Nội san

Luật pháp, chính sách quốc tế và quốc gia thúc đẩy bình đẳng giới trong giảng dạy Giới và phát triển cho sinh viên Công tác xã hội

16 Tháng Tám 2021

                                                                              Giảng viên Lương Thị Đào

                         Khoa Văn hóa Nghệ thuật - Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

Tôn trọng và bảo vệ quyền con người nói chung, quyền phụ nữ nói riêng đã trở thành tiêu chí của tiến bộ xã hội. Đây là một bước tiến lớn của nhân loại trong tiến trình phát triển của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng của thực tiễn xã hội quyền phụ nữ, quyền bình đẳng giới cần được tiến hành nghiên cứu đặc biệt là sinh viên Công tác xã hội. Ngoài việc sinh viên cần nâng cao nhận thức trang bị kiến thức pháp luật, chính sách về bình đẳng giới thì còn phải nghiên cứu sâu hơn về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc thực thi bình đẳng giới, bảo đảm quyền phụ nữ sẽ được nâng cao hơn nữa khi sinh viên Công tác xã hội có những kiến thức, kỹ năng về giới và phát triển nói chung và luật pháp, chính sách về bình đẳng giới trong quá trình đào tạo.

 

Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã ghi nhận vai trò to lớn của phụ nữ trong tiến trình phát triển của nhân loại. Phụ nữ cùng nam giới sản xuất ra của cải, vật chất và tinh thần, sinh đẻ và nuôi dạy con cái, duy trì nòi giống tái sản xuất sức lao động. Phụ nữ có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống, sản xuất, văn hóa, chính trị, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, bất kể những đóng góp to lớn không thể phủ nhận của phụ nữ đối với sự vận động và phát triển của lịch sử nhân loại nhưng trong bối cảnh của xã hội phụ quyền phụ nữ  vẫn luôn là đối tượng bị áp bức, bị phân biệt đối xử và địa vị thấp hơn so với nam giới.

Bất bình đẳng giới, định kiến giới là một trong  những nguyên nhân dẫn đến sự chậm chạp trong tiến trình phát triển xã hội. Do đó cần những hoạt động can thiệp về chính sách, an sinh xã hội và cung cấp các dịch vụ đào tạo, hỗ trợ, nâng cao năng lực của con người. Một trong những hoạt động quan trọng và không thể thiếu đó chính là việc giảng dạy, nghiên cứu giới nhằm năng cao năng lực thúc đẩy bình đẳng giới cho học sinh, sinh viên.

Trong hệ thống các trường đại học, cụ thể là Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã có một môn học Giới và phát triển trong chương trình đào tạo sinh viên ngành Công tác xã hội Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế, giới là một vấn đề quan trọng của phát triển, các chiến lược phát triển đều liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới, hướng tới phát triển bền vững. Sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người nói chung, quyền phụ nữ nói riêng đã trở thành tiêu chí của tiến bộ xã hội. Do vậy, là những nhân viên xã hội tương lai, sinh viên ngành Công tác xã hội cần được trang bị những kiến thức cơ bản về giới, kỹ năng phân tích và lồng ghép giới đặc biệt là hệ thống luật pháp, chính sách, quốc tế và quốc gia về bình đẳng giới

 

1. Pháp luật quốc tế về bình đẳng giới

            1.1. Công ước CEDAW (Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ (1979)

Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (tiếng Anh: Convention on the Elimination of all Forms of Discrimination against Women, viết tắt là CEDAW) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979. Ngày 3/9/1981, sau khi nước thứ 20 thông qua, công ước này bắt đầu có hiệu lực với tư cách một văn kiện quốc tế tổng hợp nhất về quyền con người của phụ nữ. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia công ước vào 29/7/1980 phê chuẩn vào 27/11/1981.

Kết quả của những nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ là sự ra đời một số tuyên bố và điều ước quốc tế, trong đó CEDAW là văn kiện quan trọng và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ. Công ước là công cụ quốc tế duy nhất có thể giải quyết một cách toàn diện quyền của phụ nữ trong khuôn khổ đời sống chính trị, dân sự, văn hóa, kinh tế và xã hội. Tham gia công ước, các quốc gia không những phải cam kết bảo đảm pháp luật hiện hành không trực tiếp phân biệt đối xử với phụ nữ mà còn phải có những hành động cần thiết để phụ nữ được hưởng sự bình đẳng.

Nguyên tắc cơ bản của công ước CEDAW: (1) Bình đẳng thực chất, (2) Không phân biệt đối xử và (3) Nghĩa vụ quốc gia. Bình đẳng nam – nữ là mối quan hệ không có sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Ở đó, phụ nữ và nam giới có cơ hội được đối xử, được thụ hưởng như nhau. Họ tham gia như nhau vào việc quyết định ở mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và dân sự; được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp. Theo công ước CEDAW, bình đẳng nam – nữ là nguyên tắc để xác lập quyền của phụ nữ và cũng là cơ sở để xác định, đánh giá sự phân biệt đối xử với phụ nữ

            Về mặt pháp lý công ước CEDAW tạo cơ sở pháp lý mang tính quốc tế về thực thi bình đẳng giới, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; là cơ hội để tiến hành rà soát các văn bản qui phạm pháp luật về quyền phụ nữ, tiến tới xây dựng các thiết chế pháp lý cần thiết về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử. Về nhận thức công ước CEDAW đã giúp cho mọi người đặc biệt là các cơ quan và các cá nhân có thẩm quyền thay đổi nhận thức và hành vi về bình đẳng giới, để mọi người hiểu đầy đủ, chính xác và toàn diện hơn về phân biệt đối xử với phụ nữ, những hình thức đa dạng của sự phân biệt đối xử đó, để có thái độ loại bỏ sự phân biệt đối xử.

