Nghiên cứu lý luận

VAI TRÒ CỦA THIẾT KẾ MỸ THUẬT SÂN KHÁU TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

08 Tháng Sáu 2021

                                                                    Nguyễn Thị Thanh Thủy

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

Tóm tắt: Thiết kế mỹ thuật sân khấu đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tạo sự thành công cho vở diễn nói chung  và các vai diễn nói riêng. Ở Việt Nam, thiết kế mỹ thuật sân khấu cũng từng bước phát triển song hành cùng với quá trình phát triển của loại hình nghệ thuật này. Ngày nay, mỹ thuật sân khấu hội nhập các nguồn văn hóa khác nhau sáng tạo bứt phá tạo diện mạo mới với tư duy của họa sĩ cũng như thực tế xã hội. Nội dung bài viết này nhằm giới thiệu những đặc trưng và những phương thức nhằm phát triển hơn hoạt động thiết kế mỹ thuật đối với nghệ thuật sân khấu ở nước ta trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từ khóa: thiết kế, mỹ thuật, sân khấu

THE ROLE OF THE THEATRE ART DESIGN IN THE INTEGRATION

 

Abstract:

Theater art design plays an important role in the success of the play in general and the roles in particular. In Vietnam, theatrical art design has also gradually developed along with the development of this art form. Nowadays, theatrical art integrates different cultural sources, creating a breakthrough to create a new face with the artist's thinking as well as the social reality. The content of this article aims to introduce the characteristics and methods to further develop artistic design activities for the theater arts in our country in the context of industrialization and modernization.

Keywords: design, art, theater.

 

 

Trên thực tế, mỗi quốc gia khác nhau, đều có những đặc trưng mang tính dân tộc riêng biệt của nghệ thuật sân khấu cũng như những thiết kế mỹ thuật. Xuyên suốt quá trình phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, thiết kế mỹ thuật sân khấu cũng từng bước phát triển song hành, chịu ảnh hưởng của các giai đoạn lịch sử kịch nói cũng như sự phát triển của đời sống xã hội. Từ chỗ sân khấu gần như trống không, đến cách thể hiện theo sự bài trí, minh họa bối cảnh. Dần từng bước, mỹ thuật sân khấu tiệm cận với hiện thực theo cách gần gũi và chân thật hơn. Cho đến hôm nay, mỹ thuật sân khấu Việt Nam đã có hội nhập tích cực với nhiều nguồn văn hóa khác nhau, từ đó có sự bứt phá tạo diện mạo mới trong sáng tác, tư duy của họa sĩ cũng như thực tế xã hội.

  1. Đặc trưng về không gian sáng tạo của họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu

Không gian dùng để biểu diễn nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật bao gồm hai phần chính: không gian sân khấu và không gian dành cho khán giả. Ngoài ra còn có các không gian phụ trợ cho sàn diễn bao gồm tiền đài, hố nhạc, sân khấu phụ, gầm sân khấu…. Bộ phận này sẽ nằm ngay liền kề hoặc nằm trong khu vực sân khấu trực tiếp biểu diễn để hỗ trợ tối đa cho sân khấu chính. Bên cạnh còn vấn đề kinh phí, điều kiện vật chất, thời gian chuẩn bị số mục biểu diễn, nhân lực phải đầy đủ, không thừa, không thiếu cũng là một điều phải suy nghĩ trước khi bắt đầu vào thiết kế sân khấu cho một kịch bản có trước mà người họa sĩ thiết kế cần nắm thật rõ. Mỹ thuật của vở diễn bao gồm nhiều bộ phận: địa điểm trình diễn, sàn sân khấu, trang phục, hoá trang, đạo cụ… yếu tố mỹ thuật còn tồn tại ngay trong lời thoại của nhân vật. Ngoài ra, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều thành tố nghệ thuật và kỹ thuật: tác giả kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên, phụ trách ánh sáng, âm thanh, hậu đài… Mỗi bộ phận có chức năng riêng nhưng thống nhất ở phương pháp thể hiện.

