Nghiên cứu lý luận

SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÁC HỌA TIẾT TRANG TRÍ ĐỀN HÁT MÔN VÀO DẠY - HỌC MỸ THUẬT CHO HỌC SINH THCS THỊ TRẤN PHÚC THỌ

06 Tháng Bảy 2021

 Trịnh Đức Anh

K8 LL và PP dạy học bộ môn Mỹ thuật

 Trải qua thời gian, tư duy tạo hình của người Việt dần phát triển, tịnh tiến theo bước phát triển của văn hóa dân tộc. Bên cạnh những hình hoa văn trang trí, chạm khắc trên đồ đá, đồ đồng, gỗ cũng là một loại chất liệu được các nghệ nhân dân gian lựa chọn cho những tác phẩm tạo tác của mình một cách sáng tạo. Nơi các di tích cổ, các hình thức trang trí được nghệ nhân thổi hồn vào từng nét chạm, cụm kiến trúc đền Hát Môn là một địa chỉ quen thuộc của quê hương Phúc Thọ, nơi ghi dấu lịch sử và những giá trị tạo hình độc đáo gợi cảm hứng vô tận cho các thế hệ sau khai thác, kế thừa, gìn giữ. Để giáo dục cho thế hệ học sinh THCS thị trấn Phúc Thọ về những giá trị tốt đẹp trong mỹ thuật cổ quê hương, việc khai thác, sử dụng hiệu quả các họa tiết trang trí đền Hát Môn vào các bài học trang trí là việc làm thiết thực, mang giá trị nhân văn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương Phúc Thọ.

1. Vài nét khái quát về đền Hát Môn

Đền Hát Môn là di tích lịch sử quốc gia, với tư cách là "địa điểm có giá trị đặc biệt tiêu biểu gắn với hai vị anh hùng dân tộc có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình phát triển lịch sử dân tộc”. 

       Đền Hát Môn có quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan đẹp, các công trình kiến trúc của đền có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất. Hệ thống kiến trúc được phân bố hài hoà, ăn nhập với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Các di vật đồ thờ trong đền không chỉ là minh chứng lịch sử của đền Hát Môn với sự phong phú về kiểu loại nghệ thuật: tượng tròn, chạm khắc mà còn thể hiện sự đa dạng về chất liệu. Ngoài việc tôn thêm vẻ đẹp cho công trình kiến trúc, nghệ thuật trang trí kiến trúc còn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị phản ánh sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng mang đậm bản sắc của người Việt.

2. Nghệ thuật tạo hình hoa văn trang trí kiến trúc Đền Hát Môn

            Hoa văn trang trí đền Hát Môn vô cùng đa dạng và phong phú. Đó là sự kế thừa và phát triển qua các thời kì lịch sử. Đặc trưng lớn nhất cũng là đặc trưng chung nhất cho nghệ Đền Hát Môn là hệ thống hoa văn tứ linh hay họa tiết hoa văn hoa lá dày đặc, tạo hệ thống các trải dài trang trí sinh động xung quanh kiến trúc của đền.

Hình tượng tứ linh được sử dụng và khắc họa khá phổ biển trong nghệ thuật kiến trúc đền Hát Môn, các vật phẩm khắc tứ linh đều có độ khó và độ tinh xảo cao và giàu tính thẩm mỹ. Các hoa văn này không chỉ mang lại vẻ đẹp cho nghệ thuật kiến trúc của đền mà nó còn đem lại rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp đến cho người dân vùng quê bên vùng sông Hát.

Mặt trời tượng trưng cho ánh sáng, mang ý nghĩa biểu tượng và sự thiêng hóa hoa văn trang trí. Mặt trời lưỡi lửa, mây cũng xuất hiện trong các mảng chạm khắc các họa tiết này được người xưa khắc vẽ theo các phong cách đa dạng biểu thị cho sự gắn kết trọn vẹn âm - dương trong thể thống nhất. 

Tiếp theo đó hai bên từ trên xuống lần lượt là hình ảnh chim phượng, con lân và cuối cùng là con rùa. Hình ảnh chim phượng mở cánh rộng đang bay lượn lên đầu ngóc lên trên đuôi xòe ra bay lên trên. Kế cuối hai bên là hai con lân đang đạp mây với đầu ngoảnh lên, thân uấn xuống hai chân trước đạp mây như muốn bay lên hai chân sau với một chân trên chân dưới như tạo tư thế lấy đa để đẩy thân mình lên phía trước. Cuối cùng bên dưới là hình ảnh rùa với đầu nhìn lên phía trân bốn chân cưỡi mây và trên lưng cõng cuốn thư.

