Nội san

Một thế hệ mới

08 Tháng Tám 2011

 

“Trầu này trầu tính trầu tình

Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”

(Dân ca)

“Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh”

(Vi Thùy Linh)

 

Cũng như nghệ thuật trừu tượng, càng bị phản đối càng phát triển và chỉ bình thường sau khi trở thành một thể loại hội họa không còn thời thượng, nghệ thuật Sắp đặt đã và đang bị phản đối cũng bắt đầu được công nhận ở nước ta. Người ta cho rằng nghệ thuật này có mầm mống từ sự chuyển đổi các nghệ thuật thị giác vào không gian ba chiều thực, phá vỡ các tiêu chí truyền thống, thậm chí chấp nhận sự phản nghệ thuật, như một cách để thay đổi.

Sáng tác với một tinh thần vô chính phủ, nghệ sỹ người Mỹ gốc Pháp Marcel Duchamp (1887 - 1968) từng mang cái bồn vệ sinh và cánh cửa nhà mình đến triển lãm, có lẽ là để nói với từng nghệ sỹ đương thời rằng nên đổi mới hoàn toàn, đừng nghĩ đến quá khứ nữa, hơn là cho rằng đó là tác phẩm nghệ thuật. Năm 1938, ông trưng bày tác phẩm 1.200 bao than rải trên nền nhà và đóng đinh lên tường. Đến những năm 1960, các nghệ sỹ Pop-art đưa ra những tác phẩm có tính đại chúng cả về cách thức và quy mô nghệ thuật, loại bỏ tính bác học, truyền thống của nghệ thuật trong các bảo tàng, viện hàn lâm và các sa-lon. Sự dư thừa vật chất của đời sống công nghiệp tạo cơ sở gợi ý tinh thần và vật chất sáng tạo cho các nghệ sỹ nhặt nhạnh chổi cùn rế rách của đồ thải công nghiệp hình thành tác phẩm. Cho đến những năm 1970 thì nghệ thuật Sắp đặt đã trở nên phổ biến ở phương Tây, rồi phương Đông vào cuối thế kỷ.

 

Minh họa: Lương Minh Giang

 

Trong vòng 15 năm qua, Sắp đặt hấp dẫn các nghệ sỹ trẻ Việt Nam, chắc chắn là do các nghệ sỹ trẻ giai đoạn đầu Đổi mới khi ra nước ngoài trình bày triển lãm hội họa đem về. Nghệ thuật Sắp đặt Trung Quốc hiện đại và Đông Nam Á thường xuyên có thông tin vào Việt Nam khiến nghệ sỹ từ già đến trẻ phản ứng gay gắt với Sắp đặt, Trình diễn và Video Art. Thậm chí, đến tận bây giờ các cơ quan quản lý văn hóa vẫn mời giới biểu diễn và điện ảnh thẩm định Trình diễn và Video Art, tức là họ vẫn chưa quan niệm nó thuộc về mỹ thuật. Cuộc triển lãm Sắp đặt toàn quốc lần này do đích thân Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh (Bộ VH-TT), Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức (với 2/3 kinh phí tài trợ của Quỹ Thụy Điển và Quỹ Đan Mạch), với cách đặt vấn đề có tính thể nghiệm, tức là xét duyệt rất chặt chẽ và giới hạn chủ yếu trong các nghệ sỹ trẻ (rất nhiều còn là sinh viên), đồng thời bỏ đi một số các tự bạch của nghệ sỹ vốn là một phần của nghệ thuật Sắp đặt và chính ở đây bộc lộ những bất cập của quản lý văn hóa. Bởi rằng những nhà quản lý chẳng biết nhiều về những cái họ được quản lý; hoặc là nó quá mới, mà các quy định cũ khó áp dụng được. Khi ngồi với nhau, những người lớn tuổi chúng tôi bảo nhau rằng lớp nghệ sỹ 20-30 tuổi hiện nay là một thế hệ khác, một cách nghĩ khác, không còn điểm gì chung ngay cả với những người kế cận trước. Nguyễn Quân nói rằng: Những người làm Sắp đặt, Trình diễn như Đặng Thị Khuê, Bảo Toàn, Đào Anh Khánh đối với họ đã là “Cổ điển” rồi. Ông cũng không quên nói rằng: Vô khối những sáng tác mới là hời hợt, phù hợp với sự hời hợt của công chúng hiện nay. Điểm đáng lưu ý này, chúng ta còn phải bàn kỹ hơn. Trong cuộc Tọa đàm sau triển lãm, một nghệ sỹ trẻ miền Nam mang lên hai tờ giấy. Một tờ anh gập cẩn thận, nhỏ dần, một tờ vo viên lại. Anh nói đó là hai cách làm (nghệ thuật), cách đầu có thể là bài bản, trường quy, cách sau thì trực tiếp và đầy cảm xúc, nhưng cũng là tờ giấy thôi. Tôi thầm nghĩ: Hàng chục ngàn năm con người lấy đất nặn gốm, mới có gốm Lý, gốm Trần. Nay vo viên cục đất mang lên, cũng có thể là gốm, nhưng bàn tay nào, ai nung, để cục vo viên ấy là một sản phẩm văn hóa. Nghệ thuật Sắp đặt, Trình diễn và Video art tương đối thoải mái về hình thức và cách diễn đạt, chính vì vậy, nó cần cái bệ đỡ văn hóa, cái mà những nghệ sỹ trẻ đang làm rất thiếu, nói đúng hơn là thiếu một chiều sâu văn hóa. Đương nhiên họ chú ý rộng rãi đến nhiều mặt của cuộc sống, không ngại va chạm và trình bày lại nó một cách bộc trực, cố gắng tìm những tiếng nói biểu hiện. Sự an toàn thông qua bao cao su, chiếc tạp dề bằng thịt bò... mà văn nghệ cũ hoặc ít đả động đến hoặc nói một cách tế nhị thì các nghệ sỹ trẻ không ngần ngại nói toạc ra. Điểm này làm cho không ít Sắp đặt mang tính gây sốc, bất chấp người xem có chấp nhận được hay không.

Dù còn non trẻ, nhưng nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam đã có những lối mòn trong cách thức sáng tác. Những hình thức buộc dây, túi nilon, đan tre pheo, hộp giấy, căng phông màn... lặp đi lặp lại mà những cấu trúc tác phẩm chưa thực sự mới, còn phụ thuộc quá nhiều vào bố cục hội họa và điêu khắc. Nhiều cách vận dụng lại từ Sắp đặt nước ngoài, như treo dàn nón, dây đèn, đổ sơn tung tóe, làm nhà gỗ dán ảnh. Chất liệu và sự đầu tư của nghệ sỹ ta cũng ít ỏi và nghèo nàn trong các ý tưởng đơn tuyến, khiến cho ít tác phẩm có chiều sâu và khả năng lưu giữ lâu dài. Sự vội vã hành chính hóa và vơ lấy cái mà trước ta từ chối cũng là một hài hước nữa còn kỳ khôi hơn là những ý tưởng quá mới mẻ. Chúng ta thiếu một không gian triển lãm chuyên nghiệp cho Sắp đặt và một Bảo tàng cho nghệ thuật hiện đại nói chung, cũng như nhất thiết phải có một khu vực triển lãm thử nghiệm để cho những sáng tác quá mới chưa thể đưa ra bên ngoài, như thế mới khỏi lãng phí những cuộc trưng bày vừa công phu vừa tốn kém mà đại quần chúng vẫn chưa thưởng thức hết./.

 

Phan Cẩm Thượng

TTVH tháng 3-2007