Nội san

Thực trạng ca khúc thiếu nhi trong trường THCS

06 Tháng Sáu 2011

Hội thảo khoa học "Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay

thực trạng và giải pháp".

 

THỰC TRẠNG CA KHÚC THIẾU NHI TRONG TRƯỜNG THCS

 

GV. Đào Khánh Ly

Trường THCS Việt Nam- Angiêri

Kính thưa các vị đại biểu!

Thưa toàn thể hội nghị!

Hôm nay tôi rất vinh dự được dự hội thảo “Sáng tác ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay- Thực trạng và giải pháp” do Hội Âm nhạc Hà Nội- Trường ĐHSP Nghệ thuật TW phối hợp tổ chức. Cho phép tôi được thay mặt các thầy cô giáo, các em học sinh trường THCS Việt Nam- Angiêri gửi tới các vị đại biểu những lời chúc tốt đẹp nhất.

Kính thưa các vị đại biểu!

Đất nước chúng ta đang ở giai đoạn đầu của thế kỷ XXI, giai đoạn thời kỳ đổi mới, thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Cùng với sự đổi mới đó phải có những con người năng động, sáng tạo, có năng lực thực sự. Việc đào tạo ra những nhân tài cho đất nước đang là nhiệm vụ cấp bách và không dễ dàng của ngành giáo dục và đào tạo nước nhà; và với sự phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội thì việc giáo dục thiếu niên nhi đồng luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia.

Trong nhà trường phổ thông, ngoài việc trang bị cho học sinh những tri thức khoa học thì vấn đề giáo dục âm nhạc cho các em cũng rất được chú trọng. Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả tâm trạng và tình cảm của con người. Hơn thế nữa ngay từ thời xa xưa những nhà giáo dục âm nhạc đã phát hiện được khả năng tác động của âm nhạc đến đạo đức và tâm hồn của con người. Nhu cầu về thưởng thức và cảm thụ âm nhạc của trẻ không chỉ dừng ở các ca khúc có trong chương trình học trên lớp, trong các hoạt động ở trường học, sinh hoạt tập thể cộng đồng, các em còn có rất nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác hay hoạt động riêng cho lứa tuổi mình ở những dịp như: Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán… Đó là vẫn chưa kể đến rất nhiều hội thi hội diễn và các chương trình văn nghệ khác trong nhà trường, trong cộng đồng thường xuyên diễn ra định kỳ hàng tuần theo chủ đề cụ thể nên nhu cầu về việc được hát, được nghe các tác phẩm mới phù hợp với nội dung sinh hoạt, tâm sinh lý lứa tuổi dành cho các em là rất thiết thực.

Là một giáo viên giảng dạy bộ môn âm nhạc ở trường THCS, tôi nhận thấy việc đổi mới về mọi mặt trong vấn đề giáo dục âm nhạc cho học sinh đã mang lại nhiều mặt tích cực cho việc giảng dạy của giáo viên cũng như việc tiếp thu kiến thức âm nhạc và sự cảm thụ của học sinh. Âm nhạc là món ăn tinh thần rất cần thiết, không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của các em. Âm nhạc giúp phần định hướng suy nghĩ, tư duy trẻ thơ giúp các em bày tỏ quan tâm và chia sẻ với thế giới xung quanh, với gia đình, bạn bè, thầy cô… Tiếng chuông và ngọn cờ, Niềm vui của em, Ngày đầu tiên đi học,Tia nắng hạt mưa, Khúc hát chim sơn ca, Tuổi hồng, Nối vòng tay lớn… luôn là những bài hát được yêu thích trong thế giới âm nhạc tuổi thơ, được truyền qua nhiều thế hệ, đi sâu vào lòng người bằng những cung bậc, ca từ đẹp nhất, hay nhất.

