Nghiên cứu lý luận

ÂM NHẠC - MỘT PHƯƠNG DIỆN TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CON NGƯỜI

15 Tháng Tư 2021

PGS.TS. Lê Vinh Hưng

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Tóm tắt: Nhân cách là một thực thể phức tạp, đồng thời cũng là một thực thể thống nhất biện chứng về sinh lý, tâm lý và xã hội của con người. Nhiều nhà tâm lý học khẳng định, ở những nhân cách phát triển toàn diện, ý thức tình cảm và hành vi của họ thống nhất biện chứng và tác động tương hỗ lẫn nhau. Phát triển nhân cách con người là quá trình tác động toàn diện lên các mặt trên bằng các phương tiện khác nhau, trong đó âm nhạc là một trong những phương tiện hết sức quan trọng.

Abstract: The personality is a complex entity, which is a dialectically united entity of human physiology, psychology and society at the same time. Many psychologists claim that, in their fully developed personalities, their emotional consciousness and their behavior are dialectically united and mutually effected . The development of human personality is a process impacting comprehensively on the above aspects by various means, in which music is one of the very important means.

Từ khoá: Âm nhạc tác động, phát triển nhân cách con người.

Keywords: Music, effect , develop the human personality.  

1. Đặt vấn đề

Lịch sử của nhân loại đã từ lâu nhận thấy vai trò của âm nhạc làm thay đổi đạo đức và phát triển nhân cách con người. Âm nhạc ngoài khả năng đem lại niềm vui, sự sảng khoái và nguồn nghị lực cho con người trong cuộc sống còn có tác dụng thức tỉnh tình cảm của họ qua những cung bậc hết sức tinh tế. Sức mạnh cảm hoá của âm nhạc tiến bộ, lành mạnh sẽ giúp con người vươn tới một nhân cách toàn vẹn. Ngay từ thời cổ đại, ở Hy Lạp, nhà hiền triết Aristotles (384 - 322 TCN) đã cho rằng “… Âm nhạc có khả năng tác động vào khía cạnh đạo đức của tâm hồn” (1), còn ở Trung Quốc, trong cuốn Luận về âm nhạc của nhà tư tưởng Tuân Tử (316 - 237 TCN) có viết: “Âm nhạc nhập vào lòng người rất sâu, cảm hoá người rất nhanh. Nhạc mà bình thì dân hoà không bị dục vọng lôi cuốn. Nhạc nghiêm trang thì dân tề nhất mà không loạn... Trái lại, nhạc mà bất nghiêm và hiểm hóc thì dân sa đà, bi tiện, loạn lạc và tranh giành…” (2). Như vậy, bản chất của âm nhạc và nghệ thuật nói chung là đem đến cho con người cái đẹp và cái thiện. Và thời đại của chúng ta ngày nay cũng như trong lịch sử tương lai của nhân loại cũng đều như vậy.

2. Nội dung

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện biểu hiện hình tượng nghệ thuật nhằm phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, trình độ phát triển đời sống cộng đồng xã hội, cùng những nét riêng trong đời sống tinh thần của người nghệ sĩ. Ngôn ngữ của âm nhạc có tính trừu tượng cao (hiểu theo nghĩa “vô hình” - khác tư duy trừu của khoa học và triết học - tức tư duy bằng khái niệm) vốn là một thế mạnh trong việc gợi lên hình tượng nghệ thuật và đi thẳng vào con tim rồi mới dội lên trí óc của người thưởng thức. Trước đây, người ta thường coi tính trừu tượng đó là hạn chế của âm nhạc khi phản ánh thế giới. Song, cho đến nay đã có thể khẳng định: chính tính trừu tượng cao của nghệ thuật âm nhạc khi biểu hiện hình tượng nghệ thuật lại là một trong những thế mạnh riêng. Người sáng tác tổ chức các âm thanh nhạc một cách chặt chẽ theo một hệ thống khúc thức lôgíc để phản ánh sự đa dạng, phong phú của cuộc sống cũng như đời sống nội tâm của con người: niềm vui sướng và nỗi đau thương, sự say mê lao động và niềm hạnh phúc, cuộc đấu tranh sống còn và tâm tư thầm kín, những bức xúc xã hội và những ước mơ, hoài bão cao đẹp… Hệ thống ngôn ngữ ấy được sống dậy trong âm điệu và nhịp điệu thông qua biểu diễn của người nghệ sĩ, phản ánh một cách lành mạnh hiện thực cuộc sống và tâm tư tình cảm con người, đồng thời luôn tạo nên sự đồng điệu với nền văn hoá của người thưởng thức âm nhạc, hướng họ vào thế giới nội tâm, vào lý tưởng, tình cảm trong sáng, vào tâm hồn cao thượng để vươn tới tương lai tươi đẹp.

