Nội san

NGHIÊN CỨU VÀ XÂY DỰNG BỘ CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐHSP NGHỆ THUẬT TW

16 Tháng Tám 2021

Lê Thị Nguyên (*)

Thực hiện theo Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung môn Pháp luật đại cương thành môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo của tất cả các ngành học, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW  đã chính thức đưa môn học này vào chương trình giảng dạy của trường đến nay đã được 7 năm.

Pháp luật đại cương là môn học cung cấp cho sinh viên không chuyên luật những kiến thức cơ bản về nhà nước, pháp luật nói chung, về một số ngành luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam và vấn đề hội nhập, hợp tác quốc tế khác. Môn học này giúp các em nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của pháp luật trong đời sống, công việc và nghề nghiệp. Sinh viên phải biết luật, tuân thủ pháp luật và sử dụng pháp luật để đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, của gia đình, của cộng đồng, đồng thời để thực hiện đúng các nghĩa vụ mà Nhà nước đặt ra, góp phần hình thành những thế hệ công dân có hiểu biết về pháp luật và có ý thức thượng tôn pháp luật. Việc giáo dục pháp luật đã trở thành yêu cầu quan trọng, không thể thiếu trong các chương trình học tập của học sinh, sinh viên. Cũng từ đó mà yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy – học môn Pháp luật đại cương ngày càng trở nên bức thiết. Người giáo viên cần có những phương pháp giảng dạy phù hợp, thay đổi linh hoạt theo mỗi giai đoạn dạy học, cũng như luôn tiếp cận, cập nhật các phương pháp mới. Khi nhắc đến các phương pháp mới nâng cao hiệu quả giảng dạy thì trong đó không thể nào không kể đến phương pháp kiểm tra - đánh giá  bằng trắc nghiệm khách quan.

Thực tiễn đã chứng minh những ưu điểm và hiệu quả của phương pháp kiểm tra - đánh giá này. Thực hiện hoạt động đổi mới kiểm tra – đánh giá kết quả học tập của sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW đã luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng phương pháp kiểm tra – đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan, Bộ môn Tâm lí – Giáo dục đã từng bước xây dựng và thử nghiệm các bộ câu hỏi trắc nghiệm kiến thức trong các môn học. Và sau đây là vài nét về hình thức kiểm tra – đánh giá trắc nghiệm khách quan.

  1. Khái niệm

Trắc nghiệm khách quan là dạng trắc nghiệm trong đó mỗi câu hỏi có
kèm theo những câu trả lời sẵn. Loại câu hỏi này cung cấp cho người học một phần hay tất cả thông tin cần thiết và đòi hỏi người học phải chọn một câu để trả lời hoặc chỉ cần thêm một vài từ. Đây là một phương pháp có khả năng đánh giá được các mức độ nhận thức. Gọi là khách quan vì hệ thống cho điểm là khách quan. Kết quả của bài trắc nghiệm không phụ thuộc vào việc ai chấm bài trắc nghiệm đó.

Thông thường, một bài trắc nghiệm khách quan gồm nhiều câu hỏi hơn một bài trắc nghiệm tự luận; mỗi câu hỏi thường có thể được trả lời bằng một dấu hiệu đơn giản. Tuy nhiên, trắc nghiệm khách quan chỉ có việc chấm điểm là khách quan, tính chủ quan có thể nằm ở việc lựa chọn nội dung đề kiểm tra và việc định ra câu trả lời. Nhiều người thường gọi tắt trắc nghiệm là “trắc nghiệm”, do vậy khi dùng từ “trắc nghiệm” mà không nói gì thêm thì chúng ta ngầm hiểu đây là trắc nghiệm khách quan. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, đến nay các chuyên gia về phương pháp dạy học của nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận việc kiểm tra – đánh giá bằng trắc nghiệm có khả năng đảm bảo tính khách quan cao.

  1. Một số dạng câu hỏi của trắc nghiệm khách quan

- Câu ghép đôi (matching items): Cho 2 cột nhóm từ, đòi hỏi thí sinh phải ghép đúng từng cặp nhóm từ ở hai cột với nhau sao cho phù hợp về nội dung.


         - Câu điền khuyết (supply items): Nêu một mệnh đề có khuyết một bộ phận, thí sinh phải nghĩ ra nội dung thích hợp để điền vào ô trống.