Nhìn nhận về vấn đề trên một cách khách quan và cảm nhận được sự hỗ trợ của âm nhạc trong các hoạt động tập thể, chúng tôi, những giáo viên trường THCS Việt Nam-Angiêri đã tích cực xây dựng, tổ chức đội văn nghệ thực hiện các chương trình phục vụ lễ hội, tham gia các phong trào ca hát thường xuyên. Chúng tôi chọn một số ngày kỷ niệm lớn tổ chức nhiều hoạt động dưới hình thức ngày hội với chương trình văn nghệ chào mừng hoặc công diễn như: ngày khai giảng năm học mới, ngày kỷ niệm 20/11, ngày thành lập Đoàn TNCS HCM 26/3, ngày Bế giảng năm học... Để chuẩn bị cho những ngày đó, đội văn nghệ sẽ thay nhau tập luyện một số tiết mục theo đúng chủ đề dưới sự định hướng của giáo viên phụ trách. Ngoài ra, khi có yêu cầu của địa phương, các đoàn thể xã hội thì đội cũng tham gia phục vụ. Các chương trình được dàn dựng công phu có bài bản, được đầu tư kinh phí nhằm đạt kết quả tốt nhất.

Bên cạnh các chương trình có tính quy mô như trên, nhà trường chú trọng xây dựng các hoạt động ca, múa, hát có tính chất thường xuyên và rộng lớn hơn để mọi học sinh đều được tham gia đó là:

- Tổ chức sinh hoạt dưới cờ theo đơn vị lớp vào mỗi đầu tuần, khơi dậy sự đoàn kết, sáng tạo trong tập thể lớp khi cùng nhau xây dựng một chương trình chung;

- Tổ chức tiếng hát hay cho học sinh các theo khối hàng năm với mục tiêu tạo niềm vui hòa nhập cho các em, đồng thời để khám phá những giọng hát hay, triển vọng cho đội văn nghệ;

- Thực hiện chương trình hát tập thể toàn trường giữa giờ;

- Thực hiện chương trình văn nghệ vui chơi lồng ghép trong các tiết hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: Đố vui âm nhạc - Trò chơi âm nhạc.

Chúng tôi cũng rất tích cực trong việc xây dựng, định hướng cho học sinh trong việc lựa chọn ca khúc, tác phẩm có nội dung phù hợp với lứa tuổi của các em khi làm chương trình, tránh sự lựa chọn lệch lạc chạy theo sự phát triển ồ ạt của âm nhạc thị trường ngày nay khi lựa chọn tác phẩm trong các hoạt động cần triển khai. Chúng tôi cũng thấy qua các hoạt động đã khơi dậy cho các em tinh thần hăng say học tập, tinh thần đoàn kết thân ái giữa bạn bè, sự thân ái gần gũi với thầy cô, đồng thời giúp các em có niềm tin trong cuộc sống.

Có thể nói hoạt động trong nhà trường được chúng tôi xây dựng, tổ chức triển khai khá chuyên nghiệp, khá bài bản và nghiêm túc. Chúng tôi thật sự quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ, nhưng bên cạnh đó chúng tôi nhận thấy các ca khúc có nội dung, ca từ hay, mới là không nhiều nếu nói là quá ít đối để đáp ứng đủ với nhu cầu của thiếu nhi phục vụ cho các hoạt đông văn nghệ cũng như nhu cầu cảm thụ âm nhạc của các em. Các chương trình thường phải lựa chọn các ca khúc cũ và ứng dụng tối đa năng lực dàn dựng để làm mới tiết mục.

Trước đây Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã thành lập một ban sáng tác cho thiếu nhi và tổ chức một số hội thảo chuyên đề về thiếu nhi, nhưng từ năm 1989 đến nay thì tổ chức này không còn nữa, sáng tác cho thiếu nhi được phân về các ban thanh nhạc, chi hội nhạc sỹ tại các tỉnh. Số nhạc sỹ viết nhạc cho thiếu nhi thật hiếm, những tác giả thành danh thì tuổi cao, sức yếu. Vấn đề đáng nói ở đây là số lượng nhạc sỹ trẻ hiện nay là rất đông nhưng vì sao lại để thiếu hụt trầm trọng ca khúc thiếu nhi? Phải chăng sáng tác nhạc cho thiếu nhi là quá khó?