Ngoài việc xuất hiện trên cửa võng thì hoa văn tứ linh còn xuất hiện khá nhiều ở các công trình kiến trúc bên trong đền Hát Môn tạo sự phân bố hài hòa và liên kết hết sức mạch lạc. Không chỉ gói gọn trong chất liệu gỗ hay sợ son thêp vàng, trên các đầu dư ván dó mà đề tài này còn xuất hiện trên các bia đá và cả chất liệu nền vữa trên các mặt trụ cổng nghi môn. 

Đề tài hoa lá cây cỏ trong tạo hình của người Việt so với các đề tài khác thì không nhiều, nhưng nó xuất hiện trên hệ thống trang trí kiến trúc đền Hát Môn với tần suất lớn khiến chúng ta nhận diện một cách dễ dàng. Đó là những hoa sen vượt lên trên thực tế để chứa đựng ý niệm linh thiêng,hoa lá cúc nhiều khi là biểu tượng của tinh tú hoặc mặt trời nó đối đãi cùng sen để thành một cặp "lưỡng nghi" (dương - âm). Ngoài ra, còn gặp tre trúc tuợng của chúng sinh quần tụ và nói lên đặc tính của đạo là: Tuỳ duyên mà hoá độ…

Với các kỹ thuật chạm nổi thấp, kỹ thuật chạm lộng, kỹ thuật chạm bong kênh xen kẽ tạo cho các hoa văn trong đền thêm đa dạng sinh động hơn. Việc sử dụng kết hợp rất nhiều kỹ thuật đã tạo ra rất nhiều hiệu quả về hình khối, ánh sáng, thổi hồn vào các sản phẩm,hoa văn trong đền

         Cùng với các kỹ thuật chạm khắc, vấn đề xử lý màu sắc, kỹ thuật sơn son thếp vàng cũng được sử dụng trong đền Hát Môn mà tiêu biểu ở đây là các hoa văn trên cửa võng, hoa văn trên nhang án hay trên kiệu… 

3.  Khai thác giá trị và sử dụng hiệu quả các họa tiết trang trí đền Hát Môn vào dạy học Mỹ thuật cho học sinh trường THCS Thị trấn Phúc Thọ

 Cách điệu họa tiết “vật linh” trang trí đền Hát Môn đưa vào bài tập trang trí cơ bản cho học sinh khối 7 là một trong những giải pháp hiệu quả đưa vốn cổ vào thực tế dạy học cho học sinh qua các chủ đề.

Thực hiện các nguyên tắc trong trang trí cơ bản điển hình với bài trang trí hình vuông, để áp dụng hiệu quả cho bài dạy đối với học sinh khối 7, giáo viên mỹ thuật cần đưa ra các phương án cách điệu hình thể vật linh, từ hệ thống họa tiết có sẵn đã sưu tầm trong trang trí kiến trúc đền Hát Môn, giản lược chi tiết, lựa chọn cấu trúc chính của họa tiết, sau đó hướng dẫn học sinh sắp xếp bố cục phù hợp vào khuôn  khổ hình vuông định sẵn theo nguyên tắc đăng đối/ đối xứng hoặc xen kẽ. Thêm các hình kỷ hà để chặt chẽ thêm bố cục hình, từ đó gợi ý cho học sinh cách thêm các chi tiết để hoàn thiện họa tiết.

Rùa trên cửa võng đền Hát Môn

Bước 1: Phác thảo nét, bố cục trang trí hình vuông với họa tiết con rùa

Bước 2. Lựa chọn gam màu và thể hiện các mảng trang trí theo sắc độ

 Đối với việc sử dụng mô típ trang trí hoa lá đền Hát Môn trong trang trí cơ bản cho học sinh khối 7, việc lựa chọn họa tiết hoa sen được được thực hiện theo quy ước hướng tâm. 4 bông sen đặt trang trí tại 4 góc của hình vuông cần trang trí, trung tâm của hình là họa tiết hoa thị và tâm hình tròn nhỏ xen kẽ các hình chéo chia cắt hình vuống lớn thành 4 góc nhỏ để tiện cho việc trang trí và phối hợp màu sắc.

  

 Chủ đề sáng tạo với vốn cổ từ họa tiết hoa sen trang trí đền Hát Môn không chỉ thực hiện hiệu quả với hình vuông, hình tròn mà ứng dụng chủ đề với trang trí quạt giấy cũng đạt được hiệu quả nhất định.

Sau khi đã phác thảo đen trắng bằng nét ra một tờ gấy A4 có vẽ hình chiếc quạt có khuôn khổ vừa khớp với quạt cần trang trí;  Học sinh có thể lựa chọn màu nền theo gam lạnh hoặc nóng, phủ màu kín trên bề mặt quạt giấy thật cần trang trí, sau đó can hình hoặc vẽ hình họa tiết hoa sen lên các mảng màu đã khô. Bước tiếp theo là sắp xếp bố cục cân đối, tạo họa tiết mềm mại, có thể chuyển màu từ chỗ các nan quạt trong nếp gấp đáu quạt chạy màu ra phía diềm trang trí ngoài cùng của chiếc quạt. 

Nếu không chuẩn bị sẵn quạt giấy trắng cần trang trí, học sinh có thể vẽ trực tiếpvào tờ giấy trắng hình cái quạt bằng nét, sau đó sắp xếp họa tiết và trang trí, tô màu theo sở thích.

            Những bài tập trang trí hình chữ nhật, đường diềm cũng là lựa chọn thú vị cho các họa tiết hoa lá cách điệu được khoe sắc khoe màu. Từ những hình ảnh đầu lân, hoa lá cách điệu, vân mây, sóng nước, học sinh tự khám phá, cách điệu và áp sụng các kiến thức đã học về trang trí để lựa chọn cho mình hình thức sắp xếp theo các nguyên tắc đăng đối hoặc đạc họa đường nét để rèn luyện khả năng phối hợp đường nét, mảng miếng trong những bố cục mà các em lựa chọn cho bài tập của mình

Phác thảo nét cho bài trang trí hình chữ nhật

Bài tô màu phối hợp tôn nóng và lạnh 

Có sử dụng họa tiết trang trí đền Hát Môn

 

Bài tập ghi chép vốn cổ đền Hát Môn

Bài tập ghi chép vốn cổ đền Hát Môn

Bài tập ghi chép vốn cổ đền Hát Môn

Kết luận

Đền Hát Môn - nơi mảnh đất Phúc Thọ linh thiêng được các nghệ nhân xưa tạo tác nên các họa tiết hoa văn phong phú trên trang trí kiến trúc và điêu khắc tượng tròn trang trí đền Hát Môn không chỉ hàm chứa những giá trị truyền thống thông thường mà còn chứa đựng giá trị thẩm mỹ độc đáo. Lựa chọn hướng nghiên cứu “Sử dụng hoa văn trang trí đền Hát Môn trong dạy học mỹ thuật tại Trường THCS Thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội" là bản thân tôi đã xác định muốn gửi gắm những thông điệp bảo tồn đến những người yêu thích mỹ thuật truyền thống, đồng thời áp nâng cao ý thức giữ gìn phát huy di sản thông qua việc sử dụng các họa tiết hoa văn trang trí đền Hát Môn vào thực tiễn giảng dạy của mỹ thuât phổ thông mà địa điểm áp dụng cụ thể là dạy học mỹ thuật tại trường THCS Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Không ai có thể phủ nhận, bài học trang trí là một trong những bài học quan trọng trong phân môn Mỹ thuật. Để có được những bài trang trí tốt, việc chắt lọc cách điệu, phối hợp các họa tiết hoa văn phong phú từ cuộc sống là bước làm trọng yếu để tạo nên các tác phẩm trang trí đẹp mắt, giàu tố chất thẩm mỹ, bởi vậy hướng đề tài khai thác những giá trị tạo hình từ nghệ thuật trang trí đền Hát Môn vào dạy học phân môn trang trí cho học sinh phổ thông sẽ góp phần kết nối mỹ thuật truyền thống và cuộc sống đương đại, nâng cao năng lực thẩm mỹ và ý thức của học sinh trong vấn đề bảo tồn di sản mỹ thuật cổ của cha ông.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Thị Thúy Anh (2008), Biểu tượng loài chim và Mặt trời trong chạm khắc cổ Việt Nam, đề tài KHCN cấp Trường.  .

2. Đào Thị Thúy Anh (2018), Hoa văn tứ quý trong mỹ thuật thời Nguyễn, Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội.  

         3. PGS.TS Trần Lâm Biền (2001), với “Trang trí trong Mỹ thuật truyền thống của người Việt”,   

4. PGS Nguyễn Du Chi - Viện Mỹ thuật Việt Nam đã viết “Hoa văn Việt Nam”, Nxb mỹ thuật  

5. Nguyễn Khắc Đoài (2020), “Di tích lịch sử Đền Hát Môn” của - Cục di sản văn hóa (theo hồ sơ di sản).  

            6.  Xuân Thạo (2018), “Kiến trúc Đền Hát Môn – Việt Nam cổ xưa”  

7. Trần Đình Tuấn (2013), “Hình tượng con người trong nghệ thuật chạm khắc đình làng vùng châu thổ sông Hồng”- luận án Tiến sĩ LLvà LSMT, viện VHNT Việt Nam.

8. Đỗ Đức Thanh (2014), Khai thác họa tiết Rồng đình làng Lâu Thượng thế kỷ XVII vào nghệ thuật trang trí ứng dụng hiện đại, NCKH cấp Trường, trường ĐHSP Nghệ thuật TW.