Nghiên cứu lý luận

VĂN HÓA BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI CHĂM TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NINH THUẬN

07 Tháng Sáu 2021

 Nguyễn Ngọc Sơn

Cao đẳng sư phạm Ninh Thuận

 

Tóm tắt: Bài viết này xem các giá trị, di sản văn hóa của họ như là các nguồn lực để phát triển du lịch theo các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, tác giả điểm qua các giá trị, di sản của người Chăm đã, đang và chưa được khai thác cho hoạt động phát triển du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, bài viết này cũng nêu rõ một vài hạn chế, bất cập của việc khai thác các nguồn lực di sản văn hóa Chăm cho ngành du lịch bên cạnh các tiến bộ không thể phủ nhận. Nhìn nhận những thực tế đó khiến tác giả có thể đóng góp được một vài giải pháp để sự dụng hiệu quả các nguồn lực bản địa để phát triển du lịch Ninh Thuận, đem lại lợi ích nhưng vẫn tôn trọng bản sắc văn hóa người Chăm, tránh làm phương hại các giá trị, di sản văn hóa của họ theo đúng các chuẩn mực và nguyên tắc của du lịch bền vững

Từ khóa: nguồn lực, văn hóa bản địa, người Chăm, du lịch, bền vững.

Abstract: This article takes into consideration their cultural heritage and values ​​as resources for tourism development in accordance with the development goals in which the author reviews the values ​​and heritage of Cham people. The Cham people at times have been  exploited for local tourism activities. In addition, this article highlights some limitations, shortcomings of the exploitation, and undeniable progress of Cham cultural resources for the tourism industry. Recognizing these facts, the author can contribute a few solutions to the effective use of local resources to develop Ninh Thuan tourism, bringing benefits but still respecting human cultural identity. Ensuring care is paramount to avoid harming their cultural heritage and values ​​in accordance with the standards and principles of long-term tourism.

 Keywords: Resources, Indigenous culture, Cham people, Tourism, Sustainable. 

1. Đặt vấn đề

            Du lịch văn hóa là một xu hướng phổ biến và thịnh hành trong chiến lược, chính sách và chương trình phát triển du lịch ở nhiều quốc gia khu vực trên thế giới hiện nay. Cho đến nay, khái niệm và các vấn đề liên quan đến du lịch bền vững đã được nhiều nhà nghiên cứu du lịch đề cập và thảo luận trong các nghiên cứu, công trình về lý thuyết lẫn các vấn đề thực tiễn liên quan đến ngàng nghiên cứu du lịch (Bramwell – Lane, 1993; Hunter, 1997; Butler, 1999; Sharpley, 2000; Weaver, 2006). Tuy nhiên, một định nghĩa phổ quát và mang tính chính thống đã được đưa ra bởi Tổ chức du lịch Thế giới, theo đó, du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhầm đáp ứng các nhu cầu của du khách và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển du lịch trong tương lai (World Tourism Organization 1993, p. 7; 2013, p. 10).

            Các nguồn lực văn hóa bản địa, kể cả yếu tố con người, bao gồm các giá trị vật chất, tinh thần, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người bản địa đó, kể cả là tộc người thiểu số hay đa số. Trong các diễn ngôn về du lịch bền vững, tộc người, nhất là tộc người bản địa và các nguồn lực văn hóa của họ, được xem là một trong những thành tố quan trọng hàng đầu trong hoạt động khai thác và phát triển du lịch (Stronza 2001, p. 270; G.L. Burns 2001, p. 9). Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng có nhiều tác động tiêu cực với các tộc người bản địa đi ngược lại các giá trị về sự bền vững mà du lịch muốn hướng đến (Greenwood 1977; Cohen 1988; Mansperger 1995). Do đó, việc  khai thác và phát triển du lịch luôn đòi hỏi một sự thúc đẩy các chính sách và giả pháp giúp đạt được sự cân bằng và hài hòa với các giá trị và di sản văn hóa của tộc người và xã hội bản địa.

            Người Chăm, là cư dân bản địa ở Ninh Thuận có nguồn lực vô cùng đặc sắc, đa dạng và còn nhiều tìm năng để khai thác và phát triển trong hoạt động du lịch tại địa phương. Đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến các di sản văn hóa của người Chăm như một nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động du lịch nội vùng. Bài viết này không chỉ xem xét những nguồn lực để phát triển du lịch dưới góc độ văn hóa như nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, mà còn xem xét vai trò của con người như một yếu tố trọng tâm, then chốt của nguồn lực bản địa. Bên cạnh đó, tác giả còn đánh giá và phân tích hiện trạng của du lịch dựa vào nguồn lực của người Chăm, cũng như các tác động của du lịch với nguồn lực bản địa, từ đó đề ra các giải pháp phát triển du lịch theo các nguyên tắc định hướng của một nền du lịch bền vững.  