- Câu trả lời ngắn (short answer): Là câu trắc nghiệm đòi hỏi chỉ trả lời bằng câu rất ngắn.

- Câu đúng sai (yes/no questions): Đưa ra một nhận định, thí sinh phải lựa chọn một trong hai phương án trả lời để khẳng định nhận định đó là đúng hay sai.

- Câu nhiều lựa chọn (multiple choise questions): Đưa ra một nhận định và 4-5 phương án trả lời, thí sinh phải chọn để đánh dấu vào một phương án đúng hoặc phương án tốt nhất. ..

3. Đặc điểm

Trắc nghiệm khách quan có những đặc điểm như:

-   Đo lường hầu hết mọi thành quả học tập của học tập quan trọng mà một bài khảo sát bằng lối viết có thể khảo sát được

-  Được sử dụng để khuyến khích học sinh học tập chăm chỉ nhằm đạt đến các mục tiêu, hiểu biết các nguyên lý, tổ chức và phối hợp các ý tưởng, ứng dụng các kiến thức trong việc giải quyết các vấn đề

-   Đối với một câu hỏi trắc nghiệm khách quan sẽ buộc thí sinh phải lựa chọn câu trả lời  đúng nhất trong số câu hỏi đã cho sẵn

-  Một bài kiểm tra trắc nghiệm thường gồm những câu hỏi có tính chất chuyên biệt và chỉ đòi hỏi những câu trả lời ngắn gọn

-   Khi làm một bài trắc nghiệm thí sinh chỉ dùng thời gian để đọc và suy nghĩ mà không tốn thời gian trình bày câu trả lời

-   Chất lượng của bài trắc nghiệm được xác định một phần do kĩ năng soạn thảo bộ câu hỏi

-   Một bài trắc nghiệm khó soạn đề nhưng việc chấm và cho điểm tương đối dễ dàng hơn

-   Với một bài trắc nghiệm người soạn thảo có thể tự do bộc lộ kiến thức và các giá trị của mình thông qua việc đặt câu hỏi và các phương pháp trả lời, nhưng thí sinh chỉ được chứng tỏ mức độ hiểu biết của mình qua tỉ lệ câu trả lời đúng. 

4. Ưu và nhược điểm của hình thức kiểm tra – đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan

So với các hình thức kiểm tra – đánh giá khác thì hình thức kiểm tra – đánh giá bằng trắc nghiệm có những ưu điểm như:

- Thi trắc nghiệm có ưu điểm rõ ràng là đánh giá phạm vi kiến thức rộng hơn hình thức thi tự luận. Thi tự luận, mỗi câu hỏi, bài tập có thể rơi vào một vấn đề nào đó. Đề bài có tổng hợp đi chăng nữa vẫn có xác suất trúng “tủ”. Đề thi trắc nghiệm khách quan với nếu với khoảng 40-70 câu hỏi là có thể phủ kín phạm vi kiến thức của một môn học trong chương trình học.

- Nhanh chóng, mất ít thời gian trong việc tiến hành kiểm tra và chấm bài.

- Kiểm tra được một giới hạn rộng về nội dung của môn học hay bài học do tính nhanh chóng mất ít thời gian nên trong thời gian ngắn có thể kiểm tra được kiến thức của nhiều người học, do đó giáo viên có khả năng tăng cường kiểm tra thúc đẩy học tập.

- Bảo đảm được tính khách quan trong việc đánh giá, tránh được một số hiện tượng thiếu công bằng trong thi cử.

- Do các câu hỏi được hạn định về số lượng, các đáp án cho trước được hạn định về nội dung và do các mức đánh giá đã được chuẩm hoá, cho nên dễ sử dụng phương pháp thống kê toán học trong xử lý kết quả kiểm tra của từng lớp học sinh.

- Cách tiến hành và phương tiện kiểm tra có thể rất đơn giản và dễ dàng. Ta có thể đưa trắc nghiệm vào các loại máy để kiểm tra kiến thức dạy học chương trình hoá.