Đương nhiên, để hiểu biết về âm nhạc, cũng như vai trò của nó đối với xã hội, đối với con người thì bao giờ cũng phải đặt nó trong mối quan hệ với các loại hình nghệ thuật khác (văn học, thơ ca, vũ đạo, hội họa, điêu khắc... ) cũng như các hiện tượng xã hội phổ biến như ngôn ngữ, bản sắc dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, chế độ chính trị, trang phục… Song, do phản ánh thế giới bằng ngôn ngữ riêng là thế giới âm thanh, cho nên khi thưởng thức âm nhạc cũng chính là khi chúng ta được thu hút trước hết bởi cái hay, cái đẹp mà hình tượng nghệ thuật được biểu đạt qua tác phẩm âm nhạc. Cái hay, cái đẹp trong âm nhạc mang tính điển hình hoá cao được biểu hiện ngay trong khả năng ước lệ tượng trưng mà chỉ mình nó mới có: điệu thức trưởng thường trong sáng, tươi vui, còn điệu thức thứ lại mềm mại, man mác buồn; kiểu nối tiếp giai điệu liền bậc, lượn sóng tạo cảm giác uyển chuyển, trữ tình, trong khi sự xuất hiện nhảy quãng 4, quãng 5 kèm theo tiết tấu cấu tạo bởi các âm hình tiết tấu nhịp đi liên tục lại tạo cho giai điệu mang tính hành khúc mạnh mẽ, hùng tráng… Sự diễn cảm đó bắt nguồn từ chính tự thân của âm nhạc, nên nó tác động trực tiếp vào tâm hồn của con người, làm cho con người tràn đầy cảm xúc và có khả năng đánh thức “tính thiện” nhất trong con người. Chính vì vậy, nói đến vai trò giáo dục nhân cách con người của âm nhạc là nói đến sự tác động trực tiếp, mạnh mẽ của hệ thống âm nhạc đã được “nhào nặn” vào tâm tư, tình cảm của người nghe, và qua đó làm cho người nghe tự điều chỉnh nhân cách của chính mình.

Sự sắp xếp một cách có tổ chức những âm thanh nhạc không chỉ nhằm gợi lên hình tượng nghệ thuật, nghĩa là âm nhạc không chỉ là nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện phản ánh cuộc sống, mà hơn thế, âm nhạc còn thực sự là một khoa học. Nghệ thuật âm nhạc vốn thực sự là khoa học với đầy đủ ý nghĩa của nó về tâm sinh lý con người, về sự nối tiếp và hoà hợp các âm thanh âm nhạc… Nhà soạn nhạc dựa trên những nguyên tắc khoa học âm nhạc về sự kết hợp nối tiếp cũng như khả năng hòa hợp giữa các âm thanh nhạc sao cho phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý của người nghe. Đối với ca khúc - thể loại âm nhạc gần gũi nhất với đời sống văn hoá của con người - điều đó lại càng rõ ràng. Để tạo nên tác phẩm mới mang tính chỉnh thể của ca khúc thì sự “ăn nhập” giữa âm nhạc và lời ca luôn được nhạc sĩ sáng tác chú trọng. Sự sáng tạo ca khúc dù là mang tính đại chúng hay là những tìm tòi, thể nghiệm với ngôn ngữ riêng trong ca khúc nghệ thuật thì yếu tố lý trí bao giờ cũng là yếu tố hạt nhân để anh ta nhìn ra được cái hợp lý, cái không trùng lặp, cái “chân giá trị” cho sự thống nhất ấy. Anh ta không thể cố bắt nhạc phải theo lời, hoặc lời phải theo nhạc một cách gò ép, khiên cưỡng. Và cảm xúc chân thực, sống động của anh ta không những phải được bắt nguồn từ chính mình, mà còn là kết quả lao động thực sự khoa học nhằm không ngừng hoàn thiện tác phẩm bằng các thủ pháp âm nhạc. Đối với tác phẩm khí nhạc (nhạc không lời) cũng vậy, nó luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nhân cách toàn diện, hài hoà. Tác phẩm khí nhạc có khả năng biểu hiện suy nghĩ và tình cảm ngoài tầm cỡ tiếng nói và âm vực giọng hát của con người. Tính trừu tượng cao của nó có thể gợi sự phát triển ước mơ, trau dồi sự tưởng tượng… Do đó phát triển nhân cách con người bằng tác phẩm khí nhạc có ý nghĩa  lớn trong việc vun trồng những tình cảm cao quí, phát triển thị hiếu thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ.