2. Các nguồn lực văn hóa bản địa góp phần phát triển du lịch bền vững

Đối với người Chăm bản địa, vai trò của họ đối với văn hóa và các giá trị tộc người là không thể bàn cãi. Người Chăm ở Ninh Thuận là chủ nhân của các đền, tháp nơi họ vẫn còn thờ cúng các vị thần, họ là thực hành các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo được phản ánh qua các lễ hội truyền thống đặc sắc như Katê, Ramawan… Họ duy trì và bảo lưu một nền nghệ thuật ca múa nhạc độc đáo, các nghề thủ công truyền thống như dệt, gốm, các món ăn truyền thống mang đậm những đặc trưng riêng có cũng như nhiều giá trị tinh thần khác. Người Chăm không chỉ là chủ nhân, người sáng tạo, thực hành, bảo tồn và phát huy các di sản ấy, họ còn là nhân tố chủ đạo để khai thác các di sản trên vào hoạt động du lịch, cũng như thúc đẩy hoạt động này theo hướng bền vững.

Sau yếu tố con người, nói đến văn hóa Chăm Ninh Thuận chúng ta thường nói đến các đền tháp của người Chăm. Ở Ninh Thuận hiện nay còn tồn tại 3 nhóm đền, tháp của người Chăm: nhóm tháp Hòa Lai (Bắc Phong, Thuận Bắc) có niên đại thế kỷ VIII - IX, nhóm tháp Po Klaong Girai (phường Đô Vinh, tp. Phan Rang – Tháp Chàm) thế kỷ XIII, tháp Pô Ramê (Hậu Sanh, Phước Hữu, Ninh Phước) có niên đại thế kỷ XVII. Trong số 3 nhóm tháp trên, hiện nay, người Chăm chỉ còn thờ cúng và tiến hành các nghi lễ trên hai ngôi tháp Po Klaong Girai, Po Ramê, đây là ngôi tháp thờ tự hai vị vua thần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm. Các ngôi tháp ở Ninh Thuận là di sản ghi nhận những thành tựu rực rỡ về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của người Chăm, đó là nơi chứa đựng nhiều bí ẩn về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, về kỹ thuật xây dựng tháp, nơi lưu giữ các truyền thuyết ly kỳ về các vị vua thần Chăm. Đó là các chủ đề quan trọng thu hút sự nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà nghiên cứu và khách du lịch và được xem như là một nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch (Đổng Thành Danh, 2018).     

Bên cạnh các di sản đền tháp, người Chăm còn sở hữu nhiều di sản vật thể quan trọng có thể phát huy để khai thác du lịch như giếng cổ Chăm Thành Tín, các bia đá khắc chữ cổ của người Chăm... Hệ thống giếng đôi Chăm Thành Tín mang đậm dấu ấn của người Chăm với kết cấu giếng hình vuông, được dựng bằng cây gỗ Da Đá với chức năng sử dụng phong phú, phần bên trong lòng giếng thì dùng để uống, phần bên ngoài để tắm gội, phần thứ ba để cho gia súc uống, phần nước cuối cùng chảy ra theo một đường mương dẫn vào tưới tiêu cho đồng ruộng, nhờ hệ thống này mà dù ở trong điều kiện khô cằn, khắc nghiệt các cánh đồng ở làng Chăm Thành Tín vẫn tươi tốt, cung cấp lương thực cho người dân từ bao đời nay. Hệ thống các bia ký của người Chăm ở Ninh Thuận là các di sản ghi lại các chặng đường lịch sử của vương quốc Champa và của vùng đất Ninh Thuận thời cổ trung đại. Các văn bia cổ Chăm ở Ninh Thuận thường có hai dạng bia khắc trên vách đá như bia Đá Nẻ, bia Cà Đú, bia ở chùa Linh Sơn, bia Đầm Vua, bia khắc trên các cửa tháp như bia Po Klaong Girai, bia khắc tạc trên các phiến đá như bia Hòn Đỏ, bia Yang Tikuh, bia Hòa Lai...

Ngoài các di sản vật thể, các di sản phi vật thể của người Chăm, nhất là các làng nghề thủ công truyền thống cũng là nơi thu hút khách tham quan trong mấy năm gần đây. Hiện nay, người Chăm Ninh Thuận còn duy trì hai nghề thủ công truyền thống là nghề làm gốm và nghề dệt. Bàu Trúc là làng gốm duy nhất hiện còn tại Ninh Thuận, gốm Bàu Trúc thu hút khách tham quan và tìm hiểu vì đặc trưng kỹ thuật mang tính thô sơ của nó, yếu tố cổ và thô sơ của nghề gốm này thể hiện ở hai khía cạnh, thô sô trong kỹ thuật nặn gốm và tạo hình gốm, khi nặn gồm người Chăm không sử dụng bàn xoay mà phải di chuyển liên tục trên một bàn kê cố định để nặn và tạo hình gốm, họ cũng sử dụng các vật liệu rất thô sơ để hoàn chỉnh bề mặt và trang trí gốm; khía cạnh thứ hai cho thấy kỹ thuật thô sơ nhưng đặc trưng của gốm Bàu Trúc đó là cách nung gốm không sử dụng lò nung mà dùng củi, rơm, rạ nung ngay ngoài trời. Nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp (Phước Dân, Ninh Phước) cũng có nhiều nét đặc trưng riêng có, người Chăm sử dụng hai khung dệt: khung dệt khổ rộng tương tự như nhiều dân tộc khác cùng sử dụng; khung dệt khổ hẹp tạo ra các sản phẩm như dây thắt lưng, cạp váy, túi xách, túi đeo… với nhiều đồ hình hoa văn vô cùng đặc sắc, đây là khung dệt đặc thù chỉ có ở tộc người Chăm.