            1.2. Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (1995)

Nhằm kiểm điểm lại việc thực hiện “Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ” đã được đề ra tại hội nghị Nairobi và công ước CEDAW. Trên cơ sở đấu tranh cho việc thực hiện quyền bình đẳng giới Hội nghị thế giới lần thứ IV về phụ nữ tổ chức tại Bắc Kinh – Trung Quốc vào tháng 9/1995 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới đến từ hơn 180 quốc gia, hàng nghìn các tổ chức phi chính phủ đã đề ra Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh gồm 6 phần xác định 12 lĩnh vực cấp thiết cần ưu tiên giải quyết về sự tiến bộ và quyền năng của phụ nữ.

Đó là các vấn đề liên quan đến gánh nặng nghèo đói dai dẳng và ngày càng gia tăng. Sự bất bình đẳng, và thiếu công bằn trong tiếp cận với giáo dục và đào tạo, trong tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ liên quan, bạo hành phụ nữ, ảnh hưởng của xung đột vũ trang và của các loại xung đột khác đến phụ nữ, bao gồm cả những người sống trong vùng bị nước ngoài chiếm đóng. Sự bất bình đẳng trong cơ cấu kinh tế và chính sách, trong các dạng hoạt động sản xuất và tiếp cận nguồn lực.Sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc chia sẻ nguồn lực và việc ra quyết định trong tất cả các cấp. Thiếu cơ chế ở tất cả các cấp để thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Thiếu quan tâm, phát huy chưa đầy đủ và thiếu bảo vệ quyền con người cho phụ nữ. Sự rập khuôn về vai trò phụ nữ và sự bất bình đẳng trong tiếp cận và tham gia tất cả các hệ thống thông tin, đặc biệt là các phương tiện truyền thông. Sự bất bình đẳng giới trong quản lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong việc bảo vệ môi trường. Sự phân biệt dai dẳng đối với những bé gái và sự xâm phạm quyền của chúng…

Mặc dù Cương lĩnh không phải là văn kiện bắt buộc nhưng nó được coi là văn bản được thống nhất và toàn diện nhất về vấn đề liên quan đến phụ nữ mà thế  giới từng chứng kiến. Khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ ở mọi nơi trên thế giới.

            1.3. Mục tiêu thiên niên kỷ (2000)

Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ còn gọi là Mục tiêu thiên niên kỷ là 8 mục tiêu được 189 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015. Những mục tiêu này (gọi tắt là MDGs từ tiếng Anh: Millennium Development Goals) được ghi trong bản tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 6-8/9/2000 tại trụ sở Đại hội đồng Liên Hợp quốc tại NewYork, Mỹ.

Mục tiêu Thiên niên kỷ là lộ trình tiến tới xây dựng một thế giới không còn nghèo đói, tất cả trẻ em được học hành, sức khỏe của người dân được nâng cao, môi trường được duy trì bền vững và mọi người được hưởng tự do, công bằng và bình đẳng. Nội dung cơ bản của 8 mục tiêu như sau:

Mục tiêu 1: Triệt để loại trừ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu ăn

Mục tiêu 2: Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học 

Mục tiêu 3: Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ 

Mục tiêu 4: Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em 

Mục tiêu 5: Cải thiện sức khỏe bà mẹ 

Mục tiêu 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác 

Mục tiêu 7: Đảm bảo sự bền vững của môi trường

Mục tiêu 8: Xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển 

            Kể từ năm 2000 – thời điểm Liên Hợp quốc cho ra đời Tuyên bố thiên niên kỷ, cộng đồng quốc tế nỗ lực phấn đấu nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, các mục tiêu đều thực hiện chậm hơn so với tiến độ và có mục tiêu không hoàn thành theo dự kiến. Đặc biệt mục tiêu 3 về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, mục tiêu thiên niên kỷ cũng thu được một số kết quả tương đối khả quan. Chẳng hạn như so với thời điểm cuối cùng của thập kỷ 1990 chỉ tiêu một nửa số người sống ở mức 1USD/ngày, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và phụ nữ chết khi sinh con cũng đã giảm đáng kể.

            1.4. Chương trình nghị sự thế giới về Phát triển bền vững (2015)

Chương trình nghị sự thế giới về Phát triển bền vững tổ chức vào ngày 25/9/2015 tại trụ sở chính của LHQ New York (Mỹ). Hội nghị thông qua văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu đưa ra thực hiện từ năm 2015 đến năm 2030 mang tính tích hợp, không thể tách rời và có sự cân bằng giữa 3 khía cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường trong vòng 15 năm tới.