            Theo Ian Mc Grath thì: quá trình dựng vở của một đạo diễn sân khấu dựa trên phân tích dưới góc nhìn của tổng thể lập kế hoạch chia quá trình làm hai giai đoạn riêng rẽ độc lập hay hổ trợ cho nhau tạo sự linh hoạt để tiến độ vở diễn xảy ra liên tục, chống lãng phí về kinh phí và thời gian. Đồng thời, Ian Mc Grath dự báo quá trình làm việc chung cho một vở diễn được chia làm 2 giai đoạn gồm có: quá trình phát triển kịch bản và quá trình dựng vở. Đây là nhận định được xem là điều kiện tiên quyết cho công việc của một đạo diễn sân khấu[1]. Quan điểm thẩm mỹ và sự hiểu biết của người họa sĩ TKMT được bộc lộ trong công tác xử lý đạo cụ diễn xuất và cảnh trí đồng thời phải luôn kiểm soát, bảo đảm tính hợp lý, tính thống nhất, chính xác của đạo cụ đó. Đạo cụ và bối cảnh phải luôn luôn là một khối thống nhất. Nên đạo cụ là một phần không thể tách rời trong hành trình tìm tòi sáng tạo của người thiết kế mỹ thuật  sân khấu. Diễn viên là đối tượng mà người họa sĩ TKMT sáng tạo trực tiếp và gián tiếp trong quá trình làm việc của vở diễn. Cảnh trí là môi trường sống của nhân vật, là địa điểm, nơi xẩy ra không gian của vở diễn. Nếu không gian bối cảnh là sự sáng tạo gián tiếp về không gian sống, hoàn cảnh xuất thân của nhân vật …tạo không gian cho diễn viên thể hiện hành động. Tất cả các thiết kế cảnh trí đều phải được làm việc trao đổi cùng đạo diễn để đạo diễn quy ước với diễn viên các không gian từng cảnh, các hướng đi trong không gian với của diễn viên. Để diễn viên nắm rõ và tin vào không gian nhân vật để tạo hành động. Ngoài ra, cảnh trí đòi hỏi diễn viên phải quan hệ tương tác thích ứng với nó. Nghĩa là diễn viên phải hoạt động một cách tự nhiên trong không gian đó với cảnh trí âm thanh còn là hiệu lệnh cho cảnh trí thay đổi, cầu nối chuyển tiếp giữa các cảnh.

  1. Vai trò của họa sĩ trong việc thiết kế mỹ thuật sân khấu thời kỳ hội nhập

          Thiết kế mỹ thuật sân khấu được xem là một nghề và đóng góp một phần rất quan trọng để hổ trợ và làm nổi bậc những vai diễn trên sân khấu. Ngoài việc cảnh trí là nền, là bối cảnh phụ trợ đắc lực cho nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, thì mỹ thuật sân khấu đã gói gọn trong bản thân nó những thống nhất trong ý đồ sáng tạo của đạo diễn. Họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu ngày càng phát huy vai trò của mình, tham gia vào vở diễn không còn với vai trò minh họa mà là sự đồng sáng tạo với người tổng chỉ huy. Chính vì lẽ đó, bản thân thiết kế mỹ thuật đã góp cùng với đạo diễn sáng tạo hình thức cho vở diễn ngày càng yêu cầu những thay đổi từ những giải pháp nhằm tránh sự thiếu chuyên nghiệp. Khi cảnh trí hoàn thành được đưa lên sàn diễn, là lúc họa sĩ vẫn phải làm việc với các thành phần tham gia để đảm bảo kế hoạch được thực hiện toàn vẹn chính xác.