            Nói đến dân tộc Chăm người ta còn nói đến một hệ thống lễ hội vô cùng phong phú và đặc sắc, theo các nhà nghiên cứu hằng năm người Chăm tổ chức hàng chục các lễ hội, lễ tục thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo, các cộng đồng Chăm Awal (Chăm Bàni), Ahiér (Chăm Bàlamôn), Islam khác nhau với nhiều cấp độ cộng đồng, làng, các tộc họ... Đặc sắc nhất là nhóm lễ hội trên đền tháp mà lớn nhất, quy mô và nổi tiếng nhất chính là lễ hội Katê (diễn ra vào đầu tháng 7 lịch Chăm tức khoảng tháng 9, 10 Dương lịch). Sau đó phải kế đến các lễ hội tổ chức tại các thánh đường Chăm Awal như lễ Ramawan, các lễ hội múa diễn ra ở cả hai cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo Awal và Ahiér như lễ múa đầu năm Rija Nagar, lễ múa lớn Rija Praong... Ngoài ra còn có các lễ tục truyền thống như cưới hỏi, lễ trưởng thành (Kareh) của người Chăm Awal... Riêng làng Bỉnh Nghĩa có một hệ thống lễ hội đầu năm vô cùng đặc sắc bao gồm 8 cuộc lễ liên tiếp kéo dài trong vòng tháng giêng Chăm lịch.

            Bên cạnh lễ hội, âm nhạc cũng là một trong những yếu tố đặc trưng trong nền văn hóa tinh thần của người Chăm. Âm nhạc Chăm chủ yếu được hình thành và tồn tại trong lễ hội với nhiều thể loại hát lễ (hát thánh ca của chức sắc Kadhar – thầy kéo đàn Kanhi, Maduen – thầy vỗ trống Paranâng...), các hình thức múa lễ (của ông Kaing – ông bóng, bà Pajuw – bà bóng cộng đồng, bà Rija – bà bóng dòng họ...). Trên cơ sở các bài hát, điệu múa, bài bản trống lễ, nhạc lễ trong các lễ hội mà người Chăm đã biến thể, cách điệu thành các bài hát, các điệu múa thường ngày phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, sân khấu của đại chúng. Nổi tiếng là các bài dân ca Chăm Bini, Thei mai, các đoạn hát đối đáp, giao duyên, các điệu múa quạt, múa đội lu, múa khăn...

            Ngoài âm nhạc, không gian lễ hội và đời sống thường nhật của người Chăm không thể thiếu ẩm thực. Ầm thực truyền thống của người Chăm chủ yếu sử dụng các sản phẩm gần gũi với đời sống của họ như thịt thì có dê, gà, cừu, canh thì nấu bằng các loại rau rừng, lá me, lá môn... có tính giải nhiệt cao, các loại mắm đặc sản như mắm nêm, mắm đồng... Ầm thực Chăm đơn giản, không cầu kỳ chỉ chủ yếu chuộng hai món luộc và chiên, hạn chế sử dụng dầu mở, cấu trúc đơn giản nhưng có đủ yếu tố hài hòa bao gồm thịt, cơm, canh, đôi khi đi kèm với rau gém... Ngoài các món ăn chính, người Chăm còn có nhiều loại bánh đặc trưng, chủ yếu dùng để dâng cúng trong nghi lễ như bánh sakaya, ginaong laya, tapei nung (bánh tét), tapei bilik (bánh ít)...

            Tất cả các giá trị và di sản kể trên đều có thể trở thành một nguồn lực hữu hiệu giúp địa phương phát triển các hoạt động du lịch. Đến với văn hóa tộc người Chăm bản địa du khách không chỉ được tham quan các kiến trúc đền tháp cổ kính, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa – lịch sử, không chỉ được tham quan hai làng nghề truyền thống để múa sắm các mặt hàng lưu niệm bằng gốm, thổ cẩm. Mà đến với văn hóa Chăm họ còn được trải nghiệm cuộc sống của người Chăm, được thưởng thức các món ăn truyền thống, xem biểu diễn múa Chăm và nhạc cụ Chăm để chiêm ngưỡng nền nghệ thuật đặc sắc của dân tộc này.

         3. Hiện trạng hoạt động du lịch dựa vào các nguồn lực văn hóa Chăm ở Ninh Thuận hiện nay

            Với những giá trị và tiềm năng đã nêu, các nguồn lực của người Chăm Ninh Thuận đã được quan tâm để khai thác và phục vụ cho các hoạt động du lịch tại địa phương từ nhiều năm nay. Đền tháp Po Klaong Girai đã được đưa vào phục vụ du lịch đi kèm với đó hệ thống đường hoa, cây xanh, hồ nước, nhà trưng bày và các khu dịch vụ bán hàng lưu niệm, mỹ nghệ, bán nước giải khát đã được đưa vào phục vụ cho du khách tham quan đến tháp. Đặc biệt gần đây, vào một số dịp lễ, tết, tại tháp còn tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ truyền thống của người Chăm thông qua đó cho du khách thưởng thức nền nghệ thuật đặc sắc của người Chăm. Hằng năm tháp Po Klaong Girai tiếp rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan và tìm hiểu, nơi đây được xem là một trong những địa điểm nổi tiếng thu hút nhiều khách tham quan nhất của tỉnh. Đối với nhóm tháp Hòa Lai và Po Rame, chính quyền tỉnh Ninh Thuận cũng đã đưa ra nhiều chương trình, kế hoạch để bước đầu đưa nơi đây vào khai thác du lịch, các hạng mục công trình phụ trợ đang dần được xây đựng, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân các tháp này vẫn chưa thu hút nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu.

            Bên cạnh du lịch tại các đền tháp, du lịch làng nghề cũng có những hoạt động đáng kể, nhất là tại hai làng nghề gốm Bàu Trúc và dệt Mỹ Nghiệp. Trong những năm gần đây, làng gốm Bàu Trúc thu hút được nhiều đoàn khách tham quan và trở thành nơi tiêu thụ các dòng gốm Mỹ Nghệ làm tăng thu nhập cho đông đảo đồng bào, các cơ sở gốm được ra đời ngày càng nhiều không chỉ là nơi kinh doanh các mặt hàng gốm mà còn là nơi để tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm truyền thống của đồng bào Chăm vì đó còn là nơi mà các nghệ nhân biểu diễn cách thức làm gốm cho du khách chiêm ngưỡng. Tương tự, ở làng dệt Mỹ Nghiệp nhiều cơ sở kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trang phục truyền thống cũng ra đời, trở thành nơi thu hút đông đảo du khách để xem người phụ nữ Chăm dệt vải, cũng như mua các mặt hàng dệt bằng thổ cẩm của người Chăm để sử dụng hay làm quà lưu niệm khi đến vùng đất Ninh Thuận.

            Đó là những kết quả quan trọng của ngành du lịch địa phương trong việc khai thác các nguồn lực của người Chăm Ninh Thuận. Những điều này góp phần quảng bá, tăng cường sự hiểu biết, hình ảnh của người Chăm và nền văn hóa của họ nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung đến với bạn bè gần xa, cải thiện đời sống của người dân ở các làng nghề và đem lại nguồn lợi về tài chính cho ngân sách địa phương. Tuy vậy, quá trình khai thác và phát triển du lịch dựa vào nguồn lực của người Chăm vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần nhìn nhận, nghiên cứu để cải thiện và có những biện pháp thay đổi, khắc phục để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hoạt động du lịch dựa vào nguồn lực bản địa, nhất là phải theo các định hướng của du lịch bền vững. 

             Thiếu tính đồng bộ

            Hoạt động du lịch ở các đền tháp chưa có sự phát triển đồng đều, trong khi giá trị về lịch sử và văn hóa của ba nhóm đền tháp Chăm là như nhau, nhưng hầu như du khách tham quan chỉ biết đến tháp Po Klaong Girai, trong khi hai tháp kia hoàn toàn thưa thớt khách tham quan, hai ngôi tháp còn lại chỉ chủ yếu giành cho các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu... điều này làm mất đi một nguồn lợi không nhỏ cho ngành du lịch. Mặt khác, trong khi cơ sở vật chất và các hoạt động dịch vụ phục vụ tham quan tại tháp Po Klaong Girai đã được đầu tư hiệu quả thì các công trình phụ trợ và dịch vụ tại tháp Po Ramê và Hòa Lai lại chưa đầy đủ dù đã có chương trình, kế hoạch thực hiện mà nguyên nhận chính là do sự trì trệ và chậm chạp trong việc triển khai các dự án, kết quả là tháp Po Ropê vẫn chưa được đưa vào điểm đến tham quan, trong khi nhóm tháp Hòa Lai vẫn ở trong tình trạng hoang phế.  