Đặc biệt trong 17 mục tiêu phát triển bền vững được tuyên bố có mục tiêu số 5: Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và bé gái.  Chấm dứt tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái mọi nơi; Xóa bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối xử với phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực công, tư bao gồm cả hành vi buôn người, bóc lột tình dục và tất cả các hình thức bóc lột khác; Xóa bỏ tất cả các hành vi gây hại, bao gồm tảo hôn và hôn nhân cưỡng ép và tập tục cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ;  Nâng cao việc sử dụng các công nghệ tạo thuận lợi cho phụ nữ, đặc biệt là công nghệ thông tin để thúc đẩy sự tăng cường quyền và địa vị cho phụ nữ…

2. Luật pháp, chính sách quốc gia về bình đẳng giới

            2.1. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (2013)

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992 do nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong tất cả các bản Hiến pháp, quyền bình đẳng nam – nữ là một nguyên tắc quan trọng – nguyên tắc Hiến định

Hiến pháp 2013 xác định tại khoản 1 của điều 26 như sau: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

2.2. Luật Bình đẳng giới (2006)

Luật bình đẳng giới được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 có hiệu lực thi hành từ ngàu 01/7/2007. Bố cục bao gồm 6 chương với 44 điều. Theo Luật: “bình đẳng giới là việc nam nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả phát triển đó (Điều 5).

Chương 1: gồm 10 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, việc áp dụng công ước quốc tế về bình đẳng giới, các nguyên tắc về bình đẳng giới, chính sách của nhà nước về bình đẳng giới, cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và các hành vi bị nghiêm cấm. Chương 2: Bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình gồm 8 điều, quy định về bình đẳng giới trong các lĩnh vực

chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa thông tin, thể dục thể thao và bình đẳng giới trong 2 đình. Chương 3: Các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới. Chương 4: Trách nhiệm của cơ quan tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và đảm bảo bình đẳng giới, quy định trách nhiệm của chính phủ cơ quan quản lý nhà nước về BĐG. Chương 5: Thanh tra giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về BĐG.Chương 6: Quy định về hiệu lực thi hành của Luật Bình đẳng giới và hướng dẫn thi hàn luật này.

2.3. Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2007)

            Bạo lực gia đình là hiện tượng phức tạp, mang tính toàn cầu và có thể coi đó là một loại vi phạm quyền con người tương đối phổ biên trên thế giới. Nhằm đẩy lùi nạn bạo lực gia đình, ngày 21/11/2007, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kì họp thứ 2 đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2008 luật gồm 6 chương với 46 điều. Việc ban hành luật là sự khẳng định bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và bạo lực gia đình không thể coi là việc riêng tư của từng gia đình nhằm tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, có chương 3 đề cập đến vấn đề giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

2.4. Luật Hôn nhân và gia đình (2014)

            Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực từ 01/01/2015 và thay thế cho Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Đây là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân gia đình và cũng đề cập đến vấn đề bình đẳng giới như quy định độ tuổi kết hôn, bảo vệ phụ nữ và con đối với hôn nhân không đăng ký, tài sản của vợ và chồng khi kết hôn, ly hôn, bạo lực gia đình...

            Nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo, quán triệt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình. Nội dung các nguyên tắc thể hiện quan điểm pháp luật của Đảng, Nhà nước về chức năng, nhiệm vụ của công dân, của các cơ quan đơn vị tổ chức trong việc thực hiện chế độ hôn nhân gia đình xã hội chủ nghĩa.Các quy phạm pháp luật hôn nhân gia đình thể hiện đúng nội dung của nguyên tắc đó.

2.5 Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và  2021-20330

            Nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, đồng thời phát huy thành tựu về bình đẳng giới đã đạt được, giải quyết khó khăn và thách thức đang tồn tại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

            Trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, ngày 03/3/2021, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 (kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP).

Có thể thấy rằng hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới ở cấp độ quốc tế cũng như tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Trong quá trình giảng dạy Giới và phát triển cho sinh viên Công tác xã hội tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương việc trang bị những kiến thức lý luận trong một số văn bản luật pháp quốc tế, quốc gia nêu trên cũng đặt ra cho  sinh viên những vấn đề cần nghiên cứu đặc biệt là hệ thống pháp luật ở nước ta.

 

Có thể nói, bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng đồng thuận và phát triển bền vững, do đó các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hệ thống luật pháp và các chương trình phát triển xã hội.

Công tác xã hội tham gia vào thúc đẩy quá trình giải quyết các vấn đề bất bình đẳng nói chung trong xã hội, trong đó có bất bình đẳng giới. Chủ động tích cực thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Liên quan đến vấn đề giới và phát triển, đó là một nghề một hoạt động hướng tới nâng cao năng lực cho cả nam và nữ và tạo lập môi trường xã hội để họ thực hiện các chức năng, vai trò xã hội có hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, Công tác xã hội không những trợ giúp các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương mà còn thực hiện thúc đẩy môi trường xã hội trong đó có luật pháp, chính sách về bình đẳng giới./.