Nội san

Ca khúc cho nhà trường phổ thông - đôi điều suy nghĩ

08 Tháng Tám 2011

Tham luận Hội thảo khoa học

"Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - thực trạng và giải pháp"

 

 

TS. NS. Trịnh Hoài Thu

Trường ĐHSP nghệ thuật TW

 

Gần đây, chúng ta khá quen thuộc với cụm từ “giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông”, một cụm từ hình thành và trở nên thông dụng nhờ sự cải cách giáo dục ở nước ta giai đoạn những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI tới nay. Có thể thấy rằng, môn âm nhạc đã được đưa vào chương trình giảng dạy của các trường tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh,… từ những năm 80 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, âm nhạc trở thành môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông cấp TH và THCS trên phạm vi cả nước chỉ mới hơn chục năm (từ năm 2000 tới nay). Mặc dù việc phổ cập giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông còn khá nhiều vấn đề cần bàn luận, nhưng về cơ bản, nó đã có tác dụng và ảnh hưởng lớn đến giáo dục nhân cách và thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn cho thế hệ trẻ. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng không thể thiếu của âm nhạc đối với việc nuôi dưỡng văn hoá tinh thần cho trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước.

 

Ảnh minh họa (st)

 

Nói như vậy không có nghĩa là chỉ trong nhà trường phổ thông mới có giáo dục âm nhạc mà nghệ thuật âm nhạc (cụ thể là ca hát) đã được hình thành khá sớm trong tâm trí của chúng ta ngay từ khi còn nằm nôi trong lời ru của bà của mẹ. Kể từ những ngày đầu của Tân nhạc nước ta tới nay, đã có biết bao thế hệ nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, trong số đó có những nhạc sĩ mà tên tuổi và các ca khúc của họ đã trở thành quen thuộc trong trí nhớ thời thơ ấu của nhiều thế hệ người Việt Nam như: Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Hoàng Long-Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích… Nhìn lại chặng đường sáng tác âm nhạc mới Việt Nam, mảng ca khúc thiếu nhi đã có nhiều tác phẩm để đời và gắn bó mật thiết với tuổi thơ, nổi bật là giai đoạn 70-80 của thế kỷ XX. Những ca khúc thiếu nhi giai đoạn này với lời ca giản dị, mộc mạc nhưng giàu chất thơ; giai điệu hồn nhiên trong sáng, có nhiều bài dí dỏm, vui tươi, tiết tấu đều đặn, nhịp nhàng…nên rất phù hợp với lứa tuổi trẻ thơ bởi sự dễ nhớ, dễ thuộc và sâu sắc về phương diện nghệ thuật. Nhưng từ giai đoạn những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, trước những biến động của thời kinh tế thị trường, sự tràn lan du nhập của nhiều thể loại âm nhạc nước ngoài đã ảnh hưởng lớn đến sáng tác ca khúc thiếu nhi nhất là những đề tài viết cho nhà trường phổ thông. Xét về số lượng thì các sáng tác ca khúc cho thiếu nhi giai đoạn này khá nhiều, với hàng ngàn tác phẩm. Tuy nhiên, ca khúc được đọng lại trong ký ức tuổi thơ và công chúng thì không nhiều. Tìm hiểu về thực trạng vấn đề này chúng tôi thấy nổi lên một số điểm.

Trên thực tế, các ca khúc thiếu nhi do các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác thường phục vụ cho các lứa tuổi sau:

            - Lứa tuổi mầm non - mẫu giáo

            - Lứa tuổi Tiểu học

            - Lứa tuổi THCS

Trong đó, những ca khúc viết cho lứa tuổi mầm non và tiểu học chiếm đa số. Có phải là do đặc điểm tâm lý nên viết ca khúc cho lứa tuổi này dễ được trẻ chấp nhận hơn chăng? Trong khi đó, các ca khúc viết cho lứa tuổi THCS và đặc biệt là lứa tuổi Trung học phổ thông (THPT) thì rất thưa thớt.