            Tại các làng nghề, hoạt động du lịch có nhiều bước tiến nhưng các cơ sở sản xuất gốm hay dệt chủ yếu là nơi tham quan, nhu cầu mua sắm của du khách còn hạn chế, người dân nhất là ở làng dệt Mỹ Nghiệp chỉ bán sản phẩm cho các vùng lân cận với giá thấp. Hoạt động tham quan chỉ giới hạn ở một vài điểm, một vài cơ sở, trong khi nhiều hộ khác phải bỏ nghề vì không có nguồn thu từ nghề. Cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ kèm theo du lịch cho du khách vẫn chưa được đầu tư, xây dựng... Riêng về nghề dệt, du khách mới chỉ biết đến làng Mỹ Nghiệp, trong khi Chung Mỹ (gần Mỹ Nghiệp, thuộc Phước Dân, Ninh Phước) cũng là nơi lưu giữ được nghề dệt truyền thống với loại hình dệt thủ công mà Mỹ Nghiệp đang mất dần, tuy nhiên, hoạt động khai thác du lịch làng nghề ở đây dường như chưa được thực hiện, do đó đời sống người dân Chung Mỹ cũng khó khăn, nguy cơ duy trì, bảo tồn nghề truyền thống rất thấp. 

            Sự thiếu tính đồng bộ còn thể hiện ở việc chưa sử dụng và khai thác các di sản khác nhưng giếng cổ Chăm Thành Tín, các bia ký Chăm vào hoạt động du lịch, vào các điểm đến của địa phương. Mặt khác, nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống của người Chăm vẫn chưa được đưa vào khái thác hiệu quả, hoạt động phục vụ nghệ thuật cho du khách còn hạn chế về thời gian, địa điểm, khách tham quan chỉ có thể thưởng thức nghệ thuật Chăm vào những dịp lễ, tết. Thêm vào đó, du lịch ẩm thực – một mảng quan trọng trong hoạt động du lịch dựa vào nguồn lực bản địa vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chỉ thưa thớt, tự phát ở một số địa điểm. Đặc biệt, hoạt động du lịch dựa vào nguồn lực của tộc người Chăm vẫn còn thiếu hẳn một nền du lịch dựa vào cộng đồng, gắn với cộng đồng mang đến những trải nghiệm cho du khách không chỉ về văn hóa mà còn về lối sống, tình cảm của cộng đồng Chăm.

            Thiếu tính liên kết, phối hợp

            Các nghiên cứu về du lịch trên thế giới thường chú trọng đến việc xem xét các mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương. Mối quan hệ này được xem là một trong những yếu tố quan trọng quy định sự thành công của hoạt động du lịch và trở thành yếu tố then chốt trong các dự án, chương trình phát triển du lịch. Sự liên kết, phối hợp giữa ba thực thể Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nếu được giải quyết hài hòa sẽ mang lại tham điểm tích cực thúc đẩy hoạt động du lịch, ngược lại cản trở sự phát triển của ngành. Ở trường hợp du lịch dựa vào các nguồn lực của người Chăm, mối liên kết phối hợp giữa ba thực thể này dù có nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế do vậy mà không thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động này xứng tầm của các giá trị, di sản cũng như sự kỳ vọng của các bên.

            Các cấp quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương vẫn chưa có nhiều liên kết với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch lớn để quản lý, định hướng họ theo các điểm đến có tiềm  năng và triển vọng du lịch. Hoạt động du lịch của các doanh nghiệp, các tour cũng chưa liên kết với Nhà nước để mở rộng các điểm đến, các nơi tham quan mà chỉ gói gọn trong một số nơi hạn chế. Chưa có nhiều nghiên cứu của các cấp quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp về thái độ, tâm lý, nguyện vọng của người dân địa phương khi đưa ra các đề án, chủ trương phát triển du lịch.

            Thiếu tính bền vững, kế thừa

            Một trong những yếu tố quan trọng của du lịch theo hướng bền vững tính là tính kế thừa và tái tạo, trong đó tiêu chí tôn trọng bản sắc và các giá trị, di sản văn hóa và để các thế hệ sau thừa hưởng một cách trọn vẹn và nguyên bản các giá trị hay di sản ấy cũng là một nguyên tắc hàng đầu của định hướng bền vững. Tuy nhiên, những tác động của hoạt động du lịch, của khách du lịch, của chính sách quản lý du lịch, bên cạnh các thành tựu, cũng còn nhiều bất cập, hạn chế có thể tác động tiêu cực đến các nguồn lực của tộc người Chăm.

            Trước hết, tại các đền, tháp việc khai thác du lịch còn nhiều tồn tại xoay quanh việc ăn mặc và ứng xử của khách du lịch tại một số địa điểm tâm linh mang tính thiêng. Nhiều du khách thường mặc các trang phục thiếu kín đáo, nghiêm túc tại một nơi thờ tự mà người Chăm luôn tôn kính; nhiều du khách vẽ, viết lên tường, bề mặt tháp, leo trèo, phá hoại các di tích; tình trạng sử dụng nhang tràn lan trong việc cúng tế của di tích mà không hiểu được bản chất cách cúng bái của người Chăm. Về phía nhà quản lý họ chưa nhận thức được các hạn chế trên, không có các giải pháp, chính sách để hạn chế, nhắc nhở du khách khi tham quan tại một ngôi tháp sống như Po Klaong Girai, Po Ramê. Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ khách tham quan, tái hiện các lễ tục ngay bên cạnh các ngôi tháp cũng làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của một nơi thờ tự trong quan niệm không gian thiêng của tộc người Chăm.