Đứng trước thực trạng này, Trung tâm văn hóa TP.HCM phối hợp với Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố và Công ty Maseco tổ chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi trong năm 2010 vừa qua. Cuộc vận động đã nhận được 591 tác phẩm của 248 tác giả trên cả nước tham gia sau bảy tháng phát động. Đây là một con số ngoài sự mong đợi của ban tổ chức cũng như những nhà giáo như chúng tôi, là một tín hiệu vui trước thực trạng lĩnh vực sáng tác ca khúc thiếu nhi bị bỏ quên bấy lâu nay. 14 ca khúc đạt giải sẽ được thu âm, in đĩa và chuyển đến các tỉnh thành trong cả nước.

Cách đây không lâu, chương trình “Tuổi đời mênh mông” của VTV3 cũng phát động cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi. Sau đó, cũng chương trình này mở tiếp một cuộc thi hát rất sôi nổi, tôi nhận thấy học sinh của mình rất yêu thích các chương trình này bởi nội dung và bố cục của chương trình cho các em cảm giác mình thật sự trưởng thành, được công chúng quan tâm, đón nhận. Nhưng tôi cảm thấy nếu những cuộc vận động như vậy chỉ dừng lại ở đây thì tình trạng thiếu và yếu lại vẫn tiếp diễn bởi như thế vẫn là quá ít, quá thiếu so với nhu cầu của thiếu nhi. Hi vọng các cuộc vận động sẽ là tiền đề để các cơ quan chức năng, ban ngành quan tâm nhiều hơn đến mảng ca khúc thiếu nhi, quảng bá rộng rãi những ca khúc đạt chất lượng cao, các ca khúc mang đậm nét văn hóa của nhiều vùng miền, nhiều đất nước, làm mờ đi những ca khúc khô khan, chưa mang hơi thở, nhịp điệu hối hả của cuộc sống hiện đại, góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của các em thiếu nhi.

 

Ảnh minh họa (st)

 

Nhìn thấy rất rõ về thực trạng và nhu cầu của thiếu nhi trong trường THCS để đến hôm nay, khi nhìn lại, những ai quan tâm đến sự phát triển đời sống tinh thần của trẻ thơ sẽ thấy một điểm khuyết rất lớn trong các ca khúc mới dành cho các em. Thực trạng về ca khúc viết cho thiếu nhi có thể nói rằng rất thiếu, rất yếu. Nhu cầu thì cao mà không được đáp lại nên các em “quay” sang nghe, hát nhạc người lớn, đặc biệt là nhạc nước ngoài, nhạc trẻ, nhạc Hàn Quốc, nhạc Trung Quốc, nhạc Nhật Bản, nhạc Anh, nhạc Mỹ... Điều này khiến các em không thể thoát khỏi gượng ép trong suy nghĩ, tâm tư, tình cảm… và già đi rất nhiều so với độ tuổi.

Để một nền âm nhạc phát triển lành mạnh, rất cần sự đánh giá, nhận xét, định hướng của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình. Để một nền âm nhạc phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập, tôi mong Hội Âm nhạc Hà Nội cần quan tâm hơn nữa tới việc đưa những tác phẩm âm nhạc đích thực, giàu bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn cũng như định hướng cho các em lựa chọn những sản phẩm phù hợp có ích cho sự phát triển nhân cách, tránh sự lựa chọn không tốt.

“Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, chúng tôi - những nhà giáo làm công việc trực tiếp truyền tải kiến thức và định hướng cho thiếu nhi, những mầm non của dân tộc Việt - thật sự quan tâm, thật sự mong mỏi nền âm nhạc nước nhà sẽ lại nảy những chồi non, lộc biếc để mùa xuân âm nhạc thiếu nhi sẽ lại đến từ những tấm lòng, tâm huyết thật sự từ những nhạc sỹ, cũng như sự chú ý quy hoạch, tổ chức quản lý, phát hành, phổ biến bài bản, tích cực hơn nữa của các nhà quản lý lĩnh vực văn hóa văn nghệ đối với những ca khúc thuộc mảng đề tài này để thiếu nhi trong cả nước được học tập, vui chơi và sống đúng như lứa tuổi của các em, thật hồn nhiên, thật trong sáng, thật đáng yêu.

Trên đây là các ý kiến tham luận của tôi đối với Hội nghị.

Xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu và toàn thể Hội nghị.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.                

Xin trân trọng cảm ơn! ./.