Nội san

Hồi tưởng về cuộc đời và ca khúc của GS.NSND. Nguyễn Văn Thương

24 Tháng Năm 2011

TS. Trịnh Hoài Thu

 

Vào một buổi chiều cách nay đã 10 năm, tôi vừa về nhà sau một ngày tới trường dạy học thì tiếng chuông điện thoại reo. Tôi vội vàng nhấc máy, ở đầu dây bên kia, một giọng nói miền Trung ấm ấp cất lên:

-  Hoài Thu à? bác Thương đây!

- Bác Thương ạ? Cháu nghe đây. Bác có khỏe không?...

Giọng nói của tôi biến đổi hẳn, tôi thấy lòng mình rưng rưng xúc động bởi lâu rồi, trước những bộn bề lo toan cuộc sống và công việc bận rộn, tôi đã quên không liên lạc với ông. Sau những lời thăm hỏi, nhạc sĩ cho biết ông vừa ra Hà Nội để tham gia chương trình giới thiệu tác phẩm của các nhạc sĩ được giải thưởng Hồ Chí Minh do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện và nói muốn gặp tôi, người đã nghiên cứu và viết về ông khá đầy đủ (theo như cách ông nói) trong luận văn Thạc sĩ của mình. Trong buổi gặp gỡ đó, ông nói vừa viết xong bản romance số 5 cho cello và piano và muốn tôi đưa bản nhạc đó đi chép lại nhạc trên máy vi tính. Sau đó không lâu, các nghệ sĩ của Nhạc viện Hà Nội đã biểu diễn rất thành công tác phẩm này của ông. (Phải kể thêm rằng, tôi là người được nhạc sĩ đã trao và nhờ cậy chép lại các tác phẩm khí nhạc của ông và chuyển các tác phẩm đó cho Nhạc viện Hà Nội, cũng như những ai sống ở Hà Nội khi có nhu cầu xin tác phẩm của ông. Tôi đã thực hiện những yêu cầu đó từ khi gặp nhạc sĩ để viết luận văn Thạc sĩ về ông cho tới khi ông mất). Không ngờ, đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng với người nhạc sĩ đáng kính, vì sau đó một thời gian, vào ngày 5/12/2002, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã qua đời do tuổi già sức yếu tại bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể nói, sự hình thành và phát triển của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX là một trong những thành tựu lớn lao của đất nước. Có được bước trưởng thành ngày hôm nay, chúng ta không thể quên công lao của lớp nhạc sĩ lão thành đi trước, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ông đã có mặt gần như từ buổi đầu của Tân nhạc Việt Nam, cống hiến cả cuộc đời mình cho âm nhạc.

GS.NSND. Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22/5/1919 tại xã Vân Thê, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên, Huế. Ông sinh ra trong một gia đình công chức yêu nước, cha ông thuộc tầng lớp công chức Tây học rất yêu thích văn nghệ và mẹ là một người yêu nhạc, biết chơi đàn tranh và thuộc làu những câu hò Huế và các làn điệu dân ca Trung Bộ. Những giai điệu qua tiếng đàn, giọng hát của cha mẹ đã giúp ông sớm nảy nở và phát triển cảm xúc âm nhạc. Có thể nói, Nguyễn Văn Thương là một tấm gương sáng về tinh thần tự học âm nhạc. Năm 1932, khi vào học tại trường Quốc học Huế, ông đã có dịp gặp gỡ bạn bè và tiếp xúc với nhạc cụ phương Tây như: accordéon, guitare, piano, saxophone... và đó chính là bậc thang đầu tiên giúp ông tiếp cận với trào lưu nhạc Tây đang thịnh hành. Ông đã tự học lý thuyết âm nhạc qua một cuốn sách ký âm của tác giả Pháp là A.F.Marmóntel [Antoine Francois Marmóntel (1816-1898) - một nghệ sĩ piano và lý luận âm nhạc]. Cuốn sách đã giúp ông nhận thức về âm nhạc phương Tây và ông tỏ ra rất thích thú với âm nhạc mới này. Năm 1936, sau khi tốt nghiệp Trung học ở trường Quốc học Huế, trước khi ra Hà Nội học tú tài, ông đã cùng các bạn du ngoạn sông Hương. Trong chuyến đi có mang theo đàn mandoline, guitare và máy quay đĩa lên dây cót. Cảm hứng trước cảnh đẹp của sông Hương, núi Ngự, ông đã sáng tác ca khúc đầu tiên "Trên sông Hương" - một ca khúc mang đậm màu sắc lãng mạn với bức tranh về Huế đầy thơ mộng, đẹp mặn mà. Tác phẩm đầu tay của ông đã được in và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1937, do chính ông là người vẽ minh họa trang bìa.