Sân khấu ở Việt Nam, tính cách điệu và tính ước lệ đã trở thành hệ thống, trở thành những nguyên tắc lớn. Vấn đề đặt ra cho họa sĩ TKMT phải nghiên cứu, tìm tòi từ mỹ thuật, hội hoạ để tìm ra được một cách giải quyết không gian theo phong cách Việt Nam có miêu tả hiện thực, có ước lệ để giải quyết sự đóng khung của sàn sân khấu vài chục mét vuông bằng sự giả định. So với các nước tiến tiến trên thế giới, để dàn dựng hay xử lý một lớp kịch, nếu cần thiết đạo diễn và họa sĩ có thể đưa cả voi, ngựa, ô-tô và nhiều cảnh thật khác của đời sống lên sân khấu. Hơn nữa, sân khấu các nước trong khu vực còn có riêng những nhà hát lớn với nhiều sân khấu, có riêng những sân khấu dành cho cảnh trí tả thực và chỉ diễn duy nhất một vở diễn trong một khoảng thời gian nhất định và khi thay vở diễn là gần như đập bỏ cảnh trí cũ thay cảnh trí tả thực mới cho vở diễn khác. Hiện nay, hầu hết các nhà hát tại Việt Nam đều ảnh hưởng cấu trúc châu Âu. Rõ nét với sự hình thành sàn sân khấu châu Âu ở thời kỳ Phục hưng được mở rộng bề ngang sân khấu với hình chữ nhật rộng lớn, đóng khung như khung tranh và phân chia rõ ràng giữa sân khấu và khán đài. Khán giả nhìn theo một hướng, một chiều. Cũng chính từ lúc này, sân khấu đã tạo nên một không gian biểu diễn hai chiều trên một mặt phẳng, tạo được ranh giới rõ ràng giữa người biểu diễn và người xem. Bên cạnh đó, các nhà hát hiện nay thực tế đã đã cũ kỹ, nếu có yếu tố hiện đại là mặt sàn sân khấu quay cũ kỹ, có hệ thống sàn rút cơ khí cũng như thủ công quá ít ỏi, không có sàn diễn có hầm để đưa cảnh trí lên hay sào đưa người từ trên trần xuống. Không đáp ứng được yêu cầu trang trí cho từng vở diễn nên hạn chế rất nhiều sáng tạo của hoạ sĩ và đạo diễn. Vì vậy chọ lựa thủ pháp tả thật tả chân không còn là chọn lựa tối ưu cho vở diễn của các họa sĩ sân khấu hôm nay.

Chính vì điều đó, các hoạ sĩ đã tìm đến khuynh hướng thiết kế mỹ thuật tượng trưng để giải quyết các bối cảnh phức tạp và nhiều không gian trong một vở diễn. Hoạ sĩ chọn thủ pháp lược bớt, lựa chọn những điểm đặc trưng của không gian cần miêu tả, phải tìm ra những chi tiết đặc trưng, ít chi tiết nhưng có tính khái quát cao, biểu hiện cái chủ yếu, có hiệu quả cho diễn xuất. Đây là cách xử lý mang đậm tính kế thừa sân khấu truyền thống nhưng không áp dụng một cách máy móc, kết hợp uớc lệ về không gian và thời gian, để các cảnh nối tiếp liên tục và có thể thay cảnh trực tiếp trên sân khấu  hoặc đồng hành cùng với lúc diễn viên đang diễn xuất. Khuynh hướng tượng trưng với các dấu hiệu trên sân khấu cùng với diễn viên dùng ngôn ngữ của hành động để  giải quyết không gian và thời gian trên sân khấu. Cho đến giai đoạn hiện nay cần phải nhìn nhận thủ pháp tượng trưng đang khiến khán giả “ ngao ngán “ bởi sự lặp lại, tương đối giống nhau của các hình ảnh: dấu thập đỏ tượng trưng cho bệnh viện, một cột điện minh họa cho không gian đường phố,…điều này, đôi khi cho thấy sự dễ dãi trong tư duy nghệ thuật của họa sĩ thiết kế mỹ thuật. 

Giải pháp nào sẽ là xu hướng tiếp theo để mang đến cho khán giả thi vị mới. Việc phá vỡ phương thức cũ thay thế cấu trúc mới bằng sự tinh tế và thông minh lại rất hấp dẫn khán giả, Các họa sĩ thiết kế ngày nay nên phải “rượu cũ bình mới” nghĩa là phải tìm giải pháp thiết kế mới để vở diễn được dựng lại nhưng mang đến sự mới hơn, hiện đại hơn. Có lẽ đây là cách mà họa sĩ và đạo diễn phải cùng thống nhất tìm tòi thử sức sáng tạo, để thiết kế ảnh hưởng đến cấu trúc toàn bộ vở diễn. Đạo diễn và thiết kế phải gắn kết chặt chẽ hơn, để bản dựng phải xuyên qua trang trí hòa quyện vào nhau  để mang lại sự mới lạ hơn. Sự tìm tòi cái mới, phá bỏ lề lối cũ, tạm gọi là thủ pháp ước lệ không gian, dùng ý tưởng để thể hiện không gian hay nói một cách ngắn gọn là thủ pháp tả ý. Với thủ pháp này đòi hỏi họa sĩ và đạo diễn phải cùng sáng tạo, để cảnh trí len vào phương cách dàn dựng của đạo diễn hòa quyện cùng hành động diễn viên. Khuynh hướng tả ý mà loại hình kịch nói đã đang sử dụng cho vở diễn để tự cứu lấy mình cho trong tình hình sân khấu hiện nay bị “số hóa” với hàng loạt phương tiện giải trí khác. Nhưng tác phẩm kịch nói với hình thức dùng thủ pháp tả ý mới cộng với việc kết hợp công nghệ hiện đại để hổ trợ cho ý đồ dàn dựng đạo diễn gặt hái khá nhiều thành công. Dùng cảnh trí làm thay đổi phương cách dàn dựng đạo diễn theo kiểu cũ, diễn viên phải tương tác với cảnh trí cả về hành dộng và vận động để cảnh trí diễn song hành. Các họa sĩ sân khấu sử dụng cách tạo “hình thức mới” cho vở diễn để yếu tố “ nhìn” đáp ứng nhu cầu khán giả hôm nay đòi hỏi vở diễn tư duy hơn.

            Làm việc với đạo cụ

Trên sân khấu, đạo cụ có chức năng làm công cụ diễn xuất cho diễn viên. Đạo cụ giúp diễn viên tạo tính cách, thể hiện cá tính, giúp cho khán giả nhận biết nhân vật trên sân khấu thuộc tầng lớp nào? Đạo cụ tạo cảm giác chân thực cho cả người diễn lẫn người xem3. Vì vậy, đạo cụ là những đồ phục vụ cho diễn xuất của diễn viên hoặc để trang trí cho bối cảnh nhằm thể hiện tâm trạng hay tính cách của nhân vật. Người họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu cần phải hiểu đạo cụ phân chia ra làm hai loại đạo cụ: đạo cụ diễn xuất và đạo cụ trang trí. Có những đạo cụ chỉ để trang trí trên sân khấu và có những đạo cụ hổ trợ diễn xuất cho diễn viên. Nhưng cũng có đạo cụ đóng cả hai vai trò trong một vở diễn. Một chiếc khăn treo trên móc là đạo cụ trang trí, nhưng khi diễn viên lấy chiếc khăn đó sử dụng thì đạo cụ trở thành đạo cụ diễn xuất. Hơn nữa sẽ còn tiếp là đạo cụ diễn xuất cho những cảnh sau. Họa sĩ thiết kế mỹ thuật  sân khấu cần phải tổng hợp, phân lọai để thiết lập quy trình vị trí của đạo cụ từ điểm bắt đầu và kết thúc hiện hữu trên sân khấu với xuất hiện đạo cụ từ đâu và kết thúc ở chổ nào. Tất cả các đạo cụ như đồ nội thất, khăn choàng và đồ trang trí là những thứ sẽ tham gia vào vở diễn vì vậy sẽ là một phần của thiết kế trong tổng thể thiết kế mỹ thuật của vở diễn. Họa sĩ trao đổi và phê duyệt các đạo cụ cầm tay của diễn viên và hướng dẫn diễn viên sử dụng.

 Ngoài ra, có những đạo cụ đặc biệt mà người họa sĩ thiết kế mỹ thuật cần trực tiếp sáng tác để có thể tạo ra sự độc đáo cho vở diễn. Ví dụ với tình huống người mẹ nhận ra con lưu lạc qua sợi dây chuyển để lại, đạo cụ đó phải có tính chất đặc biệt của lý lịch nhân vật của chủ nhân với hình dáng phải được tạo ra đặc biệt, để khi diễn viên đưa ra khán giả nhìn thấy và cảm nhận được sự đặc biệt duy nhất không lẫn vào đâu của đạo cụ. Đạo cụ lúc này trở thành đạo cụ cảnh trí vì cần sự đồng nhất với không gian và bối cảnh mà họa sĩ đã tạo ra.