Hoạt động du lịch tại các làng nghề chỉ nhằm mục đích tiêu thụ hàng hóa là chủ yếu, trong khi các giá trị truyền thống liên quan đến kỹ thuật nghề, hoạt động nghề và việc bảo tồn tính truyền thống, cổ xưa của nghề rất hạn chế. Đặc biệt ở làng dệt Mỹ Nghiệp, phần lớn các hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng dệt chủ yếu sử dụng sợi công nghiệp, làm bằng máy để sản xuất ra các sản phẩm hầu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các hình thức thủ công trước đây, như đan hoặc dệt hầu như không còn tồn tại, có chăng nó chỉ mang yếu tố trình diễn, phục vụ khách tham quan và chụp hình. Nhiều hộ gia đình đã bỏ hình thức này, do đó nghề thủ công không còn mang tính truyền thống nữa mà thay vào đó được cơ giới hóa, kỹ thuật hóa cốt sao để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ thị trường.

4. Một số giải pháp nhằm khai thác các nguồn lực bản địa Chăm trong việc phát triển du lịch bền vững

Việc khai thác các nguồn lực bản địa của người Chăm trong các hoạt động du lịch Ninh Thuận ngoài mục tiêu quảng bá văn hóa và lợi nhuận cần phải chú trọng và quan tâm đến các mục tiêu bền vững về môi trường văn hóa, trong đó có tôn trọng bản sắc, các giá trị và di sản của tộc người bản địa. Để thực hiện các mục tiêu này, chúng tôi xin đề xuất một vài nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, gắn với cộng đồng địa phương và tộc người bản địa 

Đối với tộc người Chăm, việc khai thác và phát triển du lịch dựa vào các nguồn lực của họ cần phải xem trọng tiếng nói của cộng đồng chức sắc tín ngưỡng - tôn giáo, các trí thức và người cao tuổi. Các giá trị và di sản của người Chăm nhất là các đền tháp rất cần được khai thác để phát triển du lịch, nhưng hoạt động này cần phải tôn trọng quan niệm của tộc người này về di sản, không làm ảnh hưởng đến tính chất linh thiêng của một cơ sở tôn giáo tín ngưỡng mà chủ thể vẫn thực hành. Trong các loại hình du lịch lễ hội, du lịch thưởng thức ẩm thực và âm nhạc truyền thống cần nhấn mạnh đến tính nguyên bản, không làm ảnh hưởng hoặc biến đổi lễ hội và âm nhạc nghi lễ theo thị hiếu du lịch làm sao để du khách tìm đến lễ hội, chứ không phải lễ hội đi tìm du khách mà phục vụ.

Về du lịch làng nghề, cần chú trọng đến tiếng nói của cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng trong các dự án lưu giữ nghề truyền thống, hạn chế việc công nghiệp hóa, cơ khí hóa hoạt động làm nghề, có chiến lược, chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình vẫn lưu giữ nghề theo kiểu thủ công truyền thống. Đặc biệt, trong hoạt động du lịch ở các đền tháp hay làng nghề, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch nên chú ý sử dụng nguồn nhân lực là người Chăm, chính họ sẽ là người am hiểu và nhiệt tình trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh đền tháp, làng nghề đến du khách, người tham quan dưới góc nhìn của người trong cuộc, tất nhiên việc sử dụng nhân lực tại chỗ sẽ còn nhiều hạn chế bắt nguồn từ tính chuyên nghiệp của nhóm người này, tuy nhiên thay vào đó ta có thể tổ chức các cuộc tập huấn, đào tạo ngắn hạn lực lượng này để họ có thế phục vụ du lịch một cách chuyên nghiệp. 

Xây dựng một ngành du lịch có sự kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các địa phương

Sau khi đặt trọng tâm vào cộng đồng, lấy cư dân bản địa làm trung tâm trong chiến lược, chính sách phát triển du lịch, sự phối hợp, liên kết giữa các nhà quản lý, với các doanh nghiệp và cộng đồng bản địa cần phải được chú trọng. Khi đưa ra các kế hoạch chương trình cụ thể không chỉ cần tham khảo ý kiến của người dân địa phương, các nhà quản lý cũng cần có sự đóng góp ý kiến, tham vấn các giải pháp của các doanh nghiệp, phối hợp với các công ty lữ hành, dịch vụ trong từng khâu, từng bước thực hiện các kế hoạch, sự án phát triển du lịch. Nhà quản lý đưa ra các chủ trương, chính sách phát triển du lịch vừa đảm bảo lợi ích văn hóa, kinh tế, xã hội của cộng đồng bản địa nhưng phải đồng thời tính toán đến việc phân chia, phối hợp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch tham gia và có lợi nhuận chứ không độc quyền không đưa ra các chính sách mà không chú ý đến việc liên kết với doanh nghiệp. 

Bản thân các doanh nghiệp cũng nên phối hợp chặt chẽ với các nhà quản lý từ khâu hoạch định, xây dựng dự án cho đến các hoạt động cụ thể, thực tiễn khi khai thác các nguồn lực của cộng đồng bản địa trong hoạt động du lịch. Các công ty lữ hành nên sử dụng các nguồn lực bản địa một cách tích cực, bền vững trong các hoạt động đưa khách tham quan xuống vùng miền nên tạo điều kiện cho cư dân địa phương được nói tiếng nói của mình trước du khách, cũng như đặt phúc lợi và lợi ích của địa phương lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp và xem đó như là một nguồn đảm bảo lợi nhuận bền vững cho chính doanh nghiệp mình. Các doanh nghiệp khai thác du lịch cũng cần chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, xây dựng các khách sạn, homestay, hướng dẫn dân địa phương cùng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ngay tại các làng Chăm để khai thác một cách hiệu quả nguồn lực bản địa nhưng đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp của hoạt động du lịch. 

Thực hiện đồng bộ, nhất quán các chương trình, kế hoạch, dự án khai thác và phát triển du lịch

Trong quá trình xây dựng, hoạch định cũng như thực hiện các chương trình, kế hoạch và dự án phát triển du lịch dựa vào các nguồn lực bản địa. Các cấp quản lý, các doanh nghiệp cần lưu ý đến việc xây dựng và triển khai các dự án một cách đồng bộ, cùng lúc tránh tình trạng nơi được khai thác trước, nơi khai thác sau, tránh tình trạng treo dự án, triển khai chậm tiến độ. Bên cạnh, việc xây dựng, cải tạo các điểm đến tham quan, các chương trình du lịch tại chỗ phải xây dựng các dịch vụ đi kèm, nâng cao cơ sở vật chất, hạ tầng tại những nơi, điểm tham quan, du lịch.

Cụ thể, trong hoạt động du lịch tại các đền tháp, cần nhanh chóng thực hiện các dự án phụ trợ và dịch vụ tại tháp Po Ramê, nhanh chóng phủ xanh mặt bằng, xây dựng công viên hồ nước, hoàn thiện các hạng mục tại nhà trưng bày để đưa vào phục vụ du khách, đồng thời đưa nhà bảo vệ, xây dựng khu dịch vụ, quầy hàng lưu niệm để phục vụ khách tham quan, tuy nhiên phải đảm bảo các hạng mục này được xây dựng xa, không xâm phạm thái quá cảnh quan thiên tại khu di tích. Bên cạnh có, cũng cần nhanh chóng triển khai các dự án phục vụ du lịch tại tháp Hòa Lai, vốn đang ở trong tình trạng hoang phế từ rất lâu, cần nhanh chóng triển khai các dự án phát quang dọn dẹp không gian di tích đang bị cỏ, cây dại xâm phạm một cách nghiên trọng, làm rõ các hố khai quật đã bị lấp lại, gỡ bỏ và tháo dỡ các hạng mục công trình nhà bảo vệ và khu vệ sinh vốn đã bị bỏ hoang, xây dựng các hạng mục công trình phụ như vườn hoa, cây xanh, hồ nước và nhà trưng bày đi kèm để phục vụ cho hoạt động tham quan tại đền, tháp này.

Về du lịch làng nghề và các hoạt động du lịch, trải nghiệm tại các làng Chăm cần phải đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các địa điểm du lịch tại chỗ này. hai làng nghề Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp phải triển khai các dự án xây dựng, chỉnh trang lại đường xá giao thông, bổ sung hệ thống đèn đường trong làng, xây dựng mô hình khách sạn, nhà nghĩ hay homestay ngay tại địa phương và đưa cho người địa phương quản lý, phục vụ. Các nhà quản lý và doanh nghiệp nên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho cư dân bản địa các xây dựng, quản lý hiệu quả mô hình homestay không chỉ là một nơi ở mà còn là nơi thưởng thức món ăn truyền thống và văn nghệ của người Chăm một cách thường xuyên liên tục để phục vụ nhu cầu của khách tham quan mọi lúc, mọi nơi để đó không chỉ là nơi ở, nơi nghỉ trọ mà còn là nơi để du khách trải nghiệm văn hóa bản địa. Đặc biệt, cần khai thác lợi thế của làng nghề dệt truyền thống Chung Mỹ trong thời gian tới để nơi đây không bị mai một nghề truyền thống và cũng góp phần tăng cường quảng bá, đem lợi nhuận về cho làng nghề này bên cạnh làng dệt Mỹ Nghiệp vốn đã quen thuộc với khách du lịch.           