Như chúng ta đã biết, Giao hưởng số 5 được người đời đặt tên Định mệnh, là tác phẩm nổi tiếng nhất của L.V. Beethoven - cho đến nay, tác phẩm luôn được biểu diễn thường xuyên trên các khán phòng hoà nhạc thế giới. Có thể nói, sự sáng tạo của ông trong tác phẩm này đã trở thành một công thức hoàn chỉnh kinh điển. Bốn chương của tác phẩm đều có sự thống nhất trong một trục phát triển mang tính kịch “từ tăm tối - ra ánh sáng”. Chính ông đã cho rằng, chủ đề thứ nhất “Số phận gõ cửa như thế” (2) đã mở ra khả năng xác định quan điểm của tác phẩm. Nội dung của tác phẩm là một triết lý lớn của con người về cuộc đấu tranh thực hiện lý tưởng; là cuộc đấu tranh cho cả “cái tôi” của mình, mặc dù cuộc đấu tranh đó có thể báo trước cái chết nhưng không hề chùn bước và được kết thúc bằng thắng lợi của tinh thần đạo đức. Trong cuốn sách Vai trò giáo dục của âm nhạc, nhà sư phạm âm nhạc A. Xô-Khor (Liên Xô) đã dẫn lời một thanh niên: “Tôi có cảm tưởng là nếu lúc nào bên tai tôi cũng vang lên bản Giao hưởng số 5 của Bêtôven, có lẽ không bao giờ tôi có hành vi xấu xa trong cuộc sống” (3).

Lẽ dĩ nhiên, những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ sáng tác đến được với khán - thính giả còn phải có sự đóng của lực lượng nghệ sĩ biểu diễn. Sự “thăng hoa” trong thể hiện tác phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ biểu diễn được coi là quá trình vận dụng kiến thức khoa học âm nhạc cùng cái cảm xúc tức thời mang các dấu ấn, hơi thở chung của dân tộc/thời đại - sự kết hợp đó đòi hỏi người biểu diễn cũng như người thưởng thức không những có khả năng, trình độ nghệ thuật mà còn phải có cả sự hiểu biết khoa học về âm nhạc. Nắm bắt được trình độ nghệ thuật và khoa học chính là “chìa khoá” để nắm bắt thực chất hình tượng âm nhạc và hình thức của từng tác phẩm, cũng như nắm bắt những nét đặc trưng riêng của đối tượng phản ánh trong tác phẩm, nắm bắt bản sắc của mỗi dân tộc và đời sống tinh thần của con người mà tác phẩm ấy phản ánh. Và đó cũng chính là “chìa khoá” để mở các cánh cửa của nghệ thuật âm nhạc. Nó giúp cho con người biết thưởng thức, biết cảm thụ cái hay, cái đẹp của âm nhạc và tự nâng cao cảm xúc, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ âm nhạc của chính mình. Đồng thời giúp con người phân biệt được cái giản dị với sự nghèo nàn, giữa tâm hồn giàu tình cảm với sự đa cảm bệnh hoạn, cái tha thiết nóng bỏng với sự suồng sã dung tục… trong âm nhạc và trong cuộc sống.

Nhìn nhận, đánh giá vai trò của âm nhạc - một phương diện tác động đến quá trình phát triển nhân cách con người, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng: một tác phẩm âm nhạc đạt hiệu quả cao không chỉ nhờ sự tìm tòi sáng tạo của các nhạc sĩ, sự nhiệt tình cố gắng của các nghệ sĩ biểu diễn mà còn tuỳ thuộc rất lớn vào khả năng cảm thụ của công chúng. Công chúng nghe nhạc không chỉ là người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, họ cũng chính là người thẩm định giá trị của một tác phẩm âm nhạc. Nhất là trong thời đại có trình độ phát triển ngày càng cao như ngày nay, để hiểu được giá trị của một tác phẩm nói chung và một tác phẩm âm nhạc đương đại nói riêng, người nghe cần phải trang bị một lượng tri thức âm nhạc nhất định. Song cần thấy rằng, vai trò của âm nhạc đối với quá trình phát triển nhân cách con người không chỉ thể hiện với tư cách một phương diện tác động từ những giá trị chân, thiện, mỹ từ bên ngoài vào, mà chủ yếu là với tư cách khơi dậy những tiềm năng giá trị chân, thiện, mỹ từ chính bên trong mỗi thực thể nhân cách. Nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng, khả năng cảm thụ âm nhạc của từng con người còn xuất hiện trước cả khi con người hình thành nên ý thức, thậm chí nó đã xuất hiện ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Như vậy thì có thể thấy, ngay trong từng nhân cách cũng đã có thành tố tri thức và khả năng thụ cảm âm nhạc. Vấn đề phát triển nhân cách bằng phương tiện âm nhạc, do đó, không thể tách khỏi vấn đề phát triển "nhân cách âm nhạc" của con người.

Trong đời sống âm nhạc nước ta hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đa hướng tới sự phát triển nhân cách của nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp xã hội. Tìm hiểu đời sống âm nhạc của nước ta thông qua đối tượng thưởng thức âm nhạc, đồng thời là đối tượng của giáo dục thẩm mỹ trong mối quan hệ với chủ thể sáng tạo là nhằm xác định một hướng đi với những hình thức, biện pháp giáo dục thẩm mỹ âm nhạc nhằm phát triển nhân cách con người toàn diện ở nước ta hiện nay. Trước hết phải thấy rằng, đối tượng thưởng thức âm nhạc trong những năm gần đây có sự phân hoá rõ nét cả về trình độ nhận thức, sự lựa chọn và thưởng thức các tác phẩm mang giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ hết sức khác nhau. Một trong những nguyên nhân của sự phân hoá đó là do sự tiếp thu âm nhạc với nhiều dạng, nhiều luồng khác nhau, cả từ trong nước và từ nước ngoài, nhất là trên mạng internet. Bên cạnh những người có trình độ am hiểu tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc có chọn lọc, còn một số giới trẻ khá đông đảo khác có những biểu hiện chệch hướng, cái nhìn sai , chưa ý thức được bản thân khi tiếp cận và thưởng thức âm nhạc. Họ tỏ ra ưa chuộng các loại nhạc với nội dung lời ca yêu đương tẻ nhạt, dung tục (Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc - Bệnh vô cảm chăng? Anh ở trên còn em ở dưới, người em run lên, thật phê bằng hai ngón tay - Khiêu dâm chăng?...); âm nhạc nghèo nàn (đạo nhạc, lai căng âm hưởng nhạc Tầu, nhạc Hàn…), thậm chí còn có những bài với lời ca tỏ ra là ngợi ca vai trò lãnh đạo của Đảng, tinh thần tình nguyện cống hiến của giới trẻ cho công cuộc đổi mới của đất nước…, nhưng với cách tiến hành giai điệu, cách nhấn trọng âm theo luật nhịp của nó thì gợi cho người nghe rất phản cảm, tư tưởng hết sức phản động, bệnh hoạn. Tuy nhiên, không nên đổ lỗi hoàn toàn cho thị hiếu lệch lạc của đối tượng cảm thụ âm nhạc, mà phải thấy được trách nhiệm của những người làm công tác âm nhạc, các cơ quan quản lý văn hoá và các phương tiện thông tin đại chúng. Nói cách khác, không những chúng ta cần quan tâm đến việc phát huy mạnh mẽ vai trò của âm nhạc trong tư cách vũ khí đặc biệt để “chiếm” được con người và “giữ” được con người, mà quan trọng hơn là cần phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu để nuôi dưỡng, vun đắp, định hướng đúng đắn chính ngay sự phát triển "nhân cách âm nhạc" của từng con người.

