Nội san

Đôi điều suy ngẫm về việc giáo dục âm nhạc cho tuổi thơ hiện nay

18 Tháng Bảy 2011

Tham luận Hội thảo khoa học

"Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - thực trạng và giải pháp"

 

 

NS. Trần Lệ Chiến

Đài Tiếng nói Việt Nam

 

Kính thưa các vị khách quý!

Thưa các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu âm nhạc lão thành

Thưa các anh, các chị đồng nghiệp.

 

Trước tiên cho tôi được bày tỏ vui mừng về sáng kiến của Trường Đại học sư phạm nghệ thuật TW và Hội âm nhạc Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay, thực trạng và giải pháp. Cũng nhân đây cho phép tôi cảm ơn BTC hội thảo đã dành ưu ái cho tôi được trình bày những suy nghĩ của mình về âm nhạc với tuổi thơ và việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông hiện nay.

 

Thưa các quý vị, thưa các nhạc sĩ.

Những người làm công tác âm nhạc đều hiểu một điều sâu sắc rằng: Con người khi cất tiếng khóc chào đời thì nghệ thuật âm nhạc đến với họ đầu tiên. Đó là tiếng ầu ơ, tiếng ru, tiếng nựng nịu của mẹ, của bà, thậm chí là của ông, hay của người cha gửi gắm vào đưa con thân yêu của mình. Và cứ như thế, âm nhạc theo ta suốt hành trình một đời người và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Vì thế dân gian có câu: “Sống dầu đèn, chết kèn trống” để nói lên tầm quan trọng của âm nhạc đối với đời sống của con người.

Quý vị hãy thử tưởng tượng xem cuộc sống sẽ ra sao nếu không có tiếng động âm thanh, không có âm nhạc…? 

Trên thế giới người ta cho rằng: tầm quan trọng của âm nhạc trong giáo dục con người là một trong những điểm gặp nhau của các nền văn minh Đông và Tây.

Ở phương Đông, người xưa quan niệm giáo dục con người trước tiên tạo hứng khởi cho trẻ bằng những vần thơ, rồi uốn nắn trẻ bằng lễ và hoàn thiện nhân cách cho trẻ bằng âm nhạc.

Ở phương Tây, việc học nhạc từ thời thơ ấu được xem như phương tiện rèn giũa tính tự giác, tính kỷ luật và điều quan trọng đó là để phát triển một cách toàn diện sự hiểu biết để tạo nên nhân cách cho trẻ.

Ấy vậy mà, lâu nay, việc giáo dục âm nhạc trong các nhà trường từ bậc mầm non đến trung học cơ sở thực sự chưa được quan tâm, chú trọng đúng mực. Chính vì thế, từ việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường đến việc thưởng thức, nhận thức âm nhạc đang dần đi lệch chuẩn mực, từ đó kéo theo biết bao hệ lụy khác, ảnh hưởng tới nhân cách, nhận thức và thẩm mỹ của trẻ. Trong những trường hợp cá biệt còn làm suy đồi đạo đức, lối sống, dẫn đến những suy nghĩ và hạnh động lệch lạc, vượt ra khỏi thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Với 4 nội dung được ban tổ chức đề ra trong hội thảo để những người làm công tác âm nhạc cùng suy ngẫm, thảo luận, tôi cũng xin mạo muội trình bầy như sau:

1. Thực trạng sáng tác ca khúc cho nhà trường phổ thông từ những năm 90 của thế kỷ xx đến nay.

- Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi là lĩnh vực được các thế hệ nhạc sĩ sáng tác quan tâm và dành tâm huyết để viết cho các em, viết về các em - thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Từ những năm 1990 đến nay, không có thống kê con số một cách cụ thể, nhưng qua các cuộc thi sáng tác, qua các liên hoan, các trại sáng tác hay giải thưởng hàng năm của Hội nhạc sĩ VN, Hội âm nhạc các tỉnh, thành phố trong cả nước, các Hội liên hiệp văn học nghệ thuật và qua các phương tiện thông tin đại chúng thì thấy sáng tác cho thiếu nhi nhiều về số lượng, đa dạng về hình thức, thể loại, phong phú về ngôn ngữ và phong cách biểu đạt. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy trong sáng tác ca khúc cho thiếu nhi là thừa nhưng vẫn thiếu. Cái thiếu ở đây là thiếu sự định hướng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và vì thế sự tiếp cận với tác phẩm mới rất hạn chế. Vì thế, tuy có nhiều sáng tác cho thiết nhi nhưng nhiều khi trong các cuộc thi, hay những liên hoan, cũng chỉ tập trung vào một số lượng ít các sáng tác đã trở nên quen thuộc. Mặc dù so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng là những địa phương mà phong trào sáng tác cũng như những sinh hoạt nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng dành cho thiếu nhi được quan tâm, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức sự kiện 2 năm một lần như: Liên hoan tiếng hát Hoa phượng đỏ; Búp sen Hồng, Tuổi thần tiên.v.v hoặc ở một vài trung tâm văn hóa (hoạt động mang tính chất xã hội hóa) chứ không phải là sự đầu tư, quan tâm đúng mực của Nhà nước hay các cơ quan chức năng. Mặt khác, do sự không đồng nhất về mặt giáo dục, tuyên truyền nên mạnh địa phương, đơn vị nào thì làm, dẫn đến không có sự điều chỉnh cân bằng về hình thức, thể loại giữa sáng tác mang phong cách mới và những bài hát mang tính giáo dục, kể cả mảng âm nhạc dân gian dành cho thiếu nhi, mà giáo dục âm nhạc cổ truyền là điều cần thiết để trẻ biết yêu quê hương, dân tộc, yêu cái nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

2.Các ca khúc trong chương trình âm nhạc của tiểu học và trung học cơ sở.

Nói về chương trình giáo dục âm nhạc trong các nhà trường phổ thông hiện nay, tôi thấy thật buồn khi: âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật vô cùng phong phú, hấp dẫn đã trở thành một môn học nhạt nhẽo không có chút hấp dẫn nào đối với các em.

Nếu như ở cấp mầm non, việc học hát, học múa tạo cho các bé hứng khởi, thích thú thì đáng lẽ ra nó sẽ phải được bồi đắp thêm tình yêu, sự ham muốn khám phá và hiểu biết về âm nhạc nhiều hơn nữa khi các em bước vào lớp 1. Thế nhưng điều này đã không xảy ra. Qua công việc của một người làm công tác âm nhạc tại Đài TNVN, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều thế hệ nhạc sĩ, những người làm công tác âm nhạc ở cả trong và ngoài ngành giáo dục, qua trao đổi với các em từ phổ thông cơ sở đến trung học cơ sở, họ đều có chung nhận xét; Học nhạc trong nhà trường không đi đôi với việc thực hành; hoặc thực hành ở mức độ quá đơn giản, hạn chế, khiến giờ học trôi qua một cách nặng nề. Chưa kể đến, chương trình sách giáo quá đơn điệu, không được hệ thống, phân loại một cách chặt chẽ, khoa học. Bài ở mầm non đưa vào tiểu học, bài đáng lẽ phải đưa vào từ lớp 1 thì lại sắp xếp đưa vào trong chương trình lớp 2, hoặc lớp 4, thâm chí có bài đưa vào tập hát nhạc lớp 5. Điều đó khiến cho học sinh cảm thấy không hứng thú vì đó là những bài hát chúng ta biết đã thuộc từ khi ở trường mầm non.

 

Một tiết mục biểu diễn của các em học sinh trường tiểu học Ban Mai

 

Một ví dụ nữa: đáng lẽ ngay trong chương trình hát nhạc lớp 1, chúng ta phải giới thiệu và dạy cho học sinh biết khái niệm căn bản về khuông nhạc, khóa nhạc và 7 nốt nhạc, những cái đơn giản nhất thì ở chương trình lớp 1 chỉ dạy hát và hầu như những bái hát đó các em đã được học ở mầm non. Tương tự như vậy là chương trình lớp 2. Vô hình chung chúng ta đã để lãng phí việc giáo dục và hoàn thiện nhân cách cho trẻ thông qua âm nhạc ở 2 năm lớp 1 và lớp 2. Đến lớp 3 các em mới được làm quen với 7 nốt nhạc, điều đó  làm hạn chế khả năng phát triển tư duy, sáng tạo, khả năng nhận thức về thẩm mỹ âm nhạc của các em mà đáng lẽ ra chúng phải được hưởng phải được bộ lộ khả năng của mình. 