5. Kết luận

Như đã phân tích trong bài viết, dù có những lợi thế và tiềm năng đáng kể để phục vụ cho du lịch, tuy nhiên những nguồn lực bản địa của tộc người Chăm Ninh Thuận vẫn chưa được vận dụng một cách hợp lý, đồng bộ và bền vững trong ngành du lịch địa phương. Thông qua việc nhìn nhận và phân tích các hạn chế, thực trạng của hoạt động du lịch dựa vào nguồn lực bản địa của người Chăm Ninh Thuận, chúng tôi cũng đã đề ra một số các đề xuất, kiến nghị hầu xây dựng và hoạch định các chương trình, dự án, kế hoạch khai thác du lịch đạt được các hiệu quả xứng tầm di sản, khai thác đồng bộ các giá trị con người bản địa, văn hóa bản địa, đặc biệt là phải tuân theo các nguyên tắc của sự phát triển bền vững.

      Những kiến nghị và đề xuất mà chúng tôi đưa ra chỉ là một phần rất nhỏ các giải pháp để phát triển một ngành du lịch dựa vào cộng đồng bản địa theo hướng bền vững ở tộc người Chăm Ninh Thuận. Để có những giải pháp thật sự hữu hiệu, khả thi đi từ các dự án, chương trình, kế hoạch đến thực tiễn là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên từ các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp và chính cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, một nguyên tắc bất di bất dịch trong quá trình ấy là thượng tôn cộng đồng bản địa và các giá trị văn hóa mà cộng đồng ấy mang lại, đó cũng chính là nguyên tắc tối thượng của một nền du lịch bền vững, một nền du lịch phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bản sắc tộc người (Chăm) và các nguồn lợi kinh tế - xã hội.      

                                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan An 2015, “Phát huy giá trị văn hóa Chăm để phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận”, tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà nẵng, số 62, tr. 22 – 26.
  2. Bramwell & Lane 1993, “Sustainable Tourism: An Evolving Global Approach”, Journal of sustainable Tourim, pp. 1 – 5. 
  3. Butler, R, W 1999, “Sustainable Tourism: a state of the art review”, Tourism Geogrphies, 1, 1, pp. 7 – 25.
  4. Burns P, M 1999, An Introduction to Tourism and Anthropology, Routledge, New York.
  5. Burns, G, L 2004, “Anthropology and tourism: past contributions and future theoretiacal challengens”, Journal of Social Anthropology and Comparative Sociology, Vol 12, Nó, pp. 5 – 22.
  6. Võ thị Búp 2011, Nghiên cứu văn hóa Chăm nhầm phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận, Luận văn Thac sĩ địa lý học, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Cohen., E 1988, “Authenticity and commoditization in tourism”, Ann. Tour. Res. 15, pp. 371 – 386.
  8. Đổng Thành Danh 2018, “Các đền tháp Chăm với việc khai thác và phát triển du lịch Ninh Thuận”, Phát triển du lịch bền vững ở miền Trung Việt Nam và Asean, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 203 – 226.
  9. Greenwood, D, J 1977, “Tourism as an agent of change: a Spanish Basque case” Ann, Tour, Res. 3, pp. 128–42.
  10. Grybovvych & Hafermann 2010, “Sustainable practices of community tourism planning: lesson form a remote community”, Community Development, 41 (3), 354 – 369.
  11. Hunter C 1997, “Sustainable Tourism as an Adaptive Paradigm”, Annals of Tourism Research, Vol 24, No 4, pp. 850 – 867.    
  12. Đàng Năng Hòa 2004, Impact of  Tourism on People’s heritage: A cáe study on the Cham in Vietnam, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Nhân học, Đại học Ateneo De Manila, Philippin.
  13. Hall C,M 2008, Tourism planning: Policies, process and relationship, Peason Prentice Hall, Dorchester.   
  14. Nguyễn Thị Ngọc Hân 2013, Khai thác các giá trị văn hóa Chăm phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Du lịch, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
  15. Mansperger, M 1995, “Tourism and Cultural Change in Small-Scale Societies”, Human Organization: Spring 1995, Vol. 54, No. 1, pp. 87-94.
  16. Stronza A 2001, “Anthropology of Tourism: Forging New Ground for Ecotourism and Other Alternatives”, Annual Review of Anthropology, Vol. 30, pp. 261-283.
  17. Sakaya 2001, “Văn hóa dân gian Chăm với vấn đề phát triển du lịch”, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 9, tr. 48 – 50. 
  18. Sakaya 2013, Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, Nxb. Tri Thức, Hà Nội.
  19. Sharpley, R 2000, “Tourism and Sustainable Development: Exploring the theoretical Divide”, Journal of sustainable Tourism, Vol 8, No 1, pp. 1 – 19.  
  20. United Nations Enviroment Programme  (UNEP) and United Nations World Torism Organization (UNWTO) 2005, Making Tourism more sustainable – A Guide for Policy Makets, Paris.   
  21. United Nations World Torism Organization (UNWTO) 2013, Sustainable Tourism for Development, Madrid. 
  22. World Tourism Organization 1993, Sustainable Tourism Development: A Guide for Local Planners, Madrid.
  23. Weaver, D 2006, Sustainable Tourism: Theory and Practice, Elsevier Ldt, Italy.