Trong thời gian gần đây, hoạt động âm nhạc của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công cùng với sự nở rộ của các nhạc sĩ có tên tuổi như: Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Minh Đạo, Trần Mạnh Hùng, Đỗ Bảo, Giáng Son… Nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ đã sử dụng những chất liệu dân gian kết hợp với phong cách âm nhạc đương đại đang được thịnh hành nên mang lại những thành công nhất định, đi sâu vào đời sống tinh thần của công chúng, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển nền âm nhạc mới mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, có tác dụng tốt nâng cao dân trí, góp phần tích cực phát triển nhân cách con người. Song, bên cạnh đó, có không ít người lợi dụng sức hấp dẫn của ca khúc đối với công chúng để cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng nghệ thuật, “nhạc Tây quăng”… Nhiều ca sĩ chưa đầy đủ trình độ, kỹ năng biểu diễn còn hạn chế mà chỉ dựa vào công nghệ sân khấu để tạo ra phong cách biểu diễn bắt chước máy móc một số ca sĩ nước ngoài, cách ăn mặc trang phục kỳ quặc, hở hang, thậm chí còn “chế” mang tính phản cảm trong biểu diễn, gây ảnh hưởng không tốt tới thẩm mỹ công chúng, xa lạ với thuần phong mỹ tục người Việt Nam.

Dưới góc độ khác, việc báo chí phản ánh kịp thời các sinh hoạt âm nhạc là tốt; nhưng giới báo chí cũng đã quá sốt sắng đến mức “kiêm nhiệm” thêm những vai trò không chuyên: khảo sát thị hiếu âm nhạc, làm “bầu” show, “lăng xê” trên mặt báo; hoặc đăng tải những bài phê phán, đánh giá âm nhạc một cách liều lĩnh, thuần tuý chủ quan của nhiều phóng viên không có chuyên ngành âm nhạc. Nhiều bài sưu tầm các tin sốt dẻo về các ban nhạc, trào lưu âm nhạc nước ngoài, bám sát cả những chuyện đời tư của các ngôi sao… cốt chỉ để câu khách. Những khiếm khuyết về chuyên ngành và sự thiếu thận trọng trong đánh giá nghệ thuật nhiều khi dẫn đến hậu quả khôn lường. Trong khi đó, rất tiếc là các nhà phê bình âm nhạc lại không chủ động lên tiếng. Thực ra, giới lý luận âm nhạc cũng có những tâm tư ít ai hiểu cho. Viết chiều lòng theo số đông thì trái với lương tâm nghề nghiệp. Khen chê thẳng thắn thì không tránh khỏi va chạm với giới sáng tác. Vấn đề này không phải chỉ là những bức xúc riêng của ngành âm nhạc mà các ngành nghệ thuật khác cũng đang vướng phải, cũng thường xuyên đưa ra tranh luận trên các diễn đàn văn nghệ thông qua các đài truyền hình, phương tiện thông tin đại chúng. Vậy sẽ ra sao khi âm nhạc không tự khẳng định được các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của mình? Sẽ ra sao nếu chúng ta không sớm có những biện pháp, hình thức ngăn chặn triệt để các hiện tượng thiếu lành mạnh trên đây?