Bên cạnh đó, cũng không thể nào phủ nhận hình thức kiểm tra – đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan vẫn còn tồn tại một số các nhược điểm như:

- Trắc nghiệm chủ yếu là những câu hỏi với những câu trả lời sẵn. Điều này đã hạn chế phần nào tư duy sáng tạo, việc phát triển ngôn ngữ nói và viết của người học;

- Trắc nghiệm chỉ cho giáo viên biết “kết quả” suy nghĩ của người học mà không biết “quá trình” suy nghĩ, nhiệt tình hứng thú của người học đối với nội dung kiểm tra;

- Câu hỏi thường liên quan đến các kiến thức hơn là mục tiêu ở mức độ cao hơn nên nhiều khi gán cho kiến thức một tầm mở rộng thái quá;

- Không thể dùng để kiểm tra kĩ năng thực hành của người học, nhất là những môn học yêu cầu nhiều về các kĩ năng thực hành;

- Soạn thảo đề thi trắc nghiệm thường khó và tương đối tốn kém;

- Có thể nảy sinh việc người học “đoán mò” đáp án.

Mặt khác, trong 2 hình thức kiểm tra – đánh giá bằng trắc nghiệm là trắc nghiệm khách quan và trắc nghiệm tự luận thì trắc nghiệm khách quan có những ưu, nhược điểm cụ thể như sau:

-  Ưu điểm:

+ Sinh viên sẽ phải  dành nhiều thời gian để đọc và suy nghĩ, lựa chọn câu trả lời đúng nhất trong số những câu trả lời gợi ý

+ Số lượng câu hỏi nhiều, bao quát được kiến thức đã học

+ Người làm đề có điều kiện bộc lộ kiên thức và các giá trị của mình thông qua việc đặt câu hỏi

+ Người chấm ít tốn công và kết quả chấm khách quan hơn

+ Có tiêu chí đánh giá đơn nhất, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người chấm.

+ Sự phân bố điểm được trải trên diện rộng

+ Có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong việc chấm thi và phân tích kết quả kiểm tra.

- Nhược điểm là:

+ Không đánh giá được khả năng diễn đạt của SV cũng như thấy được quá trình suy nghĩ, tư duy của SV để trả lời câu hỏi hoặc đáp án một bài tập.

+ Đề kiểm tra khó và tốn nhiều thời gian soạn đề.

Như vậy, dựa trên những đặc điểm riêng biệt và ưu điểm vượt trội của phương pháp trắc nghiệm khách quan, tác giả đã ứng dụng xây dựng Bộ câu hỏi trắc nghiệm khách quan môn Pháp luật đại cương với 200 câu hỏi. Bình quân mỗi nội dung của môn học sẽ có 20-30 câu hỏi khái quát kiến thức từ dễ đến khó, từ cơ bản đến phức tạp, phù hợp với các sinh viên không chuyên về Luật. Hi vọng với công trình Nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu và xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Pháp luật đại cương cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW” sẽ được thông qua và trong đó có Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Pháp luật đại cương sẽ được Nhà trường công nhận trở thành đề thi kiểm tra chính thức cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bạch Thị Lan Anh (2016), “Nghiên cứu biên soạn hệ thống câu hỏi môn Lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đào tạo theo tín chỉ”
  2. Nguyễn Thị Thu Hằng (2008), “Biên soạn hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong dạy học về phương pháp tọa độ trong không gian – Lớp 12 THPT”. Luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục, Trường Đại học Thái Nguyên
  3. Nguyễn Thị Hường (1998), “Nghiên cứu câu hỏi trắc nghiệm khách quan dùng để đánh giá kiến thức hóa học hữu cơ phần đại cương hóa học hữu cơ dành cho hệ cao đẳng và đại học sư phạm”, Luận văn thạc sĩ khoa học hóa học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.
  4. Dương Thiệu Tống (2005), Trắc nghiệm và đo lường thành quả học tập (phương pháp thực hành), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5.  Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), Từ điển Bách khoa tập 2, NxbTừ điển Bách khoa.
  6.  Trịnh Cường Thanh (2012), “Xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan cho môn Điện kỹ thuật tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt – Hưng”, Luận văn thạc sĩ, tác giả đã đánh giá được thực trạng kiểm tra đánh giá ở Khoa Điện – Điện tử Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt – Hưng
  7.  Trần Văn Thạnh (2003), “Nghiên cứu xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn để kiểm tra đánh giá kêt quả học tập phần tĩnh điện trong chương trình vật lý đại cương của sinh viên hệ cao đẳng Trường Đại học An Giang”, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
  8.  Lê Quang Thiệp (1994), Những cơ sở của kiểm tra trắc nghiệm (tài liệu sử dụng nội bộ - Bộ GD-ĐT, Vụ đại học).

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Khoa Giáo dục Đại cương- Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương