùa xuân đã ở bên cửa có giá trị như giây lát đốn ngộ. Còn chuyện đôi bướm trắng phơi phới bay sấn vào những đóa hoa biểu trưng cho mùa xuân nhưng là biểu tượng nổi bật nhất. Biểu tượng của mùa xuân có nhiều: mưa phùn mùa xuân ở đồng bằng Bắc Bộ; chim anh, yến bay liệng ca hát, mùa xuân có pháo đỏ rượu hồng... nhưng trong ngữ cảnh cụ thể của bài thơ thiền thì việc chọn bướm- hoa có tính logic chặt chẽ, vì hai hình ảnh này có thể quan sát thấy từ thời điểm khung cửa sổ được mở ra. Tâm của người tu hành thản nhiên, bình lặng trước các diễn biến của cảnh xuân”[18].

Khuynh hướng tiếp cận văn hóa học chủ trương rằng tác phẩm văn học là tiếng vọng của thời đại, vì vậy để hiểu được tác phẩm cần phải phục nguyên không gian văn hóa trong đó văn bản đã ra đời, các quan niệm về giá trị, về biểu tượng, ngôn ngữ cụ thể và xác định. Xu hướng này có thể nói đã đặt thơ Thiền Trần Nhân Tông và văn học Phật giáo vào trong chính môi trường văn hóa của nó để nghiên cứu. Thơ Thiền Trần Nhân Tông đã được nghiên cứu từ chính những đặc trưng văn hóa của Phật giáo, Thiền tông thời Lý Trần để mong muốn tìm được phiên bản ý nghĩa tác phẩm gần nhất so với ý đồ của người sáng tác. Có thể nói, đến đây, sự tiếp nhận sáng tác của Trần Nhân Tông đã ra khỏi được phương pháp tiếp cận đem tác phẩm trong quá khứ đặt vào thời hiện đại, cảm nhận theo cách của người hiện đại.

4. Góc nhìn mỹ học Thiền

            Việc nghiên cứu thơ Thiền từ góc nhìn mỹ học bắt đầu được chú ý hơn trong những năm gần đây. Thơ thiền Lý- Trần có đặc điểm chung là đề cập đến thiên nhiên qua đó gửi gắm quan niệm triết học của mình. Quan niệm vạn vật nhất thể của Thiền tông đã thể hiện qua sự hòa đồng giữa tác giả và thiên nhiên. Quan niệm ấy không chỉ có tác dụng đối với việc nhận thức thiên nhiên mà còn có tác dụng đối với các tác giả nhân thực và miêu tả con người. Bài viết “Mấy phương diện thẩm mỹ của thơ Nho gia và Thiền gia (Qua khảo sát một số trường hợp thơ viết về thiên nhiên)”(2007) [19] của Nguyễn Kim Sơn và Trần Thị Mỹ Hòa đã đưa ra những tiêu chí mang tính lý thuyết về quan niệm thiên nhiên trong thơ thiền gia.Trước hết, thơ thiền trước hết coi thiên nhiên là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta tìm đến thiên nhiên như trở về cái bản thể, tự tính của con người: “Góc bể chân trời là nơi nuôi dưỡng chân tính của ta”[20] vì các vị thiền gia nhìn thấy ở thiên nhiên vật báu mà con người do vô minh, do lòng tham dục đã làm mất đi, đó là cái chân như, tự tính. Để lĩnh hội Thiền ý trong mỗi bài thơ, người đọc không thể không thông qua một quá trình "giải mã" các hình tượng được Thiền gia sử dụng. Thiên nhiên trong thơ thiền còn được thể hiện một tâm cảnh siêu việt. Đọc thơ Thiền, chúng ta thường có chung một cảm giác thế giới thơ Thiền là một thế giới thiếu vắng hình bóng con người. Con người trong thơ thiên nhiên của Thiền gia là con người đã "khám phá được bộ mặt chúa xuân", thấy được cái vô thường trong cái tàn nở, đắc thất của thiên nhiên và hướng tới một thái độ "đối cảnh vô tâm". Một đặc điểm khác trong thơ thiền mang quan niệm về cái đẹp “nhậm vận tùy duyên”, vẻ đẹp của một sự thuận ứng liên kết với môi trường xung quanh, vươn tới xoá đi sự cách biệt. So thiên nhiên trong thơ của Nho gia, thiên nhiên trong thơ Thiền thường ít màu sắc, đường nét hơn. Cái mà Thiền gia hướng tới trong cuộc đời tu tập của mình là dứt bỏ mọi vọng niệm, đạt tới cái tâm bản thể, chân như. Dùng tâm đó soi chiếu lên cảnh vật thì một lẽ dĩ nhiên là cảnh vật cũng sẽ hết sức tĩnh lặng. Đọc thơ Thiền người ta cảm nhận được rất rõ cảm giác yên tĩnh, tự tại trong nội tâm mình. Thiên nhiên trong thơ Thiền thường giống như trong một bức tranh, trong đó một khoảnh khắc ngắn ngủi, một "sát na" trong vũ trụ mênh mông được kết đọng lại, trở nên vĩnh cửu.

Nguyễn Kim Sơn là tác giả có nhiều nghiên cứu quan trọng về Trần Nhân Tông từ phương diện mỹ học. Từ phương diện triết học, ông cho rằngcăn cội triết học của tinh thần nhập của Trần Nhân Tông là “cư trần lạc đạo”, là một hệ thống phương pháp tu luyện và con đường giác ngộ của Thiền Tông. Nó là sự kết hợp tư tưởng Hòa quang đồng trần của Lão Tử, tư tưởng Vô sở đãi và tùy tục của Trang Tử và tư tưởng lạc đạo của Nho gia. Nó là sự hội nhập của Tam giáo, lấy Thiền làm trung tâm về các phương diện tư tưởng và thực hành đạo.Từ việc phân tích những tác phẩm cụ thể, bài viết “Sự nhất thể của Thiền lạc và thi hứng hay tiếng hoan hỉ của tâm không (Luận về ba bài thơ cảnh chiều tà của Trần Nhân Tông)” đã chỉ ra những phong cách thẩm mỹ của thơ Thiền Trần Nhân Tông: “Cả ba cảnh đều lấy cái hư không làm nền, làm cảnh, lấy cái tĩnh tịch làm thể, lấy sống động và thực tại làm phương tiện, lấy Thiền ngữ Thiền tượng để gợi dẫn”[21].

Xu hướng tiếp nhận từ góc nhìn mỹ học Thiền đã đưa thơ Thiền Trần Nhân Tông quay trở về gần hơn với thơ Thiền ở điểm xuất phát của nó. Cách tiếp cận này là sự kết hợp giữa Thiền học và thi học để tìm ra những đặc trưng thẩm mỹ của thơ Thiền. Cách tiếp cân này đã hy vọng giúp người đọc có thể tiếp nhận thơ Thiền như nó vốn có, tránh việc hiện đại hóa thơ Thiền như lâu này chúng ta vẫn thực hiện. Đây sẽ là cách tiếp cận hứa hẹn cho những nghiên cứu mới không chỉ thơ Thiền Trần Nhân Tông mà còn là thơ Thiền nói chung.

            5. Kết luận

Bài viết đã phân tích các cách tiếp cận thơ Thiền Trần Nhân Tông từ góc nhìn chủ nghĩa dân tộc đến phương pháp văn hóa học và mỹ học Thiền. Sự tiếp nhận thơ thiền Trần Nhân Tông dưới góc nhìn chủ nghĩa dân tộc chủ yếubắt đầu ở thế kỉ XX. Sau Đổi mới, lý luận phê bình đã xuất hiện những luận điểm mang tính chất đối thoại, phản biện của những nhà đổi mới tiên phong. Lý luận văn học và mỹ học mácxit tuy vẫn được xác định là cơ sở lý luận nền tảng, nhưng không còn giữ địa vị độc tôn như trước. Với nỗ lực nghiên cứu và dịch thuật, nỗ lực truyền bá và vận dụng, các hệ thống lý thuyết nghệ thuật, mỹ học Âu - Mỹ hiện đại đều không ngừng được giới thiệu, tiếp thu và vận dụng với tinh thần khách quan, khoa học hơn góp phần làm mới các lý thuyết. Kể từ đó, những nghiên cứu về thơ Thiền Lý Trần nói chung và thơ Thiền Trần Nhân Tông nói riêng đã có nhiều thành tựu phong phú hơn. Ngoài các cách tiếp cận văn hóa học, mỹ học thì các phương pháp tiếp cận khác như thi pháp học, phương pháp liên ngành… cũng có những đóng góp trong nghiên cứu thơ Thiền Trần Nhân Tông. Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục đề tài này ở những nghiên cứu tiếp theo.

 

[1] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2008), Văn học Việt Nam thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII, tái bản lần thứ 10,NXB Giáo dục, Hà Nội.

[2] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2008), Văn học Việt Nam thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII, sđd, tr. 51-60.

[3] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2008), Văn học Việt Nam thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII, sđd, tr. 87-116.

[4] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2008), Văn học Việt Nam thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII, sđd, tr. 101.

[5] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2008), Văn học Việt Nam thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII, sđd, tr. 103.

[6] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2008), Văn học Việt Nam thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII, sđd, tr. 104.

[7]Lã Nhâm Thìn (2017), Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam, Tái bản lần thứ 3, NXB Đại học Sư Phạm, Hà Nội.         

[8]Lã Nhâm Thìn (2017), sđd, tr. 55.

[9]Lã Nhâm Thìn (2017), sđd, tr. 60.

[10]Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) (2011), Ngữ văn 7, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

[11]Nguyễn Khắc Phi (2011), sđd, tr.77.

[12]Hà Minh (chủ biên) (2018), Văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường, NXB Giáo Dục Việt Nam, Hà Nội.

[13]Hà Minh (2018), sđd, tr. 164.

[14]Lê Trí Viễn (1997), Đến với thơ hay, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[15]Lê Trí Viễn (1997),sđd,tr.71-75.

[16]Trần Nho Thìn (2018), Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 237.

[17]Trần Nho Thìn (2018), Sđd, tr. 233.

[18]Trần Nho Thìn (2018), Sđd, tr.239-240.

[19]Nguyễn Kim Sơn, Trần Thị Mỹ Hòa (2007),sđd, tr.372- 403.

[20]Nguyễn Kim Sơn, Trần Thị Mỹ Hòa (2007), sđd, tr. 390.

[21]Nguyễn Kim Sơn (2017), “Sự nhất thể của Thiền lạc và thi hứng hay tiếng hoan hỉ của tâm không (Luận về ba bài thơ cảnh chiều tà của Trần Nhân Tông)”, in trong Trần Nhân Tông thiền lạc và thi hứng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 58-73.