Để khắc phục những mặt yếu kém tồn tại nhằm khơi thông mạch nguồn âm nhạc trong việc phát triển nhân cách con người, trước hết, bằng mọi cách phải nâng cao trình độ sáng tác, biểu diễn của các nhạc sĩ và nghệ sĩ. Cần phải chuyên nghiệp hoá tất cả mọi mặt: từ tổ chức biểu diễn đến “sản xuất” sản phẩm âm nhạc, từ biên tập báo chí đến biên tập chương trình âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những tác phẩm âm nhạc nghiêm túc, những tác phấm sử dụng chất liệu dân tộc viết theo phong cách âm nhạc đương đại cần được khuyến khích kịp thời, đồng thời phải tạo điều kiện để các tác phẩm đó đến được với người nghe bằng những âm thanh sống động. Các nhà lý luận âm nhạc nên bước vào cuộc trên mọi phương diện bằng lương tâm, bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp của mình nhằm quảng bá, tuyên truyền các tác phẩm có chất lượng tốt, cũng như phê phán một cách thẳng thắn đối với những tác phẩm kém chất lượng, qua đó góp phần định hướng, nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc của công chúng. Lực lượng giáo viên âm nhạc trong các trường phổ thông cần phải được tập huấn thường xuyên, nâng cao trình độ nh»m trực tiếp giảng dạy, tổ chức và hướng cho học sinh tiếp cận với những giá trị của âm nhạc qua hàng loạt hình thức, biện pháp tuân theo đúng qui trình giáo dục - đào tạo và đặc biệt là qui trình giáo dục thẩm mỹ âm nhạc. Bởi lẽ, đối tượng giáo dục ở đây là học sinh phổ thông, không giống như học sinh ở các trường nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh - nơi đào tạo các nhạc sĩ sáng tác và các nghệ sĩ biểu diễn tương lai. Việc học nhạc và tham gia các hoạt động nghệ thuật khác trong các trường phổ thông chủ yếu nhằm mục tiêu nâng cao khả năng nhận thức thẩm mỹ, làm cho häc sinh biết cách phân biệt, đánh giá và tự định hướng tiếp thu,  phát triển các giá trị thẩm mỹ trong đời sống và nghệ thuật để hoàn thiện nhân cách của mình.

3. Kết luận

Tiếp cận vai trò của âm nhạc đối với quá trình phát triển nhân cách con người, nhất thiết đòi hỏi phải phát huy đồng bộ một cách tích cực của các nhà sáng tác, nhà lý luận, nghệ sĩ biểu diễn và giáo viên âm nhạc với các đối tượng công chúng như đã trình bày ở trên. So với các loại hình nghệ thuật khác, trong việc đưa cái đẹp vào tâm hồn con người, nâng cao trình độ thẩm mỹ ở họ, âm nhạc có nhiều khả năng tiếp cận với mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi địa bàn.... Với những biện pháp và hình thức giáo dục âm nhạc vô cùng đa dạng, phong phú và hiệu quả, những người trực tiếp làm công tác âm nhạc ở nước ta chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao vai trò của âm nhạc trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người bằng những tìm tòi sáng tạo riêng của mình.

Chú thích

1, 2, 3. Xô - Khor, Vai trò giáo dục của âm nhạc, (Vũ Tự Lân dịch) Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1978, tr.54, tr.61, tr.68.

4. Nhiều tác giả, Dành cho người nghe hoà nhạc giao hưởng (người dịch Nguyễn Cửu Vĩ)  - Sách hướng dẫn tóm tắt, Nxb Lêningrad, 1967, tr.80.

 

                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả (1967), Dành cho người nghe hoà nhạc giao hưởng (người dịch Nguyễn Cửu Vĩ)  - Sách hướng dẫn tóm tắt, Nxb Lêningrad.

2. Xô - Khor (1978), Vai trò giáo dục của âm nhạc, (Vũ Tự Lân dịch) Nxb Văn Hoá, Hà Nội.

3. Phạm Lê Hoà (2009), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4. Lê Anh Tuấn (chủ biên), Nguyễn Phúc Linh (2016), Phương pháp tư duy tích cực và sáng tạo trong giáo dục âm nhạc, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

5. Nguyễn Bách (2017), Thưởng thức âm nhạc, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Phúc Linh (2016), Mở rộng đào tạo liên ngành - những vấn đề về giáo dục âm nhạc, xã hội học âm nhạc, Tạp chí Giáo dục Âm nhạc, Số 3 (103), 9/2016, tr. 93-102.