 

Ảnh minh họa (theo nguồn http://www.chudu24.com)

 

Vào đêm 30 Tết Nguyên Đán năm 1939, do không có tiền về quê, lần đầu tiên chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thương lang thang một mình khắp các phố phường Hà Nội để xem trong đêm đông giá rét đó có ai phải chịu cảnh cô đơn đói lạnh như mình không. Trên bước đường lang thang đêm ấy, ông đã đi qua phố Khâm Thiên và thấy có hai nhà còn để đèn chờ khách. Nhà đầu tiên không có ai ở cửa, còn nhà sau, có một cô gái bước ra nhìn thấy ông lại thất vọng quay vào. Hình ảnh cô đào đã đi vào tâm trí ông. Sau đó, ông tiếp tục đi qua mấy phố nữa và quay về nằm nghỉ trên căn gác trọ ở số 10 phố Hội Vũ. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh cô đào lại hiện ra trong tâm trí ông, cùng với nỗi cô đơn và gió lạnh từng cơn rít ngoài cửa sổ đã tạo cảm hứng cho ông, và ca khúc "Đêm đông" đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Có thể nói, giai điệu và lời ca của Đêm đông đẹp như một bài thơ, giàu tính văn học và tràn đầy xúc cảm. Năm 1941, ông vào Sài Gòn thi ngạch kiểm soát viên bưu điện và đỗ đầu cuộc thi này. Từ đó, ông công tác ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn và vẫn sáng tác âm nhạc “kiểu tay trái. Tới năm 1942, khi đi ngang qua một trường nữ sinh vào giờ tan học, nhìn những bóng áo trắng đổ ra đường như những đàn bướm trắng tỏa đi khắp nơi...và... ông đã viết ca khúc "Bướm hoa" để ghi lại ấn tượng tươi đẹp đó. Đây là ca khúc lãng mạn xuất sắc thứ ba của ông, với giai điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, lời ca tinh tế ý nhị và rất tình tứ. Đến năm 1944, ông được chuyển về công tác ở Huế, trong những ngày đầu cách mạng ông đã tham gia cùng với nhân dân Huế và giác ngộ lý tưởng cách mạng. Ngày 19/12/1946, ông đã cùng với cơ quan lên chiến khu tham gia kháng chiến. Năm 1948, quân Pháp mở nhiều cuộc càn quét tàn sát dã man đồng bào ta nhất là ở ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Thời gian này, ông đang làm quyền giám đốc ở Bưu điện liên khu IV. Khi nghe những tin về Hải Lăng - giặc Pháp giết chết cả làng hay chúng dồn đàn bà, trẻ em lên cầu qua sông rồi cho xả liên thanh bắn chết như ở Cự Nấm - Quảng Bình... Những cảnh tượng đó đã khơi dậy lòng căm thù quân xâm lược trong ông ; ông đã viết ca khúc "Bình-Trị-Thiên khói lửa" từ máu và nước mắt đau thương. Có thể thấy, từ ca khúc "Trên sông Hương" đến "Bình-Trị-Thiên khói lửa" nhân sinh quan của ông đã thay đổi rõ rệt, từ một thanh niên trí thức yêu nước trở thành người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa.

Cuối năm 1948, Nguyễn Văn Thương thôi công tác ở Bưu điện và chuyển hẳn sang công tác văn nghệ. Ông làm ủy viên thường vụ Ban chấp hành chi hội văn nghệ liên khu IV phụ trách về âm nhạc. Đây là một bước chuyển đặc biệt trong cuộc đời ông. Ông đã đi thực tập sinh ở Nhạc viện Bắc Kinh - Trung Quốc từ năm 1964-1966. Năm 1968 ông lại tiếp tục đi tu nghiệp ở Đức tại Nhạc viện Lepzig. Tháng 4 năm 1972 ông trở về nước và được cử làm Hiệu trưởng trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam). Trên 20 năm công tác ở lĩnh vực nghệ thuật, làm công tác quản lý, ông đã đưa và hướng dẫn nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam đi thăm và biểu diễn trên 30 lần ở nhiều nước trên thế giới. Ông được phong hàm Giáo sư năm 1982; danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1992; được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động xuất sắc của Xô viết tối cao Liên Xô, cùng rất nhiều huân, huy chương cao quí khác. Đặc biệt, ông đã được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Nhìn chung, từ những ca khúc lãng mạn như: Trên sông Hương (1936), Đêm đông (1939), Bướm hoa (1942); cho tới những ca khúc cách mạng trong những năm kháng chiến như: Bình-Trị-Thiên khói lửa (1948), Tiếng hát muôn phương (1958)...; hay những ca khúc trữ tình về quê hương đất nước, tình yêu sau hòa bình lập lại năm 1954, trong thời kỳ đổi mới và hòa bình thống nhất Tổ quốc như: Bài ca trên núi (1960 - lời của Tô Hoài, trong phim "Vợ chồng A Phủ"), Bài ca đã hẹn (1963 - viết tặng người bạn đời Thanh Hảo), Bài ca Việt-Lào (1963 - trong phim "Hai bà mẹ"), Thư xa gửi mẹ (1969), Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (1975 - trích thơ Tố Hữu), Gửi Huế giải phóng (1975), Dâng người tiếng hát mùa xuân (1978), Hai dòng sông mong nhớ (1983 - phỏng thơ Hoa Lê), Yêu Huế (1996 - viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường quốc học Huế),... Những sáng tác ca khúc của Nguyễn Văn Thương đã gắn bó với diễn trình lịch sử của âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX. Âm nhạc của ông giàu tính trữ tình, giai điệu mượt mà, chứa đầy cảm xúc và mang đậm màu sắc dân tộc. Ông đã có ảnh hưởng lớn đối với nền âm nhạc Việt Nam.

Trong tháng Năm này, nhân kỷ niệm ngày sinh của GS.NSND. Nguyễn Văn Thương, tưởng nhớ về nhạc sĩ qua đường đời và các ca khúc tiêu biểu của ông sẽ là một nén hương trầm thắp cho nhạc sĩ, một cây đại thụ của âm nhạc mới Việt Nam, một tấm gương sáng để thế hệ chúng tôi noi theo./.