Nghiên cứu lý luận

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA THÔNG TIN VÀ THỂ THAO HUYỆN ĐAN PHƯỢNG

25 Tháng Sáu 2021

Nguyễn Thành Tuyên

 K7 - Thạc sĩ Quản lý văn hóa

1. Đặt vấn đề

Hoạt động văn hóa thực chất là những hoạt động sáng tạo, bảo quản, phân phối và sử dụng các giá trị văn hóa nhằm mục đích văn hóa hóa con người để làm nền tảng tinh thần cho sự phát triển xã hội.

Đan Phượng là một trong 30 quận, huyện của thủ đô Hà Nội, nằm ở phía Tây Bắc trung tâm thành phố; phía Bắc giáp huyện Mê Linh có dòng sông Hồng cắt ngang làm ranh giới, phía Tây giáp huyện Phúc Thọ, phía Nam giáp huyện Hoài Đức, phía Đông giáp huyện Từ Liêm. Với tổng diện tích tự nhiên là 76,59km2­­­, Đan Phượng có số khu vực hành chính và diện tích tự nhiên thuộc loại nhỏ so với các quận, huyện của thủ đô Hà Nội. Huyện Đan Phượng nằm ở dải đất có sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ chảy qua và gặp nhau nên địa hình của Đan Phượng tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất phù sa.

Trung tâm VHTTTT Đan Phượng có chức năng phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ở cấp xã, phường, thị trấn. Tổ chức và cung ứng các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; nhu cầu tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn. Hoạt động tại Trung tâm VHTTTT huyện Đan Phương hiện nay đã phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trên địa bàn, thu hút quần chúng vào các sinh hoạt văn hóa, xây dựng nếp sống và môi trường xã hội tiến bộ, lành mạnh, văn minh, tạo sự phát triển hài hòa về đời sống văn hóa với đời sống kinh tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở. Bên cạnh những mặt mạnh, công tác quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm VHTTTT Đan Phượng còn một số tồn tại, hạn chế.

Trước những vấn đề này, bài viết đề xuất các giải pháp quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể nhằm đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

2. Thực trạng quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa, thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng

2.1. Thực trạng về cơ chế quản lý các hoạt động văn hóa

Giám đốc Trung tâm VHTTTT là người thực hiện tất cả các chức năng quản lý, chịu trách nhiệm toàn bộ về hiệu quả hoạt động của đơn vị, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện quản lý về nhân sự, tài sản và toàn bộ hoạt động của Trung tâm.

Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý của các TTVH cấp huyện theo mô hình quản lý trực tuyến dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ giám đốc xuống các đơn vị chức năng, rồi từ các đơn vị chức năng xuống các đơn vị tổ chức thực hiện. Ngoài ra, trong ban giám đốc của Trung tâm cũng có sự phân công nhiệm vụ quản lý cho từng người.

2.2. Thực trạng vể hoạt động quản lý

Công tác quản lý hoạt động văn hóa của Trung tâm VHTTTT Đan Phượng đã thu được những kết quả đáng khích lệ, các hoạt động văn hóa diễn ra tại Trung tâm khá đa dạng, phong phú, bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với yêu cầu thực tế đề ra, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những hạn chế như: chưa đa dạng đối tượng phục vụ, phương thức tổ chức hoạt động nhằm đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của người dân con yếu...

2.3. Thực trạng về đội ngũ

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa văn nghệ còn thiếu, chưa sâu sát với phong trào ở cơ sở, chưa có huấn luyện viên, hướng dẫn viên giỏi, có kinh nghiệm về văn hóa, văn nghệ Thể dục thể thao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa cao.