 Chúng ta biết rằng, các ca khúc viết cho thiếu niên nhi đồng trong thời gian qua thường được phổ biến trong giáo dục âm nhạc ở các cấp học phổ thông, ngoài những bài ca khúc được lựa chọn đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khoá thì những hoạt động ngoại khoá, những phong trào của Đoàn thanh niên và Đội thiếu niên tiền phong, những hội thi, hội diễn văn nghệ và những buổi biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn trong nhà trường chính là môi trường sống của ca khúc thiếu nhi. Bằng những hoạt động văn hoá văn nghệ trong nhà trường, chúng ta sẽ thấy được bài hát nào hay thể loại âm nhạc nào được lớp trẻ ngày nay yêu thích. Mặc dù có những ca khúc thiếu nhi được các em cho là hay và thích hát chưa hẳn là những bài có chất lượng nghệ thuật. Bên cạnh đó, lại cũng có rất nhiều bài đã bị chìm rơi vào quên lãng ngay sau khi ra đời. Tại sao lại như vậy, vì bài hát dở quá chăng? Cách đây hơn 5 năm, một bài viết của Châu Bi đăng trên báo điện tử Việt Báo.vn có tựa đề “Ca khúc hay viết về nhà trường: ngày càng thiếu vắng” đã có đề cập đến vấn đề này. Bài báo đã cho thấy một hiện thực về đời sống của lứa tuổi học trò hiện nay đã có rất nhiều biến đổi so với thời đại trước. Bài báo có đoạn “các trường học ngày nay đã khác trước nhiều, trẻ em tới lớp cũng đầy đủ hơn…tất cả là hiện diện cho một cuộc sống có phần nào dư giả của ngành giáo dục. Song, cùng với mặt tích cực và mặt trái của sự dư giả, đó dường như chính là sự đang khô cằn của tâm hồn. Lũ trẻ bây giờ tới lớp ít hồn nhiên hơn trước, cả đội ngũ các thầy cô giáo cũng vậy…Rộn ràng trong hành lang lớp học những khi tan giờ, lũ trẻ con bé tí quàng khăn đỏ hay nghêu ngao những bài hát rặt chỉ những lời yêu…hận và thương…hận! các ca khúc viết về nhà trường thì trở nên trơn tuột và lạc lõng khi cứ bám mãi vào chủ đề tiếng ve và hoa phượng nở trong khi sân trường trụi lủi chẳng có mấy gốc cây và thường xuyên ồn ã âm thanh của người xe qua lại vọng vang…đã đến lúc cần lắm việc vun đắp cho tâm hồn con trẻ bằng những tình cảm với mái trường như những năm về trước”. Đó chính là hồi chuông báo động cho các ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay. Thiết nghĩ, chúng ta những nhạc sĩ sáng tác đừng đổ lỗi hoàn toàn cho các em đã không biết trân trọng những giá trị âm nhạc đích thực mà chúng ta cần tìm hiểu các em nhiều hơn, có thực tế sáng tác hơn, để các ca khúc cho lứa tuổi học trò không sáo mòn trống rỗng mà nó phải là hoà nhịp với tâm hồn các em, như hình ảnh của các em, của thầy cô và mái trường trong thời hiện tại. Đồng thời, cũng cần phải có nhiều hơn nữa những ca khúc cho tuổi teen (theo tiếng Anh đó là tuổi teen-age để chỉ các em ở độ tuổi từ 13 đến 19) hay là lứa tuổi THCS và THPT để các em có đời sống âm nhạc theo đúng “giai điệu tuổi hồng” của mình, có lối sống trong sáng lành mạnh hơn. Ngoài ra, về mặt giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông cũng phải có sự điều chỉnh về nội dung chương trình môn âm nhạc. Thay một số ca khúc có âm vực rộng không phù hợp với giọng hát của thiếu nhi, cần bổ sung thêm vào chương trình dạy học hát ở trường phổ thông những làn điệu dân ca các vùng miền để các em thêm yêu quê hương đất nước và góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc./.