Làm việc với âm thanh

Âm thanh trong vở diễn cần phải tính kỹ hơn đến câu chuyện, nhân vật, cảm xúc, môi trường, phong cách, thể loại và áp dụng các công cụ âm nhạc, tâm lý và âm thanh để gây ấn tượng với khán giả và mang lại cho họ một cuộc hành trình âm thanh cảm xúc. Ngoài các âm thanh của các từ mà các diễn viên nói, một vở kịch cũng có các hiệu ứng âm thanh để thiết lập thời gian trong ngày, mùa và thời tiết, tạo tâm trạng và thay đổi tâm trạng, kích thích kỳ vọng của khán giả về những gì sẽ đến; xác định hành động ở một địa điểm cụ thể; cung cấp thông tin về các nhân vật. Âm thanh còn đẩy cao trào các hành động trên sân khấu và chỉ ra những sự kiện đang diễn ra ngoài sân khấu, làm tăng tiết tấu, tiến hành âm mưu hoặc thu hồi các sự kiện trong quá khứ. Ngày nay việc kết nối âm thanh, đạo cụ có sự hỗ trợ tính tối ưu của côn nghệ thông tin, thậm chí là các bước thiết kế cũng được tính toán từ trên hệ thống máy tính.

 Bằng sự thừa hưởng truyền thống, bằng sự gợi tả tượng trưng, bằng việc sử dụng không gian mở, không gian ước lệ tả ý, hay sử dụng những công nghệ kỹ thuật số… Những chất liệu mới mẽ này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các họa sĩ sân khấu có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình và để vai trò người họa sĩ sân khấu đã và đang từng bước được khẳng định. Nâng cao tầm nhìn và kích hoạt những tìm tòi thể nghiệm đổi mới trong nghệ thuật sân khấu. Ði sâu hơn, tính thông thoáng rộng mở ấy còn thể hiện ở tư duy nghệ thuật luôn mở ra để đón nhận những tìm tòi thể nghiệm mới của nền sân khấu trong khu vực và trên thế giới.

Với thời đại số hóa, họa sĩ nói chung, họa sĩ thiết kế sân khấu nói riêng không còn “mặn nồng” mày mò vẽ tay mà được sự hỗ trợ của các chương trình đồ họa để tạo ra bản vẽ 3D - giúp họ làm việc trở nên hiệu quả, nhanh chóng hơn. Điều đó mang tính cập nhật và phù hợp với xã hội hiện đại và công nghiệp hóa. Những họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu cần phát huy những khả năng chuyên môn cũng như nắm chắc những thao tác về tính ứng dụng của công nghệ thông tin. Mặt khác cũng có thể đưa kỹ năng và thao tác ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế mỹ thuật sân khấu từ hệ thống đào tạo trong các trường đại học và chuyên nghiệp.

Lời kết

Thiết kế mỹ thuật đã đóng một dấu son và được ghi nhận như một bộ phận không thể thiếu của nghệ thuật sân khấu Việt Nam từ quá khứ đến đương đại. Bằng sự thừa hưởng truyền thống, bằng sự gợi tả tượng trưng, bằng việc sử dụng không gian mở, không gian ước lệ tả ý, hay sử dụng những công nghệ kỹ thuật số… đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các họa sĩ có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình, qua đó vai trò họa sĩ sân khấu đã và đang từng bước được khẳng định. Nâng cao tầm nhìn và kích hoạt những tìm tòi thể nghiệm đổi mới trong nghệ thuật sân khấu. Ði sâu hơn, tính thông thoáng rộng mở ấy còn thể hiện ở tư duy nghệ thuật luôn mở ra để đón nhận những tìm tòi thể nghiệm mới của nền sân khấu trong khu vực và trên thế giới. Vậy nên họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu vẫn luôn cần sự đổi mới, phát triển tối ưu, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin làm cho bộ mặt của sân khấu Việt Nam đáp ứng phù hợp với đời sống xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa ./.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Chương (1993), Đi tìm vẻ đẹp của sân khấu truyền thống, Viện Sân khấu, Hà Nội.
  2. Trần Minh Ngọc (1993), Cơ sở lý luận và kỹ thuật đạo diễn sân khấu, Trường nghệ thuật sân khấu
  3. Trần Đình Ngôn (chủ biên) (2002), Lịch sử sân khấu Việt Nam, Hà Nội.
  4. Nguyễn Đình Thi dịch ( 2000), Người bao quát tầm nhìn, Nxb Hà Nội,

 

 


  1. Nguyễn Đình Thi dịch ( 2000), Người bao quát tầm nhìn, Nxb Hà Nội, tr.91