Ở sách hát nhạc lớp 4 và lớp 5 có thêm những chuyện kể âm nhạc, nhưng theo tôi nghĩ chưa thực sự phù hợp với giáo trình dạy và học của học sinh tiểu học ví dụ như: Tiếng hát Đào Thị Huệ, Năng khiếu của kỳ diệu của loài chim (lớp 4) hay: Chiếc cồng của nữ thần A-Tê -Na (truyện cổ Hy Lạp) trong sách lớp 5. Trong khi đó chúng ta có biết bao nhiều câu chuyện âm nhạc hay, thú vị, thậm chí chỉ cần những câu chuyện nhỏ về sự ra đời của một bài hát nào đó nhưng nó thực sự gần gũi với các em và sát với chương trình học.

3. Đánh giá về các ca khúc cho lứa tuổi học trò hiện nay:

Không khó để nhận thấy âm nhạc quốc tế, nhạc trẻ luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của giới trẻ hơn ca khúc thiếu nhi và âm nhạc truyền thống. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cho các em tiếp cận với cái mới, cái hiện đại, mà phải có định hướng cho các em, thậm chí định hướng cả cho các bậc phụ huynh về việc hướng dẫn, thậm chí kiểm soát các em trong vấn đề thưởng thức âm nhạc nói riêng, văn học nghệ thuật, điện ảnh nói chung.

Qua những lần trao đổi, phỏng vấn chúng tôi thấy, nhiều người phàn nàn con em họ chỉ thích nghe nhạc Hàn, nhạc Hoa, chúng có biết gì về nội dung lời ca đâu, chỉ thích bởi tiết tấu hiện đại, phong cách trẻ trung của teen. Và họ cũng chỉ dừng lại ở đó.

Mặt khác, những sáng tác cho thiếu nhi nhiều khi sử dụng tiết tấu và phong cách âm nhạc nước ngoài, hoặc nhiều nhạc sĩ viết lời Việt cho các ca khúc nước ngoài đang thịnh hành, làm giấy lên một phong trào nhạc Hoa lời Việt hoặc nhạc Hàn lời Việt chỉ để câu khách chứ thực tế nhiều bài hát nội dung không có gì phải bàn chưa nói tới có bài lời lẽ tệ hại đến mức khó có thể chấp nhận được. Những bài hát có nội dung tốt, mang tính định hướng thì lại ít được giới thiệu, quảng bá, mà chủ yếu nằm trên giấy. May mắn thì được dàn dựng, giới thiệu, vì những nhạc sĩ có tên tuổi, tôn trọng nghề nghiệp và tâm huyết với trẻ thơ nhưng đời sống của các văn nghệ sĩ còn nhiều khó khăn trong khi thời buổi kinh tế thị trường cái gì cũng cần phải có kinh phí. Vì thế, nhiều sáng tác tuy không có chất lượng nghệ thuật nhưng vì những lý do khác lại đang được giới thiệu tràn lan trên các sân khấu biểu diễn, qua các ấn phẩm băng, đĩa nhạc và qua các phương tiện thông tin đại chúng… Từ chỗ không thích, nhưng không cấm, không định hướng đã trở thành thói quen nghe. Từ việc tự tạo thói quen bằng sự hiểu biết còn hạn chế của lứa tuổi đã dẫn đến nhận thức và hạnh động lệch chuẩn.

4- Một số giải pháp để phát triển sáng tác ca khúc cho nhà trường phổ thông, đồng thời định hướng giáo dục nghệ thuật cho lớp trẻ trong thời gian tới.

Theo suy nghĩ của bản thân, tôi mong mỏi các cấp lãnh đạo, các nhà chuyên môn, những người làm công tác đào tạo cần coi trọng hơn nữa việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường. Coi việc học nhạc là một trong những bộ môn quan trọng để hình thành và hoàn thiện nhân cách cho trẻ, hướng trẻ tới Chân - Thiện - Mỹ. Những vấn đề cơ bản cần điều chỉnh cho phù hợp để làm tốt công tác giáo dục âm nhạc trong nhà trường thời gian tới như:

- Về sách giáo khoa: Những người làm công tác âm nhạc, những nhà chuyên môn cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề xây dựng nội dung chương trình trong khung đào tạo cũng như chương trình hoạt động ngoại khóa một cách cơ bản, khoa học và đầy tính nghệ thuật. Mỗi chương trình học phải phù hợp với lứa tuổi, tâm lý, sinh lý và cả sự hiểu biết của học sinh. Qua 12 năm học, là các em đã khám phá thêm nhiều điều mới, từ những ca khúc thiếu nhi, những bài hát đồng dao, rồi những bài dân ca, những câu chuyện âm nhạc, đến các loại nhạc cụ, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ âm nhạc VN đến với âm nhạc thế giới và lồng ghép trong các bài ngoại khóa bằng việc giới thiệu những bài dân gian đương đại, những tác phẩm nhạc Việt Nam mang phong cách Jazz, Hiphop v.v. Bên cạnh sách giáo khoa, cũng cần có những băng đĩa tiếng, đĩa hình minh họa để các em hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc và tạo hứng khởi cho các em trong mỗi tiết học. Nếu có một bộ giáo trình âm nhạc mang tính hệ thống, đầy đủ và khoa học, chắc hẳn sẽ là cả một kho tàng phong phú để các em khám phá, tìm hiểu và sẽ yêu thích môn học này.

-Về sáng tác: Các sáng tác thiêu nhi của các nhạc sĩ nhiều và đa dạng, tuy nhiên trong khâu quản lý xuất bản chưa thực sự được làm tốt nên hầu như nhiều sách ra mắt bạn đọc bị trùng lặp và không có hệ thống. Muốn thay đổi quan niệm và nhận thức trong vấn đề giáo dục âm nhạc trong nhà trường, nên chăng Bộ giáo dục, các cơ quan ban ngành chức năng liên quan đến việc xuất bản sách giáo khoa cũng nên thực hiện xuất bản những tập bài hát dành riêng cho học sinh phổ thông cơ sở, trung học cơ sở như cuốn bài hát cho tuổi mầm non mà một số nhà xuất bản đã thực hiện.

-Về truyền thông: Các cơ quan báo chí, nhất là Đài Phát Thanh, Truyền hình cần xây dựng nhiều chương trình thưởng thức âm nhạc cho thiếu nhi cũng như những sân chơi âm nhạc cho thiếu nhi nhiều hơn nữa. Một trong những chương trình thiếu nhi đang góp phần quan trọng vào việc giáo dục cũng như phát hiện, bồi dưỡng tài năng âm nhạc và chương trình Đồ- Rê - Mi của Đài THVN, chương trình Em yêu làn điệu dân ca; Kể chuyện bài hát em yêu; Sinh hoạt âm nhạc thiếu nhi của Đài TNVN. Tuy nhiên thế vẫn là chưa đủ. Chúng ta cần phải xây dựng nhiều chương trình hơn nữa, kết hợp giữa nhà trường, các cơ quan thông tin tuyền truyền, các nhà văn hóa để có những sân chơi phù hợp với lứa tuổi, làm lạnh mạnh đời sống văn hóa, tinh thần của các em.

- Về phía gia đình và nhà trường:

Trong giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em, âm nhạc đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tế nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc định hướng giáo dục âm nhạc, cụ thể là chọn nhạc cho trẻ như thế nào cho phù hợp. Ý nghĩa của âm nhạc đối với sự phát triển toàn diện ở trẻ em: Phát triển thể chất, trí tuệ và đặc biệt là nền tảng để xây dựng một thế giới nội tâm phong phú, sâu sắc, hướng đến chân - thiện - mỹ.

Theo một số nghiên cứu khoa học trên thế giới,các bậc cha mẹ nên cho trẻ nghe nhạc ngay từ khi bà mẹ mang thai. Các bản nhạc êm dịu có tác động tốt đến quá trình phát triển của thai nhi ngay trong tiềm thức.

Ở VN, thời của chúng tôi được nghe ông, bà, cha, mẹ hát ru và đến khi sinh con, bế con trên tay không chỉ riêng tôi mà những bà mẹ khác cũng muốn được hát ru con. Có thể hát không hay, nhưng chính những câu nựng nịu, những bài ca dao tục ngữ được hát bằng tất cả tấm lòng, tình cảm của người mẹ dành cho con sẽ dần thấm sâu vào tâm trí của đứa trẻ, tạo cho nó niềm tin, tình mẫu tử thiêng liêng và theo năm tháng hoàn thiện nhân cách của trẻ. Không nên cho con trẻ nghe những loại âm nhạc kích động hay những bài hát của người lớn. Khi trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, nên hát và tập cho trẻ hát hoặc mua đĩa CD, VCD... cho trẻ nghe và xem những ca khúc thiếu nhi có giai điệu nhẹ nhàng vui tươi, các bài hát về con vật, quan hệ gia đình, giáo dục đạo đức hay những khúc dân ca, đặc biệt những bài đồng dao... vừa cho trẻ khám phá cuộc sống, giáo dục sự thương yêu, ý thức cộng đồng và văn hóa truyền thống. Chọn cho trẻ nghe nhạc cổ điển (dù có thể bố mẹ chưa quen, chưa thích nghe nhưng thái độ của bố mẹ với giáo dục âm nhạc rất quan trọng) nhạc cổ điển chính là đỉnh cao, là tinh hoa của âm nhạc nhân loại sẽ phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ và trình độ thưởng thức thẩm mỹ của trẻ sau này. Đã có không ít bậc phụ huynh mua đĩa nhạc cổ điển cho con nghe rồi mê luôn thể loại âm nhạc sang trọng này.

Ở lứa tuổi đi học, khả năng nhận thức và hoạt động thể chất, trí tuệ của trẻ bước sang một giai đoạn mới, chúng ta nên chọn cho trẻ những đĩa nhạc dành cho tuổi thiếu nhi và thiếu niên có ca từ trong sáng, giàu tính nhân văn về bạn bè, thầy cô, gia đình và quê hương đất nước của các nhạc sĩ viết cho thiếu nhi.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, phụ huynh cũng nên cho bé sinh họat âm nhạc ở nhà văn hóa, nhà thiếu nhi hay học chơi một nhạc cụ nào đó mà bé thích. Chính hoạt động đội nhóm sẽ giúp bé có mội trường sinh hoạt âm nhạc lành mạnh, bổ ích.

Các bậc phụ huynh cũng nên nhớ, giáo dục âm nhạc là cả một quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Nó sẽ thẩm thấu từ từ và chuyển hóa thành khả năng cảm thụ, thưởng thức và cả khả năng lựa chọn, sàng lọc để tìm cho mình những loại nhạc thích hợp. Thái độ, nhận thức và định hướng của phụ huynh sẽ là yếu tố quyết định, cùng với việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường để tạo cho trẻ một môi trường, thói quen và từ đó hình thành khả năng cảm thụ, chọn lọc và thưởng thức âm nhạc.

Trên đây là những suy nghĩ mà tôi trăn trở, tuy nhiên để làm thay đổi được quan điểm, nhận thức dẫn tới hành động là cả một quá trình lâu dài, cần sự chung tay vào cuộc của cả một hệ thống các cấp lãnh đạo. Và một điều chúng ta ngại nhắc đến, ngại đưa ra bàn luận bởi không ai đem nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng ra so sách với các thứ vật chất tầm thường khác. Tuy nhiên, cũng vẫn phải nói rằng nếu không có tiền, không có sự đầu tư thỏa đáng của Nhà nước thì việc những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục âm nhạc trong nhà trường vẫn cứ sẽ mãi loay hoay để tìm câu giải đáp: làm thế nào để giáo dục âm nhạc trong nhà trường phát triển, làm thế nào để hướng cho trẻ có một đời sống tinh thần lành mạnh, giúp trẻ phát triển toàn diễn để có một xã hội văn minh, tri thức của thế hệ trẻ VN.

Xin cảm ơn quý vị đã dành thời gian lắng nghe những suy nghĩ của tôi./.