2.4. Thực trạng về cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính

Cơ sở vật chất của Trung tâm VHTTTT huyện Đan Phượng bao gồm toàn bộ đất đai, cơ sở vật chất, tài sản trang bị của 3 đơn vị trước khi sáp nhập (Nhà văn hóa, Trung tâm thể dục thể thao và Đài truyền thanh huyện). Do điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hạn hẹp về nguồn kinh phí nên cơ sở vật chất trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác văn hóa, văn nghệ tuyên truyền còn thiếu và không đủ tiêu chuẩn quy định…

Kinh phí hoạt động của Trung tâm bao gồm hai nguồn: Một là từ ngân sách Nhà nước cấp, hai là các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp và các nguồn thu hợp pháp khác nhưng hiệu quả chưa cao.

3. Giải pháp quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa, thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng

Một là, hoàn thiện và bổ sung cơ chế chính sách

Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm VHTTTT Đan Phượng cần được tập trung vào một số tiêu chuẩn sau: Sáng tạo, ứng dụng những giải pháp công nghệ trong việc tổ chức sản xuất các chương trình văn hóa - văn nghệ nhằm thu hút được người dân; cung ứng dịch vụ văn hóa công ích có hiệu quả cao cho các sự kiện chính trị, các phong trào văn hóa - xã hội; hỗ trợ có hiệu quả cao cho các cơ sở, các TTVH cộng đồng; có nhiều biện pháp hợp tác, đối tác, phối hợp, giao lưu mở rộng với các TTVH khác; nâng cao mức thu nhập hàng tháng cho cán bộ nhân viên tại Trung tâm; xây dựng một cơ chế tài chính mới, chủ động tìm kiếm những nguồn lực bên ngoài hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa do TTVH tổ chức dựa trên giải pháp về việc tích cực tham gia phát triển thị trường văn hóa và xã hội hóa các hoạt động văn hóa.   

Hai là,  đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động

Xây dựng kế hoạch chuyển sang phương thức hoạt động cung ứng dịch vụ  công. Trung tâm cũng dần chuyển sang hình thức hoạt động dịch vụ sự nghiệp công nhằm đáp ứng tối đa, công bằng, lành mạnh nhu cầu đời sống văn hóa ngày càng cao của người dân

Đổi mới cơ chế quản lý: Cần áp dụng mô hình hiện đại trong công tác quản lý văn hóa. Trong quá trình quản lý cần phát huy sức mạnh tự chủ, tự quản, tự sáng tạo đổi mới của TTVH, cả trong công tác quản lý và các hoạt động văn hóa; không thụ động ỷ lại, dựa dẫm vào chế độ bao cấp về tư duy, cũng như phương pháp và tài chính.

Đổi mới phương thức tổ chức hoạt động. Đối với công tác văn hóa - văn nghệ đối với công tác câu lạc bộ, đối với công tác thư viện, đối với hoạt động dịch vụ văn hóa.

Ba là,  đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường trang bị cơ sở vật chất

Xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động tối đa tiềm năng, trí tuệ, sự sáng tạo, công sức của nhân dân và các lực lượng xã hội cùng Nhà nước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời từng bước đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng quyền, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia hoạt động và quản lý lĩnh vực văn hóa.

Để thực hiện tốt phương thức xã hội hoá các hoạt động văn hoá, Trung tâm VHTTTT Đan Phượng, UBND huyện Đan Phượng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về xã hội hóa. Xã hội hóa không phải là việc chuyển từ trách nhiệm của Nhà nước sang người dân mà là phát huy tính chủ động, tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, chung tay cùng nhà nước. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia đầu tư vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin… Cần đẩy mạnh việc tìm kiếm các nhà tài trợ cho các câu lạc bộ.

Trung tâm cũng cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bên cạnh các hạng mục, công trình cần hoàn thiện sớm, cũng cần có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình mới như khu vực vui chơi giải trí, khu vực cây xanh vườn hoa cây cảnh trong khuôn viên Trung tâm. Cần phải chú ý khi thiết kế trụ sở làm việc, cần bố trí các phòng ban cho phù hợp, tránh sự ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, cần đảm bảo điều kiện làm việc tối thiểu cho cán bộ nhân viên, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Sớm có phương án lắp điều hòa cho phòng trưng bày sách và phòng đọc của Thư viện. Và đặc biệt, phải có đủ trang thiết bị phù hợp với yêu cầu của các hoạt động cho Nhà hát.

Bốn là, xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phải có sự tổng kết, đánh giá một cách toàn diện đội ngũ cán bộ của trung tâm cũng như vị trí việc làm mà họ đang được phân công. Trung tâm cần xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ nghiệp vụ về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất để đảm đương công việc.

Cần tăng cường thêm đội ngũ cán bộ, bởi quân số hiện nay còn mỏng, trong khi khối lượng công việc lớn, địa bàn lại rất rộng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần thực hiện theo một số hướng sau: Đào tạo người lãnh đạo Trung tâm có tư duy năng động, sáng tạo, có tài tổ chức chuyên sâu vào các loại hình hoạt động văn hóa của Trung tâm. Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh của Nhà nước. Mở rộng hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo từng chuyên đề, đào tạo sau đại học, chương trình, giáo trình biên soạn, cải tiến phù hợp với yêu cầu đổi mới, phù hợp chức danh, tiêu chuẩn viên chức nghề nghiệp mà Nhà nước đã ban hành. Cần quán triệt và bồi dưỡng trình độ lý luận, quản lý cho các cán bộ nghiệp vụ. Xây dựng một lực lượng đông đảo các cộng tác viên quần chúng (ngoài biên chế) có khiếu tài năng chuyên sâu theo từng loại hình hoạt động văn hóa của Trung tâm, nhất là các CLB. Nghiên cứu, thành lập hiệp hội hay nghiệp đoàn những người hoạt động văn hóa tại các NVH, TTVH toàn thành phố Hà Nội và chi hội huyện Đan Phượng, nhằm tạo cơ hội cho các cán bộ NVH, TTVH giúp đỡ, trao đổi nghề nghiệp và hợp tác trong công việc. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ giữa các cán bộ, giữa các phòng ban sẽ tạo được sức mạnh, phát huy vai trò, nghiệp vụ, năng lực quản lý của mình.

4. Kết luận

Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động văn hóa của Trung tâm VHTTTT Đan Phượng là một đòi hỏi tất yếu, khách quan nhưng cần bám sát những quan điểm của chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa và quản lý văn hóa. Với mục tiêu xây dựng Trung tâm VHTTTT Đan Phượng trở thành một trung tâm văn hóa hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, đóng góp nhiều hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần của huyện trong tình hình mới, các cấp, các ngành cũng như lãnh đạo Trung tâm cần quan tâm hơn nữa đến việc hoàn thiện và bổ sung cơ chế chính sách, trong đó chú trọng chính sách xã hội hóa và thu hút đầu tư; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động của. Bên cạnh đó, cần lưu ý chính sách thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kể cả nhà nước, tập thể và tư nhân tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa. Đặc biệt, sớm hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ nhân viên, đội ngũ cán bộ, nhân viên đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, mỗi cán bộ được làm việc đúng chuyên môn, hạn chế kiêm nhiệm nhiều. Không ngừng đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; quan tâm đến việc cập nhật kiến thức mới, cách làm mới để đội ngũ cán bộ có thể bắt kịp sự thay đổi của thị trường văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của nhân dân

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2001), Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội.
  2. Nguyễn Chí Bền, Phan Hồng Giang (2005), Đổi mới và phát triển văn hóa ở Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Đề tài khoa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
  3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2010), Thông tư số 01/2010/ TTBVHTTDL ngày 26/02/2010 về ban hành Quy chế tổ chức các hoạt động văn hóa của tổ hoạt động văn hóa sự nghiệp hoạt động văn hóa trong lĩnh vực VHTT&DL quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
  4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ (2015), Thông tư liên tịch số 07/2015/1TLT-BVHTTDL-BNV về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa và Du lịch thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.